1. Đặt vấn đề
Con người trong thế giới ngày nay đang đứng trước những mối đe dọa cho sự an toàn như: Thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nghèo đói, tội phạm… Trong quá trình đổi mới và hội nhập, Việt Nam đang có nhiều thay đổi về cơ chế quản lý, phát triển khoa học công nghệ, quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế…, đồng thời, chịu sự tác động của nhiều vấn đề quốc tế nên vấn đề an ninh con người (ANCN) đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Vì vậy, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đặc biệt chú trọng và đề cao vấn đề “an ninh con người”. Định hướng về quản lý phát triển xã hội trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, phân minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”[1]. ANCN là vấn đề bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cần được tiếp cận tổng thể với tư duy đa ngành, lĩnh vực có sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội. Trong đó, hoàn thiện pháp luật bảo đảm ANCN là một yêu cầu rất cấp bách cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
2. Nhận thức về an ninh con người ở Việt Nam hiện nay
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều vấn đề an ninh mới xuất hiện, trong đó có vấn đề an ninh con người. Báo cáo phát triển con người năm 1994 của Liên hợp quốc xác định an ninh con người gồm hai khía cạnh chính: (I) Nó có nghĩa là an toàn trước những mối đe dọa kinh niên như nạn đói, bệnh tật và sự đàn áp; (ii) Nó có nghĩa là bảo vệ chống lại sự phá vỡ đột ngột và gây tổn thương đối với mẫu hình cuộc sống hằng ngày - cho dù trong gia đình, trong công việc hay trong cuộc sống. ANCN bao gồm 07 thành phần: An ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị[2]. Như vậy, có thể thấy, vấn đề ANCN được đặt ra trong bối cảnh những biến đổi của tự nhiên và xã hội đang đe dọa cuộc sống, sự an toàn của con người.
Như vậy, ANCN đòi hỏi con người, các thiết chế, các chính phủ phải thay đổi hành vi của mình, để bảo vệ các giá trị quan trọng cốt lõi trong cuộc sống con người theo cách làm gia tăng sự tự do của con người và hoàn thiện con người; bảo vệ các quyền tự do cơ bản - các quyền tự do cốt lõi của cuộc sống. Tức là, bảo vệ mọi người khỏi các tình huống nguy cấp (nghiêm trọng) và lan rộng (phổ biển) của các mối đe dọa. ANCN sử dụng các cách thức dựa trên các thế mạnh và nguyện vọng của con người. Xây dựng các nền tảng về chính trị, xã hội, môi trường, kinh tế, quân sự và văn hóa, cùng tạo dựng các trụ cột về sự sống còn, sinh kế và phẩm giá của con người[3].
Đồng thời, ANCN có mối quan hệ chặt chẽ với an ninh quốc gia (ANQG). ANQG là bảo đảm quan trọng cho ANCN, nhưng ngoài ANQG, ANCN còn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố khác như: Đói nghèo, bệnh tật, dịch bệnh, thất nghiệp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Tuy đây là những vấn đề của mỗi quốc gia nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay thì vấn đề ANCN cần phải giải quyết trong sự hợp tác quốc tế. Vì vậy, những quan điểm cho rằng ANCN cao hơn chủ quyền quốc gia là không thực tế. Bởi, không thể có ANCN được bảo đảm chung cho tất cả mọi người, trong khi, con người ở các quốc gia, dân tộc vốn rất khác nhau về văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội... Do vậy, ANCN ở mỗi quốc gia phải do chính các quốc gia bảo đảm trong mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và khu vực.
Ở Việt Nam, trong suốt quá trình đổi mới, con người luôn được coi là trung tâm của mọi chính sách phát triển, là động lực, là mục tiêu của sự phát triển. Tuy nhiên, vấn đề ANCN chỉ chính thức được đặt ra từ Văn kiện Đại hội XII và đến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thì ANCN trở thành một trong những vấn đề trọng tâm: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”[4], là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước 05 năm tới (2021-2025). Đồng thời, “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người”[5] trong tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể thấy, đó là quá trình nhận thức và phát triển nhận thức về ANCN phù hợp với sự phát triển chung.
Sau hơn 35 năm đổi mới, những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội đã giúp Việt Nam bảo đảm ANCN trên nhiều lĩnh vực, thể hiện ở những con số về thu nhập bình quân đầu người, an ninh lương thực, tỷ lệ hộ nghèo, số người có thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ người thất nghiệp… Nhưng quá trình đổi mới cũng đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức mới về ANCN như bất bình đẳng vùng miền, chênh lệch giàu nghèo, phá rừng, cạn kiệt tài nguyên, tội phạm, an ninh, an toàn thông tin… Thêm vào đó, trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải đối mặt với những nguy cơ đe dọa ANCN như: Biến động khó lường của đời sống quốc tế, dịch bệnh, chiến tranh, tội phạm, âm mưu can thiệp gây mất ổn định về chính trị…
3. Thực trạng pháp luật về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam thời gian qua
ANCN không phải là vấn đề hoàn toàn mới và pháp luật về bảo đảm ANCN không phải là một lĩnh vực pháp luật mới, mà trong bối cảnh mới, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện với một tư duy tiếp cận mới, cách nhìn toàn diện hơn từ yêu cầu bảo đảm ANCN.
Có thể thấy, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển nhà nước kiểu mới, với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam luôn đề cao các giá trị con người, “vì con người và giải phóng con người”. Trong quá trình đó, Đảng ta đã có những sai lầm do chủ quan, duy ý chí, nhưng vượt lên trên tất cả, Đảng vẫn chủ trương củng cố nền tảng cho một chế độ xã hội, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Bước vào giai đoạn đổi mới, Đảng đã tiếp thu các giá trị của lịch sử nhân loại phù hợp với bản chất và mục tiêu của Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người (QCN), kiểm soát quyền lực nhà nước… Cho đến nay, Hiến pháp năm 2013 có thể được coi là một thành tựu pháp lý quan trọng bảo đảm ANCN ở Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 quy định về QCN theo một tư duy mới, đó là cam kết của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về trách nhiệm ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm các QCN theo Hiến pháp và pháp luật. Tư duy này thể hiện từ ở cách ghi nhận quyền: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[6], cho đến cam kết thành lập “cơ chế bảo hiến”.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới đã được ban hành như: Luật Tiếp cận thông tin năm 2018, Luật Trưng cầu dân ý năm 2016… Nhiều luật được sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017); Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015… Các bộ luật, luật ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung đều đã tiếp cận tư duy tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm QCN, với nguyên tắc: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[7]. Đây là nguyên tắc lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, là nguyên tắc rất quan trọng trong bảo đảm ANCN, chống lại sự xâm hại QCN một cách tùy tiện từ các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền và các cá nhân, tổ chức khác.
Có thể nói, pháp luật Việt Nam cơ bản được hoàn thiện và đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong bảo đảm ANCN, nhưng đồng thời cũng còn bộc lộ những bất cập nhất định thể hiện trên tất cả các thành phần: An ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.
Về an ninh kinh tế: Việt Nam đã có pháp luật về dân sự, lao động, việc làm, đầu tư, thương mại, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế… nhiều quy định về trách nhiệm của chính quyền, nhà đầu tư đối với tạo việc làm, sử dụng lao động địa phương, đào tạo tại chỗ, cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng… đã được ban hành. Nhưng tình trạng mất việc làm, lao động di cư, mức lương tối thiểu không bảo đảm cuộc sống… vẫn đang tồn tại, do pháp luật về lao động, việc làm, đất đai…, các chính sách an sinh xã hội chưa bao quát toàn diện và có hỗ trợ phù hợp với các đối tượng chịu ảnh hưởng từ quá trình phát triển.
Về an ninh lương thực: Vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay đã được giải quyết tương đối tốt bởi hệ thống các chính sách đồng bộ vì mục tiêu an ninh lương thực. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất lượng lương thực, những thách thức trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn; quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đô thị hóa, xâm nhập mặn, nước biển dâng, diện tích trồng lúa nước liên tục bị thu hẹp cũng là những nguy cơ cần được nhận diện và điều chỉnh kịp thời trong thể chế pháp luật.
Về an ninh y tế: Pháp luật về khám chữa bệnh, về bảo vệ sức khỏe nhân dân, về bảo hiểm y tế đã không ngừng được hoàn thiện. Nhờ đó, các cơ sở khám chữa bệnh liên tục gia tăng, chất lượng của cơ sở khám chữa bệnh cũng được nâng cao, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nhất là ở các thành phố lớn; y tế dự phòng và kiểm soát dịch bệnh cũng được quan tâm đầu tư phát triển, bước đầu hình thành mô hình bác sỹ gia đình. Tuy nhiên, sự chệnh lệch về chất lượng dịch vụ giữa các vùng miền, việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng của người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; tình trạng “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công cũng đã và đang là thách thức lớn cho vấn đề an ninh y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường hiện nay. Điều này đã phản ánh rõ nét những bất cập về thể chế trong lĩnh vực khám chữa bệnh, cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công và các quy định liên quan. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, pháp luật đã thể hiện những khoảng trống pháp lý về tình trạng khẩn cấp, cấp bách về dịch bệnh. Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã trao thẩm quyền rất lớn cho Chính phủ và các địa phương áp dụng các lệnh giãn cách, cách ly… ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, làm ăn của người dân.
Về an ninh môi trường: Sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, nhiều hậu quả về môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân: Tình trạng khai thác rừng bừa bãi, ô nhiễm không khí, đất đai, ô nhiễm nguồn nước, suy kiệt tài nguyên, tình trạng nước biển dâng, xâm ngập mặn, mất cân bằng sinh thái… đang đe dọa cuộc sống của con người. Không những thế, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn của các nước trên thế giới. Chính vì vậy, những cảnh báo luôn được đặt ra, pháp luật về môi trường không ngừng hoàn thiện để kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhưng vẫn là chưa đủ, các chế tài còn chưa đủ sức răn đe, chính quyền địa phương vẫn chịu sức ép về chỉ tiêu phát triển kinh tế hơn là chỉ tiêu về bảo vệ môi trường… Các quy định về phí, thuế môi trường đã được đặt ra nhưng còn nhiều quy định chưa phù hợp, chưa bao quát được hết trách nhiệm của các hành vi tác động đến môi trường; chế tài với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ tính răn đe…
Về an ninh cá nhân: Đây là vấn đề luôn được quan tâm trong quá trình hoàn thiện pháp luật. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, sự thay đổi các điều kiện sống… đã và đang làm phát sinh nhiều nguy cơ xâm phạm an ninh cá nhân. Tình trạng các thông tin cá nhân được khai thác tùy tiện, khó kiểm soát trên các trang mạng xã hội đã tạo điều kiện cho hoạt động sử dụng không gian mạng để lừa đảo gia tăng. Các thông tin này có thể được dùng để chống lại các cá nhân như truy cập trái phép tài khoản ngân hàng, đe dọa tống tiền, xúc phạm danh dự, nhân phẩm… Ngoài ra, các sản phẩm giả mạo, kém chất lượng, thậm chí độc hại tồn tại trên thị trường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sự an toàn của cá nhân; các hoạt động tội phạm diễn biến phức tạp, khó lường len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gây tâm lý lo lắng, bất an trong nhiều trường hợp. Trong khi pháp luật còn nhiều lỗ hổng, thiếu ổn định, cơ chế quản lý chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, nhiều loại tội phạm mới xuất hiện…
Về an ninh cộng đồng: Thời gian qua, pháp luật đã có nhiều quy định điều chỉnh các hoạt động nhằm bảo vệ an ninh cộng đồng như: Tụ tập đông người gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tụ tập đua xe trái phép; hoàn thiện pháp luật về biểu tình… Đồng thời, củng cố các giá trị xã hội như pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về dân chủ… Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm an ninh cộng đồng vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Chẳng hạn, hành vi đua xe trái phép, tụ tập đông người trái pháp luật, xúc phạm danh dự nhân phẩm, các hành vi xâm hại khác… Tình trạng trên có nguyên nhân từ pháp luật còn nhiều bất cập trong quản lý và xử lý các hành vi vi phạm an ninh cộng đồng như chậm luật hóa các hành vi đe dọa an ninh cộng đồng, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; chưa ban hành Luật biểu tình.
Về an ninh chính trị: Sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và sự đa dạng hóa các nhóm lợi ích thời gian qua đã đẩy nhanh quá trình hoàn thiện pháp luật về dân chủ. Theo đó, hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới để khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, hành chính hóa… Tuy nhiên, thể chế về dân chủ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị còn nhiều bất cập. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, dân chủ hình thức, bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả gây bức xúc xã hội. Một số nơi đã xảy ra xung đột giữa Nhân dân và chính quyền địa phương. Đồng thời, lợi dụng quá trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam thời gian qua, những thế lực cực hữu phương Tây đã âm mưu gây “diễn biến hòa bình” mất ổn định về chính trị. Thêm vào đó, là các hành vi kích động gây rối trật tự công cộng, âm mưu lật đổ chính quyền từ các thế lực phản động trong nước và sống lưu vong ở ngoài nước cấu kết với các phần tử bất mãn trong nước. Nhìn chung, các vụ việc xảy ra trong thời gian qua đã bị phát hiện và xử lý nghiêm, làm thất bại nhiều âm mưu của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị. Tuy nhiên, các lực lượng trên chưa chịu từ bỏ dã tâm của mình, nguy cơ xâm phạm an ninh chính trị đang diễn biến với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới, tinh vi và phức tạp như sử dụng vấn đề nhân quyền can thiệp vào quá trình xử lý, đưa tin sai sự thật gây mất uy tín của Nhà nước… Bối cảnh mới đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả các hành vi xâm phạm an ninh chính trị.
Tóm lại, hệ thống pháp luật hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập về tính thống nhất, khả thi, tính phù hợp, tính dự báo, khả năng tiên liệu, tính minh bạch và tính hiệu quả trong bảo đảm ANCN trên tất cả các lĩnh vực. Trong khi các nguy cơ đe dọa ANCN ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình hoàn thiện pháp luật bảo đảm ANCN.
4. Định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay
4.1. Quán triệt các quan điểm của Đảng về an ninh con người trong Văn kiện Đại hội XIII trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật
Vấn đề ANCN là một trong những nội dung được đề cập khá toàn diện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Một mặt, Văn kiện khẳng định mục tiêu bảo đảm ANCN trong nhiều định hướng quan trọng, mặt khác, Văn kiện cũng chỉ ra các định hướng để hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm ANCN. Chẳng hạn, “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”[8]; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[9]… Theo đó, để thực hiện được mục tiêu theo định hướng trên cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần dân chủ hóa quá trình xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong xây dựng pháp luật và thực hiện giám sát tối cao đối với hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, quán triệt các quan điểm của Đảng về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” trong hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
Thứ ba, thể chế hóa đầy đủ cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, hoàn thiện thể chế huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội cho công cuộc đổi mới theo tinh thần “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.
4.2. Hoàn thiện pháp luật bảo đảm an ninh con người cần được xác định là một định hướng trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045
Hoàn thiện pháp luật bảo đảm ANCN cần được xác định là một định hướng trong Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, xuất phát từ lý do vấn đề ANCN phải được tiếp cận toàn diện và đa chiều. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung phải xuất phát từ lý do về ANCN, bởi đó là vấn đề cốt lõi, nhằm thực hiện “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Phải bảo đảm ANCN trước khi nói đến “nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng”, “hạnh phúc, ấm no”.
Việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế là một nội dung rất quan trọng trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Nội dung này cũng phải được xác định trước hết vì ANCN và nhằm bảo đảm ANCN. Theo đó, Việt Nam cần chủ động, tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm bảo vệ ANCN; tích cực tham gia hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như tham gia vào nhiều cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người; thực hiện các khuyến nghị về quyền con người thông qua các cơ chế bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc…
4.3. Tiếp tục thể chế hóa các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 ra đời đã có tác động rất lớn tới nhận thức chung của xã hội về QCN và trách nhiệm của Nhà nước đối với QCN của mỗi cá nhân. Hiến pháp năm 2013 cũng là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy quá trình thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới, sửa đổi hoặc bổ sung, nhằm thực hiện các nguyên tắc, quy định trong Hiến pháp năm 2013. Những thay đổi này trong quá trình hoàn thiện pháp luật đã tạo những cơ sở pháp lý cần thiết cho bảo đảm ANCN.
Vì vậy, cần “đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013” hiện nay là rất cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo đảm ANCN.
4.4. Hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước
Nhà nước là một thiết chế có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm ANCN. Bất cứ một hành vi thiếu trách nhiệm nào của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước đều có thể là điều kiện cho các nguy cơ xâm phạm ANCN tồn tại và phát triển. Nguy hiểm hơn, khi quyền lực nhà nước bị lạm dụng thì chính quyền lực nhà nước lại trở thành nguy cơ xâm phạm ANCN. Vì vậy, pháp luật phải hoàn thiện để “nhốt quyền lực trong lồng thể chế”. Pháp luật phải thiết lập được cơ chế trách nhiệm chặt chẽ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Khi đó, các quy định pháp luật về ANCN mới được thiết lập và thực thi có hiệu quả./.
Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I