Đội ngũ cán bộ cơ sở bao gồm cán bộ cấp xã, công chức cấp xã và “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”[2]. Như vậy, bên cạnh đội ngũ cán bộ cấp xã, công chức cấp xã thì còn có nhóm đối tượng quan trọng có vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Đó chính là “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”.
Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong hệ thống chính quyền cấp cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp cho hoạt động ở địa phương. Hiện nay, mặc dù đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được quy định trong các văn bản quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nhiều quy định liên quan đến họ vẫn còn những điểm chưa thống nhất, hoàn thiện. Vì vậy, đây là một vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
1. Thực trạng các quy định về những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Thứ nhất, quy định về chức danh của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã[3]
Năm 1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Cán bộ, công chức điều chỉnh về cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Đối với cấp xã, Pháp lệnh Cán bộ, công chức ra đời đã giúp các cơ quan nhà nước có cơ sở phân định được cán bộ cấp xã, công chức cấp xã với “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”. Trên cơ sở Pháp lệnh Cán bộ, công chức, ngày 21/10/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2003/NĐ-CP quy định về số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, chế độ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã. Nghị định số 121/2003/NĐ-CP lần đầu tiên tách bạch “cán bộ, công chức cấp xã” với những “người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” và Nghị định này sử dụng thuật ngữ “cán bộ không chuyên trách ở cấp xã”[4] để chỉ nhóm đối tượng là những người hoạt động không chuyên trách.
Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ra đời đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xác định chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Tuy nhiên, Nghị định này ra đời trên cơ sở hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Do đó khi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 ra đời thì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP bãi bỏ Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và trong Nghị định này Chính phủ sử dụng thuật ngữ “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” để phù hợp và thống nhất với Luật Cán bộ, công chức[5].
Trong các văn bản quản lý nhà nước hiện hành vẫn chưa có văn bản nào giải thích rõ ràng, đầy đủ về thuật ngữ “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”. Thiết nghĩ, “cán bộ cấp xã”, “công chức cấp xã” đã được định nghĩa thống nhất trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, do đó Chính phủ cũng cần đưa ra quy định để xác định thống nhất khái niệm này.
Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng như Nghị định số 92/2009/NĐ-CP sử dụng thuật ngữ “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” nhưng hiện nay, trong nhiều văn bản quản lý nhà nước của trung ương cũng như trong các văn bản quản lý nhà nước của một số địa phương lại sử dụng thuật ngữ “cán bộ không chuyên trách ở cấp xã”, cá biệt có địa phương còn sử dụng thuật ngữ “cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” hoặc sử dụng thuật ngữ “cán bộ bán chuyên trách cấp xã” để chỉ nhóm đối tượng này. Điều này đã tạo nên sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ để chỉ về cùng một nhóm đối tượng làm việc tại cấp xã.
Mặt khác, việc quy định cụ thể những chức danh của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng chưa có sự thống nhất. Trước đây, nếu như Nghị định số 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ liệt kê cụ thể các chức danh của nhóm đối tượng không chuyên trách[6] thì Nghị định số 92/2009/NĐ-CP không quy định cụ thể mà tạo điều kiện linh hoạt cho các địa phương quy định. Điều này mặc dù phù hợp với xu thế phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, tuy nhiên chính quy định này đã dẫn đến tình trạng mỗi địa phương đưa ra những quy định về các chức danh rất khác nhau, không thống nhất với nhau. Cụ thể như chức danh của người làm công tác tuyên giáo có địa phương quy định là “Cán bộ tuyên giáo”, có địa phương lại quy định là “Trưởng ban Tuyên huấn” hoặc “Trưởng ban Tuyên giáo”; chức danh của người làm công tác tổ chức của Đảng ủy cấp xã có nơi gọi là “cán bộ tổ chức”, có nơi gọi là “Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy”; chức danh làm công tác văn phòng Đảng ủy có nơi gọi là “Thường trực Văn phòng Đảng ủy” có nơi gọi là “cán bộ Văn phòng Đảng ủy”; chức danh làm công tác dân vận thì có nơi gọi là “Thường trực Khối dân vận”, có nơi gọi là “Trưởng ban dân vận” hoặc “cán bộ dân vận”, chức danh làm công tác kiểm tra thì có nơi gọi là “cán bộ kiểm tra” nơi gọi là “Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra”... Chúng ta rõ ràng nhận thấy rằng, việc các địa phương quy định về cùng một chức danh nhưng đưa ra cách gọi tên khác nhau là điều không cần thiết. Hơn thế nữa đây là các chức danh của những cán bộ cơ sở nằm trong hệ thống chính trị cơ sở. Do đó, khi quy định về “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” cần có quy định thống nhất về tên gọi các chức danh này để tránh sự tùy tiện trong quy định của địa phương, ảnh hưởng đến tính thống nhất trong hoạt động quản lý, điều hành.
Thứ hai, quy định về việc tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là đội ngũ dự bị của cán bộ, công chức cấp xã, là nguồn quan trọng để bổ sung, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Họ là lực lượng luôn song hành cùng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong việc làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là lực lượng có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Do đó, cũng phải quan tâm đến việc tuyển dụng, bố trí các chức danh này.
Hiện nay, các chức danh không chuyên trách cấp xã có thể được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các chức danh không chuyên trách được tuyển chọn thông qua bầu cử (những người được bầu cử giữ chức danh), bao gồm: Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Chủ tịch Hội Người Cao tuổi cấp xã. Nhóm thứ hai là các chức danh không chuyên trách được tuyển chọn không thông qua bầu cử (được xét tuyển/thi tuyển vào chức danh) bao gồm các chức danh Tuyên giáo; Tổ chức; Dân vận, Văn phòng Đảng ủy, Phó Trưởng Công an (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy); Phó Chỉ huy Trưởng Quân sự; các chức danh phụ trách các lĩnh vực (kinh tế, dân số, gia đình, trẻ em, văn hoá – thể dục, thể thao...).
Hiện nay, các chức danh không chuyên trách được tuyển chọn thông qua bầu cử đã được quy định trong Điều lệ, Quy chế hoạt động của Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội này. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định về việc tuyển dụng, bố trí các chức danh không chuyên trách ở cấp xã không qua bầu cử. Điều này dẫn đến việc tuyển dụng, bố trí đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều chức danh không chuyên trách ở cấp xã của các địa phương có trình độ, năng lực chưa tương xứng với vị trí, vai trò theo chức danh và nhiệm vụ được giao, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Thứ ba, quy định về chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Hiện nay đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, công chức cấp xã, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành cụ thể các quy định về chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh. Những quy định này là cơ sở quan trọng để đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì Chính phủ, Bộ Nội vụ vẫn chưa ban hành những quy định cụ thể về chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh này.
Thứ tư, quy định về chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Hiện nay chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy định cụ thể tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ[7]. Theo đó, tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này quy định các đối tượng này chỉ hưởng chế độ phụ cấp và mức phụ cấp không vượt quá 1.0 mức lương tối thiểu chung. Trong quá trình triển khia thực hiện quy định này đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Vì vậy, năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ không quy định những người hoạt động không chuyên trách cấp xã chỉ hưởng chế độ phụ cấp và mức phụ cấp không vượt quá 1.0 mức lương tối thiểu chung như trước đây mà quy định việc khoán quỹ phụ cấp cho các chức danh này[8]. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quy định các chức danh không chuyên trách được hưởng bảo hiểm y tế[9].
Mặt khác, trước đây những người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc[10]. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2016 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành thì những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cũng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 02 chế độ là hưu trí và tử tuất[11]. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn thực hiện quy định về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Mặt khác, theo quy định hiện nay, ngoài mức phụ cấp hàng tháng “có tính chất như lương” thì những người hoạt động không chuyên trách cấp xã không được hưởng một số phụ cấp khác như phụ cấp chức vụ, phụ cấp theo loại xã, phụ cấp công vụ. Tuy nhiên, đối với cán bộ cấp xã, công chức cấp xã thì họ được nhận các khoản phụ cấp này[12]. Điều này cũng cần được quan tâm xem xét lại vì bản chất, tính chất công việc của nhiều chức danh không chuyên trách cấp xã nhất là các chức danh cấp phó (Phó Trưởng công an xã, Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó Bí thư đoàn thanh niên...) cũng tương đồng với các chức danh cán bộ, công chức cấp xã.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có các quy định về chế độ khuyến khích đối với người có trình độ đảm nhận các chức danh không chuyên trách cấp xã. Đồng thời cũng thiếu các quy định về đào tạo, bồi dưỡng cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
2. Một số kiến nghị
Từ những phân tích trên, để góp phần hoàn thiện những quy định về những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở trong hệ thống chính trị cơ sở, chúng tôi có một số kiến nghị sau đây:
Thứ nhất, quy định thống nhất các chức danh của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo hướng tăng cường kiêm nhiệm
Trước hết, chúng tôi kiến nghị sử dụng thống nhất thuật ngữ “cán bộ không chuyên trách cấp xã” khi quy định về những người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong các văn bản chính thức của nhà nước[13]. Việc sử dụng thuật ngữ “cán bộ không chuyên trách cấp xã” là phù hợp. Điều này không chỉ phù hợp với quy định trong văn bản của Đảng[14] mà còn phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của nhóm đối tượng này. Bởi lẽ, khi sử dụng thuật ngữ “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” sẽ tạo nên tâm lý phân biệt giữa những người làm việc tại cấp xã vì cán bộ, công chức cấp xã được gọi là “cán bộ, công chức” trong khi đó nhóm đối tượng còn lại được gọi là “những người”.
Trên cơ sở lựa chọn thống nhất sử dụng thuật ngữ “cán bộ không chuyên trách cấp xã”, cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra quy định cụ thể về cán bộ không chuyên trách cấp xã để phân biệt với cán bộ, công chức, cấp xã. Theo đó, cán bộ không chuyên trách cấp xã được xác định là những người làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, không phải là cán bộ, công chức cấp xã; họ không hưởng lương từ ngân sách mà chỉ hưởng khoản phụ cấp theo quy định. Cán bộ không chuyên trách cấp xã là những người chỉ tham gia việc công trong một phần thời gian lao động, trong số họ có những người được bầu cử giữ chức danh hoặc được tuyển chọn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị cấp xã.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định về định nghĩa “cán bộ không chuyên trách cấp xã” để phân biệt với cán bộ cấp xã, công chức cấp xã như sau: “Cán bộ không chuyên trách cấp xã là công dân Việt Nam được bầu cử vào chức danh hoặc được tuyển chọn ký hợp đồng lao động vào làm việc một phần thời gian trong Đảng ủy, UBND và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cấp xã, không phải là cán bộ, công chức cấp xã”.
Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị quy định thống nhất tên gọi các chức danh để tránh tình trạng mỗi địa phương quy định một cách thiếu thống nhất như hiện nay. Cần có quy định cụ thể chức danh của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo hướng kiêm nhiệm. Để thực hiện điều này chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 4 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức thành như sau “Chính phủ quy định chức danh, khung số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã”. Điều khoản được sửa đổi này quy định Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền quy định về chức danh của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để đảm bảo tính thống nhất trên cả nước.
Các địa phương căn cứ vào quy định này, ban hành văn bản thay thế quy định cũ về số lượng, chức danh của đội ngũ này theo hướng những chức danh nào trung ương đã quy định thống nhất thì triển khai thực hiện, những chức danh nào trung ương xác định là các chức danh đặc thù thì căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương quy định chức danh cho phù hợp. Việc quy định thống nhất các chức danh sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước, bên cạnh đó việc quy định thống nhất các chức danh sẽ góp phần tạo ra đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách với những chức danh phù hợp với thực tiễn, là cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này.
Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn thống nhất việc thực hiện kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách cấp xã. Bởi lẽ, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, trong đó xác định: “Tăng cường kiêm nhiệm công việc, khoán quỹ phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách gắn với việc tăng thu nhập của cán bộ công chức cấp xã”. Do đó Chính phủ có thể bổ sung quy định “các chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã có thể được kiêm nhiệm” và hướng dẫn cụ thể việc kiêm nhiệm này, kèm theo quy định, hướng dẫn về chế độ phụ cấp cho việc thực hiện kiêm nhiệm này. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc tiết kiệm nguồn ngân sách hiện có để nâng cao mức chi trả phụ cấp cho đội ngũ này và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Thứ hai, xây dựng và pháp lý hóa quy trình tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là đội ngũ dự bị của cán bộ và công chức cấp xã nên việc tuyển dụng cần tính đến độ tuổi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất, năng lực của nhóm đối tượng này. Các chức danh khối Đảng, đoàn thể cần cán bộ có năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, công tác vận động quần chúng, công tác tôn giáo…; các chức danh còn lại phải có trình độ quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp các lĩnh vực công tác của cấp xã. Vì vậy, cần xây dựng quy định và pháp lý hóa quy trình tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để lựa chọn được những người đủ phẩm chất, năng lực. Do đó, chúng tôi kiến nghị ban hành quy định về tuyển chọn các chức danh này.
Việc tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách thông qua bầu cử dựa trên quy trình nhân sự, bầu cử của Trung ương và Điều lệ của tổ chức đối với từng chức danh[15]. Các chức danh này được quy định trong Điều lệ hoạt động của các tổ chức này. Vì vậy cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội này hướng dẫn quy trình thống nhất để bầu ra những cán bộ tiêu biểu của tổ chức để trở thành những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Đặc biệt, đối với các chức danh không chuyên trách không thông qua bầu cử, thì Chính phủ, Bộ Nội vụ cần ban hành quy định về tiêu chuẩn, xây dựng quy trình tuyển chọn các chức danh này qua xét tuyển (hoặc về lâu dài có thể tổ chức thi tuyển). Chúng tôi đề xuất trước mắt có thể quy định việc xét tuyển các chức danh này trên cơ sở thành lập Hội đồng xét tuyển để tuyển chọn. Theo đó Hội đồng xét tuyển những người hoạt động không chuyên trách thuộc khối Đảng[16] có thể do Bí thư Đảng uỷ cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách thuộc khối chính quyền[17] có thể do Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng.Căn cứ vào quy định về tiêu chuẩn và năng lực của từng chức danh Hội đồng tuyển chọn lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ các chức danh và có biên bản gửi UBND cấp xã. Căn cứ biên bản của Hội đồng tuyển chọn, Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện quyết định bổ nhiệm người giữ chức danh Phó Trưởng Công an, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã sau khi thống nhất với Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và gửi kết quả đến Chủ tịch UBND cấp xã. Đề nghị UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt số lượng, tiêu chuẩn của các chức danh còn lại và gửi kết quả thẩm định, phê duyệt đến UBND cấp xã. Căn cứ văn bản thẩm định, quyết định, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký hợp đồng lao động đối với những người hoạt động không chuyên trách.
Thứ ba, nghiên cứu ban hành quy định về chế độ làm việc của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Hiện nay các quy định pháp lý hiện hành chỉ mới quy định đội ngũ cán bộ, công chức làm việc theo giờ hành chín 8 giờ/ngày. Tuy nhiên đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì vẫn chưa có quy định nào về chế độ, giờ giấc làm việc của nhóm đối tượng này. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ngày 18/3/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã kết luận “cán bộ không chuyên trách chỉ tham gia việc công trong một phần thời gian lao động”. Do đó, Chính phủ cần ban hành quy định về thời gian làm việc cho đội ngũ này cho phù hợp.
Việc ban hành quy định về chế độ làm việc của đội ngũ này là sự cụ thể hóa của cơ quan nhà nước những vấn đề đã được kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa IX. Hiện nay, một số địa phương quy định những người hoạt động không chuyên trách làm việc giống như cán bộ công chức cấp xã là không phù hợp, ví dụ như Quyết định số 39/2012/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của UBND tỉnh Bình Dương về quy định về chế độ quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tỉnh Bình Dương trong đó quy định “Thời gian làm việc theo quy định của Nhà nước: Tuần làm việc 40 giờ (5 ngày). Ngoài ra, khi có yêu cầu, cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải chấp hành sự phân công làm thêm ngày thứ bảy hoặc ngoài giờ”. Quy định này là không phù hợp, do đó, Chính phủ cần ban hành quy định về thời gian làm việc của những người hoạt động không chuyên trách để đảm bảo những quy định về thời gian làm việc phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng, phù hợp với tính chất lao động của nhóm đối tượng này.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện các quy định về chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Hoàn thiện chính sách liên quan đến những người hoạt động không chuyên trách cấp xã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị cơ sở, nhằm tạo động lực thật sự cho đối tượng này trong hoạt động. Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương cải cách đồng bộ hệ thống chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cấp cơ sở, việc cải cách phải tiến hành đồng bộ nhưng trước hết là cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương. Theo đó, chính sách tiền lương, phụ cấp phải hợp lý nhằm góp phần thực sự có tác dụng khuyến khích để họ luôn nâng cao trình độ, năng lực công tác và động cơ làm việc.
Do đó, việc nghiên cứu xây dựng chế độ liên quan đến tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là một vấn đề mang tính cần thiết về lâu dài nhất thiết phải tiến hành. Ở đây chúng tôi kiến nghị xem xét chuyển quy định “phụ cấp” cho những người hoạt động không chuyên trách thành “lương” để đảm bảo sự công bằng vì khi quy định “lương” thì theo thời gian làm việc “lương” này sẽ tăng theo hệ số của thang, bảng lương được nhưng khi quy định phụ cấp thì sau thời gian làm việc phụ cấp của các chức danh này vẫn không được tăng. Trước mắt, khi chưa xây dựng chế độ tiền lương cho đội ngũ này thì trên cơ sở quỹ phụ cấp được khoán có thể nghiên cứu xây dựng quy định về thang hệ số phụ cấp cho các chức danh, theo hướng sau thời gian công tác thì mức phụ cấp của các chức danh này có thể tăng lên theo mức hệ số tương ứng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị nghiên cứu xem xét quy định các chức danh không chuyên trách cũng được hưởng phụ cấp chức vụ, phụ cấp theo loại xã và phụ cấp công vụ. Bởi lẽ nhiều chức danh có tính chất công việc như đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, trong khi đó đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được hưởng các khoản phụ cấp này. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định về chính sách liên quan đến lương, phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì cần quan tâm tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo hiểm xã hội, các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh này.
Thứ năm, nghiên cứu bổ sung quy định ưu tiên tuyển dụng và quy định việc xét tuyển chuyển những người không chuyên trách ở cấp xã thành cán bộ, công chức cấp xã
Đội ngũ những hoạt động không chuyên trách cấp xã là một bộ phận của đội ngũ cán bộ cơ sở, có vai trò và vị trí quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thực tế cho thấy đội ngũ này là lực lượng song hành cùng với đội ngũ cán bộ cấp xã, công chức cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, sau thời gian công tác, rèn luyện nếu có nhu cầu cần bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thì chính quyền các cấp có thể tìm nguồn bổ sung từ chính lực lượng những người hoạt động không chuyên trách. Việc lựa chọn lực lượng những người hoạt động không chuyên trách làm nguồn bổ sung cho các chức danh cán bộ, công chức cấp xã có ý nghĩa quan trọng vì đội ngũ này trong quá trình công tác ở địa phương sẽ nắm bắt rõ những vấn đề thực tế phát sinh tại địa phương. Hơn thế nữa, trong quá trình giải quyết công việc cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thì lực lượng những người hoạt động không chuyên trách cũng đã tích lũy, học hỏi nhiều kinh nghiệm phục vụ có hiệu quả cho công việc.
Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định xem xét ưu tiên những người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong tuyển dụng làm công chức cấp xã; xem xét bổ sung quy định xét tuyển chuyển những người không chuyên trách cấp xã thành cán bộ, công chức cấp xã khi hệ thống chính trị cấp cơ sở có nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã đáp ứng tiêu chuẩn của chức danh cần tuyển dụng.
3. Kết luận
Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là một bộ phận không tách rời độ ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, đội ngũ này là lực lượng quan trọng cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp đưa chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống. Do đó nếu được quan tâm đúng mức, đội ngũ này sẽ có đóng góp tích cực trong việc cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại địa phương.
Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải đi liền xây dựng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để có thể xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân. Thiết nghĩ việc hoàn thiện những quy định liên quan đến những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị cấp cơ sở trong giai đoạn hiện nay.
Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh