1. Bối cảnh gia nhập Công ước của Hoa Kỳ
Trong bối cảnh tỷ lệ ly hôn tại Hoa Kỳ trong những năm 1980 tăng cao (lên tới 1.182.000 vụ)[1], đồng thời, tình trạng di cư trở nên phổ biến đã dẫn tới những vụ giữ lại hoặc đưa trẻ đi trái phép được thực hiện bởi chính cha mẹ, người thân trong gia đình của trẻ gia tăng. Những vụ việc này đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và sự phát triển bình thường của trẻ em. Do đó, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép (sau đây gọi là Công ước) và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước (ngày 23/12/1981). Tuy nhiên, ngày 01/7/1988 Công ước mới chính thức có hiệu lực tại Hoa Kỳ. Mặc dù có đặc thù là quốc gia liên bang, mỗi bang có một hệ thống pháp luật riêng, tuy nhiên Hoa Kỳ đã áp dụng rất thành công khi tham gia và thực thi Công ước. Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chỉ tính riêng năm 2017 có 215 trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép có nơi thường trú tại Hoa Kỳ được trả lại theo kênh của Công ước và 356 trường hợp được giải quyết theo các kênh khác nhau[2].
2. Hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức của người dân
2.1. Hoàn thiện thể chế
Để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Công ước, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật về biện pháp khắc phục hành vi đưa trẻ em đi trái phép (ICARA) vào năm 1988. ICARA quy định về thẩm quyền, các vấn đề khác liên quan đến việc thực thi các quy định của Công ước tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng, ICARA chỉ là một đạo luật nhằm bổ sung và hỗ trợ Công ước, mà không có giá trị thay thế Công ước. Bên cạnh đó, nhiều quy định ở các lĩnh vực khác có liên quan cũng được bổ sung để tạo điều kiện cho việc thực thi Công ước. Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, Công ước không phải là cơ chế duy nhất để trả lại trẻ em bị đưa đi trái phép. Theo đó, cha mẹ có con bị mang đi hoặc lưu giữ trái phép có thể lựa chọn giữa việc nộp đơn theo Công ước hoặc theo cơ chế được quy định tại Luật chung về thẩm quyền và thi hành quyền nuôi dưỡng trẻ em (UCCJEA). Quy định của UCCJEA có một số điểm khác biệt với Công ước như độ tuổi, Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc, độ tuổi trẻ em được bảo vệ, thủ tục giải quyết. Cụ thể, về căn cứ ra quyết định trả lại trẻ, theo UCCJEA cha mẹ nếu muốn nộp đơn yêu cầu trả lại trẻ hoặc bảo đảm quyền thăm nom buộc phải có quyết định của Tòa án trao quyền nuôi dưỡng hoặc quyền thăm nom hay về độ tuổi trẻ em được bảo vệ theo UCCJEA là trẻ dưới 18 tuổi (Công ước chỉ áp dụng đối với trẻ em dưới 16 tuổi)…
2.2. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân
Hoa Kỳ là quốc gia thực hiện rất thành công Công ước, bên cạnh việc có một cơ chế thực thi hiệu quả thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hành vi giữ hoặc đưa trẻ đi trái phép cho các cơ quan, tổ chức và người dân đóng vai trò quan trọng. Qua hơn 30 năm thực thi Công ước, Hoa Kỳ luôn luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến và đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan về Công ước, cụ thể như các cán bộ, thẩm phán, cơ quan thực thi pháp luật. Việc đào tạo này đối với các cá nhân như thẩm phán, luật sư, công tố viên đôi khi là bắt buộc. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ mà thời gian tham gia đào tạo bắt buộc đối với các đối tượng này là khác nhau, tuy nhiên, thông thường thời gian đào tạo bắt buộc đối với các đối tượng này trong khoảng 16 - 30 giờ/năm.
Để đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả, các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ đều phát hành tài liệu hướng dẫn chi tiết thực thi Công ước cho các đối tượng liên quan và tài liệu hướng dẫn thực tiễn cho các đối tượng phù hợp (cụ thể như tài liệu hướng dẫn cho công tố viên, thẩm phán, luật sư…). Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Công ước cho người dân. Bên cạnh đó, hàng năm, Hoa Kỳ đều có báo cáo về tình hình hợp tác và giải quyết các yêu cầu trao trả trẻ theo quy định của Công ước đối với các quốc gia mà Hoa Kỳ đã lựa chọn làm đối tác. Các báo cáo này được công bố công khai tại trang thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ[3].
3. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham gia thực hiện yêu cầu về trao trả trẻ và quyền thăm nom
3.1. Về vai trò của cơ quan trung ương
Để thực thi Công ước, cơ quan trung ương được chỉ định của mỗi quốc gia đóng vai trò rất quan trọng. Ở Hoa Kỳ, cơ quan trung ương được chỉ định là Bộ Ngoại giao (cụ thể là Văn phòng Các vấn đề trẻ em) có nghĩa vụ giải quyết các vụ việc trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép. Theo Điều 11606 ICARA, cơ quan trung ương có chức năng thực hiện những nhiệm vụ được quy định bởi Công ước. Cơ quan trung ương Hoa Kỳ có trách nhiệm chỉ định cán bộ đầu mối liên quan đến Công ước ở các Sứ quán của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Cơ quan trung ương là cầu nối giữa các đương sự với các cơ quan có thẩm quyền trong nước và cơ quan trung ương của các nước thành viên. Do vậy, nếu cơ quan trung ương có đầy đủ năng lực, thẩm quyền thì việc thực thi Công ước thực sự phát huy hiệu quả. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, trong đó có nhiệm vụ là cơ quan trung ương thực thi Công ước gồm có 120 nhân viên và được chia thành 03 bộ phận chính: (i) Bộ phận phụ trách các vấn đề về trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép (bao gồm cả các vụ việc mang trẻ em vào hoặc mang ra khỏi Hoa Kỳ); (ii) Bộ phận phụ trách các biện pháp ngăn chặn việc trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép (bao gồm cả chương trình cảnh báo việc phát hành hộ chiếu cho trẻ em); (iii) Bộ phận về con nuôi quốc tế phụ trách các vấn đề về nuôi con nuôi quốc tế.
3.2. Lực lượng cảnh sát
Lực lượng cảnh sát với vai trò là cơ quan tiếp nhận thông tin từ người cha/mẹ có trẻ bị mang đi trái phép và xử lý thông tin tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nơi cư trú của trẻ trên cơ sở các thông tin được cung cấp và hệ thống cơ sở sở dữ liệu quốc gia. Tùy từng trường hợp mà lực lượng cảnh sát có thể sử dụng hệ thống báo động thông qua nhiều phương tiện khác nhau như: Điện thoại, truyền hình, đài phát thanh và các phương tiện truyền thông công cộng khác. Việc sử dụng hệ thống cảnh báo này cũng được thực hiện theo quy trình nhất định, đảm bảo tính hiệu quả. Cụ thể như, trước tiên căn cứ vào thông tin được cung cấp, lực lượng cảnh sát nhanh chóng tiến hành điều tra và tổ chức khoanh vùng để xác định nơi trẻ hiện đang được giữ lại. Trong trường hợp xác định được trẻ chưa rời khỏi bang hoặc hạt nào đó thì hệ thống báo động chỉ được phát ra trong phạm vi toàn hạt hoặc bang đó cho mọi người dân được biết qua điện thoại và các phương tiện truyền thông khác. Trường hợp trẻ được xác định đã được đưa ra khỏi một bang, thậm chí là ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ thì lực lượng cảnh sát sẽ đưa ra lệnh báo động trên toàn liên bang hoặc phối hợp với lực lượng FBI và cơ quan cảnh sát quốc gia liên quan để đưa ra lệnh báo động trên phạm vi toàn liên bang hoặc toàn cầu.
Trong quá trình đưa ra lệnh báo động, lực lượng cảnh sát bang và liên bang đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về đảm bảo và tôn trọng quyền riêng tư của trẻ và phải được sự đồng ý của cha/mẹ trẻ về việc sử dụng thông tin, hình ảnh của trẻ khi phát lệnh báo động và gửi đến từng công dân trên phạm vi từng bang, toàn liên bang hay toàn thế giới.
3.3. Cơ quan công tố
Tại Hoa Kỳ, trong các vụ việc giải quyết yêu cầu trao trả lại trẻ bị đưa đi trái phép bởi cha/mẹ trẻ thì cơ quan công tố đóng vai trò rất quan trọng. Cơ quan công tố sẽ nhận đơn từ cơ quan trung ương của Hoa Kỳ (đối với trường hợp trẻ bị đưa từ nước ngoài về Hoa Kỳ) hoặc tiếp nhận đơn từ cha/mẹ trẻ có trẻ bị đưa đi trái phép.
Trên cơ sở đơn nhận từ cơ quan trung ương hoặc nhận trực tiếp, cơ quan công tố cấp bang Hoa Kỳ sẽ tiến hành rà soát đơn để xác định đơn thuộc thẩm quyền của hạt nào để gửi hồ sơ đến hạt đó. Trên cơ sở hồ sơ nhận được, cơ quan công tố của hạt đó sẽ tiến hành điều tra, xác định nơi ở của trẻ và chuyển hồ sơ để Tòa án xem xét có trao trả lại trẻ hay không. Trường hợp Tòa án đã ra quyết định yêu cầu một bên phải trao trả trẻ trở về nơi thường trú cuối cùng mà người cha/mẹ đang giữ trẻ không thực hiện quyết định của Tòa án sẽ bị coi là có hành vi chống đối quyết định của Tòa án và trong một số trường hợp, hành vi này có thể bị xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật hình sự và có thể bị tuyên phạt tù theo quy định của pháp luật.
3.4. Về sự tham gia của luật sư
Luật sư có vai trò là người đại diện cho cha/mẹ và trẻ em trong các vụ việc tranh chấp về ly hôn, cấp dưỡng nuôi con, bạo hành gia đình và giữ hoặc đưa trẻ đi trái pháp luật. Tại Hoa Kỳ, trong một vụ việc có thể có nhiều luật sư tham gia đại diện cho các bên cha, mẹ và trẻ em. Về nguyên tắc, việc tham gia của luật sư trong các vụ việc này đều phải trả phí, tuy nhiên, trong một số trường hợp luật sư tham gia với vai trò là các tình nguyện viên hoặc làm công tác thiện nguyện thì người có đơn yêu cầu sẽ được miễn phí hoàn toàn đối với chi phí luật sư cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.
Khi tham gia Công ước, Hoa Kỳ đã bảo lưu đối với Điều 2 Công ước, theo đó, Hoa Kỳ không cung cấp tư vấn pháp lý đối với những vụ việc thuộc phạm vi Công ước, vì Hoa Kỳ cho rằng đó là những vụ việc dân sự.
3.5. Về sự tham gia của Tòa án
Tòa án nơi trẻ em cư trú có thẩm quyền giải quyết những vụ việc liên quan đến Công ước có thể nộp đơn ở bang hoặc Tòa án liên bang (do cha, mẹ trẻ quyết định). Mặc dù không có quy định cụ thể nhưng thực tế có giao loại việc này cho 01 thẩm phán chuyên xử lý để tạo sự chuyên nghiệp, hiệu quả cho hoạt động xét xử.
Về thủ tục xem xét vụ việc, dù không quy định thời hạn cụ thể nhưng Tòa án tối cao Hoa Kỳ có hướng dẫn, yêu cầu phải giải quyết vụ việc đưa trẻ đi trái phép một cách nhanh chóng nhất có thể. Vụ việc có thể đưa ra giải quyết theo một trong hai kênh khác nhau: (i) Công nhận và cho thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; (ii) Theo kênh của Công ước.
Tại Hoa Kỳ, chỉ có Tòa án bang mới có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu trả lại trẻ; cả Tòa án bang và Tòa án liên bang đều có thẩm quyền xét xử đơn yêu cầu trả lại trẻ theo Công ước. Tuy nhiên, những vụ việc về quyền thăm nom chỉ có thể được nộp tại các Tòa án bang.
Tòa về cấp dưỡng và giải quyết quyền nuôi con nuôi chịu trách nhiệm thụ lý và giải quyết các tranh chấp về nuôi con nuôi, trong đó có giải quyết yêu cầu về hành vi đưa trẻ đi hoặc giữ trẻ lại trái pháp luật của một bên cha hoặc mẹ trẻ.
4. Thực hiện các yêu cầu trao trả trẻ hoặc đảm bảo quyền thăm nom
Khi yêu cầu trao trả trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép theo quy định của Công ước, người yêu cầu cần phải nộp đơn yêu cầu theo mẫu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban hành phù hợp với nội dung của Công ước.
4.1. Quy trình giải quyết hồ sơ đối với trường hợp trẻ bị đưa đến hoặc giữ lại tại Hoa Kỳ
- Bước 1: Tiếp nhận đơn
Cơ quan trung ương của Hoa Kỳ là cơ quan tiếp nhận các yêu cầu từ nước ngoài và rà soát, xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của đơn và chuyển cơ quan có thẩm quyền trong nước để giải quyết. Hồ sơ và ngôn ngữ đơn yêu cầu phải được dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của cơ quan trung ương, người nộp đơn nên tham vấn ý kiến của luật sư.
- Bước 2: Xác định nơi ở của trẻ
Sau khi Văn phòng Các vấn đề trẻ em nhận được đơn, một nhân viên sẽ được phân công giúp đỡ cha mẹ tìm kiếm trẻ. Bộ Ngoại giao cũng sẽ hỗ trợ, giúp đỡ việc tìm kiếm trẻ thông qua việc cộng tác với các tổ chức như: Các tổ chức phi Chính phủ (như tổ công tác xã hội quốc tế); Cục Điều tra liên bang (FBI); Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) và các trung tâm thu thập và trao đổi thông tin về trẻ em mất tích của mỗi bang (NCMEC); Văn phòng Các vấn đề về trẻ em và các cơ quan trung ương ở nước ngoài. Cha mẹ sẽ phải cung cấp cho Văn phòng Các vấn đề trẻ em các thông tin cần thiết như nơi ở của họ hàng, nơi làm việc, mối quan hệ công việc liên quan tới cha, me bị cho là đã đưa trẻ đi hoặc giữ trẻ lại trái phép. Ngoài việc tìm kiếm trẻ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng phải liên lạc trực tiếp với người đang giữ trẻ để thương lượng nhằm đạt được giải pháp hòa bình trong việc trả lại trẻ.
- Bước 3: Chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền
Theo quy định tại Điều 9003 Luật Giữ hoặc mang trẻ đi trái phép của Liên bang Hoa Kỳ, thì Tòa án cấp quận có thẩm quyền giải quyết này. Sau khi tiến hành thủ tục xem xét chứng cứ, tài liệu được các bên cung cấp, Tòa án sẽ ra quyết định về việc trả lại trẻ, trong quyết định sẽ nêu rõ về thời gian, địa điểm và những vấn đề khác liên quan đến việc trả lại trẻ.
- Bước 4: Thi hành
Quyết định trả lại trẻ sẽ được thực hiện bởi cảnh sát tư pháp của Hoa Kỳ hoặc một số lực lượng khác có chuyên môn xử lý vụ việc liên quan tới trẻ em. Việc thi hành quyết định sẽ phải tiến hành hết sức linh hoạt để đảm bảo hạn chế những ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ.
4.2. Quy trình giải quyết hồ sơ đối với trường hợp trẻ bị đưa đến hoặc giữ lại tại nước ngoài
Cơ quan trung ương của Hoa Kỳ cũng tiếp nhận các yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, rà soát, đối chiếu hồ sơ yêu cầu với quy định của Công ước và chuyển cơ quan trung ương của nước được yêu cầu giải quyết, đồng thời hỗ trợ người dân làm hồ sơ theo quy định của Công ước.
4.3. Các biện pháp giải quyết ngoài Công ước
Bên cạnh biện pháp xử lý hành vi đưa đi hoặc giữ lại trẻ trái phép theo khía cạnh dân sự theo quy định của Công ước được áp dụng đối với các nước thành viên Công ước, tại Hoa Kỳ vẫn tồn tại kênh giải quyết ngoài Công ước đối với các nước không phải là thành viên Công ước, cụ thể như sau:
- Cha mẹ có thể tự đàm phán về việc đưa trẻ trở lại một cách tự nguyện hoặc cho phép người kia thăm nom trẻ. Tuy nhiên, khả năng đàm phán trong trường hợp này là rất khó khăn.
- Nếu quá trình thương lượng thất bại, cha mẹ có trẻ bị mang đi trái phép phải nộp đơn tới Tòa án để bắt đầu thủ tục tại Tòa án. Mặc dù vậy, trong một số ít trường hợp, cha mẹ có thể nộp thẳng đơn tới Tòa án mà không cần thông qua thủ tục được thực hiện tại Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, trong trường hợp này cha mẹ có con bị đưa đi trái pháp luật sẽ không được Bộ Ngoại giao hỗ trợ, chẳng hạn như việc tìm kiếm luật sư, dịch vụ dịch thuật…
- Việc giải quyết bằng phán quyết của Tòa án sau đó cần thông qua thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án tại nước ngoài.
4.4. Các cơ chế phối hợp và sự tham gia của luật sư
Hoa Kỳ có mối quan hệ rất chặt chẽ với các cơ quan trung ương cũng như cơ quan địa phương với các nước có chung đường biên giới. Do vậy, việc Hoa Kỳ phối hợp thực thi Công ước đối với các nước này trên thực tiễn không có gì vướng mắc. Đối với các quốc gia thành viên khác, công tác phối hợp được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau và đều được triển khai có hiệu quả.
Về sự tham gia của luật sư, nếu cha mẹ đủ điều kiện yêu cầu một đại diện pháp lý miễn phí, Bộ Ngoại giao sẽ thông qua Mạng lưới luật sư phụ trách về các vụ việc trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép (ICAAN) để tìm kiếm luật sư thích hợp. Sau khi liên lạc với cha mẹ của trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép nếu luật sư đồng ý tham gia vào quá trình tố tụng sẽ được Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp những văn bản cần thiết như đơn và các văn bản về quyền nuôi dưỡng trẻ. Nếu đơn được làm bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh, Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp đơn và bản dịch tiếng Anh. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu cần thiết, luật sư sẽ tham gia vào quá trình tố tụng nhằm yêu cầu trả lại trẻ với tư cách là đại diện của cha mẹ có con bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép. Khi có văn bản thỏa thuận giữa luật sư và cha mẹ có con bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép, Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp cho luật sư tất cả những tài liệu liên quan.
5. Đánh giá, kiến nghị
5.1. Đánh giá
Thứ nhất, việc tham gia Công ước của Hoa Kỳ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát sinh các vụ việc trẻ bị mang đi hoặc giữ lại đối với các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài giữa công dân Hoa Kỳ và công dân nước ngoài. Ngoài ra, Hoa Kỳ tham gia Công ước với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ trong một môi trường tốt nhất, tránh sự xáo trộn về môi trường sống, tâm lý của trẻ từ các hành vi của cha/mẹ hoặc người thân của trẻ, đảm bảo quyền, lợi ích tốt nhất của trẻ.
Thứ hai, về thể chế pháp luật để thực thi Công ước: Mặc dù, Công ước không đặt ra yêu cầu các quốc gia thành viên phải ban hành đạo luật riêng để thực thi Công ước. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật riêng để thực thi Công ước xuất phát từ nhu cầu nội tại của pháp luật Hoa Kỳ, đảm bảo thực thi Công ước một cách có hiệu quả.
Thứ ba, về việc tổ chức thực thi Công ước: Hoa Kỳ có hệ thống các cơ quan liên quan để thực thi Công ước, cụ thể như: Bộ Ngoại giao, cơ quan công tố, cơ quan cảnh sát, luật sư. Ngoài Bộ Ngoại giao là cơ quan được Chính phủ Hoa Kỳ chỉ định là cơ quan trung ương khi tham gia Công ước, các cơ quan còn lại đều thực hiện các chức năng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo, tuyền truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực có liên quan nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức và người dân.
5.2. Kiến nghị
Qua nghiên cứu kinh nghiệm Hoa Kỳ về tham gia và thực thi Công ước, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, ở Việt Nam hiện nay, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng và thực tiễn đã xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc cha/mẹ giữ hoặc đưa trẻ đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc giữ, đưa trẻ từ nước ngoài về Việt Nam trái pháp luật. Do vậy, việc gia nhập Công ước là rất cần thiết trong bối cảnh của nước ta hiện nay. Để gia nhập Công ước, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết về hoàn thiện thể chế và cơ chế tổ chức thực thi Công ước phù hợp.
Thứ hai, khi nghiên cứu gia nhập Công ước, Việt Nam cần lựa chọn và chỉ định cơ quan trung ương với chức năng phù hợp và quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trung ương, đảm bảo cơ quan này phải có đầy đủ thẩm quyền và năng lực để thực thi Công ước.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước đến các cơ quan, tổ chức và người dân giữ vai trò quan trọng trong việc thực thi có hiệu quả Công ước và công tác này luôn được các quốc gia thành viên, trong đó có Hoa Kỳ chú trọng thực hiện. Do vậy, Việt Nam cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến trước, trong và sau khi gia nhập nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả Công ước.
Thứ tư, Việt Nam cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia có sự tích hợp các dữ liệu thông tin về quản lý dân cư, hộ khẩu, căn cước nhằm đảm bảo việc giải quyết, xử lý thông tin và xác định nơi cư trú của trẻ được chính xác khi thực thi Công ước. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ khi xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại đến từng người dân thông qua các phương tiện thông tin hiện đại như đài phát thanh, truyền hình, điện thoại...
Phó Ban pháp chế, Tổng công ty Hàng không Việt Nam
ThS. Chu Tam Tuấn
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Theo The Hague Convention on International Child Abduction: A Practical Application - Barbana Ullman Schwerin.
[2].Https://travel.state.gov/content/dam/NEWIPCAAssets/pdfs/AnnualReports/2018%20Annual%20Report%20on%20International%20Child%20Abduction%20FINAL1.pdf.
[3]. Xem: Báo cáo được công bố công khai tại website https://travel.state.gov/ content/travel/en/International-Parental-Child-Abduction/for-providers/legal-reports-and-data.html.