1. Quy phạm tôn giáo
“Tôn giáo” bắt nguồn từ thuật ngữ “religion” (tiếng Anh) và “religion” lại xuất phát từ thuật ngữ “legere” (tiếng Latinh) có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Bất cứ tôn giáo nào cũng đều chỉ là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc người ta những sức mạnh ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh mà trong đó những sức mạnh ở thế gian đã mang hình thức sức mạnh siêu thế gian”[1], tôn giáo là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo ra và đến lượt nó lại quay trở lại thống trị con người về tinh thần. Theo Mác: “Tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại để mất bản thân mình một lần nữa”[2], còn Lênin cho rằng: “Trong xã hội hiện đại hoàn toàn xây dựng trên sự bóc lột của một thiểu số không đáng kể dân cư, thuộc các giai cấp địa chủ và tư bản, đối với quảng đại quần chúng giai cấp công nhân”[3], thì “sự áp bức công nhân về mặt kinh tế nhất định gây nên và đẻ ra mọi hình thức áp bức chính trị đối với quần chúng, làm cho địa vị xã hội của quần chúng thấp kém đi, làm cho đời sống tinh thần và đạo đức của quần chúng mê muội và tối tăm”[4]. Chính “sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng giống y như sự bất lực của người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép màu...”[5].
Theo khoản 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Việt Nam: “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.
Từ khái niệm trên, có thể thấy, về bản chất, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội. Về mặt hình thức biểu hiện, mỗi tôn giáo bao gồm hệ thống các chuẩn mực (giáo lý), các quy định về kiêng cữ, cấm kỵ (giáo luật), các hình thức về thờ cúng, lễ bái (giáo lễ) và những cơ sở vật chất để thực hiện các nghi lễ tôn giáo (giáo đường - cơ sở thờ tự).
Một tôn giáo được thừa nhận là dòng tôn giáo thực sự khi nó có giáo chủ, giáo hội, giáo dân và giáo lý. Trong đó, giáo lý chính là những chuẩn mực tôn giáo. Đó là hệ thống các quy tắc, yêu cầu được xác lập dựa trên những tín điều, triết lý tôn giáo, những quy ước về lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo, được ghi chép và thể hiện trong các bộ sách kinh điển của các dòng tôn giáo khác nhau.
Chuẩn mực tôn giáo là loại chuẩn mực xã hội thành văn. Tính chất thành văn của chuẩn mực tôn giáo thể hiện ở các giáo điều, giáo lý, những lời răn dạy được ghi chép trong các bộ kinh của các tôn giáo khác nhau, như Kinh Thánh (của Thiên Chúa giáo), Kinh Phật (của Phật giáo) hoặc Kinh Coran (của Hồi giáo). Ví dụ, giáo lý nhà Phật mặc định rằng một người quy y Phật phải tuân theo “ngũ giới” (năm điều cấm), bao gồm không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu. “Ngũ giới” được ghi trong Kinh Phật, thể hiện tính chất thành văn của chuẩn mực tôn giáo.
Giá trị của các chuẩn mực tôn giáo bao gồm cả những tác động tích cực và những tác động tiêu cực tới nhận thức, hành vi của con người. Những tác động tích cực thể hiện ở chỗ, chuẩn mực tôn giáo đề cao tính thiện, phê phán tính ác, định hướng cho hành vi xã hội của con người. Một số chuẩn mực của Thiên Chúa giáo mang tính nhân văn sâu sắc: Đề cao tình yêu thương giữa con người với nhau, tôn trọng mọi giá trị của tín đồ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, hướng các cá nhân tới điều thiện. Phật giáo khuyên con người sống “từ bi”, gần gũi cái thiện, tránh xa cái ác. Ngược lại, khi chuẩn mực tôn giáo bị hiểu và vận dụng một cách cực đoan, có thể gây ra những tác động tiêu cực, như dễ làm phát sinh nạn cuồng tín, tệ phân biệt chủng tộc, sự kì thị dân tộc; nó có thể “ru ngủ”, làm “tê liệt” ý chí của con người trước những bất công xã hội. Trong lịch sử xã hội, khía cạnh này của chuẩn mực tôn giáo thường được các giai cấp thống trị sử dụng như một thứ công cụ áp bức tinh thần, một phương tiện củng cố địa vị thống trị của họ.
Dưới góc độ khoa học xã hội, “điều chỉnh hành vi của con người” thường gắn thuật ngữ “quy phạm” với nghĩa là quy tắc xử sự. Theo đó, quy phạm tôn giáo là hệ thống các quy tắc, yêu cầu được xác lập dựa trên những tín điều, giáo lý tôn giáo, những quy ước về lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo. Các quy phạm này được ghi chép và thể hiện trong các bộ sách kinh điển của các dòng tôn giáo khác nhau. Được truyền từ đời này qua đời khác, mang đến giá trị lịch sử, văn hóa.
Như vậy, quy phạm tôn giáo là bộ phận thuộc vào quy phạm xã hội, thể hiện các chuẩn mực, là các nguyên tắc cho thành viên của tôn giáo. Người đứng đầu dùng các quy phạm này để quản lý, giải quyết các công việc phát sinh của tổ chức. Đây là những quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với con người trong một phạm vi, cộng đồng nhất định (trong tôn giáo).
2. Mối quan hệ giữa quy phạm tôn giáo và quy phạm pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội
Pháp luật và tôn giáo có mối quan hệ qua lại và tác động lại và ảnh hưởng lẫn nhau, cùng với các loại quy phạm xã hội khác như phong tục quán, đạo đức..., chúng góp phần tạo nên sự ổn định và trật tự của xã hội. Pháp luật chỉ có hiệu lực thật sự khi người dân tiếp nhận và thi hành một cách tự giác. Yếu tố phong tục tập quán cùng với tín điều tôn giáo chính là điều kiện khách quan giúp cho pháp luật gần với đời sống của người dân. Vì vậy, khi xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thì không thể bỏ qua các yếu tố tác động của quy phạm tôn giáo.
Từ trước đến nay tôn giáo luôn tồn tại khách quan. Bản thân pháp luật không tạo ra quy tắc tôn giáo. Tuy nhiên, quy phạm tôn giáo thay đổi hay mất đi do nhiều yếu tố khách quan tác động, trong đó có pháp luật. Pháp luật, với sức mạnh vốn có mà các quy phạm xã hội khác không có được đã tác động mạnh mẽ đến quy phạm tôn giáo. Với nội dung tiến bộ, pháp luật sẽ ảnh hưởng tích cực tới chuẩn mực tôn giáo, cụ thể: Khi một tôn giáo có các tư tưởng, quan niệm giáo điều không phù hợp với xã hội hiện tại, gây cản trở, kìm hãm sự phát triển, tác động xấu đến xã hội thì pháp luật sẽ điều chỉnh hay kìm hãm tính tiêu cực đó. Mặt khác, pháp luật góp phần tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển và cùng đó là các quy phạm tôn giáo được vận hành hiệu quả. Bởi vì, pháp luật chính là khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn giáo một cách nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả trên quy mô lớn.
Quy phạm tôn giáo với ưu thế nhất định trong đời sống hàng ngày lại ảnh hưởng đến pháp luật theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Hầu hết các tôn giáo đều có các giáo lý, giáo điều, luôn khuyên răn con người làm việc thiện, góp phần xây dựng tình đoàn kết nội bộ, giải quyết linh hoạt, kịp thời, có tình, có lý các mâu thuẫn trong cộng đồng, điều này hỗ trợ cho việc hoàn thiện pháp luật. Xuất phát từ tình hình thực tế, pháp luật có thể dự báo trước được nguy cơ mà tôn giáo đem đến hay phát hiện ra những bất cập thiếu sót trong hệ thống pháp luật hiện hành, từ đó, pháp luật sẽ được Nhà nước điều chỉnh để hoàn thiện hơn. Ngoài ra, những tín điều, giáo lý hầu hết là khuyên con người hướng thiện và khi các tín đồ của tôn giáo thực hiện theo những tín điều này thì phần nào giúp cho xã hội ổn định, phát triển. Như vậy, nhờ quy phạm tôn giáo mà công việc quản lý, kiểm soát xã hội của pháp luật cũng thuận lợi hơn. Ngược lại, quy phạm tôn giáo cũng có tác động tiêu cực đến pháp luật, vì các tín điều, giáo lý tôn giáo không phù hợp với đạo đức xã hội, xâm hại đến sức khỏe, danh dự, tính mạng của con người, hay trường hợp một số cá nhân, tổ chức còn lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi riêng, gây mất đoàn kết trong nhân dân... Điều đó, khiến pháp luật phải phát huy tác động ngược trở lại, để ngăn chặn và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của những chuẩn mực tôn giáo ấy.
3. Tác động của các giá trị tôn giáo với pháp luật
Thứ nhất, chuẩn mực tôn giáo giúp cho hoạt động xây dựng pháp luật của Nhà nước. Khi đến một giai đoạn nhất định, rất nhiều những tín điều tôn giáo được Nhà nước thừa nhận và trở thành các quy phạm pháp luật được áp dụng chung cho mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Các tín điều tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ. Như vậy, có thể khiến các tín điều tôn giáo phù hợp với pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán của nước ta trở thành các quy phạm pháp luật thì hiệu quả của thực hiện pháp luật sẽ được nâng cao. Ví dụ: Trong Kinh thánh của đạo Thiên chúa giáo có quy định về hôn nhân một vợ một chồng, quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định về hôn nhân của nước ta trong Luật Hôn nhân và gia đình.
Thứ hai, tôn giáo đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề đạo đức cụ thể của cuộc sống. Trên thực tế, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo có ý nghĩa nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội, hơn nữa, nó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà làm luật đưa ra những quy định phù hợp với ý chí nhà nước và nhân dân cũng như trong việc phát hiện ra những “lỗ hổng”, những thiếu sót trong pháp luật hiện hành. Ví dụ: Giáo lý của nhà Phật yêu cầu người xuất gia, tu hành phải tuyệt đối tuân theo “ngũ giới”, bao gồm không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu. Ta có thể thấy được một số điều răn của đức Phật tương đối phù hợp với chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật của nước ta.
Thứ ba, tôn giáo giúp san sẻ một phần “gánh nặng” cho pháp luật. Hầu hết các tín điều giáo lý đều răn dạy con người phải biết làm điều thiện, giúp đỡ người khó khăn, tránh làm việc ác. Khi các tín đồ thực hiện những lời răn dạy đó thì đã phần nào giúp xã hội ổn định và phát triển. Hơn nữa, có những tín điều giáo lý phù hợp với pháp luật, khi các tín đồ thực hiện những tín điều đó thì đó cũng là một hành động thực hiện pháp luật. Ví dụ: Kinh mười điều răn của Chúa trong Thiên chúa giáo khuyên răn con người nên làm điều thiện, tránh điều ác, chớ nói dối, chớ nảy sinh lòng tham. Những điều răn này hoàn toàn phù hợp với mục đích của pháp luật trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, khi con người nghe theo những lời răn này thì cũng có nghĩa là họ đang chấp hành pháp luật.
Tuy các chuẩn mực tôn giáo có nhiều ảnh hưởng tích cực tới hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật nhưng nó cũng có những biểu hiện tiêu cực, tác động đến xã hội. Các tổ chức tôn giáo ngày nay không chỉ hoạt động trong phạm vi trong nước mà còn liên quan đến các tôn giáo nước ngoài gây khó khăn trong hoạt động quản lý của Nhà nước, không những thế, lợi dụng tinh thần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, rất nhiều tổ chức tôn giáo tự phát, tự do hoạt động mặc dù không được Nhà nước cho phép gây ảnh hưởng đến trật tự và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, một số lễ nghi tôn giáo còn mạng nặng những tư tưởng lạc hậu, trái pháp luật, tình trạng lợi dụng tôn giáo để biểu tình, chống phá Đảng và Nhà nước diễn ra ngày càng đáng lo ngại. Các thế lực thù địch bên ngoài hoạt động xuyên tạc các chủ trương chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, còn tăng cường vu cáo nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, dân quyền gây mâu thuẫn giữa giáo dân và Nhà nước.
4. Giải pháp phát huy giá trị của quy phạm tôn giáo để tác động tích cực đến các quan hệ xã hội trong bối cảnh mới
Có thể nói, pháp luật và tôn giáo có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển và hoàn thiện. Ở một phương diện nào đó, chúng đều là những công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, có một số chức năng tương tự như nhau để duy trì, quản lý đời sống xã hội phục vụ mục đích chung của cộng đồng xã hội. Vì vậy, theo tác giả, cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị của quy phạm tôn giáo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo hướng:
Một là, thừa nhận, khai thác, phát huy những tín điều, giáo lý tốt đẹp của tôn giáo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt trong cộng đồng giáo dân, nhất là trong tình hình hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, đạo đức xã hội đang xuống cấp thì việc phát huy tác dụng của đạo đức tôn giáo sẽ giúp pháp luật giảm bớt gánh nặng, góp phần ổn định trật tự xã hội. Trong các tôn giáo có rất nhiều những giáo lý, giáo luật quy định phải sống thân thiện với môi trường, con người phải hài hòa và yêu thương thiên nhiên. Các tôn giáo khuyến khích tín đồ cũng như tất cả mọi người hãy bảo vệ môi trường hoặc bản thân các tôn giáo cũng tham gia vào chương trình bảo vệ môi trường của Nhà nước. Trong những năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào và hiện có 63 tỉnh, thành phố ký kết chương trình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Các tôn giáo có những cách làm rất hay, họ tác động đến nhận thức trước, sau đó mới bắt đầu tác động thay đổi hành vi, từ hành vi cá nhân rồi tới gia đình, cộng đồng… tạo ra sự lan tỏa để chúng ta có môi trường sống bền vững. Ngoài ra, tôn giáo tham gia vào lĩnh vực bảo trợ xã hội và cũng đã mang lại hiệu quả cao.
Hai là, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, có tôn giáo nội sinh (đạo Cao đài, đạo Hòa hảo), có tôn giáo ngoại nhập (như Công giáo, Tôn giáo, đạo Tin lành, Phật giáo, Hồi giáo) cùng tồn tại và phát triển, nên việc bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đoàn kết đồng bào theo đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu pháp luật nước ta không bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo thì chúng ta không thể tập hợp được quần chúng các tín đồ tôn giáo và sẽ tạo ra các “kẽ hở” để cho các thế lực thù định thực hiện âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá Nhà nước.
Ba là, pháp luật về tôn giáo vừa phải bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân, vừa phải là phương tiện đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, bài trừ mê tín, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, pháp luật về hoạt động tôn giáo phải được xây dựng trên tinh thần thực sự tôn trọng đức tin tôn giáo của các tín đồ. Đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, cần phải được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ, chống mọi tư tưởng đánh đồng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với hoạt động mê tín, dị đoan, với hoạt động lợi dụng nhằm gây khó khăn cho các hoạt động tôn giáo chính đáng, hợp pháp. Pháp luật phải giúp tôn giáo phát huy những mặt tích cực thể hiện trong giáo lý, giáo lễ của tôn giáo. Đồng thời, pháp luật cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tham gia cùng với Nhà nước và xã hội giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh như: Phòng, chống các tệ nạn xã hội, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo… Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt động tôn giáo phải nghiêm cấm các hoạt động lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bốn là, pháp luật về tôn giáo không can thiệp vào nội bộ của tôn giáo, nhưng phải bảo đảm mọi hoạt động của tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.
TS. Trần Kim Liễu
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1994, tập 20, tr. 437.
[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tập 1, tr. 569.
[3]. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1979, tập 12, tr. 169.
[4]. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1979, tập 12, tr. 169.
[5]. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1979, tập 12, tr. 169 - 170.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)