Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội và người dân trong bối cảnh ngày càng có nhiều vấn đề nảy sinh liên quan đến trẻ em như bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em…
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành lần đầu năm 1991, sau đó được thay thế bằng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật này đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với thực tiễn, có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhằm xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ, chăm sóc trẻ em vững vàng, tiên tiến và phù hợp hơn.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn luôn có quan điểm, chính sách nhất quán về việc thực hiện các quyền trẻ em. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình quốc gia để thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.
Để góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Qua bài viết "Góp ý một số điều của Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em" đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 3 (288) năm 2016, tác giả Hoàng Ngọc Hải đã đưa ra những góp ý về một số quy định của Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như: Quyền và bổn phận của trẻ em; về việc tăng độ tuổi trẻ em từ 16 tuổi lên 18 tuổi; trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; tổ chức đại diện cho trẻ em, trách nhiệm của các tổ chức xã hội... góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục trẻ em ở nước ta.
Kính mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc!