1. Khung pháp lý quốc tế về hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp
Tuy việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là sự kiện pháp lý nội bộ của từng quốc gia nhưng việc áp dụng tình trạng đặc biệt này kéo theo nhiều hệ quả pháp lý, trong đó có việc hạn chế hay đình chỉ một số quyền con người, quyền công dân nhất định và do vậy liên quan đến việc từ bỏ nghĩa vụ quốc tế của quốc gia đó về nhân quyền (derogation of human rights). Việc hạn chế này nhằm “đối phó” với tình huống đặc biệt đang đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của quốc gia. Thừa nhận sự cần thiết phải từ bỏ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế nhằm bảo đảm an toàn cho quốc gia trong một số tình huống đặc biệt, các văn kiện pháp lý quốc tế đã ghi nhận nội dung này như một “cánh cửa” tạm thời “giải phóng” quốc gia thành viên khỏi các cam kết trong văn kiện. Tuy nhiên, nhằm tránh việc các quốc gia lợi dụng quy định này để hạn chế các quyền con người một cách tùy tiện, không chính đáng, hiện nay, các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về nhân quyền đã đặt ra những yêu cầu cơ bản mà một quốc gia cần đáp ứng để có thể hạn chế các quyền con người trong tình trạng đặc biệt này. Những quy định của pháp luật quốc tế về nhân quyền đã tạo ra một “khung tiêu chuẩn” cho việc giới hạn quyền con người trong tình trạng khẩn cấp ở các quốc gia. Văn kiện quốc tế đầu tiên ghi nhận cách giải quyết cụ thể câu hỏi về quyền từ bỏ nghĩa vụ của các quốc gia trong các trường hợp khẩn cấp ngoài chiến tranh là Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1953[1]. Công ước đã đề cập đến các khái niệm quan trọng như “từ bỏ” nghĩa vụ (derogation), “quyền không thể hạn chế/ từ bỏ” (non-derogable rights). Cùng cách tiếp cận trên, hiện nay, ba văn kiện pháp lý quan trọng nhất về nhân quyền có đề cập đến vấn đề này phải kể đến gồm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights), Công ước về các quyền dân sự và chính trị (International Covenanton Civil and Political Rights - ICCPR) và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social, and Cultural Rights - ICESCR). Ngoài ra, các nội dung liên quan đến một số nhóm đối tượng đặc biệt được đề cập đến trong những văn kiện pháp lý riêng như Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (ICERD), Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em… Các văn kiện pháp lý quốc tế này đã đặt ra những yêu cầu, giới hạn đối với các quốc gia thành viên khi muốn hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp.
2. Nội dung pháp luật quốc tế về giới hạn quyền con người trong tình trạng khẩn cấp
Bằng việc tham gia vào các văn kiện pháp lý quốc tế về nhân quyền, các quốc gia thành viên cam kết thực hiện những nghĩa vụ được quy định trong các văn kiện đó và các nội dung này trở thành nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những tình huống đặc biệt buộc các quốc gia hoãn hay thậm chí đình chỉ thực hiện một số quyền con người nhất định nhằm bảo vệ một giá trị to lớn hơn - sự tồn tại của chính quốc gia. Cụ thể, các quốc gia thành viên có thể “đình chỉ một cách hợp pháp nghĩa vụ tôn trọng và thực thi các quyền có trong công ước trong thời kỳ chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp công cộng khác đe dọa cuộc sống của quốc gia”[2]. Nhằm bảo đảm việc hạn chế các quyền con người được tiến hành một cách phù hợp, chính đáng với mục tiêu cuối cùng là thiết lập lại nền hòa bình, trật tự xã hội bình thường để mỗi cá nhân có thể hưởng quyền của mình một cách tốt nhất, hạn chế khả năng cơ quan công quyền lợi dụng quy định về tình trạng khẩn cấp để hạn chế quyền con người một cách tùy tiện, pháp luật quốc tế về nhân quyền đã ghi nhận các nguyên tắc cơ bản cho việc hạn chế quyền trong tình huống đặc biệt này.
Trước hết, khi quy định về việc hưởng quyền, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948 nhắc đến khả năng cá nhân “chỉ phải chịu những giới hạn xác định bởi luật” và việc giới hạn này cũng chỉ nhằm mục đích “bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng các quyền và tự do của người khác” và “đáp ứng các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (Điều 29). Như vậy, quy định này của Tuyên ngôn đã đề cập đến khả năng các quyền con người có thể bị hạn chế trong một số tình huống nhất định tuy chưa ghi nhận cụ thể các điều kiện quốc gia phải đáp ứng để viện dẫn quy định này. Kế thừa quy định trên, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa tiếp tục khẳng định việc ghi nhận các quyền con người là “nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình trên toàn thế giới” (đoạn mở đầu), do vậy, việc hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp chỉ có thể được các quốc gia thành viên áp dụng một cách cẩn trọng với sự tuân thủ các quy định bảo vệ chống lại sự lạm dụng điều khoản này. Điều 8(2) Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho phép các quốc gia thành viên “áp đặt các hạn chế hợp pháp đối với việc thực hiện các quyền con người trong công ước này” và Điều 4 Công ước về các quyền dân sự và chính trị cụ thể hóa quy định về việc hạn chế quyền con người trong trường hợp khẩn cấp, trong đó ghi nhận “các biện pháp phủ nhận, hậu quả cũng như các cơ chế bảo vệ”[3] khi áp dụng điều khoản này. Cụ thể, Điều 4 Công ước về các quyền dân sự và chính trị quy định việc hạn chế các quyền con người trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia thành viên và điều khoản này có thể được xem là “điều khoản phủ nhận” (derogation clause). Theo Điều 4 Công ước về các quyền dân sự và chính trị, việc từ bỏ nghĩa vụ trong Công ước của quốc gia chỉ được xem là hợp pháp khi đáp ứng được các nguyên tắc: (i) Nguyên tắc về tình huống khẩn cấp; (ii) Nguyên tắc về những quyền không thể bị hạn chế; (iii) Nguyên tắc về tính cấp thiết của biện pháp áp dụng; (iv) Nguyên tắc về tính tương thích với những nghĩa vụ quốc tế khác; (v) Nguyên tắc không phân biệt đối xử; (vi) Nguyên tắc thông báo quốc tế. Ủy ban Nhân quyền có trách nhiệm xem xét, đánh giá việc viện dẫn quy định này của các nước thành viên trên cơ sở báo cáo định kỳ 05 năm của từng quốc gia[4].
2.1. Nguyên tắc về tình huống khẩn cấp
Điều 4(1) của Công ước về các quyền dân sự và chính trị quy định trong thời gian xảy ra “tình huống khẩn cấp đe dọa đến sự sống còn của quốc gia” và sự tồn tại của tình huống này đã được “chính thức công bố”, thành viên Công ước có thể tạm thời từ bỏ thực hiện nghĩa vụ về nhân quyền trong Công ước để tập trung ứng phó với tình huống đó. Cụ thể hóa quy định này, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Bình luận chung số 29 năm 2001 đã đưa ra giải thích về khái niệm “tình huống khẩn cấp”. Theo đó, không phải bất kỳ tình huống bất thường nào cũng có thể xem là căn cứ hợp pháp để hạn chế các quyền con người. Cụ thể, tình huống bất thường này không chỉ giới hạn trong xung đột vũ trang quốc tế hay nội chiến mà có thể mở rộng ra các tình huống khác miễn là nó đang “thực sự đe dọa đến sự sống còn của đất nước”[5]. Như vậy, Điều 4(1) của Công ước về các quyền dân sự và chính trị đã quy định về các tình huống mà quốc gia thành viên có thể tạm thời từ bỏ các nghĩa vụ pháp lý về nhân quyền của mình trong Công ước theo hướng linh hoạt và không liệt kê chi tiết các tình huống này. Các căn cứ để quốc gia thành viên viện dẫn Điều 4 này do vậy đã được mở rộng rất nhiều, có thể bao gồm các tình huống mang tính khách quan như thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh và cả các sự kiện mang tính chủ quan như bạo động vũ trang, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế… miễn là nó tạo ra một mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng tới sự tồn tại của quốc gia. Tính chất “khẩn cấp” của tình huống được nhắc đến trong Điều 4(1) Công ước về các quyền dân sự và chính trị có nghĩa là tình huống này chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian và phạm vi địa lý nhất định, tức là quốc gia thành viên không thể viện dẫn tình trạng này để hạn chế các quyền con người trong thời gian dài hay vĩnh viễn. Ngoài ra, các biện pháp được áp dụng chỉ có thể hạn chế việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quyền con người trong Công ước chứ không được thay đổi bản chất của các quyền này vì đó là những quyền vốn có của mỗi cá nhân từ khi sinh ra. Một điều kiện nữa về mặt thủ tục đó là quốc gia thành viên phải đưa ra tuyên bố chính thức về sự tồn tại của tình huống khẩn cấp để viện dẫn tình huống này làm căn cứ cho việc từ bỏ thực hiện nghĩa vụ theo Công ước của mình.
2.2. Nguyên tắc về những quyền không thể bị hạn chế
Mặc dù cho phép các quốc gia thành viên tạm thời từ bỏ thực hiện các nghĩa vụ trong Công ước nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp đang đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của quốc gia, Điều 4 Công ước về các quyền dân sự và chính trị vẫn ghi nhận một số quyền “không thể bị từ bỏ” (non-derogable rights) theo mọi điều khoản của Công ước. Các quyền này bao gồm: Quyền được sống (Điều 6); quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ nhục và thử nghiệm y tế hoặc khoa học mà không có sự đồng ý của cá nhân đó (Điều 7); quyền tự do khỏi chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ (Điều 8); quyền không bị bắt giam do không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (Điều 11); quyền không bị áp dụng luật hồi tố (Điều 15); quyền được công nhận tư cách con người trước pháp luật (Điều 16); quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tín ngưỡng (Điều 18) và quyền không bị áp dụng hình phạt tử hình (Điều 6 Nghị định thư không bắt buộc số 2). Theo đó, các quyền kể trên phải được bảo vệ một cách toàn vẹn ngay cả trong suốt thời gian quốc gia thành viên tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Quy định xuất phát từ hai lý do chính: (i) Đây là các quyền cơ bản nhất của con người, là điều kiện tối thiểu để cá nhân có thể tồn tại; (ii) Việc hạn chế các quyền này không có ý nghĩa nhiều để chấm dứt tình huống đặc biệt đang đe dọa tới sự sống còn của quốc gia.
Việc quy định các quyền không thể bị hạn chế kể cả trong tình trạng khẩn cấp đặt ra giới hạn về phạm vi quyền mà quốc gia có thể tác động đến và do vậy sẽ hạn chế khả năng quốc gia lạm dụng quy định này để hạn chế tùy tiện các quyền con người, gây tác động xấu đến điều kiện tồn tại của các cá nhân. Ngoài ra, nguyên tắc này cũng đặt ra yêu cầu đối với hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia vì quyền con người chỉ có thể được bảo đảm khi có một cơ chế tư pháp đủ mạnh để xử lý các hành vi xâm phạm. Nội dung này cũng được Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc khẳng định trong Bình luận chung số 29 “những quyền không thể bị hạn chế liệt kê tại Điều 4 khoản 2 Công ước phải được bảo đảm bởi các biện pháp mang tính thủ tục, bao gồm các thủ tục tư pháp thường xuyên” và những quy định trong Công ước có liên quan tới sự bảo vệ tư pháp các quyền con người “không thể là đối tượng của các biện pháp sẽ dẫn đến phá vỡ sự bảo vệ của các quyền không thể bị hạn chế”[6]. Yêu cầu này xuất phát từ hai nguyên tắc nền tảng là nguyên tắc về tính hợp pháp và nguyên tắc pháp quyền xuyên suốt nội dung của Công ước. Ủy ban cũng nhấn mạnh hai nguyên tắc này yêu cầu “các yêu cầu cơ bản về đối xử công bằng phải được tôn trọng trong tình trạng khẩn cấp”[7]. Do vậy, các quốc gia thành viên phải luôn bảo đảm các biện pháp hiệu quả cho phép cá nhân bảo vệ quyền của mình và ngay cả trong tình trạng khẩn cấp thì chỉ có các thiết chế tư pháp độc lập và khách quan mới có đủ thẩm quyền phán quyết một người phạm tội và nguyên tắc suy đoán vô tội phải luôn được bảo đảm.
2.3. Nguyên tắc về tính cấp thiết của biện pháp áp dụng
Điều 4(1) của Công ước về các quyền dân sự và chính trị quy định quốc gia thành viên có thể áp dụng các biện pháp từ bỏ nghĩa vụ trong Công ước với điều kiện các biện pháp này chỉ được “trong phạm vi yêu cầu cấp thiết bởi tình huống ngoại lệ”. Trong Bình luận chung số 29 năm 2001, Ủy ban Nhân quyền tái khẳng định mục đích cuối cùng cho việc từ bỏ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong Công ước là để “khôi phục lại trạng thái bình thường khi mà sự tuân thủ toàn bộ nội dung Công ước có thể được bảo đảm”[8]. Như vậy, điều kiện tiếp theo để quốc gia thành viên có thể từ bỏ các nghĩa vụ theo công ước đó là việc từ bỏ này là cần thiết và có tác động trực tiếp trong việc bảo vệ sự tồn tại của quốc gia. Hay nói cách khác, việc từ bỏ các nghĩa vụ về nhân quyền của thành viên Công ước sẽ giúp đối phó hay chấm dứt tình huống bất thường đang đe dọa đến sự an toàn của quốc gia thành viên đó. Do vậy, ngay khi tình huống bất thường không còn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của quốc gia, việc từ bỏ nghĩa vụ của quốc gia đó phải chấm dứt. Mặt khác, bất cứ khi nào việc từ bỏ nghĩa vụ của thành viên Công ước không còn liên quan tới việc khôi phục lại trật tự hiến pháp về nhân quyền, các biện pháp đặc biệt mà quốc gia đó đang áp dụng sẽ bị xem là trái với nội dung Điều 4(1) Công ước và phải bị xem xét theo các nghĩa vụ thông thường của quốc gia. Thông thường, Ủy ban Nhân quyền sẽ xem xét tính cấp thiết trên ba tiêu chí là “thời gian áp dụng”, “phạm vi địa lý áp dụng” và “nội dung áp dụng”[9] tình trạng khẩn cấp cũng như các biện pháp để đối phó với tình trạng đó.
Một điểm cần lưu ý đó là yêu cầu về tính cấp thiết đặt ra đối với cả việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp đặc biệt áp dụng trong tình trạng đó. Việc một quốc gia được phép từ bỏ thực hiện nghĩa vụ của mình theo Công ước trong tình huống khẩn cấp không làm thay đổi yêu cầu về tính cấp thiết đối với các biện pháp đặc biệt mà quốc gia đó áp dụng (trên cơ sở việc từ bỏ này) và các biện pháp đó vẫn phải được xem xét một cách thận trọng bởi Ủy ban Nhân quyền. Điều này có nghĩa là, dù cho việc từ bỏ nghĩa vụ được chấp nhận, các biện pháp hạn chế quyền con người của quốc gia trong tình trạng khẩn cấp cũng chỉ được áp dụng “trong phạm vi yêu cầu cấp thiết mà tình huống đặc biệt đó đặt ra”[10]. Các biện pháp đặc biệt mà quốc gia sử dụng để ứng phó với tình huống khẩn cấp có bản chất “ngoại lệ” và “tạm thời”, có nghĩa là các biện pháp này chỉ được áp dụng trong thời gian “sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa bởi tình huống bất thường đó” và phải chấm dứt hiệu lực ngay khi mối đe dọa này kết thúc[11]. Những biện pháp vượt quá giới hạn này sẽ bị xem là không đảm bảo yêu cầu về tính cấp thiết và phải được xem xét theo các quy định của Công ước về nghĩa vụ của quốc gia đó trong vấn đề nhân quyền. Hiện nay, ngoài các biện pháp sử dụng bạo lực và sức mạnh vũ trang, các biện pháp phổ biến nhất ảnh hưởng đến quyền con người trong Công ước gồm bắt giữ, khám xét, xét xử theo thủ tục rút gọn, giới nghiêm, kiểm duyệt và kiểm soát các tổ chức như đảng chính trị hoặc công đoàn, hoãn bầu cử và các biện pháp hạn chế hoạt động chính trị khác[12] và tùy theo yêu cầu của từng tình huống khẩn cấp, quốc gia thành viên phải cân nhắc lựa chọn biện pháp phù hợp để áp dụng với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt tình huống khẩn cấp, khôi phục trạng thái xã hội bình thường, đồng thời, tác động ở mức thấp nhất các quyền con người. Ví dụ như trong tình huống khẩn cấp do thảm họa thiên nhiên, bạo động, thảm họa công nghiệp thì các biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại hay hạn chế hội họp được xem là phù hợp để ứng phó với tình trạng khủng hoảng nhưng việc hạn chế các quyền khác (chẳng hạn như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo) có thể gây tranh cãi vì tính cần thiết của nó và cần có sự chứng minh từ quốc gia áp dụng.
2.4. Nguyên tắc về tính tương thích với những nghĩa vụ quốc tế khác
Điều kiện tiếp theo được ghi nhận tại Điều 4(1) Công ước về các quyền dân sự và chính trị để việc từ bỏ nghĩa vụ của quốc gia thành viên được chấp nhận là các biện pháp áp dụng không được “không tương thích” với “các nghĩa vụ khác của quốc gia đó theo pháp luật quốc tế”. Các “nghĩa vụ khác theo pháp luật quốc tế” được Ủy ban Nhân quyền giải thích theo nghĩa rất rộng. Các nghĩa vụ này có thể bao gồm bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào bắt nguồn từ một hiệp ước hay tập quán quốc tế, hoặc thậm chí là từ nguyên tắc chung của luật quốc tế có liên quan tới việc thụ hưởng các quyền con người[13]. Như vậy, việc viện dẫn Điều 4(1) Công ước về các quyền dân sự và chính trị không chỉ liên quan đến các nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong Công ước này mà còn yêu cầu sự tham chiếu đến nội dung của các văn kiện pháp lý quốc tế khác mà quốc gia đó tham gia cũng như các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về nhân quyền. Khi xem xét tính hợp pháp của việc áp dụng tình trạng khẩn cấp cũng như các biện pháp hạn chế quyền con người của quốc gia, Ủy ban Nhân quyền phải cân nhắc đến tính phù hợp của nó với các quy định khác của pháp luật quốc tế như các quyền con người không thể bị hạn chế, việc bảo đảm duy trì thực hiện các nghĩa vụ pháp lý khác của quốc gia đó trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp…
2.5. Nguyên tắc không phân biệt đối xử
Điều 4(1) Công ước về các quyền dân sự và chính trị quy định mọi biện pháp từ bỏ nghĩa vụ của các quốc gia thành viên nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp đang đe dọa đến sự “sống còn” của quốc gia đều “không được liên quan đến bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hay nguồn gốc xã hội”. Như vậy Điều 4(1) Công ước về các quyền dân sự và chính trị đã ghi nhận nguyên tắc tiếp theo của việc hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp đó là không được mang tính phân biệt đối xử, có nghĩa là những đối tượng/nhóm đối tượng trong những hoàn cảnh, điều kiện như nhau thì phải được áp dụng các biện pháp giống nhau. Nội dung về chống phân biệt đối xử cũng được nhắc đến ở các quy định khác như Điều 2, Điều 14(1), Điều 23(4), Điều 24(1), Điều 25 và Điều 26 của Công ước và mặc dù các quy định này không được liệt kê tại Điều 4 với tính chất là những quyền không thể hạn chế nhưng vì chúng “có các yếu tố hoặc khía cạnh của quyền không phân biệt đối xử” nên “không thể bị hạn chế trong bất kỳ hoàn cảnh nào”[14]. Một điểm cần lưu ý là, mặc dù Điều 4(1) Công ước về các quyền dân sự và chính trị và nguyên tắc chung của luật nhân quyền quốc tế cấm việc phân biệt đối xử giữa con người nhưng quy định này không cấm việc áp dụng các biện pháp hạn chế khác nhau với con người. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người khác nhau cho các nhóm đối tượng vẫn có thể được xem là phù hợp với pháp luật quốc tế nếu nó thỏa mãn hai điều kiện: Nhằm thực hiện một mục đích hợp pháp và việc áp dụng có mức độ tương xứng với việc thực hiện mục đích đó.
2.6. Nguyên tắc thông báo quốc tế
Nhằm hạn chế khả năng các quốc gia lạm dụng quy định tại Điều 4 Công ước về các quyền dân sự và chính trị nhằm hạn chế các quyền con người một cách tùy tiện, khoản 3 Điều 4 ghi nhận nghĩa vụ tuyên bố quốc tế của nước thành viên trong trường hợp viện dẫn điều khoản này. Cụ thể, bất kỳ thành viên nào của Công ước muốn viện dẫn quy định này để từ bỏ các nghĩa vụ trong Công ước phải “ngay lập tức thông báo cho các quốc gia thành viên khác, thông qua Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc”. Nội dung thông báo bao gồm các vấn đề như các quy định của Công ước mà quốc gia đó từ bỏ thực hiện, lý do cho việc từ bỏ, các biện pháp hạn chế mà quốc gia áp dụng. Quy định tương tự cũng được áp dụng khi quốc gia đó chấm dứt tình trạng khẩn cấp và khôi phục lại các nghĩa vụ theo Công ước. Nghĩa vụ tuyên bố quốc tế của quốc gia thành viên khi muốn áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Nhân quyền trong việc xem xét, đánh giá tính cấp thiết của các biện pháp áp dụng, đồng thời cho phép các thành viên khác của Công ước tham gia vào việc giám sát quốc gia viện dẫn, tránh tình trạng quốc gia lạm dụng quy định này hạn chế tùy tiện các quyền con người. Ngoài ra, những nội dung được đưa ra trong tuyên bố chính thức về tình trạng khẩn cấp có thể được xem là những “giới hạn” của quốc gia khi áp dụng thẩm quyền đặc biệt trong tình huống này vì mọi quyền hạn vượt quá tuyên bố trên có thể bị xem là vi phạm pháp luật quốc tế về nhân quyền.
3. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế và khu vực về nhân quyền và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật để tương thích với nghĩa vụ thành viên của các công ước đó. Thông qua việc phân tích các nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp trong một số văn kiện pháp lý quốc tế, tác giả nêu ra một số gợi mở cho Việt Nam nhằm hoàn thiện các quy định hiện có của nước ta về quyền con người trong tình trạng khẩn cấp:
Thứ nhất, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là sự kiện pháp lý quan trọng của mỗi quốc gia, kéo theo sự thay đổi trong trật tự pháp luật cũng như việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia đó. Do vậy, pháp luật quốc gia phải quy định cụ thể, thận trọng những tình huống mà tuyên bố về tình trạng khẩn cấp có thể được đưa ra. Như đã phân tích, các quy định pháp luật quốc tế hiện nay ghi nhận các tình huống khẩn cấp theo hướng “mở”, tức là chỉ ghi nhận tính chất “đe dọa đến sự tồn tại của quốc gia” chứ không liệt kê chi tiết những tình huống này và trao quyền chủ động cho từng quốc gia. Vì thế, việc nước ta thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể các tình huống này trong pháp luật của mình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của Ủy ban Nhân quyền đối với việc thực hiện nghĩa vụ Công ước của Việt Nam cũng như bảo đảm yếu tố minh bạch trong trường hợp cần viện dẫn các căn cứ này để hạn chế quyền con người trong tình trạng khẩn cấp.
Thứ hai, cần quy định rõ những quyền không thể bị hạn chế kể cả trong tình trạng khẩn cấp. Mặc dù pháp luật quốc tế cho phép các quốc gia trong một số tình huống đặc biệt có thể tạm thời từ bỏ thực hiện nghĩa vụ của mình và áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người nhằm ứng phó với mối đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của đất nước, có những quyền không thể bị tác động. Đó là những quyền cơ bản nhất, là điều kiện tối thiểu để cá nhân có thể tồn tại và do vậy không thể bị hạn chế trong bất kỳ tình huống nào. Để bảo đảm hiệu quả thực hiện cũng như phù hợp với điều kiện mà Công ước về các quyền dân sự và chính trị đã đặt ra, nước ta cần ghi nhận rõ các quyền không thể bị hạn chế ngay cả trong tình trạng khẩn cấp, trước hết là trong Hiến pháp. Quy định này là nền tảng hiến định vững chắc để bảo đảm tính dân chủ của xã hội kể cả trong tình trạng khẩn cấp cũng như thể hiện sự tương thích giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về vấn đề này. Tham chiếu đến các văn kiện pháp lý quốc tế về nhân quyền, một số quyền không thể bị giới hạn kể cả trong tình trạng khẩn cấp được thừa nhận phổ biến hiện nay trên thế giới gồm quyền sống, quyền tự do khỏi chế độ nô lê, quyền không bị tra tấn và không bị đối xử hoặc trừng phạt một cách vô nhân đạo, quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng, quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật…
Thứ ba, trong trường hợp được áp dụng, các thông tin về tình trạng khẩn cấp bao gồm các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này cũng như các quyết định, biện pháp đặc biệt áp dụng trong tình trạng khẩn cấp cần được công khai. Việc công khai cần bảo đảm các yêu cầu về tính kịp thời, minh bạch, dễ tiếp cận qua nhiều phương tiện khác nhau để mọi người dân đều có thể nắm bắt một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Đây cũng là cách thức để đảm bảo yêu cầu về một “tuyên bố chính thức về sự tồn tại của tình trạng khẩn cấp” được đề cập đến trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị.
Thứ tư, bên cạnh ghi nhận các quyền con người không thể bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp, một hệ thống tư pháp mạnh mẽ, độc lập là điều kiện rất quan trọng để bảo đảm việc thực hiện các quyền này. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện các thiết chế tư pháp để bảo đảm quyền con người trong tình trạng khẩn cấp, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quy định này để xâm phạm quyền con người.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh