1. Tổng quan về giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân
1.1. Khái niệm giảm trừ gia cảnh
Chế định giảm trừ gia cảnh lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thực sự là một bước tiến trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế tại Việt Nam. Mặc dù trước đó, tại Pháp lệnh về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 1991 đã có quy định về những trường hợp được miễn thuế, giảm thuế, cụ thể: “Trong trường hợp bị thiên tai, dịch họa, tai nạn ảnh hưởng đến đời sống của người nộp thuế, thì người nộp thuế được xét giảm thuế hoặc miễn thuế thu nhập. Hội đồng bộ trưởng quy định thể thức xét giảm thuế, miễn thuế thu nhập”[1]. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, bản chất của việc miễn thuế, giảm thuế tại điều này thực chất không phải là giảm trừ gia cảnh. Đây là những khoản miễn, giảm phải thỏa mãn những điều kiện nhất định, mà chỉ khi rơi vào những trường hợp theo luật định đó, người nộp thuế mới được hưởng các lợi ích này.
Chỉ đến khi Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 ra đời và đưa ra định nghĩa chính thức về giảm trừ gia cảnh: “Là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú”[2] thì chế định này mới thực sự được ghi nhận một cách cụ thể trong pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Hiện nay, thuật ngữ “giảm trừ gia cảnh” được hiểu và sử dụng rất khác nhau trong pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Gần như pháp luật các quốc gia đều có một điểm chung là thừa nhận giảm trừ gia cảnh về bản chất là các khoản giảm trừ mang tính chất hỗ trợ cho người nộp thuế như chi phí sinh hoạt, y tế... cũng như tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện các nghĩa vụ vật chất mang tính đạo đức đối với người thân thuộc. Còn về khái niệm giảm trừ gia cảnh dưới góc độ là một thuật ngữ pháp lý thì gần như không có sự thống nhất trong quy định của các quốc gia.
Theo từ điển Cambridge thì một khái niệm tương tự - khấu trừ thuế (Tax deduction) được hiểu là một số tiền hoặc chi phí có thể được trừ vào thu nhập của ai đó trước khi tính số tiền thuế mà họ phải nộp[3].
Pháp luật thuế thu nhập cá nhân của Singapore không đưa ra một định nghĩa cụ thể về “giảm trừ gia cảnh” mà gián tiếp quy định các khoản giảm trừ cho cá nhân thông qua việc quy định về thu nhập chịu thuế. Theo quy định của Đạo luật thuế thu nhập năm 1947 của nước này thì: Thu nhập tính thuế của bất kỳ người nào trong bất kỳ năm đánh giá nào là phần còn lại của thu nhập chịu thuế của người đó trong năm đó sau khi đã thực hiện các khoản giảm trừ và khấu trừ cho phép trong phần này[4]. Theo đó, pháp luật Singapore khấu trừ cho mỗi cá nhân người nộp thuế bình thường 1.000 USD[5]. Ngoài ra, người nộp thuế tại Singapore còn được khấu trừ rất nhiều khoản khác như khấu trừ cho vợ/chồng, khấu trừ cho vợ/chồng bị tàn tật, khấu trừ cho con…
Pháp luật Hoa Kỳ cũng không đưa ra một khái niệm chính xác về “giảm trừ gia cảnh” mà lại sử dụng khái niệm khấu trừ tiêu chuẩn (Standard deduction). Theo đó, khoản khấu trừ tiêu chuẩn được hiểu là một số tiền cụ thể làm giảm số thu nhập của cá nhân bị điều tiết thuế. Khoản khấu trừ tiêu chuẩn này bao gồm tổng số tiền khấu trừ tiêu chuẩn cơ bản và bất kỳ khoản khấu trừ tiêu chuẩn bổ sung nào theo độ tuổi và/hoặc khiếm thị[6].
Tương tự như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng sử dụng khấu trừ tiêu chuẩn chứ không đưa ra một khái niệm cụ thể về giảm trừ gia cảnh. Theo đó, người nộp thuế ở Nhật Bản có thể được trừ 380.000 JPY như một khoản khấu trừ tiêu chuẩn cho cá nhân từ thu nhập của mình[7].
Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy rằng, rất khó để đưa ra một định nghĩa chính xác và thống nhất về giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay có góc độ tiếp cận khái niệm giảm trừ gia cảnh cũng chưa thực sự phù hợp về bản chất. Bởi lẽ, xét về mặt ngữ nghĩa, thì “gia cảnh” là hoàn cảnh gia đình, cảnh nhà[8]; còn “giảm trừ” là làm cho hoặc trở nên ít đi về số lượng, mức độ, bớt đi một phần khỏi tổng số[9]. Như vậy, thuật ngữ giảm trừ gia cảnh nên được hiểu là một hành động hỗ trợ của Nhà nước trước hoàn cảnh của người nộp thuế. Mặc dù như vậy, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành lại quy định “giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ...”. Khái niệm này không dựa trên cơ sở ngữ nghĩa, mà chỉ nêu ra cách thức giảm trừ và đối tượng được giảm trừ.
1.2. Nội dung của giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân
Thứ nhất, thu nhập được tính giảm trừ gia cảnh:
Thu nhập được hiểu là khoản lợi ích mà một cá nhân nhận được trong một khoảng thời gian nhất định từ công việc, dịch vụ hoặc hoạt động nào đó. Giảm trừ gia cảnh là khoản tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với các cá nhân có thu nhập. Để có thể bảo đảm lợi ích của người nộp thuế, đồng thời tránh thất thu thuế của Nhà nước, khoản tiền giảm trừ gia cảnh cần được trừ vào những nguồn thu nhập hợp lý. Trước đây, trong quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì thu nhập được tính để giảm trừ gia cảnh là thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của cá nhân. Đến Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi năm 2012, đã bỏ đi thu nhập từ kinh doanh. Điều này dựa trên bản chất của các loại thu nhập, giảm trừ gia cảnh cần được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế là các khoản thu nhập thường xuyên. Bởi lẽ, mục đích của giảm trừ gia cảnh là để người nộp thuế có một khoản thu nhập đảm bảo và duy trì cuộc sống của cá nhân và gia đình của họ. Do đó, khoản thu nhập này phải là khoản thu nhập thường xuyên, liên tục và ổn định của các cá nhân. Xét dưới khía cạnh này, thì hiện nay chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công mới là khoản thu nhập đáp ứng đủ điều kiện.
Thứ hai, đối tượng được giảm trừ gia cảnh:
Hiện nay, đối tượng được giảm trừ gia cảnh bao gồm bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc của họ. Giảm trừ cho người nộp thuế là khoản giảm trừ luôn luôn có trong quy định về giảm trừ gia cảnh. Trong pháp luật thuế thu nhập cá nhân của hầu hết các quốc gia trên thế giới, dù quy định về giảm trừ gia cảnh phức tạp hay đơn giản thì khoản giảm trừ cho bản thân người nộp thuế bắt buộc phải có. Bởi vì, đây là khoản giảm trừ quan trọng thể hiện quyền và lợi ích của người nộp thuế xuất phát từ quyền được sống và duy trì sự sống được ghi nhận trong rất nhiều văn bản quốc tế[10] và cả Việt Nam[11]. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội nên mức giảm trừ cho người nộp thuế ở các quốc gia khác nhau thì không giống nhau.
Giảm trừ cho người phụ thuộc là khoản giảm trừ áp dụng cho những đối tượng mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng. Người nộp thuế bên cạnh việc sử dụng thu nhập mà mình có được để duy trì cuộc sống của bản thân thì còn phải thực hiện trách nhiệm đối với những thành viên khác trong gia đình. Điều này xuất phát từ bản chất gia đình là một tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau[12]. Do đó, giảm trừ cho người phụ thuộc hoặc những cá nhân mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là khoản giảm trừ hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, để đảm bảo sự chia sẻ lợi ích này đạt hiệu quả, đảm bảo công bằng thì giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc cần phải thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế[13]. Đồng thời, thành viên trong gia đình được xem là người phụ thuộc của người nộp thuế cần đáp ứng những điều kiện nhất định theo luật định.
Thứ ba, mức giảm trừ gia cảnh:
Quy định pháp luật về mức giảm trừ gia cảnh có tác động rất lớn đến người nộp thuế bởi đây là số tiền được trừ trực tiếp vào thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế. Vì ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nộp thuế, do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh luôn được xây dựng dựa trên rất nhiều yếu tố và được cân nhắc kỹ trước khi ban hành. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh được xây dựng trên cơ sở một số yếu tố như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức sống của người dân… với mục đích bảo đảm đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc của họ có sự khác biệt. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 khi lần đầu tiên quy định về giảm trừ gia cảnh đã đưa ra mức giảm trừ là 04 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/người/tháng cho người phụ thuộc. Qua các lần sửa đổi, bổ sung, mức giảm trừ này đã tăng lên tương ứng là 09 triệu đồng và 3,6 triệu đồng. Bắt đầu từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng/người đối với người phụ thuộc[14].
Thứ tư, điều kiện để được giảm trừ gia cảnh:
Điều kiện giảm trừ gia cảnh được xác định bằng các tiêu chí liên quan đến đối tượng được giảm trừ gia cảnh. Đối với người nộp thuế, để được giảm trừ gia cảnh, họ phải là cá nhân cư trú. Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân tại Việt nam hiện nay chưa quy định việc giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân không cư trú do tính chất không ổn định và khó kiểm soát của nhóm chủ thể này. Đối với người phụ thuộc, họ cần đáp ứng những tiêu chí về độ tuổi, tình trạng sức khỏe và thu nhập[15]. Vì giảm trừ gia cảnh là quyền lợi của người nộp thuế được hưởng và cũng là sự chia sẻ lợi ích của Nhà nước, do vậy, sự chia sẻ này cần đặt vào đúng đối tượng. Bên cạnh điều kiện đặt ra đối với người nộp thuế thì việc quy định điều kiện đối với người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh là vô cùng quan trọng. Đặt ra những điều kiện đối với người phụ thuộc giúp giới hạn phạm vi những đối tượng có khả năng trở thành người phụ thuộc, giúp cơ quan nhà nước dễ quản lý, tránh tình trạng “người phụ thuộc ảo”.
1.3. Vai trò của giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân
Việc xây dựng quy định về giảm trừ gia cảnh lần đầu tiên trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 đã ghi nhận quyền được hưởng lợi ích một cách chính đáng và hợp pháp của người nộp thuế; đồng thời là một bước tiến lớn thể hiện sự phát triển của pháp luật Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, đòi hỏi phải có sự tương thích pháp luật với các quốc gia khác. Quy định giảm trừ gia cảnh được ghi nhận chính thức trong một văn bản có giá trị pháp lý cao không chỉ mang lại những ý nghĩa đối với người nộp thuế mà còn đối với cả Nhà nước.
Dưới góc độ người nộp thuế, giảm trừ gia cảnh là biện pháp hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để họ có thể tái tạo sức lao động, bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như ăn, mặc, ở, đi lại để duy trì sự sống và tiếp tục lao động, sản xuất, tạo ra thu nhập trong tương lai. Giảm trừ gia cảnh được quy định cụ thể đã thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng, tạo tâm lý tin tưởng của người nộp thuế vào chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, giảm trừ cho người phụ thuộc cũng là một quy định mang tính nhân đạo cao. Bởi vì, người lao động khi tạo ra thu nhập không chỉ hướng tới việc phục vụ cho sự tồn tại của chính bản thân mà còn thực hiện các nghĩa vụ vật chất mang tính đạo đức đối với người thân thuộc của họ. Do đó, việc quy định giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là biện pháp hỗ trợ không thể thiếu để cá nhân mỗi người nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng gia đình của mình.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, trên thực tế, phần lớn các vụ việc trốn thuế xảy ra đều xuất phát từ các loại thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân. Bởi lẽ, đối với những loại thuế này, người nộp thuế sẽ cảm nhận trực tiếp gánh nặng khi sắc thuế điều tiết, họ sẽ luôn luôn nảy sinh tâm lý kháng cự, trốn tránh hoặc làm giảm tối đa số thuế phải nộp. Từ đó, dẫn tới việc quản lý và tổ chức thu thuế của Nhà nước gặp không ít khó khăn.
Quy định về giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân nộp thuế và người phụ thuộc có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm áp lực tâm lý của người nộp thuế, tạo sự an tâm cho người lao động tạo ra của cải, vật chất. Việc áp dụng giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân như đã phân tích ở trên đã thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng của người nộp thuế, cân bằng lợi ích giữa người nộp thuế và ngân sách chứ không tuyệt đối hóa quyền thu thuế của Nhà nước. Điều này giúp cho người nộp thuế nhận thức được sự công bằng của pháp luật, ý thức được trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, luôn vững tin vào pháp luật, chính sách của Nhà nước; hạn chế các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thu - nộp thuế. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu để “nuôi dưỡng nguồn thu” lâu dài cho ngân sách nhà nước.
2. Thực trạng pháp luật về giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân
Quy định về giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân lần đầu được quy định và áp dụng trên thực tế kể từ thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 ra đời. Tính cho đến nay đã trải qua 16 năm triển khai, với hai lần sửa đổi, bổ sung năm 2012 và năm 2014. Mặc dù, quy định này cũng đã được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn thu nhập và nhu cầu của người nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay, quy định trên đã tỏ ra lỗi thời và cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, nhất là sau 02 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
2.1. Đối tượng được giảm trừ
Đối tượng được giảm trừ gia cảnh hiện nay theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân bao gồm người nộp thuế và người phụ thuộc của họ. Đối với quy định giảm trừ cho người nộp thuế chỉ là cá nhân cư trú, theo tác giả đánh giá là khá phù hợp với trình độ quản lý, đặc tính không liên tục và khó kiểm soát của nhóm đối tượng là cá nhân không cư trú.
Tuy nhiên, quy định giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc hiện nay còn một số điểm chưa thực sự hợp lý. Theo đó, điều kiện để được coi là người phụ thuộc được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 có vẻ như bao quát các trường hợp nhưng lại thiếu đi cơ chế giám sát và bảo đảm thực thi có hiệu quả trên thực tế. Điều này dẫn tới hệ quả là trong nhiều trường hợp, các chủ thể đã lợi dụng để gian lận nhằm trốn thuế của Nhà nước.
Đơn cử như trường hợp con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng[16]. Việc kiểm soát các điều kiện này rất khó khăn. Thực tế đã chứng minh, đây là một trong những nhóm đối tượng có thể dễ dàng trở thành người phụ thuộc của người nộp thuế để hưởng giảm trừ gia cảnh mà Nhà nước rất khó để kiểm tra và giám sát.
2.2. Mức giảm trừ
Mức giảm trừ gia cảnh có thể nói là nội dung đang gây bức xúc nhất hiện nay dưới góc độ người nộp thuế. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích vật chất của các chủ thể này. Theo đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn một số điểm chưa phù hợp như sau:
Một là, hiện nay luật đang áp dụng mức giảm trừ mang tính chất “cào bằng” cho tất cả các chủ thể. Điều này là chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ, mỗi cá nhân có điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau trong khi Luật Thuế thu nhập cá nhân lại quy định một mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc, không phân biệt điều kiện sống theo vùng miền. Cách tiếp cận khi xây dựng chính sách tiền lương, Chính phủ cũng đã quy định mức lương tối thiểu vùng (4 vùng), song mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân lại không tiếp cận như vậy, dẫn đến “cào bằng” mức sống của người thành thị với nông thôn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gần đây, thu nhập của lao động ở thành thị gấp 1,43 lần nông thôn[17], nhưng rõ ràng điều kiện vật giá ở thành thị cũng cao hơn nông thôn. Hơn nữa, với đặc tính lũy tiến của thuế thu nhập cá nhân, nếu thu nhập trung bình của người dân thành thị cao hơn nông thôn thì thuế sẽ điều tiết phần thu nhập cao hơn đó ở thành thị với một tỉ lệ thuế suất biên cao hơn so với ở nông thôn. Do đó, mức giảm trừ gia cảnh cần phải phân biệt giữa các vùng khác nhau thay vì “cào bằng”.
Hai là, thời gian điều chỉnh mức giảm trừ ở Việt Nam hiện nay chưa hợp lý. Cụ thể, khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI)[18] biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Quy định trên là chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh lạm phát mỗi năm tương đối cao, mức sống của người dân cũng thay đổi rất nhanh. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh được quy định cố định trong một khoảng thời gian dài thì chi phí cho cuộc sống của người dân có xu hướng tăng qua các năm.
Theo Numbeo[19] - cơ sở dữ liệu dành cho người dùng trên toàn thế giới, chi phí sinh hoạt hằng tháng (chưa bao gồm chi phí thuê nhà) tại thời điểm tháng 6/2023 của 01 người độc thân ở Việt Nam ước tính là khoảng 11.389.509,7 đồng/tháng và của 01 gia đình bốn người là khoảng 40.345.485,5 đồng/tháng[20]. Trong khi đó, tổng mức giảm trừ gia cảnh cho một gia đình 04 người gồm hai vợ chồng và 02 con của Việt Nam chỉ 30,8 triệu đồng/tháng[21]. Do đó, có thể thấy rằng, việc chỉ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là khá chậm trễ và không kịp phản ánh thực tế gánh nặng giá cả lên người lao động.
Tham khảo quy định của pháp luật Hoa Kỳ thì nhìn chung, khoản khấu trừ tiêu chuẩn sẽ được quốc gia này điều chỉnh hàng năm theo lạm phát và thay đổi tùy theo tình trạng khai thuế của người nộp thuế[22]. Đối với Singapore hay Nhật Bản, mặc dù việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không được thay đổi theo từng năm nhưng bù lại, những quốc gia này không giảm trừ “trọn gói” như ở Việt Nam mà sẽ giảm trừ cho người nộp thuế rất nhiều khoản chi phí hợp lý khác.
Ba là, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) giảm trừ “trọn gói” cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc của người đó 4,4 triệu đồng/tháng/người mà không xem xét tới các khoản chi phí khác. Điều này là chưa hợp lý khi chưa tính toán đến các khoản chi phí khác của cá nhân người nộp thuế hay đặc điểm riêng của người phụ thuộc. Ngoài việc bảo đảm các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở, đi lại để duy trì cuộc sống, trên thực tế, các cá nhân còn phát sinh rất nhiều những khoản chi phí hợp lý khác cần được Nhà nước xem xét khấu trừ như: Chi phí cho học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chi phí đầu tư… Tương tự như vậy, người phụ thuộc có thể có những đặc điểm khác nhau về độ tuổi, khả năng lao động, tình trạng bản thân nhưng hiện nay đều được giảm trừ một mức chung là 4,4 triệu đồng.
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Singapore hay Nhật Bản thì ngoài khoản giảm trừ có tính chất cố định cho mỗi cá nhân tạo ra thu nhập thì người nộp thuế còn được khấu trừ những khoản chi phí hợp lý khác. Ví dụ như ở Hoa Kỳ[23] có thể kể đến các loại chi phí như chi phí cho giáo dục, tiền lãi phải trả của việc vay mua nhà, chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí liên quan đến các khoản đầu tư… Ở Singapore[24] cũng có các khoản tương tự như: Khấu trừ cho vợ/chồng, khấu trừ cho con, khấu trừ bảo hiểm nhân thọ và các khoản đóng góp được phê duyệt… Riêng tại Nhật Bản còn có một số khoản khấu trừ rất đặc biệt như khấu trừ tổn thất do tai nạn hay khấu trừ phí bảo hiểm động đất[25].
2.3. Quản lý thuế đối với giảm trừ gia cảnh
Công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân nói chung và quản lý đối với hoạt động giảm trừ gia cảnh nói riêng hiện nay gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, cùng với đó là các khoản thu nhập của cá nhân có nguồn gốc ngày càng phong phú và đa dạng. Bên cạnh nguyên nhân cơ bản đó thì việc pháp luật còn chưa chặt chẽ trong các quy định về bảo đảm cơ chế thực thi cũng là một hạn chế cần phải khắc phục.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì một trong những điều kiện để được coi là người phụ thuộc là các cá nhân này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới mức quy định. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn khó kiểm soát trên thực tế, dẫn tới việc rất nhiều cá nhân mặc dù có thu nhập nhưng vì lợi dụng vào việc cơ quan quản lý thuế không thể kiểm tra được nên vẫn được coi là người phụ thuộc của người nộp thuế.
Đối với trường hợp cá nhân không có khả năng lao động hoặc cá nhân là người không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng, trên thực tế, rất khó để cơ quan quản lý có thể xác minh được chính xác những vấn đề này. Cụ thể, hiện nay, khi thực hiện bản kê khai về người trực tiếp phải nuôi dưỡng, cá nhân là người nộp thuế sử dụng Mẫu số 07/XN-NPT-TNCN[26] thay thế cho Mẫu số 09/XN-NPT-TNCN[27] trước đây. Tuy nhiên, trong mẫu mới này cũng vẫn có phần xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tùy thuộc vào trường hợp người phụ thuộc có/không sống cùng người nộp thuế. Việc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã trên thực tế hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có mối quan hệ tốt với địa phương này.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành về điều kiện xác định người phụ thuộc được hưởng giảm trừ gia cảnh. Từ đó, hạn chế được tình trạng gian lận khi kê khai người phụ thuộc nhằm làm giảm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Thứ hai, quy định về mức giảm trừ một cách hợp lý trên cơ sở cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế từ các chi phí phát sinh theo định mức để tồn tại và phát triển bản thân, bao gồm chi phí ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nâng cao kiến thức... Đây được xem là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng về thuế. Trong khi tại Việt Nam, do công tác thống kê và quản lý thu nhập chưa hoàn thiện nên pháp luật tính chung mức giảm trừ gia cảnh của mọi người cố định như nhau - một con số cố định cho mọi người cư trú ở các vùng miền khác nhau với chi phí sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.
Thứ ba, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh một số giải pháp thi hành pháp luật về thuế thu nhập cá nhân: (i) Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ số trong quản lý thuế. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ngành Thuế cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về người nộp thuế thu nhập cá nhân để thực hiện việc đối chiếu chéo thông tin từ các nguồn thu nhập khác nhau nhằm kiểm tra thông tin người nộp thuế mà không cần phải đến trụ sở người nộp thuế. Đây là biện pháp quan trọng để cơ quan thuế có thể thực hiện việc giám sát được người nộp thuế thu nhập cá nhân với số lượng lớn như hiện nay. Trên cơ sở dữ liệu này, cơ quan thuế thực hiện việc phân tích, đánh giá rủi ro như không nộp thuế, nộp chậm thuế… để lựa chọn đúng các trường hợp không chấp hành tốt pháp luật thuế để thanh tra, kiểm tra. (ii) Các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, tạo điều kiện để người dân tiếp cận chính xác, kịp thời các quy định về nghĩa vụ thuế của họ. Hiện nay, Ngành Thuế đã có nhiều động thái tích cực nhằm hỗ trợ người nộp thuế kịp thời tiếp cận thông tin về nội dung chính sách thuế. Chẳng hạn, hầu hết cục thuế có website đăng tải văn bản pháp luật mới, cập nhật thường xuyên, giải đáp thắc mắc bằng cách gửi câu hỏi trực tuyến, có đường dây nóng hỗ trợ người nộp thuế khi có nhu cầu. Hàng năm, Cục Thuế các tỉnh cũng đều đặn tổ chức “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” nhằm tạo cơ hội cho người nộp thuế bày tỏ vướng mắc, tâm tư cũng như cập nhật thông tin mới về cơ chế chính sách, giải đáp các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật thuế.
Hà Trọng Bắc
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
Nguyễn Trung Dương
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Điều 20 Pháp lệnh về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 1991.
[2]. Khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007.
[3]. “An amount or cost that can be subtracted from someone’s income before calculating how much tax they owe”. https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/tax-deduction?q=tax+deductions, truy cập ngày 11/6/2023.
[4]. Secsion 38, Part 10, Income Tax Act 1947 of Singapore.
[5]. Secsion 39, Part 10, Income Tax Act 1947 of Singapore.
[6]. Theo Sở thuế vụ Hoa Kỳ - IRS, https://www.irs.gov/taxtopics/tc551, truy cập ngày 11/6/2023.
[7]. Điều 86 Đạo luật thuế thu nhập năm 1965 của Nhật Bản.
[8]. TS. Chu Bích Thu, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Trâm, TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, TS. Nguyễn Thúy Khanh, TS. Nguyễn Việt Hùng (2002), Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Viện ngôn ngữ học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 338.
[9]. Viện ngôn ngữ học, tlđd (8), tr. 440.
[10]. Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948 và được cụ thể hóa tại Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966.
[11]. Điều 19 Hiến pháp năm 2013.
[12]. Khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[13]. Khoản 2 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007.
[14]. Theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điểu chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
[15]. Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007.
[16]. Điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
[17].https://dulieutonghop.molisa.gov.vn/so-lieu-chung-ca-nuoc/chi-tiet/fbbefece-747e-47c8-9f9d-c481504e2fbc/cdd8857e-fb94-4c8e-9fa3-d313ed2af8e4, truy cập ngày 12/6/2023.
[18]. Chỉ số giá tiêu dùng (viết tắt là CPI, tiếng Anh: Consumer Price Index) được hiểu là chỉ số tính theo phần trăm (%) để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian.
[19]. https://www.numbeo.com.
[20]. https://www.numbeo.com/cost-of-living/country_result.jsp?country=Vietnam, truy cập ngày 11/6/2023.
[21]. Mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc.
[22]. Theo Sở thuế vụ Hoa Kỳ - IRS, https://www.irs.gov/taxtopics/tc551, truy cập ngày 11/6/2023.
[22]. Theo Sở thuế vụ Hoa Kỳ - IRS, https://www.irs.gov/credits-deductions-for-individuals, truy cập ngày 12/6/2023.
[24]. Secsion 39, Part 10, Income Tax Act 1947 of Singapore.
[25]. Điều 72, Điều 77 Đạo luật thuế thu nhập năm 1965 của Nhật Bản.
[26]. Ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
[27]. Ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế.