Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích tầm quan trọng và nhu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh từ thực tiễn công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời dự báo những nội dung cần giải thích trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Abstract: In this article, the author analyzes the importance and need for interpretation of the Constitution, laws, ordinances from the practice of examining legal documents, and at the same time predicts the contents that need to be explained in the Constitution, law, ordinances.
1. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh
Hiện nay, hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này, trong đó, tập trung tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP[1] ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Theo đó, “kiểm tra văn bản là việc xem xét, đánh giá, kết luận về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản QPPL được kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật” (khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Như vậy, đối tượng của hoạt động kiểm tra văn bản là các văn bản QPPL do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản từ cấp bộ xuống đến cấp xã và văn bản có chứa QPPL nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản QPPL; văn bản có chứa QPPL hoặc có thể thức như văn bản QPPL nhưng do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành (khoản 1 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Mục tiêu của hoạt động kiểm tra văn bản là đánh giá, kết luận về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản QPPL được kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật. Để thực hiện được mục tiêu này, cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản phải căn cứ vào quy định trong các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn gọi là căn cứ pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra (Điều 107 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Như vậy, trong quá trình kiểm tra văn bản, một trong những yêu cầu cốt lõi đối với người làm kiểm tra, ngoài việc xác định đúng nội dung văn bản được kiểm tra thì còn phải hiểu đúng về văn bản làm căn cứ pháp lý để kiểm tra, trong đó có Hiến pháp, luật và pháp lệnh.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong những yêu cầu của văn bản QPPL là văn bản đó phải bảo đảm tính minh bạch (Điều 5). Ngôn ngữ sử dụng phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu (Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp dùng nhiều từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong văn bản (khoản 5 Điều 69 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh được quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ tinh thần, nội dung của điều, khoản, điểm trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh để có nhận thức, thực hiện, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật”.
Như vậy, từ mục đích, cơ sở pháp lý, đến nội dung, đối tượng kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, hoạt động kiểm tra văn bản QPPL đều hướng đến bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản QPPL. Trong quá trình kiểm tra văn bản, việc xác định chính xác, đầy đủ nội dung quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh (trên cơ sở quy định cụ thể và bằng giải thích) có giá trị rất lớn để xác định tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản được kiểm tra; cũng qua kiểm tra văn bản cho thấy những quy định nào của Hiến pháp, luật, pháp lệnh chưa rõ ràng, có thể có những cách hiểu khác nhau, cần phải giải thích để có cách hiểu thống nhất. Đây chính là điểm thể hiện mối quan hệ giữa kiểm tra văn bản QPPL với việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh ở nước ta hiện nay.
2. Nhu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp[2], trong 04 năm qua, trung bình hàng năm, thực hiện thẩm quyền kiểm tra văn bản được giao, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra khoảng 5.000 văn bản của cả trung ương và địa phương, trong đó, trung bình mỗi năm phát hiện, kiến nghị xử lý khoảng gần 100 văn bản có nội dung trái pháp luật, qua đó, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật. Cũng chính thông qua quá trình kiểm tra văn bản, một số nội dung quy định trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh cần được hiểu rõ hơn, cụ thể hơn có thể được thực hiện thông qua việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Có thể kể đến những điển hình như sau:
2.1. Quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Có quan điểm cho rằng, với quy định này, cần giải thích cụ thể thế nào là “trường hợp cần thiết”, “lý do đạo đức xã hội”… Song, xem xét ở khía cạnh của người kiểm tra văn bản, quy định này cần phải được giải thích ở những khía cạnh sau:
Một là, Hiến pháp năm 2013 quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”, điều này được hiểu là chỉ có luật mới được quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân. Tuy vậy, luật có được phép quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân theo hướng định khung, sau đó, thực hiện việc ủy quyền lập pháp, Quốc hội giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân trong văn bản dưới luật không, hay trong mọi trường hợp, cứ hạn chế quyền con người, quyền công dân là phải được quy định trong luật? Nói cách khác, trong các văn bản dưới luật có được phép tồn tại các quy định “cấm” (đối với cá nhân) với nghĩa là quy định chi tiết các nội dung “cấm” đã được quy định trong luật không?
Hai là, Hiến pháp năm 2013 quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”, tuy vậy, trong hệ thống văn bản QPPL, có nghị định do Chính phủ ban hành để quy định “vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” (Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)[3] (trong đời sống pháp lý, văn bản này được gọi vắn tắt là “nghị định không đầu”). Như vậy, xét về hình thức, văn bản này không phải luật; xét về nội dung, nó được xem là “luật trong thời gian thí điểm”. Vậy, trong văn bản này, có được quy định những nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân không? Hiện nay đang tồn tại hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, vì không phải là luật nên việc quy định nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân trong văn bản này là vi phạm khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013; quan điểm thứ hai cho rằng, vì đây là văn bản được ban hành sau khi có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những vấn đề văn bản này điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên việc quy định nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân là phù hợp và cần thiết.
Ba là, cần hiểu như thế nào là quyền con người, quyền công dân bị hạn chế? Theo Từ điển Tiếng Việt[4], hạn chế là giữ lại, ngăn lại trong một giới hạn nhất định. Như vậy, bị hạn chế là bị giữ lại, ngăn lại trong một giới hạn nhất định. Trong trường hợp của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì đó là quyền con người, quyền công dân bị giữ lại, ngăn lại trong một giới hạn nhất định.
Có quan điểm cho rằng, quy định này được xem là tương đương với quy định cấm cá nhân, tổ chức thực hiện việc gì đó[5]. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kiểm tra văn bản cho thấy, không phải tất cả những quy định cấm đối với cá nhân đều là hạn chế quyền con người, quyền công dân. Chẳng hạn, tại một văn bản dưới luật về quản lý, sử dụng thông tin, có quy định cấm đối với các hành vi như: “Cố tình làm sai lệch thông tin, cung cấp thông tin sai lệch để trục lợi”; “tự ý lập, tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin, tài liệu”; chiếm đoạt, làm hỏng, mất tài liệu, mua bán, chuyển giao, tiêu hủy trái phép thông tin, tài liệu”… thì những quy định cấm này hoàn toàn không hạn chế quyền con người, quyền công dân. Như vậy, vấn đề ở đây là phải xác định được đâu là “quyền”, là giới hạn được phép thực hiện để xét thế nào là “bị hạn chế quyền” và đó chính là điểm mấu chốt để giải thích nội dung này trong quy định quyền con người, quyền công dân bị hạn chế tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Vấn đề này đã được khoa học pháp lý làm rõ.
Có thể nói, những vấn đề trao đổi trong nội dung này không phải vấn đề mới, cũng không có nhiều cách hiểu khác nhau, có nội dung đã được khoa học pháp lý làm rõ, song trong thực tế, đây lại là lý do để người, cơ quan đã ban hành văn bản dưới luật có quy định cấm (được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xác định là trái với quy định tại khoản 2 Điều 4 Hiến pháp năm 2013) có thể viện dẫn để nại ra mong khẳng định văn bản do mình ban hành bảo đảm tính hợp hiến mà người kiểm tra văn bản lại không có căn cứ đích xác để viện dẫn, khoa học pháp lý không phải là cơ sở pháp lý để kiểm tra văn bản. Vì vậy, đôi khi kết luận nội dung văn bản vi hiến bị cho là khiên cưỡng.
2.2. Quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 (hiện nay được ghi nhận tại khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020)
Khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”. Qua quá trình kiểm tra văn bản QPPL, quy định này cần được làm rõ ở hai khía cạnh sau:
Một là, bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có được ban hành văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trên cơ sở ủy quyền quy định chi tiết các điều kiện khung đã được quy định trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định không? Đây là trường hợp tương tự như quy định nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân đã trình bày ở trên. Vấn đề này trong thực tiễn hiện nay tồn tại hai quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, mọi điều kiện đã được quy định trong các văn bản của người có thẩm quyền; các quy định chi tiết được ban hành theo ủy quyền không đặt ra điều kiện mới. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định các điều kiện để cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp (điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp). Đồng thời, cũng tại Luật này, Quốc hội giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể về điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (khoản 4 Điều 19). Thực hiện thẩm quyền được giao, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp (Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH), trong đó có quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Điều 4 Thông tư này quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp gồm: Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; diện tích phòng học lý thuyết, phòng thực hành; đội ngũ giáo viên; chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo; nguồn lực tài chính… Nội dung tại Điều 4 Thông tư nêu trên là các điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy vậy, các điều kiện này được đánh giá là quy định chi tiết các điều kiện khung trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo thẩm quyền do Quốc hội giao; Thông tư không đặt ra các điều kiện kinh doanh mới mà chỉ quy định cụ thể các điều kiện được giao trong Luật. Do vậy, Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH không trái Luật Đầu tư năm 2014.
- Quan điểm khác lại cho rằng, khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định rõ: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh là vi phạm điều cấm của Luật, là trái Luật.
Hai là, khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 chỉ cho phép các chủ thể gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời, cũng chỉ cấm các chủ thể: Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành văn bản quy định về vấn đề này. Vậy, Thủ tướng Chính phủ là chủ thể không cấm mà cũng không cho phép, phải chăng, quy định này được hiểu đây là chủ thể “dự bị”, sẽ được sử dụng trong trường hợp đặc biệt?
Từ phân tích trên cho thấy, đây là những vấn đề đã được luật quy định cụ thể nhưng khi áp dụng vào thực tế lại có những tình huống dẫn đến các cách hiểu khác nhau, trong khi đó, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành lại chưa dự liệu được tình huống này, vì vậy, cần có sự giải thích để áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
3. Dự báo những nội dung cần giải thích trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh từ thực tiễn kiểm tra văn bản
Kết luận văn bản trái pháp luật, văn bản không bảo đảm tính hợp hiến là kết quả của quá trình xem xét, đánh giá nội dung văn bản được kiểm tra với văn bản làm căn cứ pháp lý để kiểm tra. Trong quá trình này, như đã phân tích và dẫn chứng ở trên, đòi hỏi người làm kiểm tra văn bản phải có căn cứ pháp lý vững chắc, rõ ràng để không bỏ lọt quy định trái, nhưng cũng không kết luận khiên cưỡng đối với bất kỳ quy định nào. Chính vì vậy, ngoài việc yêu cầu văn bản QPPL phải được quy định cụ thể, rõ ràng, nội dung cần hướng dẫn, quy định chi tiết phải được hướng dẫn, quy định chi tiết đầy đủ thì với thực tiễn công tác kiểm tra văn bản, tác giả dự báo trong thời gian tới cần có giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh ở những nội dung như sau:
Thứ nhất, những quy định đã rõ nhưng khi áp dụng vào thực tế (kể cả thực tế xây dựng văn bản QPPL và thực tế áp dụng pháp luật) lại có những phương thức tiếp cận khác nhau, gây ra các cách hiểu khác nhau mà ở đó, các bên có thể “tranh thủ”, vận dụng theo hướng có lợi cho mình (hậu quả là làm mất đi sự thống nhất của hệ thống pháp luật) mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại không có cơ sở chắc chắn để xử lý. Chẳng hạn, trong các ví dụ điển hình được phân tích ở phần 2 của bài viết này, rõ ràng “quyền”, “hạn chế quyền” là các khái niệm đã được làm rõ trong khoa học pháp lý hoặc quy định “chỉ được hạn chế bằng luật” là quy định rất rõ ràng, việc hình thành nên một cách hiểu khác là rất khiên cưỡng, tuy nhiên, trong tình thế cả hai bên đều không chắc chắn về lập luận của mình thì không tìm ra chân lý. Vì vậy, cần thiết phải có giải thích rõ ràng, cụ thể để minh bạch trong áp dụng.
Thứ hai, những quy định đã cụ thể nhưng khi áp dụng vào thực tế với tính chất sống động và đa chiều của nó có thể dẫn tới cách hiểu khác nhau và một trong các cách hiểu có thể dẫn tới hành vi vi phạm quy định pháp luật hoặc không xác định được hành vi vi phạm thì cần phải có giải thích cụ thể. Chẳng hạn như ví dụ điển hình thứ hai được phân tích trong phần 2 của bài viết này, liệu rằng luật có được quy định khung về điều kiện đầu tư kinh doanh để văn bản ở cấp thấp hơn quy định chi tiết các điều kiện đầu tư kinh doanh không?
Thứ ba, những quy định chưa cụ thể, nếu được giải thích thì sẽ rõ ràng và thống nhất khi áp dụng. Chẳng hạn, Luật Đất đai năm 2013 giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đất[6] nhưng không xác định có hay không bao gồm diện tích được phân chia theo bản án, quyết định của Tòa án, trong khi đó lại quy định, người sử dụng đất theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, dẫn tới tình huống cho rằng, đất đai tại địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên bản án, quyết định phân chia quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy định của địa phương về diện tích tối thiểu tách thửa, nếu không phù hợp thì không thể được thi hành hoặc được thi hành nhưng sau phân chia quyền sử dụng đất thì không thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì không đủ điều kiện về diện tích tối thiểu theo quy định của địa phương. Đồng thời, có quan điểm khác cho rằng, Hiến pháp đã quy định, bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được tôn trọng, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành[7], do đó, dù Tòa án có ra bản án, quyết định như thế nào khi phân chia quyền sử dụng đất thì bản án, quyết định đó vẫn được thi hành và người sử dụng đất theo bản án, quyết định đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không phụ thuộc vào diện tích tối thiểu tách thửa mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quy định. Hoặc trong trường hợp xuất hiện khoảng trống pháp lý khi Việt Nam gia nhập/tham gia vào các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà ngay lập tức cần có giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh để việc áp dụng được thống nhất trên toàn quốc. Đây là tình huống ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 26/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự.
Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh đem lại cách hiểu và áp dụng thống nhất quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh trong thực tiễn. Việc này không chỉ mang lại lợi ích đối với công tác kiểm tra văn bản mà nó còn là cơ sở để bảo đảm thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động kinh tế - xã hội vận hành, phát triển. Quá trình kiểm tra văn bản QPPL đã cho thấy nhu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh từ thực tiễn là tương đối lớn. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, quan tâm thích đáng đến hoạt động này.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Trước đây được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, được quy định chi tiết thi hành tại Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp. Trước năm 2010, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, được hướng dẫn thi hành tại Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 16/6/2004 của Bộ Tư pháp.
[2]. Các báo cáo của Bộ Tư pháp: Báo cáo số 100/BC-BTP ngày 24/4/2018 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018; Báo cáo số 126/BC-BTP ngày 06/5/2019 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019; Báo cáo số 98/BC-BTP ngày 29/4/2020 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020; Báo cáo số 78/BC-BTP ngày 10/5/2021 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021.
[3]. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng có quy định này (Điều 14).
[4]. Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin.
[5]. Chẳng hạn, một số quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2013: “Những hành vi bị nghiêm cấm: 1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai. 2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. 3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích. 4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất…”.
[6]. Khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai năm 2013.
[7]. Điều 106 Hiến pháp năm 2013.