Tóm tắt: Bài viết phân tích về thỏa thuận thi hành án dân sự trong mối liên hệ với thỏa thuận dân sự, đánh giá hạn chế của chế định thi hành án dân sự, từ đó đưa ra hướng hoàn thiện về chế định này.
Abstract: The article analyzes the civil judgment enforcement agreement in relation to the civil agreement, assesses the limitations of the civil judgment enforcement institution, thereby giving a direction to improve this institution.
Pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng luôn ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong các mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2018, 2020, 2022 (Luật Thi hành án dân sự) quy định: “Trong quá trình thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” (Điều 5).
Để cụ thể hóa quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Luật Thi hành án dân sự quy định: “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận” (khoản 1 Điều 6). Quy định này thừa nhận thỏa thuận thi hành án như là một trong những phương thức giải quyết việc thi hành án dân sự và trên thực tế, phương thức này đã được sử dụng khá phổ biến trong quá trình giải quyết việc thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự và trong nhiều trường hợp đã mang lại kết quả tích cực trong việc tổ chức thi hành án.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, rà soát các quy phạm pháp luật có liên quan đến chế định thỏa thuận thi hành án cho thấy, việc ghi nhận quyền thỏa thuận về việc thi hành án của đương sự theo quy định pháp luật hiện hành còn có những điểm chưa thật sự hợp lý, đồng thời, thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng bộc lộ những hạn chế nhất định cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.
1. Thỏa thuận dân sự
Có quan điểm cho rằng, thỏa thuận thi hành án là thỏa thuận dân sự, cụ thể, “việc đương sự thỏa thuận thi hành án dân sự về bản chất là thỏa thuận dân sự”[1]. Vì vậy, để nghiên cứu về thỏa thuận thi hành án thì trước đó cần phân tích, làm rõ khái niệm thỏa thuận dân sự, từ đó có cách tiếp cận chính xác đối với thỏa thuận thi hành án.
Thỏa thuận dân sự được hiểu là thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự về việc thực hiện các quyền dân sự của mình và có nghĩa vụ tôn trọng quyền dân sự của bên (hoặc các bên) còn lại. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định về thỏa thuận dân sự, tuy nhiên, xét về bản chất thì khái niệm thỏa thuận dân sự cũng tương tự như khái niệm giao dịch dân sự được quy định tại Chương VIII Bộ luật Dân sự năm 2015 và tuân theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong khoa học pháp lý, “giao dịch dân sự” được hiểu là hành vi pháp lý thể hiện ý chí của các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự[2]. Thuật ngữ này được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể như sau: Giao dịch dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116, Điều 385).
Một nguyên tắc cơ bản áp dụng đối với giao dịch dân sự hay thỏa thuận dân sự là: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” (khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015). Nguyên tắc này được hiểu là chủ thể trong quan hệ dân sự được quyền tự quyết định theo ý chí của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện tham gia hay không tham gia giao dịch dân sự, qua đó xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật có liên quan có những quy định về yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ thì các chủ thể có quyền lựa chọn quyết định nội dung, hình thức của cam kết, thỏa thuận; đối tác; thay đổi, chấm dứt cam kết, thỏa thuận đó cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh; không một chủ thể nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận đó[3]. Quyền dân sự trong thỏa thuận dân sự hay giao dịch dân sự của các chủ thể chỉ bị hạn chế trong trường hợp thỏa thuận dân sự đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích công cộng hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác như đã được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Quyền định đoạt, tự do ý chí của đương sự còn tiếp tục được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 khi quyền và nghĩa vụ dân sự theo thỏa thuận dân sự không được các bên tôn trọng, thực hiện và một trong hai bên hoặc các bên lựa chọn và khởi kiện ra Tòa, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận do các bên đã giao kết, theo đó, “đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự” (khoản 1 Điều 5). Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự có trách nhiệm tôn trọng quyền quyết định việc khởi kiện, nội dung khởi kiện trong phạm vi quyền dân sự đã được các bên thỏa thuận và được pháp luật công nhận, kể cả việc thay đổi, chấm dứt yêu cầu khởi kiện hoặc các bên tự thống nhất, định đoạt nội dung xảy ra tranh chấp. Cụ thể là, “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”; “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội” (Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Như vậy, đối với thỏa thuận dân sự, các bên được tự do, tự nguyện xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, kể cả khi phát sinh tranh chấp liên quan đến thỏa thuận dân sự đó, cho đến trước khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, một trong hai bên hoặc các bên vẫn có quyền quyết định việc yêu cầu hoặc không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết toàn bộ hoặc một phần tranh chấp dân sự phát sinh từ thỏa thuận dân sự hoặc thống nhất nội dung giải quyết tranh chấp hoặc quyết định chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm ghi nhận và tôn trọng sự thỏa thuận, quyết định của đương sự.
2. Chế định thỏa thuận thi hành án
Thỏa thuận thi hành án là thỏa thuận của các đương sự về việc thi hành án dân sự, thỏa thuận này chỉ phát sinh sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực, điểm này hoàn toàn khác so với thỏa thuận dân sự hay giao dịch dân sự như đã phân tích ở trên.
Chế định thỏa thuận thi hành án nằm trong chế định pháp luật về thi hành án dân sự, quy định tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự, được cụ thể hóa tại Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật cũng đề cập đến các nội dung liên quan đến thỏa thuận thi hành án, qua đó làm rõ hơn chế định này.
Về nguyên tắc, đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội, kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận.
Thứ nhất, thỏa thuận thi hành án trước khi có yêu cầu thi hành án hoặc sau khi có yêu cầu thi hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ban hành quyết định thi hành án.
Theo các quy định pháp luật hiện hành, đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án trước khi có yêu cầu thi hành án hoặc sau khi có yêu cầu thi hành án nhưng chưa ra quyết định thi hành án nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Thỏa thuận thi hành án phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận đó. Đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
Thứ hai, thỏa thuận thi hành án sau khi cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án. Thỏa thuận phải bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia.
Theo quy định pháp luật, đương sự còn có thể thỏa thuận một số nội dung khác về thi hành án như: Nghĩa vụ thi hành án cụ thể; giá tài sản hoặc lựa chọn tổ chức thẩm định giá; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; nhận tài sản để bù trừ cho nghĩa vụ phải thực hiện; nhận lại tài sản của người phải thi hành án đã đấu giá thành; thỏa thuận của những người được thi hành án khi được nhận chung một khoản tiền hoặc tài sản nhất định; lựa chọn tài sản để ưu tiên xử lý trong trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều nơi; miễn toàn bộ hay giảm một phần nghĩa vụ thi hành án; về việc hoãn thi hành án, đình chỉ thi hành án…
Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Theo yêu cầu của đương sự, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận.
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường hợp đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án.
3. Hạn chế của chế định thỏa thuận thi hành án
Luật Thi hành án dân sự ghi nhận hai nguyên tắc chỉ đạo và định hướng cho các quy định của Luật cũng như quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, đó là nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định và nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án dân sự thì bản án, quyết định[4] do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Nguyên tắc này bắt nguồn từ một những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đó là bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành (khoản 1 Điều 19).
Luật Thi hành án dân sự kế thừa và sử dụng nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự như là nguyên tắc chỉ đạo, định hướng cho các quy định pháp luật về thi hành án dân sự. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi hoạt động thi hành án dân sự là một phần không thể tách rời của hoạt động tố tụng dân sự, là trình tự, thủ tục pháp lý thuộc lĩnh vực pháp luật tố tụng dân sự và đã được thể hiện rõ khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 dành một phần và chương riêng quy định về thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án (Phần thứ chín, Chương XXXIX). Không những thế, nguyên tắc này còn là nguyên tắc mang tính hiến định, được ghi nhận tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013, vì vậy, các đạo luật điều chỉnh nội dung có liên quan đều phải thống nhất và phù hợp với nguyên tắc hiến định này.
Cùng với nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định, nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại Điều 5 Luật Thi hành án dân sự đã tạo thành nhóm hai nguyên tắc định hướng các quy định pháp luật về thi hành án dân sự. Theo nguyên tắc này thì quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và được pháp luật bảo vệ trong quá trình thi hành án. Quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được cụ thể hóa trong các điều khoản của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng hoàn toàn phù hợp và thống nhất với các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan nhà nước khác trong việc công nhận, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng như các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Bên cạnh việc quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được pháp luật ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ thì đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo đúng nội dung của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, phù hợp với nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định như đã phân tích ở trên.
Hai nguyên tắc nêu trên hoàn toàn phù hợp với nhau, thống nhất với nhau và bổ sung cho nhau để tạo thành hệ nguyên tắc mang tính chỉ đạo xuyên suốt các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, trong đó có chế định thỏa thuận thi hành án. Trong chế định thỏa thuận thi hành án thì quy định trung tâm của chế định này chính là Điều 6 Luật Thi hành án dân sự, theo đó: “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận”.
Đối chiếu nội dung của quy định này với các quy định của Bộ luật Dân sự cho thấy, quy định trung tâm của chế định thỏa thuận thi hành án rõ ràng đã căn cứ vào một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là nguyên tắc: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Nguyên tắc này ghi nhận và khẳng định quyền định đoạt của đương sự trong các giao dịch dân sự, thỏa thuận dân sự và quyền này chỉ bị hạn chế khi nội dung thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Như đã phân tích ở trên thì nguyên tắc này phù hợp điều chỉnh các giao dịch dân sự, thỏa thuận dân sự do các bên tự do, tự nguyện thỏa thuận, định đoạt trong giai đoạn trước khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tuy nhiên, sau khi có bản án, quyết định đã có hiệu lực, đương sự sẽ được hưởng quyền và phải thực hiện nghĩa vụ theo nội dung của bản án, quyết định của Tòa án. Tại thời điểm này, quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự sẽ bị giới hạn trong phạm vi nội dung của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Pháp luật và các thiết chế nhà nước sẽ bảo đảm đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được hưởng quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ theo bản án, quyết định theo nội dung bản án, quyết định.
Vì vậy, việc chế định thỏa thuận thi hành án công nhận quyền lợi của đương sự trên cơ sở tự do, tự nguyện thỏa thuận và định đoạt miễn sao không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội sẽ không phù hợp và không thể thực hiện được các nguyên tắc cơ bản định hướng pháp luật về thi hành án dân sự đã nêu ở trên.
Thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự thời gian qua cũng cho thấy, việc quy định cho phép đương sự được quyền tự do thỏa thuận, định đoạt nội dung thỏa thuận thi hành án “quá rộng” sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả giải quyết việc thi hành án. Ví dụ, trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự, khi đương sự thỏa thuận về việc hoãn thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định không có giải pháp để đôn đốc, giải quyết dứt điểm việc thi hành án.
4. Hướng hoàn thiện chế định thỏa thuận thi hành án
Về nguyên tắc chung, chế định thỏa thuận thi hành án không thể vượt ra ngoài các nguyên tắc chỉ đạo pháp luật thi hành án dân sự, đó là nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định và nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, chế định thỏa thuận thi hành án vừa bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp luật, tính hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, tính hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.
Trên cơ sở nguyên tắc chung, chế định thỏa thuận thi hành án cần phải được nghiên cứu, cụ thể hóa dựa trên một số nguyên tắc cơ bản, chủ yếu sau đây:
Một là, chế định thỏa thuận thi hành án điều chỉnh mối quan hệ của đương sự trong phạm vi bản án, quyết định và sau khi có quyết định thi hành án.
Nội dung bản án, quyết định xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của các đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thi hành án dân sự nói chung và thỏa thuận thi hành án nói riêng không nằm ngoài việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các bên đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng nội dung bản án, quyết định. Ngoài ra, việc thỏa thuận thi hành án cần phải có sự tham gia của cả người được thi hành án, người phải thi hành án và theo quy định hiện hành thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án của đương sự, trừ một số trường hợp pháp luật quy định cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án.
Pháp luật không cần thiết điều chỉnh việc thỏa thuận thi hành án trước khi có quyết định thi hành án vì hai lý do, đó là: Thứ nhất, trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được về nội dung thi hành bản án, quyết định của Tòa án trước khi có đơn yêu cầu thi hành án cũng như trước khi có quyết định thi hành án thì kết quả của việc thỏa thuận đó sẽ được thể hiện trong đơn yêu cầu thi hành án; thứ hai, khi chưa có quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự không có đủ căn cứ để giải quyết việc thi hành án theo thỏa thuận của đương sự.
Hai là, chế định thỏa thuận thi hành án xác định vai trò không thể thiếu của chấp hành viên trong việc chủ trì, giám sát thỏa thuận thi hành án để bảo đảm nguyên tắc hiệu lực của bản án, quyết định.
Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự không chỉ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành mà còn yêu cầu Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án, trong trường hợp này là cơ quan thi hành án dân sự phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó. Không những thế, pháp luật còn quy định cơ quan thi hành án trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có trách nhiệm trả lời, thông báo tiến độ, kết quả thi hành án theo yêu cầu của Tòa án (khoản 2, khoản 3 Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Việc cho phép đương sự tự do thỏa thuận về việc thi hành án, không thông tin kịp thời về kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự, việc thỏa thuận thi hành án không có sự chủ trì, giám sát của chấp hành viên không những không bảo đảm cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, thậm chí có trường hợp làm “vô hiệu hóa” hoạt động của cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, chế định thỏa thuận thi hành án phù hợp nguyên tắc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả bản án, quyết định và nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Chế định thỏa thuận thi hành án yêu cầu việc thỏa thuận thi hành án của đương sự phải căn cứ vào nội dung bản án, quyết định nhưng cũng không hạn chế quyền định đoạt đối với nhân thân và tài sản (không liên quan đến nội dung bản án, quyết định) của đương sự để thực hiện nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định đã tuyên. Chẳng hạn, đương sự được quyền lựa chọn một trong những tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình để giao cho cơ quan thi hành án dân sự kê biên, xử lý, trừ vào nghĩa vụ thi hành án hoặc quyền thỏa thuận xác định giá của tài sản kê biên, lựa chọn tổ chức định giá, tổ chức đấu giá tài sản… Pháp luật ghi nhận, tôn trọng các quyền hợp pháp của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án nhưng vẫn yêu cầu phải bảo đảm trình tự, thủ tục pháp lý chặt chẽ, tránh việc cho phép “tùy ý” thỏa thuận ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án, quyết định.
Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tạo điều kiện cho đương sự được hưởng quyền lợi hợp pháp phù hợp với nội dung của bản án, quyết định và yêu cầu đương sự thực hiện nghĩa vụ được ghi nhận trong bản án, quyết định theo đúng quy định của pháp luật. Các đương sự được quyền nêu nguyện vọng, đưa ra giải pháp để giải quyết việc thi hành án; chấp hành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng trình tự, thủ tục pháp lý có trách nhiệm ghi nhận, xem xét, quyết định việc thực hiện hay từ chối thực hiện đề xuất, giải pháp mà đương sự đưa ra, kể cả đề xuất việc thỏa thuận giữa các đương sự để giải quyết việc thi hành án. Người được thi hành án có quyền định đoạt đối với quyền lợi hợp pháp đã được ghi nhận tại bản án, quyết định và cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tôn trọng quyền định đoạt của đương sự trong trường hợp này, chẳng hạn như quyền đình chỉ một phần hay toàn bộ bản án, quyết định.
Bốn là, chế định thỏa thuận thi hành án được thực hiện có hiệu quả cần phải dựa trên bản án, quyết định có chất lượng, được tuyên chính xác, đúng pháp luật.
Thỏa thuận thi hành án được thực hiện trên cơ sở đương sự hiểu và tôn trọng nội dung phán quyết của bản án, quyết định, chính vì vậy mà chất lượng của bản án, quyết định sẽ quyết định hiệu quả của thỏa thuận thi hành án. Tại Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2022 cũng nêu rõ, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra[5]. Tỷ lệ này tương ứng với cứ khoảng 114 bản án, quyết định được Tòa án tuyên thì có 01 bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa vì nguyên nhân chủ quan của Tòa án. Tỷ lệ này chưa tính đến các bản án bị hủy hoặc sửa do nguyên nhân khách quan và một số lượng chưa xác định các bản án, quyết định chưa bảo đảm tiêu chí chính xác, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ, một trong số các tiêu chí đánh giá chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân được Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra[6].
Để hoàn thiện chế định thỏa thuận thi hành án thì cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, nghiên cứu kỹ càng và thấu đáo các quy định pháp luật hiện hành có liên quan để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thỏa thuận thi hành án bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, khả thi và hiệu quả. Ngày 09/11/2022, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó, hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí là nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự mà cụ thể là chế định thỏa thuận thi hành án vào thời điểm này là rất kịp thời, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí mà còn bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
ThS. Lại Thế Anh
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình
[1]. Sự thỏa thuận của đương sự trong thi hành án dân sự, ThS. Trần Trung, Khoa Luật, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, nguồn: https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=376, truy cập ngày 17/3/2023.
[2]. TS. Đinh Trung Tụng (2021), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Quyển 1, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 229.
[3]. TS. Đinh Trung Tụng (2021), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Quyển 1, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 49.
[4]. Được liệt kê tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự.
[5]. Thái Vũ, Chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác của Tòa án đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/chat-luong-xet-xu-va-nhieu-chi-tieu-cong-tac-cua-toa-an-dat-va-vuot-yeu-cau-quoc-hoi-giao%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0% C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A07140.html.
[6]. Các tiêu chí đánh giá chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân, http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tai-lieu/chuyen-de-chuyen-sau/item/260-cac-tieu-chi-danh-gia-chat-luong-ap-dung-phap-luat-trong-hoat-dong-xet-xu-cua-toa-an-nhan-dan.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 378), tháng 4/2023)