Việc ứng dụng Ecourt có vai trò quan trọng trong giảm thiểu sự phụ thuộc vào giấy tờ, tài liệu cứng trong quá trình xét xử, giảm thiểu chi phí đi lại cho cả nguyên đơn, bị đơn và đặc biệt nâng cao hiệu quả của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án dân sự thông qua việc truy cập nhanh chóng các tài liệu thông tin. Hiện nay, trên thế giới, Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hague là một ví dụ điển hình của ECourt. Bên cạnh đó, tại một số quốc gia cũng đang vận hành hoặc xây dựng mô hình này. Điểm chung rút ra giữa các quốc gia đang vận hành cơ chế này (Úc, Nhật Bản, Anh Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Brunei,…) đều là các quốc gia phát triển cả về kinh tế và công nghệ thông tin cũng như có dân trí cao. Trong giới hạn bài viết này, tác giả giới thiệu mô hình Ecourt của ba nước tiêu biểu trên thế giới là Úc, Ấn Độ, Anh Quốc và Hàn Quốc, từ đó rút ra một số kiến nghị có giá trị tham khảo cho Việt Nam.
1. Mô hình ECourt của một số quốc gia trên thế giới
1.1. Tại Úc
Trong hệ thống Tòa án Úc, cho đến nay, Tòa án Liên bang Úc là Tòa án đầu tiên ứng dụng tài liệu Tòa án điện tử [1] và đã xây dựng và áp dụng ECourt vào thực tế giải quyết tranh chấp tại Tòa này. Chiến lược ECourt được xây dựng dựa trên uy tín Toà án Liên bang và được coi là Tòa án tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ của Toà án ở Úc[2]. Đáng lưu ý, hệ thống này có Phòng xử án điện tử (eCourtroom), đây là phòng xử án ảo, các chủ thể là thành phần của một phiên tòa sẽ tham gia vào phiên xét xử giống như một hội nghị video được thiết lập bởi Skype, nếu cần có thể liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan cũng thông qua hình thức này mà không cần các chủ thể phải có mặt tập trung tại phòng xử án thông thường.
Để giúp nguyên đơn, bị đơn, luật sư và các đối tượng khác có liên quan trong vụ án, hệ thống ECourt công khai thông tin về các quy định áp dụng trong quá trình xét xử điện tử, như thông tin về trình tự, thủ tục có sẵn trên trang điện tử của Tòa án liên bang. Để tiếp cận các thông tin này, yêu cầu người sử dụng phải tuân thủ và chấp nhận các điều khoản sử dụng. Điều này cũng có nghĩa các thông tin được cung cấp bởi người sử dụng sẽ được kiểm soát bởi thẩm phán và người điều hành ứng dụng này. Bên cạnh đó, hệ thống ECourt cũng được tích hợp với phần mềm eLodgment, cho phép các bên gửi tài liệu. Ngoài ra, nó cũng có ứng dụng cung cấp cho các bên phần mềm để trao đổi thông tin và tài liệu thông qua ứng dụng hành chính ECase. Tóm lại, hệ thống ECourt được xây dựng với nhiều ứng dụng để giúp các bên có thể tương tác kịp thời mà không cần đến sự tham dự hay vai trò trung gian của Tòa án, qua đó, góp phần giảm tải công việc hành chính cho các Tòa án.
1.2. Tại Ấn Độ
Việc triển khai dự án ECourt tại Ấn Độ được thực hiện chính thức từ tháng 02/2007 và được thực hiện theo hai giai đoạn, bắt đầu từ năm 2007, với mục đích cung cấp các dịch vụ mặc định cho đương sự, luật sư, thẩm phán thông qua việc ứng dựng công nghệ thông tin tại Tòa án[3]. Để ứng dựng ECourt, Ấn Độ xác định cụ thể các bước cần thực hiện. Theo đó, trong giai đoạn 1 (từ năm 2007 đến tháng 3/2015), Nhà nước tập trung cung cấp máy tính cho các thẩm phán; một hệ thống phần mềm quốc gia thống nhất được xây dựng và vận hành tại các Tòa án. Hệ thống này cho phép thực hiện nhiều chức năng như nộp đơn và các tài liệu chứng cứ thông qua việc đăng nhập điện tử (ESign), thanh toán lệ phí trực tuyến, cập nhật tình hình giải quyết.... Bên cạnh đó, hệ thống này còn cung cấp các quy định pháp luật, thủ tục và biểu mẫu,… phục vụ cho quá trình khởi kiện và giải quyết không chỉ cho đương sự, luật sư mà cả cho các Tòa án trên để áp dụng (đóng vai trò như một cơ sở dữ liệu). Mặt khác, do đặc thù về ngôn ngữ tại Ấn Độ (Hiến pháp cũng như luật pháp của Ấn Độ đều không quy định rõ ngôn ngữ quốc gia[4], hiện nay, có tổng cộng 22 ngôn ngữ đồng chính thức tại quốc gia này), do đó, hệ thống ECourt tại Ấn Độ xác định mục tiêu xây dựng với nhiều ngôn ngữ, qua đó, giúp người dân có thể tiếp cận và ứng dụng.
1.3. Tại Anh Quốc
Mô hình ECourt tại Anh Quốc là mô hình tranh tụng tại Tòa án đầy đủ và đầu tiên trên thế giới[5]. Về phạm vi, ECourt giải quyết các tranh chấp dân sự nhỏ, cụ thể mức độ nhỏ của các tranh chấp chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên, theo khảo sát của Giáo sư Susskind, một thành viên của Hội đồng Tư pháp dân sự thuộc nhóm tư vấn thì thông thường các tranh chấp dân sự có mức giá trị dưới £25.000[6] sẽ được giải quyết bằng ECourt. Việc giải quyết vụ án dân sự được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin giải quyết tranh chấp (Internet based dispute resolution system)[7]. Tương tự các quốc gia khác, với sự tồn tại của ECourt, khi giải quyết tranh chấp, thay vì việc sử dụng một phòng xét xử như truyền thống thì thủ tục xét xử sẽ được diễn ra hoàn toàn thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, để vận hành ECourt, một danh sách các thành viên của nhóm giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online dispute resolution) được công bố gồm 16 thành viên, với đại diện của nhà nghiên cứu, luật sư tranh tụng, luật sư tư vấn, giảng viên đại học, thẩm phán, thư ký Tòa án, Bộ Tư pháp…[8].
1.4. Tại Hàn Quốc
Hệ thống nộp đơn điện tử (The Electronic case filling system) là một hệ thống tranh tụng điện tử của tư pháp Hàn Quốc. Đây là một hệ thống phức hợp, cho phép người tranh tụng và đương sự cũng như luật sư của họ nộp, theo dõi, truy cập và nắm bắt tình hình, thủ tục giải quyết thông tin của họ. Đương sự và luật sư có thể nộp đơn kiện và các tài liệu, cung cấp chứng cứ qua hệ thống điện tử mà không cần trực tiếp đến Tòa án. Sau khi nộp đơn và các tài liệu, chứng cứ, nguyên đơn, người khởi kiện hoặc luật sư của họ sẽ nhận được thông báo bằng hòm thư điện tử. Việc xác nhận bằng thông báo đó, cũng cho phép họ truy cập vào hồ sơ vụ án và kiểm tra tình hình giải quyết vụ án đó[9]. Để bảo đảm an toàn, thông tin của đương sự và các chứng cứ cũng được bảo mật và chỉ có đương sự và luật sư của họ mới được tiếp cận. Trên cơ sở thông tin, tài liệu và chứng cứ được cung cấp đến ECourt thông qua hệ thống phần mềm được cài đặt sẵn và xác nhận của đương sự về việc đã nhận thông báo của Tòa án thì việc xét xử cũng được tổ chức trực tuyến. Phán quyết của Tòa án tối cao cũng như quyết định của Tòa sơ thẩm cho phép cộng đồng tiếp cận.
Bên cạnh các quốc gia nêu trên, gần đây nhất, Pakistan cũng ứng dụng hệ thống ECourt vào xét xử, cụ thể ngày 27/5/2019, lần đầu tiên tại Pakistan (Islamabad và Karachi) hệ thống ECourt được đưa vào sử dụng. Theo đó, Hội đồng gồm ba thẩm phán sẽ nghe và quyết định đối với vụ việc thông qua việc sử dụng công cụ Công nghệ thông tin[10].
Tựu chung lại, cơ chế Ecourt có nhiều ưu điểm đang lưu ý, thông tin của toàn bộ vụ án được nắm bắt dễ dàng thông qua các thông tin được lưu trữ, dữ liệu có tính hệ thống; việc tra cứu diễn biến, lịch sử vụ án dễ dàng; lệ phí thanh toán được xử lý thông qua các trang web chuyên dụng với hình thức đơn giản; thủ tục tố tụng minh bạch rõ ràng và không mất chi phí, thời gian đi lại của các nguyên đơn, bị đơn và các đối tượng khác có liên quan. Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy, hơn 80% thẩm phán đánh giá việc xét xử thông qua Ecourt có ưu điểm hơn nhiều so với giải quyết thông qua văn bản giấy tờ[11]. Đặc biệt, việc ứng dụng Ecourt còn có vai trò quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng, cụ thể, Ecourt giảm sự tiếp xúc trực tiếp của thẩm phán và nguyên đơn, bị đơn cũng như luật sư, do đó, cơ hội của việc nhận và đưa hối lộ cũng sẽ giảm đi[12]. Từ những ưu điểm nêu trên của ECourt, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và sự hội nhập, phát triển kinh tế xã hội thì việc nghiên cứu và ứng dụng Ecourt trong giải quyết vụ án là cần thiết.
2. Kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tải các tài liệu, văn bản giấy thì việc nghiên cứu, ứng dụng mô hình giải quyết vụ án dân sự thông qua cơ chế Tòa án điện tử là cần thiết. Bên cạnh đó, ngày 18/3/2016 tại Hội nghị Tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã nhấn mạnh việc xây dựng đề án để tiến tới triển khai Tòa án điện tử vào năm 2024. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay Việt Nam khó có thể ngay lập tức thành lập và đưa vào hoạt động ECourt. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng ECourt thì cũng cần quan tâm chuẩn bị các điều kiện để sau khi ECourt ra đời có thể kịp thời ứng dụng vào cuộc sống. Theo đó,tác giả cho rằng, cần nghiên cứu đối với các nội dung sau đây:
Một là, xây dựng thể chế về ECourt. Theo đó, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để thực hiện cơ chế giải quyết ECourt như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2005…
Hai là, hiện nay, Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ xác định một trong ba mục tiêu lớn của Dự án là triển khai xây dựng Tòa án điện tử của Việt Nam trong thời gian tới[13]. Hệ thống phần mềm để bảo đảm việc thực hiện Ecourt cần được xây dựng bảo đảm xuyên suốt, khoa học, an toàn và dễ hiểu và ứng dụng. Bên cạnh việc xây dựng Tòa án điện tử thì việc nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ thẩm phán, thư ký là quan trọng và đặc biệt là nhận thức, ứng dụng công nghệ của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính nói chung và Tòa án điện tử nói riêng là cần thiết.
Ba là, cần xây dựng lộ trình áp dụng. Theo đó, có thể chia việc áp dụng ECourt thành 03 giai đoạn trước khi ứng dụng trên phạm vi toàn quốc. Giai đoạn 1, tập trung tổ chức giải quyết một số khâu trong thu thập chứng cứ, tài liệu; thông báo lịch xét xử, triệu tập đương sự bằng hình thức trực tuyến (online); công nhận giá trị phiên bản điện tử các bản án, quyết định của tòa để cung cấp cho đương sự. Đối với những khu vực người dân chưa có kết nối mạng thì có thể lên Ủy ban nhân dân xã hay nhà văn hóa xã để nộp hồ sơ thay vì mất cả ngày đường tới Tòa. Giai đoạn 2, quy định áp dụng ECourt tại một số tỉnh, thành phố trong một thời gian nhất định để qua đó tổng kết, rút ra ưu điểm và nhược điểm. Giai đoạn 3, khắc phục những nhược điểm phát sinh và triển khai ứng dụng trên toàn quốc.
Ảnh: internet