Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thay mặt đơn vị soạn thảo báo cáo về việc chỉnh lý, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết sau khi được được chỉnh lý, gồm 15 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kèm theo Tờ trình số 23/TTr-CP), quy định về: nguyên tắc; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền; tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện thủ tục hành chính; hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; về các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết; giấy tờ, văn bản đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp, ban hành; sử dụng con dấu; rà soát, xử lý văn bản và giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Dự thảo Nghị quyết được chỉnh lý không quy định riêng 01 điều về xác định cơ quan thực hiện giám sát, kiểm sát, kiểm tra, mà thay vào đó bổ sung 01 khoản liên quan đến nội dung này tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết (thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền).
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại buổi làm việc
Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các nội dung cụ thể, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền, thời hạn xử lý văn bản quy phạm pháp luật và hiệu lực của Nghị quyết. Cụ thể: (i) Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn được áp dụng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành hoặc liên tịch ban hành với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy có nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ sau sắp xếp tổ chức bộ máy (khoản 2 Điều 10); (ii) cơ quan, người có thẩm quyền phải ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các văn bản chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy trước ngày 31/12/2026 (khoản 2 Điều 12); (iii) Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết, cùng đồng thời với thời điểm có hiệu lực của dự thảo Nghị quyết về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa XV và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ. Nghị quyết này dự kiến được thực hiện đến hết ngày 31/12/2026; căn cứ tình hình thực tế, nếu cần thiết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết này thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVI vào tháng 10/2026 (Điều 15).
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đơn vị đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc chỉnh lý và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như: tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; về sử dụng con dấu; về rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; về hiệu lực thi hành và thời hạn áp dụng Nghị quyết...
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu chỉnh lý các nội dung; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện Báo cáo tình hình chỉnh lý, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết.
Thùy Dung