Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công năm 2019 với nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm đã tạo kết quả rõ nét trong việc thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương. Sau gần 05 năm thực hiện, Luật cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước tình hình đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về sửa đổi, ban hành các chính sách, quy định về đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời kỳ mới.
Dự thảo Luật gồm 07 chương, 117 điều được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua bao gồm: (i) Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; (ii) Nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (iii) Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (iv) Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); (v) Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến Dự thảo Luật, cụ thể:
Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thuận ngữ “ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi” quy định tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có sự trùng lặp so với thuật ngữ “báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng” quy đinh tại điểm a khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Vì vậy, để tránh trường hợp gây lúng túng cho doanh nghiệp sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát lại quy định này.
Về thẩm quyền của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, giám đốc công ty và tổng giám đốc công ty doanh nghiệp nhà nước trong việc quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 17 và Điều 35 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, đồng bộ với Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng và xin ý kiến nhằm tránh trường hợp chồng chéo khi các luật này có hiệu lực thi hành.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung vào Điều 6A Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) ngành, lĩnh vực về năng lượng được sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời nghiên cứu làm rõ nội dung về các hoạt động kinh tế được quy định tại khoản 10 Điều này. Đối với nội dung về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do doanh nghiệp nhà nước quản lý quy định tại Điều 27B Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung “giao đơn vị trực thuộc” trong việc tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời đánh giá Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền trong thủ tục hành chính, thẩm định dự án đầu tư…; nghiên cứu việc vay lại theo cơ chế dân sự; thể chế hóa đầy đủ các khái niệm đầu tư; trong đó lưu ý các quy định liên quan đến kế hoạch đầu tư công...
Thùy Dung