Tóm tắt: Bài viết bàn về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những vấn đề còn tồn tại trong quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Trên cơ sở đó, các tác giả đưa ra một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hàng hóa, dịch vụ trong tương lai.
Abstract: The article discusses the limitation of freedom of contract related to goods and services in the context of international integration, the remaining issues in the current legal regulations related to goods and services. On that basis, the authors offer some solutions to improve the legal provisions related to goods and services in the future.
1. Khái quát chung về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
1.1. Sự cần thiết giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Tự do hợp đồng là một trong những quyền kinh tế cơ bản của con người được pháp luật của nhiều quốc gia thừa nhận, được bảo đảm thực hiện trên thực tế bằng nhiều cách thức và biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, tự do hợp đồng không có nghĩa là các chủ thể giao kết hợp đồng được phép thỏa thuận về tất cả những vấn đề, kể cả trường hợp vấn đề đó nằm ngoài sự cho phép của pháp luật. Giới hạn tự do hợp đồng có thể được đặt ra ở nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến chủ thể, nội dung, hình thức hợp đồng. Trong phạm vi bài viết, các tác giả tập trung nghiên cứu và phân tích giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ - một khía cạnh nhỏ thuộc nội dung hợp đồng. Hiện nay, nhiều quy định liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành, nghề kinh doanh đã có sự thay đổi lớn. Một số hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề kinh doanh bị bãi bỏ, một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được bổ sung nhưng đã giảm xuống còn 227 so với 243 ngành, nghề theo Luật Đầu tư năm 2014 và Luật số 03/2016/QH 14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014, cũng như mở rộng nội dung ưu đãi đầu tư đối với một số hàng hóa, dịch vụ[1]. Các xu hướng nói trên mà pháp luật thương mại Việt Nam hướng tới không đồng nghĩa với việc sẽ bảo đảm cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều được đem trao đổi, mua bán tự do bởi quá trình hội nhập quốc tế có thể làm xuất hiện một số hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng tiêu cực đến giao lưu dân sự nói chung và hoạt động thương mại nói riêng. Việc đặt ra những giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ là một nội dung quan trọng và cần thiết bởi một số lý do cơ bản sau:
(i) Bảo đảm lợi ích của bên chủ thể, bảo đảm an toàn, cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người. Hiện nay, còn tồn tại một số hàng hóa nếu được phép lưu thông có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, ví dụ như các chất ma túy, các loại pháo nổ…
(ii) Bảo vệ thuần phong mỹ tục, các giá trị đạo đức và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Những giá trị này cần được bảo vệ đặc biệt khi nền kinh tế trong nước đang ngày càng phát triển, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
(iii) Bảo vệ môi trường sống bao gồm bảo vệ các loài thực vật, động vật quý hiếm. Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 01/01/2018 đến ngày 31/5/2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã bắt giữ và xử lý 560 vụ vi phạm liên quan đến bảo vệ động vật rừng. So với trước đây số vụ vi phạm mua bán, vận chuyển các loài động vật, thực vật hoang dã giảm nhưng tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn[2]. Từ năm 1994 nước ta ký kết và trở thành thành viên của Công ước mua bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (Công ước Cites). Một số nội dung quan trọng của Công ước đã được nội luật hóa, việc kinh doanh các mẫu vật liên quan đến thực vật, động vật quý hiếm bị nghiêm cấm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
(iv) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội. Xét dưới khía cạnh này sẽ có một số hàng hóa, dịch vụ chỉ thuộc quyền kinh doanh của Nhà nước (hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước). Điều này cũng có nghĩa là đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước sẽ do Nhà nước thực hiện và quản lý, các chủ thể khác không được sử dụng các hàng hóa, dịch vụ này đem mua bán, trao đổi trở thành đối tượng của hợp đồng trong hoạt động thương mại trừ trường hợp được Nhà nước cho phép khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn Nhà nước đặt ra.
1.2. Quy định của pháp luật hiện hành về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Căn cứ vào Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp lý khác có liên quan, giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ được thể hiện như sau:
Một là, hàng hóa, dịch vụ không thể trở thành đối tượng hợp đồng khi hàng hóa, dịch vụ đó bị cấm kinh doanh. Nhóm hàng hóa, dịch vụ này được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 10 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Nghị định số 31/2021/NĐ-CP), bao gồm các chất ma túy được quy định tại Phụ lục I của Luật; các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật; mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này; mua bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người, hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người; pháo nổ; hoạt động mại dâm và dịch vụ đòi nợ thuê. Một số hàng hóa, dịch vụ cũng được loại trừ khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh như buôn bán phụ nữ, trẻ em; kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan… Tuy nhiên, việc loại bỏ một số hàng hóa, dịch vụ khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh không có nghĩa là các chủ thể của hợp đồng được quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ này để kinh doanh bởi việc thực hiện các hành vi kinh doanh với hàng hóa, dịch vụ đó là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Xuất bản năm 2012… Quy định về một số loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ở Việt Nam hiện nay cũng có sự tương đồng với một số quốc gia khác như Lào, Myanmar, Brunei và một số công ước quốc tế[3].
Hai là, một số hàng hóa, dịch vụ chỉ trở thành đối tượng hợp đồng khi đáp ứng điều kiện cần thiết do pháp luật quy định. Nhóm hàng hóa, dịch vụ này thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, được quy định cụ thể tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020 với 227 loại hàng hóa, dịch vụ và Điều 11 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Một số loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện bị bãi bỏ như kinh doanh dịch vụ logistics, xuất khẩu, nhập khẩu điện… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đây là nhóm hàng hóa, dịch vụ được bãi bỏ không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, đạo đức xã hội hoặc đã được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật[4]. Điều này cho thấy các hàng hóa, dịch vụ hiện nay thuộc nhóm này đã giảm so với quy định trước, góp phần tạo ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh, cũng như đã mở rộng hơn quyền tự do kinh doanh trong hoạt động thương mại cho các chủ thể kinh doanh.
Ba là, một số hàng hóa, dịch vụ chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện. Đây là nhóm hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước và các chủ thể không được Nhà nước giao thực hiện thì không có quyền tự do kinh doanh đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này. Hiện nay, vấn đề độc quyền nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ ở nước ta được quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/8/2017 của Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại với 20 hàng hóa, dịch vụ kèm theo một hoặc một số công đoạn của hoạt động thương mại tương ứng. Nghị định này được ban hành đã hệ thống hóa lại hàng hóa, dịch vụ độc quyền trong hoạt động thương mại trước đây được quy định rải rác trong hệ thống pháp luật như Luật Điện lực, Luật Hàng không dân dụng, Luật Xuất bản, Luật Đường sắt… Như vậy, bằng việc quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước, văn bản pháp lý này đã ngăn cản một cách đáng kể các chủ thể kinh doanh tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ này.
2. Thực trạng pháp luật hiện hành về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Thứ nhất, đối với hàng hóa, dịch vụ không thể trở thành đối tượng hợp đồng khi hàng hóa, dịch vụ đó bị cấm kinh doanh. Trong nhóm này, dịch vụ đòi nợ được Luật Đầu tư năm 2020 ghi nhận thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Quy định này đã tạo ra trên thực tế hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trước đây dịch vụ đòi nợ thuộc nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng đã xuất hiện nhiều biến tướng, làm xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự xã hội. Vì vậy cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết[5]. Quan điểm thứ hai cho rằng, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ là nhu cầu khách quan xuất phát từ thực tế, để hạn chế các tiêu cực từ việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ này thì nên bổ sung thêm các quy định có tính chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà không nên cấm như quy định hiện nay[6].
Thứ hai, đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện: Quy định pháp luật hiện hành về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số hàng hóa, dịch vụ không nhận thấy tác động đáng kể đến lợi ích công cộng; một số hàng hàng hóa, dịch vụ không thấy rõ sự đặc thù so với hàng hóa, dịch vụ thông thường khác; một số hàng hóa, dịch vụ trong danh mục xác định phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết. Có thể dẫn chứng một số hàng hóa, dịch vụ như kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô (mục 72). Dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô là dịch vụ kỹ thuật thông thường tương tự như với hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các hàng hóa khác. Dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ô tô. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình. Vì vậy, dịch vụ này chưa thể hiện được sự đặc thù so với các dịch vụ tương tự khác để có thể quy định về điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, việc đặt ra điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ này cũng không thể hiện được mục tiêu quản lý nào trong các tiêu chí mà pháp luật hiện hành đã đưa ra. Do đó, quy định dịch vụ này thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là bất hợp lý. Một số ngành, nghề kinh doanh khác như kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì (mục 121), dịch vụ kinh doanh lữ hành (mục 196) đã được điều chỉnh bởi pháp luật về xuất bản, pháp luật về giao thông vận tải (đường bộ, đường sông..)… Vì vậy, quy định các dịch vụ nói trên thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là không cần thiết[7].
Thứ ba, một số hàng hóa, dịch vụ chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện: Vấn đề độc quyền nhà nước đối với việc kinh doanh 20 loại hàng hóa, dịch vụ hiện nay ở Việt Nam chưa thật sự phù hợp. Ví dụ như việc quản lý, khai thác trong trường hợp giao kế hoạch hệ thống thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước là bất hợp lý bởi thủy lợi là lĩnh vực cần được khuyến khích đầu tư tham gia để tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành dịch vụ, hạ giá đầu vào cho Ngành Nông nghiệp thì lại cấm các nhà đầu tư tư nhân tham gia[8]. Tương tự, nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước như hiện nay cũng bất hợp lý bởi Tổng công ty thuốc lá Việt Nam đã được cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ[9], tức là cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Do đó, việc nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước là không hợp lý.
3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật hiện hành về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Một là, đối với hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh: Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 nên được sửa đổi theo hướng, chuyển “dịch vụ đòi nợ” là một trong những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sang ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020. Lý do là trước đây cũng đã có những quy định pháp luật về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đó là Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này chưa thực sự có hiệu quả; nhiều khoản nợ vẫn không đòi được dẫn đến xuất hiện nhiều biến tướng làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, ở một số quốc gia trên thế giới, dịch vụ đòi nợ không bị cấm kinh doanh, nhưng việc kinh doanh dịch vụ này phải tuân thủ các quy định của pháp luật một cách nghiêm ngặt. Ví dụ như ở Hàn Quốc, dịch vụ đòi nợ là một vấn đề bắt đầu được quy định ở Luật về thông tin tín dụng (1995), nhưng kèm theo đó có các quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, về phí thực hiện dịch vụ đòi nợ, về chủ thể kinh doanh dịch vụ đòi nợ, phạm vi các khoản nợ được phép thực hiện dịch vụ đòi nợ[10]. Ở Nhật Bản, Luật Dịch vụ thu hồi nợ được ban hành năm 1999 với những quy định chặt chẽ liên quan đến chủ thể được phép thu hồi nợ; quy định cấp phép thực hiện nghiệp vụ thu hồi nợ; quy định về ngành thu hồi nợ… Cho đến nay, Luật Dịch vụ thu hồi nợ của Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Điều đó cho thấy việc Nhà nước Nhật Bản ban hành Luật Thu hồi vốn là đúng đắn[11]. Pháp luật của Thái Lan quy định thời gian gọi điện thu hồi nợ đối với người vay nợ là từ 8 giờ đến 20 giờ; ngoài khoảng thời gian này, người thực hiện dịch vụ đòi nợ không được gọi điện để đòi nợ. Pháp luật của Hoa Kỳ quy định thời gian gọi điện để thu hồi nợ là từ 8 giờ đến 21 giờ và không được phép tiếp cận với hàng xóm hay những người liên quan khác với mục đích là nhằm bảo vệ uy tín của người đi vay[12]. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy Nhà nước vẫn nên cho phép các nhà đầu tư kinh doanh thực hiện dịch vụ đòi nợ, nhưng pháp luật cần có những quy định chặt chẽ và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi nước.
Hai là, đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cần tiếp tục được rà soát theo các xu hướng sau: (i) Phù hợp với những tiêu chí “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng” đã được thể hiện tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020; (ii) Các ngành, nghề kinh doanh có thể quản lý bằng hình thức khác thì không nhất thiết phải đặt ra điều kiện kinh doanh; (iii) Các ngành, nghề kinh doanh không nhận thấy rõ tính đặc thù so với ngành, nghề kinh doanh thông thường thì cũng không cần thiết đặt ra điều kiện kinh doanh cho ngành, nghề đó; (iv) Các ngành, nghề kinh doanh có phạm vi không rõ ràng thì cần phải xác định cụ thể hơn (ví dụ: Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ba là, một số hàng hóa, dịch vụ chỉ do cơ quan Nhà nước có quyền thực hiện hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện: Đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ này cần được rà soát lại theo hướng, chỉ nên duy trì sự độc quyền nhà nước đối với việc kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và một số hàng hóa, dịch vụ khác nhằm bảo đảm ổn định và an toàn cho kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Một số hoạt động như nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà hay quản lý, khai thác trong trường hợp giao kế hoạch đối với công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển… có thể chuyển sang danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, nghĩa là các chủ thể phải tuân thủ các điều kiện mà pháp luật quy định khi tiến hành kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.
Việc triển khai thực thi quy định pháp luật về hàng hóa, dịch vụ trong tương lai có thể phát sinh nhiều bất cập và hạn chế làm ảnh hưởng đến việc xác lập hợp đồng của các bên chủ thể trong hoạt động thương mại. Vì vậy, một số giải pháp được các tác giả đề cập trong bài viết là những giải pháp để tham khảo nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại
ThS. Trần Thị Lan Phương
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/tao-dong-luc-thu-hut-lan-song-dau-tu-moi-637436/.
[2]. Nguyễn Văn Pha (2020), Giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm ở Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, truy cập ngày 01/10/2020.
[3].https://tuoitre.vn/dong-nam-a-cam-mai-dam-van-hoanh-hanh-20180424113835291.htm#:~:text= Ngo%C3%A0i%20g%C3%A1i%20n%E1%BB%99i%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20c%C3%B2n,%C3%ADt%20khi%20b%E1%BB%8B%20x%E1%BB%AD%20ph%E1%BA%A1t.
[4]. https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/tao-dong-luc-thu-hut-lan-song-dau-tu-moi-637436/.
[5]. https://dangcongsan.vn/phap-luat/quy-dinh-chat-che-cac-dieu-kien-hoat-dong-dich-vu-kinh-doanh-doi-no-555708.html.
[6]. https://dangcongsan.vn/phap-luat/quy-dinh-chat-che-cac-dieu-kien-hoat-dong-dich-vu-kinh-doanh-doi-no-555708.html.
[7]. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2017), Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam, tr.16,18, 20.
[8]. https://tinnhanhchungkhoan.vn/tro-treu-quy-dinh-hang-hoa-dich-vu-doc-quyen-nha-nuoc-post153748.html.
[9]. https://vietnamfinance.vn/co-phan-hoa-vinataba-nha-nuoc-nam-51-von-20170508111505998.htm.
[10]. Mục kinh nghiệm trao đổi, kinh nghiệm quản lý dịch vụ đòi nợ ở Hàn Quốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, https://www.sbv.gov.vn.
[11]. Trí Dũng, “Xử lý nợ xấu: Câu chuyện về ngành xử lý nợ Nhật Bản”, https://ndh.vn.
[12]. Bản tin Sputnik Việt Nam, “Việt Nam sẽ cấm đòi nợ thuê, đầu tư nước ngoài đe dọa chủ quyền và mua bán bào thai”, https://vn.sputniknews.com.