Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021[1] (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quy định khá hoàn chỉnh, toàn diện về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng… Mặc dù vậy, vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Một số vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành
1.1. Về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp
Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự áp dụng đối với người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc sau khi thực hiện tội phạm hay bị nghi thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Điểm a khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định khi thuộc trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: “Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Quá trình áp dụng quy định này còn có cách hiểu chưa thống nhất theo 02 hướng:
- Cách hiểu thứ nhất: Khi có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện mọi tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
- Cách hiểu thứ hai: Do khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vì vậy, chỉ trong trường hợp có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được nêu tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự hiện hành thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nếu có đủ tài liệu, chứng cứ hoặc trả tự do ngay cho người đó nếu không có đủ tài liệu, chứng cứ. Xét về mặt trình tự, những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều 110 phải ra quyết định tạm giữ trước, sau đó mới ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề này cũng được quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự: “Quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ra trước hoặc cùng với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp”. Tuy nhiên, sau khi ra quyết định tạm giữ thì đối tượng đã trở thành “người bị tạm giữ” chứ không phải là “người bị giữ” trong trường hợp khẩn cấp, cho nên việc cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt “người bị giữ” trong trường hợp khẩn cấp sau đó là chưa phù hợp.
1.2. Về biện pháp bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng đối với bị can, bị cáo, cách ly bị can, bị cáo trong các trường hợp do pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự được thuận lợi. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định có 02 biện pháp ngăn chặn thay thế cho tạm giam, đó là biện pháp bảo lĩnh và biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Khoản 1 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”.
Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm”.
Mục 20 Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân (Công văn số 5024/VKSTC-V14) đã hướng dẫn quy định về thay thế, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo đang bị áp dụng biện pháp tạm giam được hiểu và áp dụng trong những trường hợp như thế nào: “Theo quy định tại các điều 121, 122 và 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm là 02 biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam (có nghĩa là chỉ áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam)”. Tuy nhiên, Công văn số 5024/VKSTC-V14 không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên quá trình áp dụng biện pháp bảo lĩnh và biện pháp đặt tiền để bảo đảm có ba cách hiểu sau đây:
- Cách hiểu thứ nhất: Vì bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm là những biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam nên điều kiện để được áp dụng hai biện pháp này là bị can, bị cáo phải bị tạm giam trước đó.
- Cách hiểu thứ hai: Vì bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm là những biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam nên điều kiện để được áp dụng hai biện pháp này là bị can, bị cáo thuộc các trường hợp có thể tạm giam nhưng không tạm giam trước mà áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm luôn.
- Cách hiểu thứ ba: Vì bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm là những biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam nên có thể áp dụng hai biện pháp này trước hoặc sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.
1.3. Về một số chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân
Điểm e khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể các chức danh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân. Đồng thời, khoản 6 Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Ngày 09/8/2018, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy vào Công an các tỉnh, thành phố tương ứng[2], mặt khác, ngày 10/8/2018, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được thành lập bằng cách sáp nhập Cục An ninh mạng và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực thuộc Bộ Công an. Điều này làm thay đổi tên một số của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra so với khoản 6 Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Đề án số 19/ĐA-BCA ngày 10/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh và Phương án số 01/PA-BCA về triển khai tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp trong Công an nhân dân, bảo đảm nguồn bổ nhiệm Điều tra viên, trong đó có nội dung: Sáp nhập Phòng Cảnh sát môi trường vào Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và điều chỉnh tên gọi thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường[3]. Điều này cũng cần được cân nhắc khi sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 6 Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
2. Một số đề xuất
Thứ nhất, về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp:
Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau, có thể coi Bộ luật Hình sự quy định về nội dung còn Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về hình thức, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải bám sát, bổ sung cho quy định của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, tác giả đồng tình với cách hiểu thứ hai và đề xuất sửa điểm a khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng: “Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự hiện hành”.
Sau khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định tạm giữ thì đối tượng đã trở thành người bị tạm giữ chứ không còn là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nên việc cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp sau khi ra quyết định tạm giữ là chưa phù hợp. Vì vậy, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó”.
Thứ hai, về biện pháp bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm:
Mặc dù Công văn số 5024/VKSTC-V14 đã nêu: Chỉ áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Tuy nhiên, Công văn này không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên quá trình áp dụng biện pháp bảo lĩnh và biện pháp đặt tiền để bảo đảm vẫn có ba cách hiểu như đã trình bày ở trên.
Để góp phần giúp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động và linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam, tác giả đồng tình với cách hiểu thứ ba: Bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm là những biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam nên có thể áp dụng hai biện pháp này trước hoặc sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Vì vậy, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 121 và khoản 1 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng:
Khoản 1 Điều 121: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh trước hoặc sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam”.
Khoản 1 Điều 122: “Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm trước hoặc sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam”.
Thứ ba, về chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân:
Cần kịp thời sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và khoản 6 Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 theo hướng cập nhật những thay đổi về tổ chức, thẩm quyền của các chủ thể trong Công an nhân dân trong tình hình mới để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật tố tụng hình sự./.
TS. Nguyễn Thị Thanh Thùy
Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân
[1]. Xem: Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-VPQH ngày 03/12/2021 của Văn phòng Quốc hội về Bộ luật Tố tụng hình sự.
[2]. Báo điện tử Chính phủ, Sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy vào Công an các tỉnh thành, https://baochinhphu.vn/sap-nhap-20-canh-sat-pccc-vao-cong-an-cac-tinh-thanh-102243079.htm, truy cập ngày 21/5/2024.
[3]. Quang Việt, Các quyết định trong tuần của Bộ trưởng Bộ Công an về bổ nhiệm, sáp nhập, Báo Lao động, https://laodong.vn/thoi-su/cac-quyet-dinh-trong-tuan-cua-bo-truong-bo-cong-an-ve-bo-nhiem-sap-nhap-1233942.ldo, truy cập ngày 21/5/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)