Doanh nghiệp là các tổ chức có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận hoặc mục đích khác. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hiểu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Quy mô của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào tiêu chí về số nhân công, vốn đăng ký, doanh thu... các tiêu chí này luôn không đồng nhất giữa các quốc gia, từng chương trình và từng thời kỳ phát triển khác nhau trong một quốc gia. Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và căn cứ vào tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên).
Ngoài những đặc điểm của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có đặc điểm như: (i) Tri thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất thấp, khi khởi nghiệp, phần lớn chủ doanh nghiệp đều dựa trên kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, dịch vụ, hệ thống quản trị mang tính ước đoán, thiếu căn cứ rõ ràng, việc điều hành doanh nghiệp phần lớn đều nhằm mục tiêu cụ thể, ngắn hạn; (ii) Cấu trúc của doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu hết là giản đơn, chủ yếu thực hiện chức năng kế toán, các chức năng quản trị khác chưa được hình thành hoặc hình thành nhưng chưa chuyên môn hoá, chưa phân công rõ ràng, sự phân quyền rất hạn chế, quyền hạn quản trị tập trung gần như tuyệt đối vào chủ doanh nghiệp; (iii) Nguồn nhân lực của doanh nghiệp còn trẻ, tuy nhiên, trình độ đào tạo còn khá thấp, phần đông được đào tạo ở những ngành nghề ít liên quan đến kinh doanh, họ thiếu tri thức về chiến lược, thị trường, kiến thức về quản lý doanh nghiệp; (iv) Đặc điểm về pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 đã ghi nhận quyền kinh doanh của cá nhân, tổ chức tại Việt Nam, đồng thời, quy định thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, thời gian thành lập doanh nghiệp ngắn, chi phí thấp, do vậy, khi thành lập doanh nghiệp các chủ doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề pháp lý của doanh nghiệp mà thông qua một dịch vụ pháp lý của văn phòng luật sư, các tổ chức, cá nhân khác thực hiện dịch vụ thành lập doanh nghiệp. Từ đó, các chủ doanh nghiệp không nắm bắt, nhận thức chưa đầy đủ những quy định trong quá trình thành lập doanh nghiệp.
Các chủ doanh nghiệp thường không có kiến thức về pháp luật nói chung và kiến thức pháp luật trong lĩnh vực doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, do vậy, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp thường không quan tâm đến những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như pháp luật liên quan đến tài chính, pháp luật liên quan đến quản trị doanh nghiệp và pháp luật liên quan đến giao dịch của doanh nghiệp... Từ lý do đó, các doanh nghiệp thường thực hiện không đúng quy định của pháp luật dẫn đến các hoạt động của doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Một đặc điểm quan trọng nữa là các doanh nghiệp thường không có các chuyên gia pháp lý hoặc luật sư để hướng dẫn, thực hiện những hoạt động của doanh nghiệp, nguyên nhân là tri thức của chủ doanh nghiệp còn hạn chế và chủ doanh nghiệp phải chi phí cho các hoạt động tư vấn đối với doanh nghiệp nên thường bỏ qua giai đoạn này. Mặt khác, khi chủ doanh nghiệp thực hiện không đúng các quy định của pháp luật thường phải chi phí rất cao cho việc khắc phục hậu quả như bị phạt hành chính, chi phí cho luật sư... Đặc trưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa sử dụng các dịch vụ liên quan đến pháp lý một cách thường xuyên hoặc có sử dụng nhưng không triệt để, không hiệu quả, ngại sử dụng các dịch vụ pháp lý vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chi phí kinh tế cho dịch vụ này.
2. Tại sao cần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Xuất phát từ đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cần được hỗ trợ ở nhiều nội dung, hình thức và phương pháp phù hợp, do vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất cần thiết được hỗ trợ pháp lý vì những lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế kiến thức pháp lý. Nhận thức của nhiều chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp về vai trò của pháp luật trong hoạt động kinh doanh còn khá hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ mô hình sản xuất nhỏ, không được đào tạo hoặc bồi dưỡng bài bản về kiến thức pháp luật, thường làm việc theo thói quen. Ở quy mô nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng ở quy mô lớn, rất dễ xảy ra các tranh chấp pháp lý. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay có nhiều chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp quan niệm rằng pháp luật là câu chuyện của Nhà nước đặt ra để trói buộc doanh nghiệp và nếu không có “chạy chọt” để “cởi trói” thì dù có giỏi pháp luật đến mấy cũng không thể làm được. Thực tế cho thấy, tuy chưa hoàn toàn loại trừ được tiêu cực, nhưng nếu doanh nghiệp am hiểu pháp luật, thì hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý trong kinh doanh, cũng như dễ dàng hơn trong các giao dịch hành chính đối với cơ quan nhà nước.
Thứ hai, hệ thống pháp luật ngày càng phức tạp. Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đang ngày càng trở nên khó khăn khi thực hiện, hệ thống văn bản pháp luật phức tạp, chồng chéo. Việc áp dụng các văn bản pháp luật cũng không hề dễ dàng do có nhiều văn bản cùng điều chỉnh về một vấn đề, thậm chí lại do nhiều cơ quan khác nhau ban hành. Cơ chế bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật hiện nay cũng có nhiều bất cập. Nhiều văn bản luật có tính chất tuyên ngôn, định hướng, khuyến khích, chưa đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng, thế nên các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước không biết áp dụng thế nào hoặc áp dụng thế nào cũng được.
Thứ ba, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước chưa chú trọng đến công tác pháp chế, hỗ trợ doanh nghiệp một cách đúng mức và kịp thời. Công tác pháp chế của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thường bị buông lỏng, thậm chí ở những nơi có bộ phận pháp chế thì tầm ảnh hưởng cũng không nhiều trong các quyết định pháp luật của tổ chức, đơn vị đó. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng cán bộ pháp chế, đặc biệt là ở địa phương và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian trước đây không được chú trọng kịp thời. Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao, trong khi đó kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này.
Thứ tư, dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, số lượng các cá nhân, tổ chức hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung thường tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, còn những địa phương khác thì hạn chế nhiều. Vì vậy, việc doanh nghiệp muốn tìm kiếm sự hỗ trợ về pháp lý của những cá nhân có am hiểu pháp lý không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, đặc biệt là thêm rào cản về chi phí và quan niệm chưa đúng của chủ doanh nghiệp, không ít những chủ doanh nghiệp quan niệm là chỉ nên tìm sự giúp đỡ của luật sư khi có kiện tụng hoặc khi gặp rắc rối về hình sự. Rất ít cá nhân có am hiểu pháp lý về doanh nghiệp và đặc biệt là kỹ năng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì các cá nhân này chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn vì được trả phí dịch vụ cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều công ty tư vấn hoặc luật sư cũng đặt nặng vai trò là người thực hiện thủ tục thông qua “chạy chọt” dựa vào các mối quan hệ hơn là thực hiện các quyền cho doanh nghiệp một cách nghiêm túc. Cách làm này có thể giúp cho tổ chức tư vấn hoặc luật sư có được thù lao, nhưng nó dẫn đến nhiều hệ lụy: (i) Làm xói mòn nền pháp chế, (ii) Làm xói mòn ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và (iii) Làm doanh nghiệp hiểu sai về các tổ chức tư vấn.
Như vậy, với bốn lý do cơ bản trên đã thể hiện nhiều bất cập và cho thấy rất cần những chính sách, động thái rõ ràng, cụ thể của Nhà nước để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và chủ trương này đã nhận được sự hoan nghênh mạnh mẽ từ xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
3. Thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay
Thứ nhất, hệ thống quy định về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp
Văn bản đánh dấu bước đột phá chính thức về cơ chế để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cơ chế hỗ trợ pháp lý theo Nghị định này là một “món quà” của Nhà nước dành cho doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời tạo cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhận thức về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từ nhận thức này, các cơ quan có liên quan đã chủ động tham mưu, chủ trì xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam như Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 5/5/2010 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014”. Từ thực trạng này cho thấy, hệ thống quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn yếu và còn chưa thống nhất về một mối.
Thứ hai, vấn đề hỗ trợ thông tin pháp lý đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp
Địa phương và các doanh nghiệp đã chú trọng đến công tác pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, thì khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của doanh nghiệp hiện nay còn rất hạn chế. Việc công khai các quy định cũng như các văn bản điều hành trong quá trình thực hiện chưa tạo thuận lợi, hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua theo dõi cổng thông tin điện tử của nhiều địa phương, người viết cho rằng, trên các trang điện tử chính thức chỉ đăng những gì mà cơ quan đó muốn đăng, chứ không phải đăng những gì mà các doanh nghiệp cần.
Thứ ba, nội dung các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nhận thức từ phía doanh nghiệp còn nhiều hạn chế
Các chương trình triển khai đã đạt được những kết quả rõ rệt bởi sự hưởng ứng của các doanh nghiệp và sự phối hợp nhiệt tình của các cơ quan tham gia, đặc biệt ở địa phương. Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập, nên nhận thức về tầm quan trọng của kiến thức và kỹ năng kinh doanh nói chung và kiến thức pháp luật nói riêng của các doanh nghiệp đang từng bước được cải thiện. Qua thực tế tham gia tư vấn, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về pháp lý, người viết thấy được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, rất có tinh thần cầu thị và ý thức trau dồi các kiến thức và kỹ năng pháp lý. Hiện nay ở nhiều địa phương, Hiệp hội, các doanh nghiệp còn sẵn sàng sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên của mình để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chứ không chỉ thụ động dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là những chương trình sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn có những hạn chế chủ yếu như: Các chương trình mang tính chất thụ động, cơ quan chủ trì mang đến doanh nghiệp những gì mà cơ quan có, không mang đến cho doanh nghiệp những chương trình, kiến thức mà doanh nghiệp cần. Các doanh nghiệp chỉ muốn giải đáp những vướng mắc cụ thể, không quan tâm đến việc tiếp thu kiến thức pháp lý; phương thức cung cấp các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ như chương trình nào nhằm mục đích phổ biến pháp luật, hình thức nào nhằm mục đích giải quyết vướng mắc pháp lý, chương trình nào miễn phí, chương trình nào có thu phí, do vậy, người viết khi tham gia các hoạt động dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp nhận thấy, chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa không coi trọng các chương trình hỗ trợ pháp lý từ phía Nhà nước, điều này bắt nguồn từ việc các chủ doanh nghiệp không tin tưởng vào dịch vụ công và miễn phí vì kém chất lượng; công tác giải đáp pháp luật còn nhiều bất cập, giải đáp pháp luật là một nội dung trọng tâm trong công tác hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp, thực tế, doanh nghiệp khi có vướng mắc pháp lý là những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và khi có vướng mắc thì doanh nghiệp thường nhờ những mối quan hệ quen biết để được tư vấn miễn phí hoặc có thu phí, doanh nghiệp vẫn chưa biết ở trên địa bàn có những cơ sở hỗ trợ giải đáp vướng mắc pháp luật nào từ hoạt động hỗ trợ từ Nhà nước, do vậy, có thể thấy, doanh nghiệp chưa biết đến quyền được hỗ trợ và chưa biết đến địa chỉ thực hiện hỗ trợ giải đáp vướng mắc pháp lý từ phía Nhà nước.
4. Kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chính phủ đã ban hành và thực thi một số chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp như: Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa..., ngày 16/5/2016 Chính phủ vừa có Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Như vậy, tại Việt Nam đã có nhiều quy định, chương trình, nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã thể hiện được sự cần thiết phải hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt, cần có văn bản pháp lý cao để khẳng định chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp của Nhà nước trong tình hình cạnh tranh ngày càng cao và sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chính sách, chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập cả về thể chế, chương trình, phương thức thực hiện hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, như chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp... Để hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta cần xem xét một số nội dung trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
Một là, về đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ. Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nên mở rộng đối tượng doanh nghiệp hỗ trợ, cụ thể là hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, do vậy, tên luật cân nhắc là “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp”. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần được hệ thống hóa một cách toàn diện, đầy đủ bằng văn bản luật để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách này, tránh để ở nhiều văn bản luật dẫn đến khó thực hiện và không kiểm soát được đồng bộ, hiệu quả trong thực tiễn không cao. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp cũng nhằm thống nhất, bao quát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tránh tình trạng có sự hỗ trợ không bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, mất đi tính cạnh tranh, bản chất của kinh tế thị trường. Đồng thời, đây cũng là Luật để thể hiện các chính sách của Việt Nam về hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm tránh những bất lợi, các rào cản của các Chính phủ khác khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế.
Hai là, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm các trụ cột như: Cơ chế hỗ trợ về khởi nghiệp; cơ chế hỗ trợ về vốn; cơ chế hỗ trợ về pháp lý; cơ chế hỗ trợ về khoa học công nghệ; cơ chế về hỗ trợ xúc tiến thương mại. Nhà nước không thể can thiệp vào thành lập, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách cứng nhắc làm mất bản chất của kinh tế thị trường là cạnh tranh và tự chủ của các doanh nghiệo, do vậy, Nhà nước nên tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tự vận hành hoạt động kinh doanh của mình một cách bình thường và hiệu quả cho doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp có tổ chức nội bộ doanh nghiệp hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm không bị rào cản, hỗ trợ phát triển thị trường ngoài nước...
Ba là, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Cung cấp thông tin pháp lý. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không quan tâm, tiếp nhận những thông tin pháp lý hàng ngày liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên các lĩnh vực như lĩnh vực doanh nghiệp, tài chính, thuế... Nguyên nhân là các doanh nghiệp không nhận thức một cách đúng đắn về những thông tin này, cho rằng những thông tin pháp lý đó không liên quan, không có ý nghĩa đến doanh nghiệp của mình hoặc doanh nghiệp không có cán bộ để thu thập, tiếp nhận những thông tin pháp lý hoặc cán bộ không đủ trình độ, khả năng để hiểu biết, tiếp nhận thông tin đó, dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đói thông tin pháp lý. Do vậy, nội dung cung cấp thông tin pháp lý đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng là nội dung quan trọng, là cơ bản khởi đầu cho sự nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cung cấp các thông tin pháp lý cho các doanh nghiệp là biện pháp hữu hiệu, để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, dần tạo thói quen, văn hoá pháp lý của doanh nghiệp, phòng tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nội dung thông tin pháp lý đến doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể là đường lối, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật Nhà nước như các thông tin pháp luật về thuế, phí, lệ phí; các quy định pháp luật về doanh nghiệp như pháp luật về thành lập doanh nghiệp, pháp luật về thay đổi hoạt động doanh nghiệp, pháp luật về quản lý doanh nghiệp, pháp luật về phá sản và các quy định của pháp luật khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; cũng có thể là những vướng mắc, khó khăn và kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gặp phải trong quá trình hình thành doanh nghiệp và quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, các thông tin về quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp... Thông tin pháp lý cần phong phú, thiết thực và đặc biệt là phải có ý nghĩa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nội dung thông tin pháp lý phải dựa trên nhu cầu cung cấp thông tin của từng nhóm doanh nghiệp như doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa hoặc nhóm doanh nghiệp ở các ngành kinh tế, nhóm doanh nghiệp ở những ngành công nghệ cao... hoặc cũng có thể là nhóm doanh nghiệp ở từng vùng, từng miền đặc thù.
- Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về pháp lý. Chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay còn rất thấp từ chủ doanh nghiệp đến các cán bộ, người lao động làm trong các doanh nghiệp này còn rất nhiều hạn chế cả về trình độ tri thức và hiểu biết thị trường, chính sách trong đó có yếu kém về trình độ tri thức pháp lý. Các chủ doanh nghiệp và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật. Nguyên nhân là các doanh nghiệp này có số lượng lao động ít, không cần hình thành bộ phận chuyên về pháp lý hoặc không cần có cán bộ chuyên về pháp luật. Do vậy, hạn chế về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác về pháp lý trong các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp này chưa chú trọng đến công tác pháp lý trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Nội dung này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp lý làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp hoặc liên doanh, hợp tác với một tổ chức cung cấp các dịch vụ pháp lý của Nhà nước, tổ chức nghề nghiệp hoặc của tư nhân để được cung cấp, hỗ trợ trong các hoạt động của doanh nghiệp một cách kịp thời, nhằm bảo đảm những hoạt động của doanh nghiệp đúng pháp luật. Doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về pháp lý để thực hiện những hoạt động đơn giản của doanh nghiệp. Các chủ thể hỗ trợ pháp lý cần thiết tăng cường nội dung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay nhằm khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế của các doanh nghiệp này về pháp lý. Làm tốt nội dung hỗ trợ này sẽ làm tăng cường lực lượng cán bộ, tri thức pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả hỗ trợ và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Giải đáp pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hình thức hỗ trợ pháp lý nhằm giải đáp những vướng mắc pháp lý hoặc đưa ra những phương hướng giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Những vướng mắc về pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn, tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp không tìm hiểu các quy định của pháp luật để giải quyết vướng mắc đó mà các doanh nghiệp thường hay làm theo thói quen hoặc giải quyết tình huống theo ý chủ quan của chủ doanh nghiệp, do vậy, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm không đúng hoặc không đầy đủ quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải làm nhiều lần, chi phí hành chính rất lớn.
Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ giải quyết một cách nhanh chóng và trực tiếp, hiệu quả cho doanh nghiệp, giảm bớt công sức và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời, tạo thói quen tuân thủ pháp luật khi giải quyết những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể là cung cấp các nội dung của pháp luật để tháo gỡ, thực hiện những hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp và cần xử lý. Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp cũng có thể là đưa ra những phương hướng giải quyết vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và kinh nghiệm của người tư vấn nhằm giúp đỡ giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp để doanh nghiệp tự lựa chọn cách thức giải quyết. Tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể là tư vấn về việc thành lập, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, tài chính, các quy định về thuế, quy định về quản trị doanh nghiệp, cũng có thể là thực hiện việc xây dựng các quy định, văn bản nội bộ của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ tham gia tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng. Các tranh chấp hiện nay của doanh nghiệp thường không có luật sư hoặc những chuyên gia pháp lý, do vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng chưa được bảo vệ bởi những người có kinh nghiệm về pháp lý và kinh nghiệm tham gia tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng có thể là giới thiệu luật sư, luật gia hoặc những chuyên gia pháp lý có nhiều tri thức và kinh nghiệm để tham gia tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng trong việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể là chủ thể hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí để trả thù lao cho luật sư, chuyên gia pháp lý khi tham gia tranh tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng. Khi có luật sư hoặc các chuyên gia pháp lý, các quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp sẽ được bảo đảm tốt nhất theo quy định của pháp luật.
Đào Đình Anh
Học viện Tư pháp