Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp thẩm định có đại diện một số cơ quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Văn phòng Chính phủ…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Giao thông vận tải báo cáo, sau hơn 06 năm triển khai thực hiện Luật Đường sắt năm 2017 đã đạt được một số kết quả như: xác định rõ các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt; trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt... Bên cạnh đó, quá trình triển khai thi hành Luật Đường sắt năm 2017 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; đồng thời, các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đòi hỏi phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt năm 2017, cụ thể:
Luật Đường sắt năm 2017 chưa có quy định về: (i) đầu tư xây dựng đường sắt vùng, đường sắt nội tỉnh nhằm huy động nguồn lực của địa phương cho việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và quy định việc quản lý, bảo trì, khai thác đối với các loại hình đường sắt này; (ii) quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để phát triển các khu đô thị, dịch vụ thương mại... nhằm mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế mà còn tạo ra nguồn lực từ khai thác quỹ đất, tối ưu hóa nhu cầu đi lại; (iii) quy định việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt và sử dụng chung với đường sắt nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt; (iv) quy định yêu cầu ràng buộc về kết nối đường sắt với trung tâm các đô thị lớn, cảng biển, cảng hàng và kết nối đường sắt với các phương thức vận tải hành khách công cộng tại các trung tâm đô thị nhằm gom và giải tỏa hành khách; (v) quy định cơ chế triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các tuyến đường sắt nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; (vi) quy định về đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, làm tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt; (vii) quy định ràng buộc về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải báo cáo tại phiên họp.
Một số quy định trong Luật Đường sắt năm 2017 không còn phù hợp với thực tiễn như: (i) quy định về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và phân loại ga đường sắt; (ii) chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu và quy định về độ tuổi được cấp giấy phép lái tàu; (iii) quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với các tuyến đường sắt khi đầu tư xây dựng mới, nâng cấp.
Một số nội dung đã được quy định tại pháp luật khác có liên quan đến hoạt động đường sắt cần đưa ra khỏi Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật như: quy định về vận tải động vật sống, hợp đồng vận tải hành khách, hành lý và hợp đồng vận tải; quy định quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, giá cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Một số quy định còn mang tính chi tiết kỹ thuật chuyên ngành cần đưa ra khỏi Luật và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định như: yêu cầu kỹ thuật ga đường sắt, các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, quy tắc giao thông đường sắt, điều hành giao thông vận tải đường sắt, biểu đồ chạy tàu... để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, quy định tại một số điều, khoản tại Chương về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao còn trùng lặp về nội dung, chưa rõ nội hàm và cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đường sắt; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành thì việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt năm 2017 là hết sức cần thiết.
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều. So với Luật Đường sắt năm 2017, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) giảm 02 chương và 11 điều (dự thảo Luật giữ nguyên 03 điều; sửa đổi, bổ sung 65 điều; bổ sung mới 06 điều và bãi bỏ 15 điều).
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận nội dung chi tiết của dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) như: (i) cân nhắc loại bỏ các quy định về thuế trong dự thảo Luật, nếu cần bổ sung quy định về chính sách thuế đối với lĩnh vực đường sắt thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế trong thời gian tới; (ii) khoản 12 Điều 8 dự thảo Luật quy định “nghiêm cấm mang, vận chuyển hàng hóa cấm lưu thông, động vật có dịch bệnh vào ga, lên tàu; mang, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, chất phóng xạ, chất dễ cháy, chất dễ nổ và hàng nguy hiểm khác vào ga, lên tàu; mang, vận chuyển thi hài, hài cốt vào ga, lên tàu đường sắt đô thị”, quy định như vậy chưa nêu rõ được việc áp dụng điều này chỉ dành riêng cho ga, tàu của đường sắt đô thị hay có mối liên hệ với Điều 62, Điều 64 dự thảo Luật (vẫn cho phép vận tải hàng nguy hiểm; thi hài, hài cốt trên đường sắt quốc gia với một số điều kiện nhất định). Vì vậy, cần làm rõ việc áp dụng quy định này để dễ hiểu cho người dân và cơ quan chức năng kiểm tra trong tổ chức thực hiện; (iii) làm rõ hơn sự phù hợp của Quy hoạch mạng lưới đường sắt với các Quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng…), các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác (Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); (iv) đối với công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, dự thảo Luật đang quy định công trình này gồm hệ thống cấp điện từ lưới điện cho công trình đường sắt; hệ thống cấp, thoát nước đấu nối với công trình đường sắt; đường bộ vào ga đường sắt. Đối chiếu với Luật Điện lực, Luật Xây dựng và Luật Giao thông đường bộ, công trình lưới điện là một loại công trình điện lực, công trình đường bộ là một loại công trình giao thông đường bộ, còn công trình hạ tầng kỹ thuật là một loại công trình khác không phải 02 loại trên.Vì vậy, để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cần điều chỉnh cụm từ “công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối” thành “hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối”…
Thay mặt cho Hội đồng thẩm định, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ thẩm định của Bộ Giao thông vận tải đối với Hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định để sớm hoàn thiện dự thảo Luật theo quy định./.
Hoàng Trung