
Vi phạm hành chính nói chung và vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh nói riêng ngoài việc gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm tới trật tự quản lý nhà nước còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và các nhân được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt hành chính nhằm răn đe các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thì pháp luật còn áp dụng các biện pháp nhất định để khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm hành chính gây ra. Còn xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính. Như vậy, biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính được hiểu là hình thức cưỡng chế do Nhà nước tiến hành, buộc người có hành vi vi phạm hành chính phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý nhất định nhằm hạn chế hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra.
Ở Việt Nam hiện nay, các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới, chống dịch; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó, tại Điều 240 quy định cụ thể về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cùng với nhiều văn bản hướng dẫn, thi hành Luật. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch trong thời gian qua. Thực tiễn áp dụng luật cho thấy, hệ thống các văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, bất cập, trong đó có việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, cần phải có khung pháp lý hoàn chỉnh để khắc phục tình trạng nói trên nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Qua bài viết “Hoàn thiện biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống đại dịch Covid-19”, tác giả Trần Thị Bích Nga và Võ Song Toàn đã phân tích thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong phòng, chống đại dịch Covid-19, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.