Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ứng xử của các địa phương đối với người dân về quê ăn Tết rất khác nhau; vấn đề người lao động tăng ca, làm thêm giờ; giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP…
Kỳ họp “bất thường” có thể trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên họp kéo dài trong hai ngày để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 2 với 268 đại biểu đã phát biểu tại tổ, 34 đại biểu phát biểu tại hội trường và 08 ý kiến góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao Dự án luật Chính phủ trình Quốc hội, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cơ quan thẩm tra nhiều lần làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.
Về quyết định vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 2).
Chủ tịch Quốc hội cho biết nếu việc này được làm sớm thì việc phân bổ vốn hoặc điều chỉnh vốn sớm sẽ tạo điều kiện cho công tác giải ngân. Từ trước đến nay giải ngân là điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện, lần này Chính phủ có điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư 2021-2025 trong khung Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, chưa tính đến danh mục trong gói Chương trình chính sách tài khóa và tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân; Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội; về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, về Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại phát biểu bế mạc Kỳ họp, việc tổ chức thành công chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, hàm ý đặt tên Kỳ họp bất thường lần thứ nhất là có thể có lần 2, lần 3 để xem xét những vấn đề bức xúc, quan trọng hoặc chuyên đề xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đặt ra nhiệm vụ lập pháp rất nặng nề với 137 nhiệm vụ lập pháp, nếu chỉ có hai kỳ họp một năm thì nhiều nhất cũng chỉ có 73 luật trong nhiệm kỳ; đồng thời nhấn mạnh việc có tổ chức các kỳ họp còn phụ thuộc vào công tác chuẩn bị và phối hợp. Do đó, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ họp khác nếu cần thiết.
Chính phủ và Thủ tướng cần có hướng giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm
Cũng trong ngày đầu làm việc của Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và xem xét Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.
Theo đó, về việc bổ sung hình thức huy chương thanh niên xung phong vẻ vang tại dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các ý kiến thảo luận cơ bản đồng tình nên có hình thức khen thưởng cho thanh niên xung phong; Đảng đoàn Quốc hội sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án trao tặng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang.
Việc xét các tiêu chí, tiêu chuẩn đê trao tặng huy chương này, các đại biểu cho rằng, có thể cao hơn về phạm vi, yêu cầu so với phương án Chính phủ trình, song không được cao hơn tiêu chuẩn khen thưởng của quân đội. Các đại biểu cho rằng, việc trao tặng huân chương không mất mát gì và còn có ý nghĩa động viên. Trong khi đó sự tham gia của thanh niên xung phong trong kháng chiến là rất lớn không kém gì bộ đội.
Về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung nổi cộm, kiến nghị của cử tri từ nay đến Tết nguyên đán. Bên cạnh vấn đề kinh tế - xã hội, vấn đề ùn ứ, vận chuyển hàng hóa nông sản cũng là nội dung được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm.
Vấn đề khác nổi lên gần đây liên quan đến thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản, thị trường chứng khoán, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ứng xử của các địa phương đối với người dân về quê ăn Tết rất khác nhau; vấn đề người lao động tăng ca, làm thêm giờ; giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP… Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Thủ tướng quan tâm, xem xét và có hướng giải quyết các vấn đề này.
(Theo baophapluat.vn)