Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn khẳng định vai trò quan trọng của thể chế trong quá trình phát triển đất nước thời gian qua và những năm tiếp theo. Ông Sơn cho biết, trong thời gian qua công tác xây dựng pháp luật đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáp ứng được cơ bản nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước. Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật lại chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển, bộc lộ một số tồn tại, hạn chế lớn. Hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tổ chức thi hành pháp luật chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Trước thực trạng đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và các vấn đề mới phát sinh, nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật. Tháng 02/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018 - 2022. Theo đó, mục tiêu chung là triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động này. Ông Sơn nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp trong thời gian tới và đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm trao đổi thẳng thắn và đưa ra những đề xuất chính sách góp phần hoàn thiện thể chế công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở về vấn đề này. Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp thi hành pháp luật cần được xem là công đoạn nối liền và tiếp nối quá trình xây dựng pháp luật. Việc thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua ở nước ta chưa cao là do các nguyên nhân như: (i) Chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, thường xuyên thay đổi gây khó khăn lớn cho việc thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. (ii) Tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đội ngũ công chức chưa thực sự chuyên nghiệp, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước và thực thi công vụ còn nhiều hạn chế. (iii) Thiếu cơ chế thi hành pháp luật hữu hiệu.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Yokomasu Kosuke, công tố viên Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, để đảm bảo thi hành đúng pháp luật thì cần làm rõ vấn đề về thẩm quyền và uỷ quyền, cần ngăn chặn sự trùng lặp giữa các quy định. Nếu vấn đề thẩm quyền và uỷ quyền không rõ ràng thì rất dễ phát sinh tình trạng trùng lặp quy định và không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Việc không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật sẽ gây lúng túng về việc nên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào trong quá trình thực thi và trở thành nguyên nhân chính làm cản trở việc thi hành đúng pháp luật.
Cũng tại Tọa đàm, trong bài tham luận của mình, TS. Dương Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã đưa ra một số luận điểm khoa học hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức và thi hành pháp luật, cụ thể là: Đổi mới nhận thức về hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật là điều kiện tiên quyết để hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật phải hướng tới bảo đảm mục tiêu chiến lược là gắn kết giữa hoàn thiện pháp luật với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật phải hướng tới tạo lập các tiêu chí và công cụ hữu hiệu bảo đảm việc theo dõi, đánh giá hiệu lực, hiệu quả gắn kết giữa hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật; hoàn thiện thể chế về thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật phải đồng bộ với hoàn thiện thể chế xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.