Quyền sở hữu (QSH) nói riêng và vật quyền nói chung vốn là một chế định cơ bản trong pháp luật dân sự của mọi quốc gia, nhưng mỗi nước lại có quan điểm và quy định khác nhau về vấn đề này. Trong pháp luật Đức, ngoài QSH thì có các vật quyền như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền ưu tiên, và các vật quyền bảo đảm[1]… Bộ luật Dân sự của Nhật Bản còn quy định thêm quyền canh tác, quyền lưu giữ, quyền ưu tiên và cả quyền cầm cố, quyền thế chấp cũng được coi là một dạng vật quyền. Trong Luật về tài sản năm 2007 của Trung Quốc thì bên cạnh QSH cũng tập trung nhiều vào quyền hưởng dụng, quyền địa dịch, vật quyền bảo đảm và quyền chiếm hữu được quy định riêng ngoài QSH[2]. Trong quá trình soạn thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có lúc chúng ta sử dụng khái niệm “vật quyền”[3], nhưng cuối cùng Bộ luật Dân sự được thông qua với khái niệm “QSH và quyền khác đối với tài sản”. Sự đa dạng này là một nguyên nhân làm phát sinh xung đột pháp luật (XĐPL) về QSH và quyền khác đối với tài sản trong tư pháp quốc tế. Và do đó, việc giải quyết XĐPL về QSH, quyền khác đối với tài sản trở thành một nội dung then chốt của tư pháp quốc tế không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Qua bài viết này, tác giả xin đánh giá về các quy phạm xung đột về QSH và quyền khác đối với tài sản của Việt Nam trong mối tương quan với quy định của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới để đưa ra hướng hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam về lĩnh vực này.
1. Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản
Để giải quyết XĐPL về QSH và quyền khác đối với tài sản, tư pháp quốc tế của hầu hết các nước đều áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản (Lex rei sitae) như Điều 99 Đạo luật về Tư pháp quốc tế năm 1982 của Thụy Sĩ; Điều 13 Luật chung về luật áp dụng năm 2006 của Nhật Bản; Điều 36, Điều 37 Luật về luật áp dụng với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài năm 2010 của Trung Quốc; Điều 19 Đạo luật về Tư pháp quốc tế năm 2011 của Hàn Quốc; Điều 41 Đạo luật về Tư pháp quốc tế năm 2011 của Séc; Điều 69 Đạo luật về Tư pháp quốc tế năm 2012 của Séc… (sau đây xin gọi chung các đạo luật về tư pháp quốc tế này là PILA - Private International Law Act).
Pháp luật Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Từ Điều 833 Bộ luật Dân sự năm 1995, Điều 766 Bộ luật Dân sự năm 2005 đến Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015 (tuy phạm vi có khác nhau nhưng) đều thống nhất xác định QSH (và từ Bộ luật Dân sự năm 2015 là cả các quyền khác đối với tài sản) sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật của nước nơi có tài sản đó. Điều này là phù hợp với cả lý luận và thông lệ quốc tế khi giải quyết xung đột pháp luật về QSH và quyền khác đối với tài sản.
Căn cứ của hệ thuộc luật nơi có tài sản có thể được kể đến như: (i) Nơi tồn tại của tài sản là nơi bất kỳ ai cũng có thể xác định được một cách dễ dàng, do đó sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo đảm hiệu lực đối kháng với người thứ ba và sự ổn định của giao dịch; (ii) Quan hệ QSH và quyền khác đối với tài sản là quan hệ pháp lý liên quan trực tiếp đến việc chi phối, sử dụng tài sản nên việc xác định nội dung của các quyền này đương nhiên được cho là cần phù hợp với pháp luật nước nơi có tài sản đó; (iii) Nếu áp dụng hệ thuộc luật của nước nào đó không phải nơi có tài sản thì sẽ dẫn đến luật của nước này áp dụng cho tài sản nằm ở nước khác, mà nếu tài sản cần phải đăng ký thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc[4]; (iv) Tài sản, nhất là bất động sản nằm ở nước nào thì sẽ liên quan đến các lợi ích, kể cả lợi ích công cộng ở nước đó nên việc áp dụng luật nơi có tài sản vừa dễ xác định vừa đảm bảo sự hợp lý trong mối quan hệ lợi ích của các đương sự và lợi ích nhà nước có liên quan[5].
Mặc dù phần hệ thuộc trong quy định này tương đồng với pháp luật của các nước, nhưng phần phạm vi lại bị giới hạn khá hẹp, tức là chỉ dừng ở việc “xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt”. Vậy các nội dung khác liên quan đến QSH và quyền khác đối với tài sản như chuyển dịch rủi ro, giới hạn của QSH, hiệu lực đối kháng với người thứ ba hay phân loại vật quyền... sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước nào? Các đạo luật về tư pháp quốc tế của Hàn Quốc, Séc, Nhật Bản, Trung Quốc[6]... đều chỉ quy định chung là “vật quyền” mà không đi vào từng khía cạnh cụ thể của vật quyền là gì để đảm bảo được điều chỉnh toàn diện tất cả những vấn đề có thể phát sinh liên quan đến vật quyền. Hi vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có án lệ giải thích phạm vi của khoản 1 Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo nghĩa rộng, tức là tất cả các nội dung khác liên quan đến QSH và quyền khác đối với tài sản đều có thể xem xét trong mối tương quan với sự xác lập, thực hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quyền nên vẫn áp dụng luật nơi có tài sản theo quy định tại khoản này.
Ở đây, cần lưu ý phân biệt giữa pháp luật áp dụng với QSH và pháp luật áp dụng với hợp đồng chuyển giao QSH hoặc pháp luật áp dụng đối với quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xâm phạm QSH. Pháp luật áp dụng với hợp đồng chuyển giao QSH, bồi thường thiệt hại do xâm phạm QSH sẽ điều chỉnh quan hệ giữa các bên trong hợp đồng, trong quan hệ bồi thường thiệt hại với nhau. Pháp luật áp dụng với QSH sẽ điều chỉnh quan hệ giữa chủ sở hữu và các chủ thể khác không phải chủ sở hữu như sẽ xác định hợp đồng đó có phải là căn cứ làm phát sinh QSH hay không, khi nào thì QSH được xác lập trên cơ sở hợp đồng có hiệu lực với người thứ ba không phải là một bên trong hợp đồng (ngay từ thời điểm các bên thỏa thuận trong hợp đồng hay sau khi đã chuyển giao tài sản hoặc làm thủ tục đăng ký)...
2. Một số ngoại lệ của hệ thuộc luật nơi có tài sản
2.1. Tài sản là động sản đang trên đường vận chuyển
Mặc dù về mặt nguyên tắc luật áp dụng đối với QSH và quyền khác đối với tài sản là luật nơi có tài sản, nhưng cũng có một số ngoại lệ liên quan đến luật áp dụng đối với QSH và quyền khác đối với tài sản. Đó là trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, đối với tài sản đang trên đường vận chuyển thì hệ thuộc luật được ưu tiên đầu tiên là luật theo sự thỏa thuận, nếu không có sự thỏa thuận này thì sẽ áp dụng luật của nước nơi động sản được chuyển đến. Do đặc điểm tài sản đang trên đường vận chuyển là động sản di dời, vận chuyển nên các quyền khác đối với tài sản ở đây được hiểu chỉ bao gồm quyền hưởng dụng[7]. Ngoại lệ này được cho là cần thiết vì đối với tài sản đang trên đường vận chuyển thì không thể xác định được tài sản đang ở đâu (ví dụ như khi tài sản đang đi qua vùng biển cả, vùng không phận quốc tế), nếu có xác định được thì nơi có tài sản chỉ là nơi ngẫu nhiên, nhất thời có sự tồn tại đó, hoàn toàn không phản ánh được mối liên hệ mật thiết giữa tài sản và nơi tài sản đang đi qua đó. Nhưng việc áp dụng hệ thuộc luật thỏa thuận và hệ thuộc luật nước nơi tài sản chuyển đến có thực sự hợp lý hay không?
Về hệ thuộc luật thỏa thuận: Có một điều chắc chắn rằng, mọi quan hệ pháp luật đều xoay quanh các thể nhân, pháp nhân - những chủ thể ngang quyền và bình đẳng với nhau. Nhưng không có nghĩa là trong mọi quan hệ pháp luật đó việc thương lượng, thỏa thuận nói chung, việc thỏa thuận về luật áp dụng nói riêng giữa các bên đều được ưu tiên[8]. Bởi lẽ, nếu quan niệm như vậy thì mọi quan hệ do tư pháp quốc tế điều chỉnh cũng đều phải ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, cả trong vấn đề lựa chọn luật áp dụng? Thực tế thì chỉ một số quan hệ đặc thù mới có áp dụng hệ thuộc luật do các bên lựa chọn, nên giải thích này chưa thuyết phục.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn là QSH và quyền khác đối với tài sản về bản chất không phải là quan hệ giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau mà về bản chất đó là quan hệ giữa chủ thể có quyền và tài sản. Có nghĩa là QSH và cả quyền khác đối với tài sản là quan hệ đối vật (in rem), chứ không phải là quan hệ đối nhân (in personam) và quyền đối với tài sản, trong đó bao gồm cả QSH sẽ “theo quy định của luật”[9] chứ không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Trên thế giới hiện nay tồn tại một nguyên tắc là nguyên tắc vật quyền pháp định. Có nghĩa là các quan hệ vật quyền (QSH và quyền khác đối với tài sản) sẽ do pháp luật quy định mà các bên không được tự do thỏa thuận về nội dung các quyền đó[10]. Sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự (ví dụ hợp đồng, thừa kế) được coi là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên và là cơ sở làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt QSH, quyền khác đối với tài sản chứ không thể quy định toàn bộ nội dung vấn đề QSH. Ví dụ, A công dân Hoa Kỳ tặng cho B công dân Việt Nam hai khẩu súng lục và một băng đạn. Trong trường hợp này quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản là quan hệ đối nhân sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ hợp đồng giữa A và B. Nhưng rõ ràng sự thỏa thuận này không quyết định được việc B có được xác lập, thực hiện QSH với hai khẩu súng và băng đạn ở Việt Nam hay không, không quyết định được vấn đề bảo vệ QSH, giới hạn QSH, phân loại vật chính, vật phụ… Từ bản chất đối vật như vậy nên sự “thỏa thuận” được quy định ở khoản 2 Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015 là hết sức bất hợp lý vì không biết sự thỏa thuận này là thỏa thuận của ai với ai?
Phải chăng đang có sự nhầm lẫn giữa bản thân quan hệ liên quan đến QSH với các quan hệ khác phát sinh trong quá trình vận chuyển tài sản như bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi tài sản bị thất thoát, hư hỏng giữa bên bán, bên mua, bên vận chuyển; hay quan hệ giữa các bên trong hợp đồng… Ví dụ: Công ty X của Việt Nam ký hợp đồng bán một lô hàng cho Công ty Y của Anh. Khi hàng chuyển đến Ấn Độ thì bị chủ tàu vận chuyển T (Singapore) tự ý bán lại cho Công ty Z của Ấn Độ. Nếu Y kiện X tại Tòa án Việt Nam vì đã hết thời hạn chuyển giao hàng trong hợp đồng mà chưa nhận được hàng thì đây rõ ràng là quan hệ hợp đồng. Nhưng nếu Y kiện T và Z tại Tòa án Việt Nam để xác định QSH với lô hàng đã bị T bán thì đây chỉ là quan hệ về QSH. Lô hàng đó thuộc sở hữu của Y hay Z, hợp đồng của X và Y hay hợp đồng của T và Z có là căn cứ phát sinh QSH hay không, QSH phát sinh từ thời điểm nào, có hiệu lực đối kháng ra sao… phải căn cứ vào một hệ thống pháp luật nhất định. Y muốn khẳng định QSH của mình với lô hàng, chứ không phải tranh chấp về hợp đồng hoặc tranh chấp bồi thường thiệt hại. Khi đó, quan hệ về QSH không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của Y với T, Z (vì nếu thỏa thuận được thì đã xác lập một hợp đồng mới và không có tranh chấp về QSH) nên cũng không nên có sự thỏa thuận về luật áp dụng ở đây. Khảo sát quy định về QSH và các quyền khác đối với tài sản (vật quyền) tại tư pháp quốc tế của một số nước ngoại trừ Trung Quốc (Điều 38)[11] thì Thuỵ Sĩ (Điều 101), Hàn Quốc (Điều 22), Ba Lan (Điều 43), Thái Lan (Điều 16, 17)… đều không ghi nhận sự thỏa thuận về luật áp dụng đối với tài sản đang trên đường vận chuyển[12].
Về hệ thuộc luật nước nơi tài sản được chuyển đến: Thực tế đây là hệ thuộc luật được quy định trong tư pháp quốc tế của khá nhiều nước. Ví dụ: Điều 101 PILA Thụy Sĩ, Điều 38 PILA Trung Quốc, Điều 22 PILA Hàn Quốc. PILA Nhật Bản không quy định về luật áp dụng đối với tài sản đang trên đường vận chuyển, nhưng trong Bản án ngày 29/10/2002 Tòa án tối cao Nhật Bản liên quan đến xe ô tô, Tòa án đã quyết định với ô tô được sử dụng để di chuyển trên một phạm vi rộng, vượt ra khỏi biên giới quốc gia thì áp dụng luật nước gốc sử dụng xe và một loại không nằm trong diện đó thì vẫn áp dụng luật nơi đang có xe[13]. Nhưng cũng có một số nước áp dụng luật nước nơi chuyển đi (Điều 43 PILA Ba Lan, Điều 70 khoản 3 PILA Séc) hoặc luật quốc tịch người bán với hàng hóa xuất khẩu (Điều 16 PILA Thái Lan). Có ý kiến cho rằng, do Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới đang là một nước nhập siêu nên lượng hàng hóa vào Việt Nam nhiều hơn hàng hóa chuyển đi và việc lựa chọn hệ thuộc luật nơi có tài sản được chuyển đến sẽ giúp tăng thêm khả năng áp dụng pháp luật Việt Nam[14]. Nhưng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan thì Việt Nam đã xuất siêu liên tục từ năm 2012 đến nay[15] và rất nhiều nước như Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc đều là những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa nhưng lại quy định luật nước nơi được chuyển đến. Do đó, ý kiến vì Việt Nam là nước nhập siêu nên quy định như vậy để mở rộng khả năng áp dụng của pháp luật Việt Nam là chưa thuyết phục.
Thậm chí, các quan hệ về QSH, quyền khác liên quan đến động sản đang trên đường vận chuyển thường phát sinh trong quá trình vận chuyển động sản đó, tức là chưa tới được nước nơi chuyển đến. Vậy rõ ràng là nước nơi chuyển đến không hề có mối liên hệ nào với động sản, từ đó làm cho việc áp dụng luật nước nơi chuyển đến thiếu đi tính chất quan trọng nhất là cần phải có mối quan hệ mật thiết với quan hệ pháp lý phát sinh. Thêm nữa, cũng có những trường hợp động sản được chuyển đến nhiều nước (ví dụ như trả hàng cho nhiều nước hoặc chở hàng đi triển lãm tại nhiều nước) thì cũng không thể xác định được nước nào mới là nước nơi động sản được chuyển đến. Khi đó, nước nơi chuyển đi có thể sẽ trở thành nơi có mối quan hệ mật thiết hơn đối với tài sản. Bởi lẽ nước nơi chuyển đi là nước nơi tài sản đã tồn tại, nơi diễn ra các sự kiện làm căn cứ phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền đối với tài sản đó (có thể là nơi ký kết hợp đồng, nơi để lại di sản hoặc ít nhất chắc chắn đó là nơi diễn ra hoặc bắt đầu diễn ra quá trình chuyển giao tài sản về thực tế). Luật nước nơi tài sản được chuyển đi là cách tiếp cận mà PILA Ba Lan và PILA Séc đang áp dụng.
Do đó, theo quan điểm của tác giả, khoản 2 Điều 678 nên được quy định theo hướng: QSH và các quyền khác đối với động sản đang trên đường vận chuyển được xác định theo “pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đi”, trừ trường hợp các bên liên quan “chứng minh được pháp luật của nước khác có mối liên hệ mật thiết hơn với động sản đó”. Cách xác định này chính là quy định của tư pháp quốc tế Ba Lan mà theo tác giả là rất đáng học hỏi. Bởi lẽ, nó vừa tạo được sự hợp lý trong mối liên hệ giữa luật nước nơi chuyển đi và động sản đang trên đường vận chuyển, nhưng vẫn tạo ra sự linh hoạt trong những trường hợp có thể chứng minh pháp luật nước khác nơi có mối quan hệ mật thiết hơn.
2.2. Quyền sở hữu và các quyền khác đối với tàu bay, tàu biển
Ngoài ngoại lệ liên quan đến tài sản đang trên đường vận chuyển, pháp luật Việt Nam hiện hành còn quy định riêng về pháp luật áp dụng với QSH và quyền khác đối với tàu bay, tàu biển. Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định rõ ngoại lệ này tại khoản 4 Điều 766. Nhưng quy định này đã được lược bỏ, không cần nhắc lại hay dẫn chiếu thêm trong Bộ luật Dân sự năm 2015 vì đã điều chỉnh tại văn bản pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hàng hải năm 2015 thì: “Trường hợp quan hệ pháp luật liên quan đến QSH tài sản trên tàu biển (...) các vụ việc xảy ra trên tàu biển khi tàu đang ở vùng biển quốc tế thì áp dụng pháp luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch”; khoản 1 Điều 4 Luật Hàng không dân dụng năm 2006 (sửa đổi năm 2014) quy định: “Pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay được áp dụng đối với quan hệ xã hội phát sinh trong tàu bay đang bay và áp dụng để xác định các quyền đối với tàu bay”. Như vậy, đối với QSH tài sản trên tàu biển sẽ theo pháp luật của quốc gia mà tàu biển mang cờ quốc tịch, còn QSH và quyền khác đối với tàu bay cũng như quan hệ về QSH phát sinh trong tàu bay sẽ theo pháp luật của quốc gia nơi đăng ký tàu bay. Sự cắt bỏ này được đánh giá là điều hợp lý “vừa không trùng lặp, vừa đảm bảo sự thống nhất trong toàn bộ bộ luật và vì vậy sự cắt bỏ này hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh quan hệ phát sinh”[16].
Nhưng trong các quy định của Bộ luật Hàng hải và Luật Hàng không dân dụng chúng ta vẫn có thể nhận thấy một số vấn đề chưa rõ ràng trong các quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ nhất, đó là QSH và các quyền khác đối với bản thân tàu biển không được đề cập riêng trong Bộ luật Hàng hải. Nếu Luật Hàng không dân dụng quy định rất rõ về “các quyền đối với tàu bay” thì Bộ luật Hàng hải chỉ quy định về “QSH tài sản trên tàu biển”. Vậy QSH với bản thân tàu biển sẽ theo nguyên tắc chung được quy định trong Bộ luật Dân sự là luật nơi có tài sản hay theo thông lệ áp dụng luật nơi tàu biển mang cờ? Thứ hai, đó là vấn đề liên quan đến “QSH tài sản trên tàu biển”. Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng thì chỉ đặt ra ngoại lệ với “các quyền đối với tàu bay” còn QSH tài sản, hàng hóa đang trên đường vận chuyển bằng tàu bay không được quy định riêng nên có thể hiểu sẽ áp dụng khoản 2 Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định. Nhưng theo quy định của Bộ luật Hàng hải thì luật áp dụng với QSH tài sản trên tàu biển sẽ theo luật của nước mà tàu biển mang cờ. Ngoài các tài sản cố định gắn liền với tàu biển thì các tài sản trên tàu biển thông thường sẽ là hàng hóa đang trên đường vận chuyển. Như vậy, phải chăng Bộ luật Hàng hải lại đặt ra thêm một ngoại lệ của ngoại lệ về hàng hóa đang trên đường vận chuyển quy định tại khoản 2 Điều 678 Bộ luật Dân sự 2015? Nếu thực sự đây là chủ ý của nhà làm luật thì tại sao chỉ hàng hóa đang trên đường vận chuyển bằng tàu biển lại không áp dụng khoản 2 Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015? So với tài sản (hàng hóa) đang trên đường vận chuyển bằng đường hàng không (máy bay), bằng đường bộ (tàu hỏa, ô tô) thì rất khó tìm ra đặc điểm riêng biệt của “tài sản trên tàu biển” để buộc phải đưa ra một quy định riêng cho tài sản trên tàu biển như quy định hiện nay.
Do đó, theo quan điểm của tác giả, Bộ luật Hàng hải nên thiết kế lại quy định về luật áp dụng với QSH tàu biển, QSH với tài sản trên tàu biển tương tự như Luật Hàng không dân dụng. Nghĩa là bổ sung quy định về luật áp dụng cho QSH đối với bản thân tàu biển theo hướng quy định rõ ràng việc áp dụng luật nơi tàu biển mang cờ; còn với “tài sản trên tàu biển” thì không nên quy định riêng mà nên áp dụng thống nhất khoản 2 Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, so với Điều 766 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều điểm mới đáng lưu ý. Việc xây dựng các quy định này được tiến hành trên cơ sở những so sánh rất kỹ lưỡng và tiếp thu kinh nghiệm về tư pháp quốc tế của các nước trên thế giới. Nhưng tác giả nhận thấy còn nhiều điều cần phải có những điều chỉnh trong bản thân quy định của Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng như các quy định khác tại Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng để đảm bảo quy định được chính xác, rõ ràng và có tính hệ thống hơn. Hơn thế nữa, có một điều cần lưu ý rằng, Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015 dường như mới chỉ tập trung vào các loại tài sản (vật) hữu hình. Do đó, để điều chỉnh triệt để vấn đề QSH và quyền khác đối với tài sản cũng cần có các nghiên cứu toàn diện hơn liên quan đến luật áp dụng cho các loại tài sản vô hình, quyền tài sản, tài sản ảo. Việc này cũng chính là nhằm đảm bảo điều chỉnh hiệu quả các mối quan hệ trong nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập và đón đầu cuộc cách mạng công nghệ trong tương lai.
Đại học Luật Hà Nội
[1].Bộ luật Dân sự Đức xem tại: https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.pdf.
Xem thêm: Nguyễn Thị Hanh, “Một số vấn đề về cấu trúc, vật quyền, trái quyền trong Bộ luật Dân sự Đức mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005”, tại: https://thongtinphapluatdansu.com/2012/05/31/31-5-2012/ truy cập ngày 13/2/2017.
[2]. Xem Luật về tài sản năm 2007 của Trung Quốc tại: http://www.npc.gov.cn/englishnpc/Law/2009-02/20/content_1471118.htm, truy cập ngày 13/02/2017.
[3]. Xem thêm: Nguyễn Nhật Vũ, Thuật ngữ “Vật quyền” trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tại: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1855, truy cập ngày 13/02/2017.
[4]. Kanzaki Tadashi, Hayakawa Yoshihisa, Motonaga Kazuhiko (Chủ biên), Tư pháp quốc tế (Tái bản lần 2), Nxb.Yuhikaku, Tokyo (2009), tr. 202.
[5]. Yamaguchi Ryoichi, Tư pháp quốc tế (Tái bản lần 3), Nxb. Yuhikaku, Tokyo (2004), tr. 292.
[6]. PILA Nhật Bản Điều 13, PILA Hàn Quốc Điều 19, PILA Séc Điều 69, PILA Trung Quốc Điều 36 - Điều 40…
[7]. Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức, thành phố Hồ Chí Minh (2016), tr. 613.
[8]. Có quan điểm khác lý giải khoản 2 Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015 xuất phát từ sự bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ sở hữu nói riêng, quan hệ dân sự nói chung. Xem thêm: Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vũ Thị Phương Lan, Phần thứ năm Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội (2017), tr. 1067.
[9]. Điều 158, Điều 160 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều nhấn mạnh khía cạnh phải “theo quy định của luật” khi nói đến QSH, quyền khác đối với tài sản.
[10]. Về nguyên tắc vật quyền pháp định (Numerus Clausus), xem thêm: Thomas W. Merrill, Henry E. Smith, Optimal Standardization in the Law of Property: The Numerus Clausus Principle, Yale Law Journal, Vol.110. No.1 (2000), xem tại: http://www.yalelawjournal.org/pdf/450_gnotg4rq.pdf (truy cập ngày 04/4/2017); Yun-chien Chang, Henry E. Smith, The Numerus Clausus Principle, Property Customs, and the Emergence of New Property Forms, Iowa Law Review, Vol. 100 (2015), xem tại: https://ilr.law.uiowa.edu/assets/Uploads/ILR-100-6-Chang-Smith.pdf (truy cập ngày 04/4/2017).
[11]. Ngay cả ở Trung Quốc cũng có ý kiến chỉ ra sự bất cập của quy định này khi cho rằng tranh chấp liên quan đến động sản có tính chất QSH thì sẽ được điều chỉnh bởi quy tắc trong Điều 37, Điều 38 Luật về luật áp dụng với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; còn tranh chấp liên quan đến động sản có tính chất hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật áp dụng đối với hợp đồng. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi tranh chấp liên quan đến động sản có cả hai tính chất này. (Guangjian Tu, “Private International Law in China”, Springer Science Business Media, Singapore 2016, p.63). Rõ ràng là đang có sự lúng túng khi không xác định rõ phạm vi, tính chất của quan hệ vật quyền sẽ dẫn đến tình huống này.
[12]. Riêng Điều 104 Tư pháp quốc tế Thụy Sĩ quy định: “Các bên có thể lựa chọn luật áp dụng cho việc được lợi hoặc tổn thất lợi ích với động sản là luật của nước của người vận chuyển hoặc luật của nước được chuyển đến hoặc luật áp dụng với quan hệ pháp lý cơ bản”. Nhưng quy định này chỉ tập trung vào hai nội dung là việc được lợi hoặc bị tổn thất với động sản đang trên đường vận chuyển, chứ không nói chung như Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam. Mà việc được lợi hoặc tổn thất đó có thể quy về hai quan hệ đối nhân (in personam) là được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chứ bản chất không phải là quan hệ đối vật (in rem). Vì đó là quan hệ đối nhân nên sẽ có một bên được lợi, một bên bị tổn thất, một bên gây thiệt hại, một bên bị thiệt hại nên sự thỏa thuận là có lý và có thể xảy ra. Tuy nhiên sự thỏa thuận này không được xâm phạm lợi ích của người thứ ba (khoản 2 Điều 104).
[13]. Harada Hisashi, “Báo cáo về việc xem xét lại luật áp dụng với vật quyền - Trọng tâm xem xét Bản án ngày 29/10/2002 Tòa án tối cao Nhật Bản”, Tạp chí Luật Đại học Chiba (2013), Quyển 27, số 4, tr. 344 - 400.
[14]. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vũ Thị Phương Lan, Phần thứ năm Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, tr. 1068.
[15]. Tổng cục Hải quan, Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2016, xem tại: https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=1038&Category= Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20k%E1%BB%B3&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch, truy cập ngày 15/2/2017.
[16]. Xem thêm: Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vũ Thị Phương Lan, Phần thứ năm Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, tr. 1068.