Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài là một trong những nhà đầu tư đặc biệt được Luật Đầu tư năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành trao quyền được lựa chọn áp dụng các điều kiện và trình tự, thủ tục đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, nhiều quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của Việt Nam chưa được cập nhật hoặc chưa thống nhất với nhau, dẫn đến việc áp dụng trên thực tế còn gặp khó khăn. Do đó, các quy định này cần phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm bảo đảm quyền của nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được thực hiện một các rõ ràng và thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
1. Vài nét khái quát về nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài
Theo Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông[1]. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam[2]. Hai nhóm nhà đầu tư này khi thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam thì tuân theo những điều kiện và trình tự, thủ tục khác nhau. Cụ thể, dự án của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ cả hai nhóm điều kiện tiếp cận thị trường của cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trừ một số ngoại lệ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017). Dự án của nhà đầu tư trong nước thì chỉ tuân thủ một nhóm điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư trong nước và không bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư[3].
Như vậy, vấn đề đặt ra là, đối với nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì sẽ tuân theo quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục đầu tư của nhà đầu tư trong nước hay theo quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài? Theo Luật Quốc tịch năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Quốc tịch năm 2008), người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài[4]. Do đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể chia thành ba nhóm:
- Nhóm 1: Người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài: Đây là nhóm người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra, quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài[5]. Nói cách khác, về mặt pháp lý, người gốc Việt Nam là người không còn quốc tịch Việt Nam. Do đó, khi đầu tư tại Việt Nam họ sẽ được gọi là nhà đầu tư nước ngoài[6].
- Nhóm 2: Công dân Việt Nam chỉ có quốc tịch Việt Nam, không đồng thời có quốc tịch nước ngoài: Nhóm này khi đầu tư tại Việt Nam thì về mặt pháp lý họ là nhà đầu tư trong nước.
- Nhóm 3: Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài: Đại đa số công dân Việt Nam ở nước ngoài hiện tại là những người đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”[7]. Như vậy, với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì nguyên tắc một quốc tịch nêu trên được áp dụng “mềm dẻo”[8]. Theo đó, Luật Quốc tịch năm 2008 giao cho các luật có liên quan quy định về quyền, nghĩa vụ của nhóm công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài: “Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”[9]. Từ đó, pháp luật về đầu tư của Việt Nam quy định: “Đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh thực hiện tại Việt Nam, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài”[10].
Căn cứ vào quy định nêu trên, có thể khẳng định rằng, trong lĩnh vực đầu tư, công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được xem như là nhà đầu tư đặc biệt (không được gọi là nhà đầu tư Việt Nam, cũng không được gọi là nhà đầu tư nước ngoài) dù đang có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật liên quan như Luật Đất đai năm 2024, Luật Hợp tác xã năm 2023, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 01/2021/CP-NĐ ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp… còn quy định chung chung, chưa phân biệt rõ giữa các nhóm người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các quy định về chủ thể tiếp cận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, điều kiện chủ thể để đầu tư thành lập hợp tác xã… Đặc biệt, nhiều văn bản chưa đề cập đến quyền được lựa chọn điều kiện và thủ tục đầu tư tại Việt Nam của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Bên cạnh đó, mặc dù Luật Quốc tịch năm 2008 đã thay cụm từ “người Việt Nam ở nước ngoài” thành cụm từ “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” và giải thích rất rõ nhóm người này gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam[11]… nhưng có văn bản còn đánh đồng giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch nước ngoài với người nước ngoài trong việc áp dụng các điều kiện kinh doanh trong một số ngành, nghề[12].
2. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài
Như đã phân tích, trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thì công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài là nhà đầu tư đặc biệt. Chủ thể này được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện, trình tự thủ tục đầu tư theo quy định của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chưa quy định rõ ràng việc áp dụng quy định của nhà đầu tư nước ngoài khi cá nhân này lựa chọn. Điều này dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho người áp dụng pháp luật, bởi Luật Đầu tư năm 2020 chưa thực sự giải quyết được rõ ràng, cụ thể mối quan hệ trong việc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan. Cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013[13] thì “người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch” là một trong những chủ thể có quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Có nghĩa là, chủ thể này được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai[14]. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực ngày 01/01/2025), thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tách ra thành hai nhóm người sử dụng đất theo hướng của Luật Quốc tịch năm 2008 là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam” và “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Đối với nhóm “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam”, Luật Đất đai năm 2024 xếp chung với nhóm cá nhân trong nước sử dụng đất[15]. Đối với nhóm “cá nhân trong nước”, Luật Đất đai năm 2024 cũng không phân biệt giữa cá nhân trong nước chỉ có quốc tịch Việt Nam và cá nhân trong nước đồng thời mang quốc tịch nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc không còn ranh giới phân biệt giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam với cá nhân công dân Việt Nam định cư trong nước trong việc tiếp cận quyền sử dụng đất. Nói cách khác, tất cả các cá nhân mang quốc tịch Việt Nam (không phân biệt định cư trong nước hay ở ngoài nước) đều có quyền tiếp cận đất đai như nhau. Đây là quy định rất tiến bộ của Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013 trong việc mở rộng đối tượng sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài[16]. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024 đều chưa “khớp” hoàn toàn với Luật Đầu tư năm 2020 và văn bản hướng dẫn về cách xác định nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong các lĩnh vực có liên quan đến đất đai.
Thứ hai, Luật Hợp tác xã năm 2012 và Luật Hợp tác xã năm 2023 (có hiệu lực ngày 01/7/2024) đều có quy định về điều kiện để trở thành thành viên hợp tác xã đối với cá nhân là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Cụ thể, đối với cá nhân, Điều 13 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã là: “Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam”. Còn Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định chi tiết hơn, cụ thể, Điều 30 Luật này quy định điều kiện của cá nhân làm thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã là: “Cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”[17]. Bên cạnh đó, điều kiện để trở thành thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã là: “Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”[18].
Đối với cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia là thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, cá nhân này còn phải đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tương tự, hợp tác xã có thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn là cá nhân nhà đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan[19].
Từ các quy định nêu trên, có thể thấy, Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng như Luật Hợp tác xã năm 2023 đều không có quy định đặc thù nào áp dụng đối với nhóm công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi họ đầu tư làm thành viên của hợp tác xã. Nói cách khác, các quy định nêu trên đều chỉ áp dụng cho công dân Việt Nam và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, chỉ có đối tượng cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài thì mới bắt buộc có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đáp ứng “điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan”. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nếu công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài lựa chọn điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng toàn bộ điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, người này phải tuân thủ điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài khi làm thành viên của hợp tác xã.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Điều 20, Điều 21, Điều 22. Theo đó, một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ là “bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư”. Các quy định này chưa thực sự rõ ràng, làm cho chủ thể áp dụng có thể hiểu là khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới có nghĩa vụ nộp bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, nếu công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài quyết định lựa chọn áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài thì chủ thể này cũng phải xuất trình được bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, theo Luật Đầu tư năm 2020, công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài không được gọi là nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ có quyền được lựa chọn điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các điều khoản nêu trên chỉ quy định trực diện là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, theo quy định pháp luật hiện hành, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau có thể có quy định khác với một số quy định của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước đó, do sự cần thiết về tính đặc thù của các lĩnh vực hoặc do điều kiện kinh tế, xã hội luôn vận động, phát triển… Theo đó, Luật Đầu tư năm 2020 cũng đã có quy định tại Điều 4 về việc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan. Một số luật đặc thù, quan trọng, cần thiết cho an ninh quốc gia, xã hội và phát triển đất nước được Luật Đầu tư năm 2020 đưa vào danh mục ưu tiên áp dụng hơn so với Luật Đầu tư khi có sự khác nhau giữa các quy định trong các luật này với Luật Đầu tư (được liệt kê tại khoản 3 Điều 4). Thực tế cho thấy, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế - xã hội và phục vụ cho phát triển đất nước, an ninh quốc gia, đồng thời góp phần tiếp tục và luôn khẳng định quan điểm của Đảng ta là “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”[20]. Do vậy, khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020 nên bổ sung quy định: “Trường hợp Luật khác không xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác thì áp dụng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”. Đồng thời, trong khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020 nên bổ sung Luật Đất đai vào nhóm các luật đặc thù được ưu tiên áp dụng hơn so với Luật Đầu tư khi có quy định khác nhau về điều kiện, thủ tục đầu tư. Điều này có nghĩa là, khi có sự khác nhau giữa Luật Đất đai năm 2024 và Luật Đầu tư năm 2020 về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai thì áp dụng Luật Đất đai năm 2024. Từ đó, công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài sẽ tuân theo điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất của công dân Việt Nam định cư trong nước[21] trong các lĩnh vực có liên quan đến quyền sử dụng đất, kể cả lĩnh vực đầu tư.
Thứ hai, như đã phân tích, Luật Hợp tác xã năm 2023 không có quy định đặc thù nào áp dụng đối với nhóm công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi họ đầu tư làm thành viên của hợp tác xã. Nếu xét tổng thể, hợp tác xã cũng là một trong các tổ chức kinh tế nói riêng và chủ thể kinh doanh nói chung. Do đó, việc tham gia vào làm thành viên của một chủ thể kinh doanh tại Việt Nam nên giao về cho văn bản điều chỉnh trực tiếp đối với chủ thể kinh doanh đó. Do đó, để thống nhất với Luật Đầu tư năm 2020 thì Luật Hợp tác xã năm 2023 nên bổ sung quy định đặc thù áp dụng đối với cá nhân là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi tham gia làm thành viên của hợp tác xã. Cụ thể, pháp luật về hợp tác xã nên bổ sung đối tượng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong nhóm chủ thể có quyền làm thành viên của hợp tác xã theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về đầu tư. Như vậy, việc áp dụng Luật Hợp tác xã năm 2023 sẽ được rõ ràng hơn nếu cá nhân này thực hiện quyền lựa chọn điều kiện, thủ tục đầu tư tham gia thành lập hợp tác xã như quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, khi công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đầu tư thành lập hợp tác xã tại Việt Nam thì ưu tiên áp dụng Luật Đầu tư năm 2020 để chủ thể này thực hiện quyền lựa chọn áp dụng như nhà đầu tư trong nước hay như nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, nếu giữ nguyên quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023 để ưu tiên áp dụng hơn Luật Đầu tư năm 2020 đối với nhóm nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài theo hướng nhà đầu tư trong nước, thì pháp luật hợp tác xã cần bổ sung quy định khẳng định việc áp dụng Luật Hợp tác xã năm 2023 khi có sự khác nhau giữa Luật Hợp tác xã năm 2023 với Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng lập pháp được ghi nhận tại khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp năm 2020 được ban hành trước ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực và không nằm trong danh mục các luật đặc thù được ưu tiên áp dụng hơn Luật Đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020. Do đó, về nguyên tắc, khi có sự khác nhau giữa Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 về điều kiện, thủ tục đầu tư thì sẽ áp dụng Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, để thuận lợi, rõ ràng cho việc áp dụng thì các điều 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nên được sửa đổi điều kiện về hồ sơ liên quan đến trường hợp phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hướng: Chuyển từ quy định “bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư” thành quy định “bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư”. Như vậy, khi công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì sẽ áp dụng Luật Đầu tư năm 2020 để xem xét nghĩa vụ của người này có phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không. Nói cách khác, người này sẽ phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi lựa chọn việc áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài./.
TS. Cao Nhất Linh
Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ
[1]. Khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020.
[2]. Khoản 19 Điểu 3 Luật Đầu tư năm 2020.
[3]. Điều 37 Luật Đầu tư năm 2020.
[4]. Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008.
[5]. Khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008.
[6. Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020.
[7]. Điều 5 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
[8]. Thu Hương, Nguyên tắc quốc tịch theo pháp luật Việt Nam, https://tapchitoaan.vn/public/nguyen-tac-quoc-tich-theo-phap-luat-viet-nam, truy cập ngày 20/3/2024.
[9]. Khoản 5 Điều 5 Luật Quốc tịch năm 2008.
[10]. Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
[11]. Nguyễn Thị Kim Ngân, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các quy định của pháp luật Việt Nam năm 2008, Tạp chí Luật học, Số 6/2009.
[12]. Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
[13]. Khoản 1 Điều 183 Luật Đất đai năm 2013.
[14]. Điều 5 Luật Đất đai năm 2013.
[15]. Điều 4 Luật Đất đai năm 2024.
[16]. Xuân Trường, Những chính sách mới của Luật Đất đai 2024 mà doanh nghiệp và nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm, lưu ý, https://phaply.net.vn/nhung-chinh-sach-moi-cua-luat-dat-dai-2024-ma-doanh-nghiep-va-nha-dau-tu-can-dac-biet-quan-tam-luu-y-a257922.html, truy cập ngày 10/4/2024.
[17]. Khoản 1 Điều 30 Luật Hợp tác xã năm 2023.
[18]. Khoản 2 Điều 30 Luật Hợp tác xã năm 2023.
[19]. Khoản 5, khoản 6 Điều 30 Luật Hợp tác xã năm 2023.
[20]. Tạ Quang Đạo, Bài 3: Kiều bào là bộ phận không thể tách rời của cộng động dân tộc Việt Nam, https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/bai-3-kieu-bao-la-bo-phan-khong-the-tach-roi-cua-cong-dong-dan-toc-viet-nam-585349.html, truy cập ngày 25/3/2024.
[21]. V.Lê, Luật Đất đai 2024 mở rộng quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư nước ngoài, https://tapchitoaan.vn/luat-dat-dai-2024-mo-rong-quyen-su-dung-dat-cua-nguoi-viet-nam-dinh-cu-nuoc-ngoai10436.html, truy cập ngày 25/3/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 403), tháng 4/2024)