Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đối với ngành Tòa án, Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân trong thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm chất lượng biên chế còn có mặt, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tòa án nhân dân chất lượng, hiệu quả, công tác xét xử của các Tòa án ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, còn xảy ra một số tồn tại hạn chế như trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới, đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra…
Cho biết thời gian chất vấn diễn ra trong 1 ngày, nội dung chất vấn cả 2 lĩnh vực đều có phạm vi rộng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không nên đi sâu vào các vụ án chi tiết cụ thể, tranh luận một cách thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao để góp phần làm rõ thực trạng và đề xuất được các giải pháp phù hợp hữu hiệu và khả thi mỗi chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng qua phiên chất vấn hôm nay sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới, nhất là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân.
Trả lời làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các vụ án quyết định giám đốc thẩm tái thẩm đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Chia sẻ băn khoăn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Bộ trưởng cho biết, dù số lượng vụ việc không nhiều, nhưng gây ra ảnh hưởng tương đối lớn trong xã hội. Nguyên tắc là hai bên cùng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì xử lý trách nhiệm của bên gây oan sai.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng nêu rõ, trong hệ thống Tòa án cần nâng cao chất lượng xét xử. Đối với cơ quan Thi hành án thì xem xét kỹ các tài sản thi hành án để đảm bảo tính chính xác, nghiêm minh khi xử lý.
Về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, Bộ trưởng cho biết, đây là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng còn một số tồn tại, hạn chế. Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần tăng cường bám sát, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm, thường xuyên báo cáo Chính phủ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này. Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường quá trình giám sát để tập trung vào việc này; hạn chế tẩu tán, che giấu tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế./.
Hà Uyên