1. Thực trạng cơ sở pháp lý về điều tra tội phạm xuyên quốc gia ở Việt Nam hiện nay
Trong những năm qua, tình hình tội phạm xuyên quốc gia có liên quan đến Việt Nam diễn biến khá phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ, số đối tượng phạm tội, trong đó nhiều hoạt động phạm tội xuyên quốc gia mới đã nảy sinh như tội phạm rửa tiền, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, tội phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài… Đặc biệt, do ham lợi, các đối tượng trong và ngoài nước đã đẩy mạnh việc móc nối, liên kết, hình thành đường dây tội phạm xuyên quốc gia hoạt động chuyên nghiệp và thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trước tình hình này, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra tội phạm xuyên quốc gia cũng như đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tham gia, ký kết các điều ước quốc tế đa phương, song phương điều chỉnh trực tiếp toàn bộ quá trình điều tra tội phạm xuyên quốc gia.
Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước điều chỉnh trực tiếp toàn bộ quá trình điều tra tội phạm xuyên quốc gia gồm: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012… Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã quy định cụ thể về từng tội phạm, trong đó quy định cụ thể về một số tội phạm có tính chất xuyên quốc gia; quy định về từng hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền điều tra được áp dụng trong quá trình điều tra tội phạm xuyên quốc gia; quy định về việc hợp tác quốc tế trong điều tra tội phạm xuyên quốc gia… Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự hiện hành đã nội luật hóa các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia) như nội luật hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm bao gồm cả pháp nhân thương mại; bổ sung chế định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; cụ thể hóa các quy định về hợp tác quốc tế, trong đó đã xác định giá trị pháp lý của tài liệu, đồ vật thu thập được qua hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, xử lý tài sản do phạm tội mà có; bổ sung các quy định về việc phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt...
Về các điều ước quốc tế đa phương, tính đến hiện nay, Việt Nam là thành viên của các công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống ma túy, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống tham nhũng và Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định tương trợ tư pháp chung bao gồm cả lĩnh vực dân sự và hình sự, 11 hiệp định chuyên biệt tương trợ tư pháp về hình sự và 14 hiệp định chuyên biệt về dẫn độ tội phạm với các nước trên thế giới. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam đã ký kết với Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ của các nước trên thế giới các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về hiệp định, văn bản thỏa thuận liên quan đến phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng... Nội dung các điều ước quốc tế nói trên là cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế trong điều tra tội phạm xuyên quốc gia.
Mặc dù, cơ sở pháp lý quy định về điều tra tội phạm xuyên quốc gia nói trên đã giúp các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng, giải quyết điều tra vụ án hình sự về các tội phạm này. Tuy nhiên, trong thực tiễn điều tra tội phạm này, các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn gặp phải một số khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả các hoạt động điều tra, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật. Cụ thể:
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam chưa giải thích cụ thể thuật ngữ “tội phạm xuyên quốc gia”. Trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chỉ có Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 có đề cập đến thuật ngữ “tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” khi đưa ra quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tại Điều 19 và Điều 26. Tuy nhiên, thuật ngữ “tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” nói riêng, “tội phạm xuyên quốc gia” nói chung chưa được giải thích trong Luật này. Điều đó đã dẫn đến có những cách hiểu và quan điểm khác nhau về tội phạm xuyên quốc gia cũng như việc vận dụng vào thực tiễn điều tra tội phạm này cũng có sự khác nhau giữa các chủ thể có thẩm quyền.
Thứ hai, quy định về thẩm quyền điều tra tội phạm xuyên quốc gia, điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài giữa Cơ quan điều tra của Công an nhân dân trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 chưa đảm bảo sự thống nhất. Theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, trong lực lượng Công an nhân dân, cơ quan có thẩm quyền điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài gồm Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh; thẩm quyền điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Tuy nhiên, tiếp cận dưới góc độ luật hình sự quốc tế, các thuật ngữ “tội phạm xuyên quốc gia” và “tội phạm có yếu tố nước ngoài” có sự giao thoa với nhau. Tội phạm xuyên quốc gia luôn luôn có yếu tố nước ngoài, còn tội phạm có yếu tố nước ngoài không hoàn toàn đều là tội phạm xuyên quốc gia. Theo cách tiếp cận này, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra tội phạm xuyên quốc gia nói riêng, điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài nói chung. Mặt khác, thực tiễn điều tra vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy, Cơ quan an ninh điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh đã thụ lý điều tra nhiều vụ án hình sự về tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm buôn lậu, tội phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, tội phạm về ma túy... Do đó, việc quy định như trên chưa phù hợp trong việc phân định cụ thể về thẩm quyền điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia.
Thứ ba, chế định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các biện pháp, hoạt động điều tra còn thiếu văn bản hướng dẫn thực thi. Thực tiễn cho thấy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung, thay thế nhiều chế định về các biện pháp, hoạt động điều tra như: Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp; biện pháp phong tỏa tài khoản; biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân; xử lý tài sản do phạm tội mà có; phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt… Tuy nhiên, nhiều quy định về các biện pháp, hoạt động điều tra còn chưa có văn bản hướng dẫn thực thi của cơ quan có thẩm quyền. Điều đó đã làm cho cơ quan có thẩm quyền điều tra tội phạm xuyên quốc gia gặp lúng túng trong thực tiễn áp dụng các quy định này.
Thứ tư, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 còn bất cập, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng vào thực tiễn điều tra tội phạm xuyên quốc gia. Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 điều chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp trong 04 lĩnh vực là dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài. Đối với lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, hiện nay việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi từng hoạt động cụ thể được quy định trong của Luật Tương trợ tư pháp còn chậm. Trong khi đó, các quy định về tương trợ tư pháp hình sự còn tản mạn ở các chương; một số quy định còn chung chung, chưa cụ thể như chưa có quy định về trách nhiệm của từng cơ quan trong thực hiện quan hệ phối hợp thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 chưa tương thích với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các hoạt động hợp tác quốc tế như việc xem xét, xử lý yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ mâu thuẫn với quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị từ chối dẫn độ theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp...
Thứ năm, số lượng các điều ước quốc tế song phương giữa Việt Nam ký kết với các quốc gia trên thế giới về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm còn hạn chế. Thực tiễn điều tra tội phạm xuyên quốc gia cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền chủ yếu căn cứ vào điều ước quốc tế song phương làm căn cứ pháp lý thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế với cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, số lượng các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các điều ước quốc tế song phương về phòng, chống tội phạm cũng như điều ước song phương tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm còn hạn chế. Các nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định song phương về vấn đề nói trên chủ yếu là các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây. Nhiều hiệp định được ký kết trước khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành, cho nên một số nội dung không còn phù hợp.
2. Đề xuất góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về điều tra tội phạm xuyên quốc gia
Trong thời gian tới, trước những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, của nền kinh tế thị trường, tình hình tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian tới, hoạt động phạm tội xuyên quốc gia sẽ được các đối tượng khai thác, ứng dụng triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, số lượng vụ án, số đối tượng phạm tội xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, tội phạm xuyên quốc gia xảy ra ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, hậu quả của tội phạm sẽ ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình này, yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý quy định về điều tra tội phạm xuyên quốc gia nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra tội phạm này là việc làm hết sức cấp thiết. Muốn vậy, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần chú ý thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, tiếp tục nội luật hóa các quy định của Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần tập hợp, phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật hình sự đối với thực tiễn điều tra tội phạm xuyên quốc gia để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu nội luật hóa quy định Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vào quy định của Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối với một số tội phạm có thể có tính chất xuyên quốc gia được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành thì bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp hành vi phạm tội do nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu, chỉnh sửa các điều luật về hành vi tham nhũng (trong đó tập trung vào tội đưa hối lộ, nhận hối lộ), hành vi rửa tiền, hành vi cản trở công lý sao cho phù hợp với Công ước, pháp luật Việt Nam.
Hai là, bổ sung điều khoản giải thích các thuật ngữ “tội phạm có yếu tố nước ngoài”, “tội phạm xuyên quốc gia”, “tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Việc giải thích các thuật ngữ này sẽ góp phần thống nhất nhận thức cho toàn bộ các cơ quan có thẩm quyền điều tra xác định đúng vụ án về tội phạm đang điều tra, từ đó áp dụng hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương, song phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Để đưa ra được khái niệm về các thuật ngữ nói trên đòi hỏi các nhà lập pháp phải căn cứ vào thực tiễn công tác điều tra cũng như bám sát vào điều ước quốc tế đa phương có đề cập đến lĩnh vực này, trong đó tập trung là Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Dựa vào giải thích về các thuật ngữ nói trên, các nhà lập pháp tiếp tục xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn trong xác định phạm vi thẩm quyền điều tra của các cơ quan có thẩm quyền sao cho phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Ba là, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó tập trung vào các biện pháp, hoạt động tố tụng hình sự mới như các biện pháp ngăn chặn mới, các biện pháp cưỡng chế, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt... Đặc biệt, đối với các quy định trong Chương XXXV, Chương XXXVI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần có văn bản hướng dẫn thi hành quy định cụ thể về các hoạt động hợp tác quốc tế khác theo quy định tại khoản 2 Điều 493; quy định cụ thể về nội dung, hình thức và thủ tục hợp tác quốc tế trong các hoạt động như tiếp nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; trường hợp phối hợp điều tra chung, thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt... Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, nội luật hóa bổ sung biện pháp vận chuyển có kiểm soát là một trong các biện pháp điều tra đặc biệt có sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia; bổ sung trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể lấy lời khai người làm chứng hoặc chuyên gia đang cư trú tại nước ngoài qua hình thức video trực tuyến và ngược lại theo đúng tinh thần Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Bốn là, ban hành văn bản hướng dẫn thực thi các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng như các điều ước quốc tế đa phương, song phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực thi quy định của Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Các văn bản hướng dẫn này tập trung quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm. Mặt khác, về lâu dài có thể nghiên cứu xây dựng các luật độc lập như Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Việc xây dựng các đạo luật độc lập này phải căn cứ vào quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành, thực tiễn áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tố tụng của Việt Nam, các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết và tiếp thu quan điểm của các quốc gia có nền pháp luật tiến bộ trên thế giới.
Năm là, đẩy mạnh việc ký kết các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm và hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tích cực tham gia thỏa thuận, ký kết các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm; về hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Việc ký kết điều ước quốc tế song phương với các quốc gia trên thế giới cần được thực hiện theo hướng ưu tiên ký kết với các quốc gia mà hoạt động phạm tội xuyên quốc gia xảy ra ở quốc gia đó có liên quan đến Việt Nam và ngược lại. Để thỏa thuận, ký kết các điều ước quốc tế song phương nói trên với các quốc gia trên thế giới, các cơ quan chức năng cần cân nhắc đảm bảo lợi ích của Việt Nam, không trái với thông lệ quốc tế.
Sáu là, nghiên cứu rút bảo lưu quy định về dẫn độ tội phạm trong Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Mặc dù, việc bảo lưu quy định về dẫn độ tội phạm không trái với quy định của Công ước, của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo lưu quy định về dẫn độ tội phạm sẽ gây những khó khăn cho cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong điều tra tội phạm xuyên quốc gia nói riêng, trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói chung. Do đó, thời gian tới các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền rút bảo lưu đối với quy định về dẫn độ tội phạm trong Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Việc rút bảo lưu về quy định này sẽ thể hiện được thiện chí hợp tác, cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Mặt khác, việc rút bảo lưu quy định về dẫn độ tội phạm sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có căn cứ pháp lý thực hiện dẫn độ tội phạm, nhất là trong trường hợp giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan chưa có hiệp định song phương về dẫn độ tội phạm.
Học viện An ninh nhân dân