Tóm tắt: Bài viết này đề cập đến giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đến các giá trị đạo đức trong xã hội, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đạo đức xã hội ở Việt Nam.
Abstract: This article deals with the limitation of freedom of contract in commercial activities related to moral values in society, assesses the current situation and proposes solutions to improve the efficiency of law implementation on the limitation of freedom of contracts in commercial activities related to social ethics in Vietnam.
1. Quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đến đạo đức xã hội
Tự do hợp đồng là một trong các quyền kinh tế cơ bản của con người, cho phép các chủ thể được tự do lựa chọn đối tác hợp đồng, tự do thỏa thuận điều khoản trong hợp đồng, tự do lựa chọn hình thức hợp đồng… Tuy nhiên, tự do hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Pháp luật ở các giai đoạn khác nhau đều đặt ra những giới hạn tự do hợp đồng. Một trong những giới hạn tự do hợp đồng mà bất kỳ loại hợp đồng nào đều phải tuân thủ đó là không được vi phạm “điều cấm của luật” (quy định trước đây là không được trái pháp luật) và đạo đức xã hội. Đây cũng chính là một nguyên tắc cơ bản trong chế định hợp đồng ở Việt Nam qua các thời kỳ. So với “điều cấm của luật”, đạo đức xã hội có sự khác biệt. Pháp luật có thể dễ dàng quy định những điều cấm, yêu cầu các chủ thể hợp đồng nói chung và chủ thể hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng không được thực hiện thì pháp luật lại không thể quy định cụ thể những giá trị đạo đức. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực cho việc hành xử các mối quan hệ trong xã hội đã được nhân dân công nhận và thực hiện qua nhiều thế hệ. Thỏa thuận nội dung hợp đồng trái với các chuẩn mực đó thì hợp đồng bị vô hiệu. Nhìn chung, đạo đức xã hội là một khuôn khổ chuẩn mực cho việc thực hiện tự do hợp đồng[1]. Pháp luật của một số quốc gia chính thức đặt ra giới hạn tự do hợp đồng nếu có sự vi phạm đạo đức xã hội. Pháp luật của Cộng hòa liên bang Đức gọi đó là “đạo đức xã hội”. Việc các chủ thể vi phạm các giá trị đạo đức sẽ là căn cứ để hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, cụ thể “hợp đồng bị vô hiệu nếu vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc đạo đức xã hội, trừ trường hợp quy định rằng điều cấm không nhằm làm vô hiệu các hợp đồng vi phạm điều này”[2]. Trong pháp luật hợp đồng Hoa Kỳ, tính trái đạo đức xã hội cũng được xác định là một trong những trường hợp làm cho hợp đồng bất hợp pháp. Tính trái đạo đức xã hội trong pháp luật Hoa Kỳ được quy định khá cụ thể, thể hiện một quan hệ hợp đồng giữa hai hoặc nhiều bên không cân bằng hoặc có một bên yếu thế trong quá trình đàm phán hoặc mặc cả nên đã cam kết hợp đồng hoặc một số điều khoản không thỏa đáng, thiếu lương tâm[3].
Ở Việt Nam, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đạo đức xã hội luôn là một trong những căn cứ quan trọng giới hạn tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng của các chủ thể. Nhìn chung, giới hạn tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật và đạo đức xã hội được coi là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật hợp đồng từ trước đến nay. Trước đây, “đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng” (Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005). Đến nay, khái niệm đạo đức xã hội theo Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự thay đổi so với Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể là: “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng” (Điều 123). Vấn đề này được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Ngoài ra, điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định “mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Trong hoạt động thương mại, đạo đức xã hội cũng được đề cập với tư cách là nguyên tắc cơ bản, các bên có quyền tự do thỏa thuận nhưng cũng không được trái đạo đức xã hội, cụ thể như sau: “Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên” (khoản 1 Điều 11 Luật Thương mại năm 2005). Như vậy, khi các bên giao kết và thực hiện hợp đồng trong hoạt động thương mại đều phải tuân thủ các quy định trên của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 liên quan đến đạo đức xã hội.
2. Thực trạng thực thi pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đến đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay
Đạo đức xã hội trong hoạt động thương mại có thể được thể hiện ở nhiều phương diện. Tuy nhiên, việc xác định thỏa thuận trái với đạo đức xã hội thì không thể tìm kiếm trong quy định của pháp luật giống như “điều cấm của luật” mà phải dựa vào “chuẩn mực ứng xử chung được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Điều này là một trong những khó khăn đối với Tòa án, bởi “không thể thống kê được đầy đủ một cách có hệ thống các nội dung, đặc tính của khái niệm đạo đức xã hội”[4]. Hơn nữa, quan điểm về giá trị đạo đức xã hội ở mỗi vùng miền, mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn cũng khác nhau. Vì vậy, rất khó để xây dựng được những “chuẩn mực ứng xử chung” và thống nhất để có thể dựa vào đó giải quyết các vụ việc cụ thể. Điều này phụ thuộc vào quan điểm xét xử của các thẩm phán ở Tòa án.
Thực tiễn cho thấy, hợp đồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu do nội dung trái với đạo đức xã hội là không phổ biến. Tuy nhiên, giải quyết các tranh chấp liên quan đến đạo đức xã hội lại phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan, cũng như quan điểm xét xử của mỗi cấp Tòa án. Chính điều này đã tạo ra sự không thống nhất trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh. Có thể nêu ra ví dụ sau: Công ty Chailease (bị đơn) ký hợp đồng cho thuê tài chính số B.0811228801 với Công ty Sao đỏ (nguyên đơn). Sau đó, hai bên có tranh chấp thương mại. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án nhận thấy, trước khi ký hợp đồng cho thuê tài chính, phía bị đơn hiểu rất rõ về hoàn cảnh của nguyên đơn là đang gặp khó khăn về tài chính. Điều này khiến nguyên đơn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán 5 rơ-mooc với công ty Chien You Việt Nam. Nguyên đơn đã tìm đến bị đơn để đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tài chính nhằm giúp nguyên đơn giải quyết bế tắc về tài chính. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận định, mặc dù không có chứng cứ để khẳng định nguyên đơn ép buộc bị đơn ký kết hợp đồng cho thuê nhưng vì quá khó khăn về tài chính và không có cách nào khác nên nguyên đơn phải chấp nhận bất lợi từ việc ký kết hợp đồng nêu trên. Tòa án cho rằng có đủ cơ sở để xác định hợp đồng cho thuê tài chính giữa các bên là trái với đạo đức xã hội. Việc giao kết hợp đồng đã không bảo đảm sự tương thân, tương ái, không phát huy giá trị đạo đức cao đẹp của người Việt để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong kinh doanh, cùng phát triển và cùng thu lợi nhuận. Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Bản án số 60/2014/KDTM - PT ngày 03/10/2014. Theo Bản án, hợp đồng cho thuê tài chính giữa các bên không những trái pháp luật mà còn trái với đạo đức xã hội[5]. Tuy nhiên, khi vụ việc được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm ngày 12/3/2018, Tòa án ở cấp giám đốc thẩm lại cho rằng, mục đích và nội dung của hợp đồng cho thuê tài chính B.0811228801 là không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội[6]. Vì vậy, Bản án số 60/2014/KDTM-PT ngày 03/10/2014 bị hủy, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh để xét xử lại theo quy định của pháp luật. Như vậy, cùng nội dung một vụ việc xảy ra nhưng kết quả xét xử ở hai cấp (phúc thẩm và giám đốc thẩm) lại khác nhau. Việc xét xử của Tòa án ở cấp phúc thẩm cho thấy hợp đồng cho thuê tài chính của hai bên có vi phạm đạo đức xã hội; còn Tòa án xét xử ở cấp giám đốc thẩm thì cho rằng hợp đồng không có vi phạm đạo đức xã hội. Như vậy, thông qua vụ việc trên, có thể thấy rằng, để xác định một hợp đồng trong hoạt động thương mại vi phạm các giá trị đạo đức xã hội là một vấn đề khá phức tạp, hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan, sự nhìn nhận, đánh giá của chủ thể có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ việc. Đây là vấn đề tất yếu sẽ xảy ra bởi thực tế cho thấy, giá trị đạo đức xã hội không thể được quy định cụ thể giống như những “điều cấm của luật”. Qua thực tiễn xét xử của Tòa án có thể thấy, đạo đức xã hội không được quy định cụ thể, thực sự là một khó khăn và thách thức lớn cho công tác xét xử của Tòa án.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đến đạo đức xã hội ở Việt Nam
Từ việc phân tích khía cạnh thực tiễn thi hành quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến đạo đức xã hội, có thể nhận thấy rằng, thực tế thực hiện còn tồn tại hạn chế, bất cập. Nói cách khác, việc vận dụng đạo đức xã hội để giải quyết một số tranh chấp hợp đồng trong hoạt động thương mại còn chưa thống nhất. Điều này là tất yếu bởi các giá trị đạo đức xã hội không được pháp luật quy định cụ thể, nói đúng hơn là không thể quy định cụ thể giống như “điều cấm của luật”. Vì vậy, giải pháp phù hợp bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất khía cạnh này khi giải quyết vụ việc phát sinh là Tòa án có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn, có thể tập trung vào việc xác định một số giá trị đạo đức xã hội trong hoạt động thương mại như sau:
(i) Sự trung thực trong kinh doanh. Điều này thể hiện khía cạnh nhân cách đạo đức của các chủ thể, thể hiện sự ngay thẳng, thật thà, không dối trá, giả dối, gian lận của các chủ thể.
(ii) Thiện chí trong kinh doanh: Sự thiện chí thể hiện thái độ hợp tác, giúp đỡ nhau giữa các bên chủ thể trong quá trình xác lập và thực hiện hợp đồng trong hoạt động thương mại. Bên cạnh việc quan tâm đến quyền lợi ích hợp pháp của bản thân, còn phải quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác và Nhà nước, xã hội.
(iii) Có hay không việc hưởng lợi trên sự đau khổ của người khác: Các chủ thể khi hợp tác kinh doanh có thể gặp phải những rủi ro và những rủi ro này có thể gây ra thiệt hại ít hay nhiều cho mỗi chủ thể. Tuy nhiên, việc một bên lợi dụng điều này để hưởng lợi mà không quan tâm đến khó khăn, vất vả của chủ thể khác thì cũng là một vấn đề liên quan đến khía cạnh đạo đức.
So sánh với các khía cạnh khác của giới hạn tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, việc đưa ra một số giải pháp cho giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến đạo đức xã hội là một vấn đề khó khăn, pháp luật không thể đưa ra quy định cụ thể các giá trị đạo đức xã hội bởi đạo đức xã hội là chuẩn mực chung hình thành trong xã hội, được con người thừa nhận. Do vậy, hướng hoàn thiện mà tác giả đưa ra tập trung vào góc độ thực tiễn như đã phân tích ở trên, nhằm bảo đảm có sự áp dụng thống nhất giữa các Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng trong hoạt động thương mại liên quan đến đạo đức xã hội.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh
Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại
[1]. Đỗ Văn Đại (2018), Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và Bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 606.
[2]. Vũ Thị Lan Anh, Chế định hợp đồng theo pháp luật của Cộng hòa liên bang Đức, Tạp chí Luật học - Đặc san tháng 9/2011.
[3]. Nguyễn Thị Mai Hương, So sánh chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ, Luận văn Thạc sỹ Luật Kinh tế, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.
[4]. Nguyễn Minh Tuấn (2014), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 176.
[5]. Bản án số 60/2014/KDTM-PT về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính của Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, được đăng tải trên sách chuyên khảo của Đỗ Văn Đại (2018), Luật hợp đồng Việt Nam, bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, tr. 601 - 606.
[6]. Quyết định giám đốc thẩm số 01/2018/KDTM-GĐT về giải quyết tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023