“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Câu này nghe mãi rồi, nó lặp đi, lặp lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như các diễn đàn, các cuộc tọa đàm, hội thảo khi người ta nói về tương lai của trẻ nhỏ. Nhưng thực tế hàng ngày, thì vẫn nhiều đứa trẻ bị chết bởi quá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bị bạo hành. Con số thống kê 7.000 đứa trẻ chết mỗi năm ở nước ta nói lên điều gì? Có ai trong số chúng ta không đau lòng khi nghe tin cháu Đỗ Doãn Lộc, 8 tuổi, bị cha đẻ dùng thanh giát giường đánh trọng thương đã qua đời trong bệnh viện? Trước đó, cháu đã từng bị đánh dã man như thế mà không ai can thiệp. Đứa bé ấy có phải chỉ là một đơn vị trong 7.000 hay nó đã được nhân lên ở các con số hàng trăm, hàng ngàn…?
Không chỉ tai nạn, bệnh tật khiến đứa trẻ qua đời trong oan ức, bạo hành gia đình dẫn đến những cái chết tức tưởi cho những sinh linh bé nhỏ. Và con người, nếu còn chút lương tâm, sẽ cần phải biết cái phần thú trong mình nó tàn bạo biết nhường nào. Loài người đang bị thoái hóa và trở về bản năng động vật hoang dã? Là lúc con người nóng giận, tổn thương vì đã từng bị chà đạp… họ phải trút xuống một kẻ yếu hơn? Không may, đứa con, vốn đã bị đè nén trong tầng tầng lớp lớp trầm tích của những quan niệm sở hữu, thuộc về cha mẹ nó và trở thành nạn nhân đầu tiên.
Nếu như ngày trước, một đứa trẻ nghe câu: “Nếu tao biết mày cãi lời như vậy tao đã bóp mũi cho mày chết lúc mày ra đời!” Và người làm cha mẹ nói câu đó như một lời… như không, cho rằng nó vô hại vì điều đó là lẽ đương nhiên.
Trong một xã hội mà đứa con không được xem như một thực thể con người được tôn trọng, chỉ là vật sở hữu của cha mẹ nó, ngay lập tức, người ta có thể sử dụng nó như một công cụ để sai khiến và đập chết nó khi cần thiết. “Đập chết”, cần hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là sự cấm đoán, áp đặt, giết chết mọi mơ ước và khát vọng, cũng như những nhu cầu thiết yếu của một đứa con – đang là vật sở hữu của người lớn. Nhưng tại sao điều này, ở những nước nghèo đói và chậm phát triển lại nhiều hơn những nước khác - nơi mà quyền con người – một quyền tự nhiên không thể chối cãi được Hiến pháp ghi nhận và tôn trọng?
Đọc trong bài Diễn văn Gettysburg của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, có đoạn: “Một quốc gia mới, được thai nghén trong tự do”, chúng tôi tự hỏi, tại sao tất cả những ông bố, bà mẹ khi tạo ra một đứa trẻ, không thai nghén nó trong tự do? Không cho nó cái tự do được sinh ra mà cho rằng nó được sinh ra nhờ mình, ắt nó phải phụ thuộc vào mình và cuối cùng nó phải là “tài sản” của mình, để mình sử dụng, đánh đập, hành hạ, hiếp đáp và giết chết mọi ý thức làm một con người có quyền bình đẳng từ trong trứng nước.
Người bạn tôi làm công tác xã hội, hoạt động chủ yếu của cô là hỗ trợ kiến thức cho các bà mẹ ông bố nuôi con, trong đó thai giáo là phần việc quan trọng để tạo ra một đứa trẻ hoàn chỉnh về thể xác và tinh thần. Nhưng dẫu cho những bài thai giáo ấy có cảm động và ý nghĩa thế nào, tôi vẫn thấy thiếu hẳn những bài ca, lời hát ru dạy cho con người ý thức về tự do của mình, sống thế nào để vượt lên một đời sống nô lệ vào kẻ khác. Cho nên, khi đứa trẻ sinh ra đời, một sinh linh yếu đuối đã bị đớn hèn ngay từ lúc người lớn ẵm bồng nó, chăm sóc nó, dạy dỗ nó và họ tự cho mình cái quyền được cai quản và áp đặt cuộc đời của nó.
Hậu quả là nếu nó không chết trong tay cha mẹ nó, nó cũng chết trong tay những kẻ mạnh khác giữa đời sống mà bạo lực của cái ác đang đồng hành với quyền lực, tiền bạc và sự vô cảm.
Ngân Hà
Ảnh: Ngoisao.net