1. Khái quát chung về đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền
Kết hôn không đúng thẩm quyền là việc đăng ký kết hôn không được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Đây là trường hợp hai bên nam, nữ đã đáp ứng đủ điều kiện kết hôn hoặc vẫn vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước không có thẩm quyền đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật hộ tịch. Đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền có thể xảy ra trong các trường hợp: (i) Cả hai bên nam, nữ cùng cư trú tại một nơi nhưng lại đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân không phải tại nơi cư trú; (ii) Hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân không phải nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ; (iii) Đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật Hộ tịch phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền có một số đặc điểm như sau:
Một là, chủ thể trong quan hệ đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền là hai bên nam và nữ, giữa hai bên có mối quan hệ tình cảm, mong muốn xác lập quan hệ vợ chồng hợp pháp thông qua việc thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn. Đây là điểm khác biệt giữa quan hệ chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ khi họ không được cấp giấy chứng nhận kết hôn - chứng thư pháp lý xác thực quan hệ vợ chồng.
Hai là, hai bên có thể vi phạm điều kiện kết hôn hoặc tuân thủ đầy đủ điều kiện kết hôn. Việc tuân thủ hay vi phạm điều kiện kết hôn không phải là yếu tố nhận diện việc đăng ký kết hôn sai thẩm quyền, do đó, chỉ cần các bên đăng ký kết hôn tại cơ quan không có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn của họ thì được xác định là đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền.
2. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
2.1. Quyền yêu cầu xử lý đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền
Về chủ thể có quyền yêu cầu xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mới chỉ có quy định về quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật tại Điều 10 mà không quy định quyền yêu cầu xử lý trường hợp kết hôn không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP) cũng có đề cập: “Trường hợp việc kết hôn được đăng ký tại không đúng cơ quan có thẩm quyền… mà có yêu cầu Tòa án giải quyết thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này”. Với quy định này, có thể hiểu, quyền yêu cầu giải quyết trường hợp đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền dành cho chính các đương sự trong quan hệ đó. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân người trong cuộc sẽ rất ít khi yêu cầu xử lý quan hệ của chính họ. Do đó, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan thì “cần phải bổ sung quy định về quyền yêu cầu trong trường hợp này, có thể áp dụng tương tự quyền yêu cầu đối với hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và mở rộng thêm đối với chính chủ thể trong quan hệ đó thì sẽ bảo vệ tối đa hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể”[1]. Quan điểm như vậy là phù hợp, bởi lẽ, các trường hợp đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền có cả trường hợp các bên vi phạm điều kiện kết hôn - vi phạm pháp luật, do đó, việc mở rộng phạm vi chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý là hoàn toàn đúng đắn, góp phần bảo đảm việc tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh.
2.2. Cách thức xử lý đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền
Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước”. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện thủ tục xử lý như sau:
2.2.1. Thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hộ tịch
Khác với hủy kết hôn trái pháp luật, cơ quan có thẩm quyền xử lý không phải là Tòa án nhân dân. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kết hôn sẽ thu hồi, hủy giấy chứng nhận kết hôn cấp không đúng thẩm quyền theo Điều 69, Điều 70 Luật Hộ tịch năm 2014.
Có thể thấy, thay vì để chính cơ quan đã cấp giấy chứng nhận kết hôn không đúng thẩm quyền tự thu hồi và hủy bỏ thì theo quy định của pháp luật, chỉ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kết hôn cấp trên mới có quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền của cơ quan cấp dưới.
Tuy vậy, khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP lại đưa ra hướng dẫn với nội dung: “Trường hợp nam, nữ có đăng ký kết hôn nhưng việc kết hôn đăng ký tại không đúng cơ quan có thẩm quyền (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) mà có yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ đồng thời hủy giấy chứng nhận kết hôn và thông báo cho cơ quan hộ tịch đã đăng ký kết hôn để xử lý theo quy định tại Điều 13 của Luật hôn nhân và gia đình. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ đối với con; tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật Hôn nhân và gia đình”.
Với hướng dẫn trên thì Tòa án cũng đồng thời có thẩm quyền hủy giấy chứng nhận kết hôn, sau đó, thông báo cho cơ quan hộ tịch đã đăng ký kết hôn (tức là Ủy ban nhân dân nơi tiến hành đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền) để tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn trong việc xác định thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn khi ở hai văn bản, hai cơ quan là Ủy ban nhân dâp cấp trên trực tiếp và Tòa án nhân dân đều có quyền này. Điều này là chưa phù hợp bởi Luật Hộ tịch là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn thông tư liên tịch theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Mặt khác, việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, theo đó, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do vậy, cần quy định thống nhất theo hướng, khi có yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng giữa họ, đồng thời, hướng dẫn hai bên nam, nữ đến Ủy ban nhân dân có thẩm quyền để đăng ký kết hôn lại và thông báo cho cơ quan hộ tịch đã đăng ký kết hôn để xử lý theo quy định tại Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
2.2.2. Yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Sau khi thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn không đúng thẩm quyền thì phải yêu cầu hai bên đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký kết hôn lại là điều cần thiết. Khi đăng ký kết hôn lại thì quan hệ hôn nhân này vẫn được tính kể từ ngày đăng ký kết hôn trước. Về bản chất, việc thu hồi, hủy giấy chứng nhận kết hôn sai thẩm quyền là để cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận kết hôn đúng thẩm quyền việc kết hôn này có hiệu lực pháp lý, còn nội dung về thông tin người chồng, thông tin người vợ, ngày đăng ký vẫn được giữ nguyên. Quy định này của pháp luật là để bảo vệ quyền lợi và một số vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân không bị ảnh hưởng.
Cách giải quyết như trên cho thấy có sự thay đổi so với quy định trước đây về giải quyết vấn đề này, khi tuyên bố họ không phải là vợ chồng trước pháp luật[2]. Hiện nay, các nhà làm luật trên quan điểm cho rằng, việc kết hôn này có lỗi của cơ quan nhà nước, do đó, sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận kết hôn, nếu các đương sự đăng ký kết hôn lại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quan hệ hôn nhân của họ được thừa nhận tại thời điểm đăng ký kết hôn trước. Có thể nhận thấy, nội dung của Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP đã thể hiện sự linh hoạt trong đường lối xử lý đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền. Mặc dù vậy, vẫn có một số vấn đề phát sinh trên thực tế như sau:
Thứ nhất, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng như văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ dừng lại ở quy định “yêu cầu” hai bên kết hôn sai thẩm quyền tiến hành đăng ký kết hôn lại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên lại không ấn định rõ thời hạn mà các bên phải hoàn thành quy định về mặt hình thức này.
Thứ hai, có thể tại thời điểm đăng ký kết hôn, các bên đã vi phạm điều kiện kết hôn, sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận kết hôn, họ đăng ký kết hôn lại và quan hệ hôn nhân được tính từ ngày đăng ký kết hôn trước, nghĩa là thừa nhận cả khoảng thời gian họ đang vi phạm điều kiện kết hôn, như vậy là chưa phù hợp. Do đó, kiến nghị của PGS. TS. Nguyễn Thị Lan theo tác giả là phù hợp theo hướng quan hệ hôn nhân của họ được tính kể từ thời điểm đăng ký kết hôn trước nếu họ không vi phạm điều kiện kết hôn. Nếu tại thời điểm thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn và sau đó, kết hôn lại với nhau thì thời điểm xác định quan hệ hôn nhân phải tính từ thời điểm đăng ký kết hôn lại, như một quan hệ hôn nhân mới được xác lập[3].
Vậy, nếu hai bên không đăng ký kết hôn lại hoặc một trong hai bên lại yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kết hôn với người khác thì giải quyết như thế nào? Nếu xét trên phương diện pháp luật, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn đồng nghĩa với việc quan hệ hôn nhân giữa các bên đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền cũng bị hủy, không phát sinh hiệu lực từ thời điểm kết hôn, do đó, giữa họ không phát sinh quan hệ vợ chồng. Chỉ trong trường hợp hai bên tiến hành đăng ký kết hôn lại như phân tích ở trên thì quan hệ hôn nhân mới được tính từ ngày đăng ký kết hôn trước. Trong khi đó, việc đăng ký kết hôn - xác lập quan hệ hôn nhân phải xuất phát từ ý chí tự nguyện của hai bên nam, nữ. Do vậy, có thể dẫn đến tình trạng một bên không muốn đăng ký kết hôn lại do cân nhắc về lợi ích hoặc đã chung sống như vợ chồng với người khác hoặc một trong hai bên yêu cầu đăng ký kết hôn với người khác thì nếu đủ điều kiện kết hôn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành đăng ký và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho họ. Lúc này, quan hệ giữa hai bên đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền được xử lý tương tự như trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tại Điều 15, 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nghĩa là quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Mặc dù, khoản 2 Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định “việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”, tuy nhiên, như vậy là chưa đủ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi chấm dứt quan hệ này. Vì vậy, tác giả không đồng tình với cách xử lý trên, bởi lẽ, xét trong trường hợp hai bên đã bảo đảm đủ điều kiện kết hôn, chỉ vì đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền - vốn không phải lỗi của họ, tuy nhiên lại đẩy hoàn toàn hậu quả pháp lý bất lợi cho một bên gánh chịu, như vậy là chưa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là phụ nữ và con - những đối tượng yếu thế trong quan hệ này. Do đó, cần phải bổ sung quy định về thời hạn cụ thể mà hai bên có nghĩa vụ đăng ký kết hôn lại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu như các bên không đăng ký kết hôn lại, mà không vi phạm các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi giải quyết quan hệ tài sản giữa các bên cần xử lý theo hướng thừa nhận quan hệ hôn nhân trong khoảng thời gian mà họ đăng ký kết hôn sai thẩm quyền, do đó, giải quyết quan hệ tài sản như khi vợ chồng ly hôn để bảo đảm sự công bằng./.
Nông Thị Thoa
Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. PGS. TS. Nguyễn Thị Lan, “Về giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật, kết hôn không đúng thẩm quyền và nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 7 (tháng 4/2019), tr. 2.
[2]. Điểm c Mục 2 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
[3]. PGS. TS. Nguyễn Thị Lan, tlđd, tr. 2.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 406), tháng 6/2024)