Tuy nhiên, trong hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế sau: (i) Khó khăn trong tiếp cận vốn vay, hồ sơ vay vốn phức tạp; 50% thiếu tài sản có giá trị cao để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp như hàng trong kho, các khoản thu; 80% tỷ lệ lãi suất chưa phù hợp; các điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc tiếp cận từ các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vô cùng khó khăn; (ii) Khó khăn về công nghệ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng là có thể đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ hoặc đóng vai trò là nhà cung ứng dịch vụ, sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các dự án lớn của Nhà nước. Quá trình này sẽ thúc đẩy cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành trụ cột để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, kết quả khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây cho thấy, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới trong doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn thấp. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn rất ít. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam là nhập khẩu và 76% có niên hạn từ thập niên 1980 - 1990 của thế kỷ trước, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Năng lực tiếp cận với các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế còn hạn chế, chưa phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chính sách pháp luật, có thể nói hệ thống pháp luật trong kinh doanh ngày càng hoàn thiện, mặc dù vậy, năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều hạn chế, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, nguyên nhân khách quan do nội tại của nền kinh tế nước ta như: Cải cách hành chính diễn ra còn chậm, chính sách kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, gây mất lòng tin cho doanh nghiệp... Tuy nhiên, phần lớn là do chủ quan các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chưa thực sự tìm hiểu các chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm đòi hỏi Nhà nước và doanh nghiệp phải có những giải pháp đồng bộ nhằm thay đổi nhận thức, tăng cường năng lực tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong kinh doanh. Chính vì vậy, nhu cầu được tiếp cận các thông tin pháp lý, các kiến thức pháp luật về kinh doanh đối với doanh nghiệp là rất cần thiết để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình, cụ thể là:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động
Việc ban hành các văn bản chính sách liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện theo hướng tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động (như trong lĩnh vực đấu thầu, đất đai, thuế, đầu tư, phá sản doanh nghiệp…). Không làm chính sách theo lối “không quản được thì cấm hay hạn chế”, hay ban hành văn bản, chính sách thì tùy tiện, thiếu cân nhắc và xa lạ với thực tế đời sống thường ngày, giảm bớt các quy định, giấy phép can thiệp hành chính vào thị trường.
Thứ hai, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việc xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, hiện nay chúng ta chưa có một chuyên trang riêng biệt về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đặc điểm chính của Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành rất nhiều, từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương về các lĩnh vực như trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp... Các văn bản này nằm tản mạn tại các bộ, ngành và địa phương và thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất khó tiếp cận. Chính vì vậy, để phù với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đề nghị cần hình thành chuyên trang về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và liên kết đến các trang thông tin của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để cung cấp thông tin một cách có hệ thống các văn bản chính sách pháp luật đến được với doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật
Thực tiễn trong những năm qua nhiều doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương phản ánh về Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về những khó khăn của họ trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do không có nguồn lực, đội ngũ cán bộ không có kỹ năng, không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, do vậy, trong nội dung bồi dưỡng tăng cường cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị các cấp có thẩm quyền, ngoài việc tập trung đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp, chương trình cần tăng cường dành nhiều thời lượng cho chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ Hiệp hội doanh nghiệp địa phương về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ tư, về xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn
Hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có hệ thống mạng lưới tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đó là các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh, thành phố. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 (Chương trình 585), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cử cán bộ tham gia tổ chuyên gia xây dựng đề án thí điểm xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật tại các các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhân rộng mạng lưới tư vấn pháp luật tại một số địa phương, mà đầu mối là các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh là thành viên của Hiệp hội. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương làm tốt vai trò đầu mối khi triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn tại các địa phương được lựa chọn.
Nguyễn Thị Thanh Bình
Học viện Hành chính Quốc gia