Thứ nhất, bảo đảm quyền bình đẳng giới là một trong các nguyên tắc cơ bản trong bảo đảm quyền con người. Nam nữ bình đẳng là một trong những quyền cơ bản của con người. Trong xã hội dân chủ, quyền này luôn đựơc coi trọng. Ở Việt Nam, chủ trương bình đẳng giới được đề ra ngay từ khi Đảng Cộng sản ra đời. Chính sách bình đẳng giới thật sự là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chính sách phụ vận qua các thời kỳ phát triển của Nhà nước ta. Quyền bình đẳng giới đã được Hiến định ngay từ Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta (1946). Vị trí, vai trò của nữ giới được xã hội tôn trọng và pháp luật tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới phát triển tài năng và tham gia hoạt động chính trị, hoạt động xã hội.
Thứ hai, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật. Pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của con người, trong đó có quyền bình đẳng của phụ nữ. Do đó, việc hoàn thiện bộ phận pháp luật này không thể tách ra khỏi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chung. Điều này có nghĩa là hoàn thiện bộ phận pháp luật về bình đẳng giới cũng phải đặt trong mối quan hệ với hoàn thiện pháp luật chung và căn cứ vào những đặc điểm riêng của phụ nữ. Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trước hết phải bắt đầu từ việc rà soát lại toàn bộ các văn bản liên quan đến bình đẳng giới, tập trung trong các văn bản luật. Đồng thời, việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới đòi hỏi phải chú trọng mối quan hệ giữa nội dung các quy định của pháp luật với cơ chế pháp lý nhằm bảo đảm nội dung đó được thực hiện trong thực tế. Nội dung của pháp luật về bình đẳng giới phải được thể chế hóa đầy đủ chủ trương và chính sách của Đảng đối với việc phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội, thể hiện đầy đủ các quyền chính trị của phụ nữ. Cùng với nội dung của pháp luật, cơ chế pháp lý cũng phải bảo đảm chuyển tải những nội dung trên bởi các quy định, thủ tục đơn giản, thuận tiện và thể hiện được nguyên tắc bình đẳng và dân chủ của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật bình đẳng giới.
Thứ ba, củng cố cơ chế bảo đảm quyền bình đẳng giới. Quốc hội cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản pháp luật phù hợp với đặc điểm đặc thù giới của phụ nữ, đặc điểm riêng của từng ngành, nghề theo hướng: Bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, quy định cụ thể để giảm bớt tình trạng phải chờ quá nhiều văn bản hướng dẫn mới thi hành được. Đồng thời, để các văn bản pháp luật dễ đi vào cuộc sống, Chính phủ và các cơ quan hành chính ở địa phương tăng cường những nghiên cứu liên quan tới bình đẳng giới nhằm cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới. Các tổ chức chính trị - xã hội cần mạnh dạn hơn nữa trong quá trình tham gia quản lý nhà nước trong vấn đề bảo đảm quyền bình đẳng giới.
Về giải pháp hoàn thiện, pháp luật bình đẳng giới cần thể hiện đủ các nội dung chính mà luật bình đẳng giới nêu ra, cụ thể như sau:
- Sửa đổi, bổ sung pháp luật bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động. Điều chỉnh Luật doanh nghiệp cho phù hợp với xu thế chung của đất nước hiện nay.
- Sửa đổi, bổ sung pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; nam, nữ bình đẳng trong tham gia trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo cơ quan, tổ chức.
- Sửa đổi, bổ sung pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, lao động, xã hội, dân sự: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế. Nam, nữ bình đẳng trong việc tham gia các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao. Nam, nữ bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế. Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng các biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
- Chế tài pháp luật bình đẳng giới nói riêng cần phải được bổ sung theo hướng nghiêm khắc hơn: Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26), đây là nguyên tắc thể hiện tính nghiêm khắc của Nhà nước trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới. Phân biệt đối xử với phụ nữ do rất nhiều chủ thể thực hiện trong khi tham gia các quan hệ pháp luật khác nhau với phụ nữ như cơ quan, đồng nghiệp, cấp trên, cha, anh, chồng, em trai hoặc bất kỳ người nào trong xã hội khi giao tiếp với phụ nữ. Vì vậy, phân biệt đối xử với phụ nữ hình thức thể hiện rất đa dạng, tinh vi, khó nhận biệt. Dưới góc độ pháp luật, sự phân biệt đối xử với phụ nữ là những vi phạm pháp luật về quyền bình đẳng của phụ nữ, do đó, người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì vậy, chế tài pháp luật nói chung và chế tài pháp luật bình đẳng giới nói riêng cần phải được bổ sung theo hướng nghiêm khắc hơn, đa dạng hơn áp dụng đối với nhiều loại chủ thể vi phạm như hiện nay. Theo đó:
+ Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm dân sự liên quan đến hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới, nên có quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đồng thời, tăng mức bồi thường thiệt hại cho phù hợp với điều kiện kinh tế phát triển, chi phí khắc phục hậu quả, liên quan đến hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới và các hành vi khác có liên quan. Ví dụ: Hành vi thóa mạ, bôi nhọ hình ảnh của phụ nữ, hay hành vi xâm phạm quyền riêng tư, gây bất bình đẳng giới.
+ Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm hành chính liên quan đến hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới được quy định trong các điều khoản về hành vi xâm phạm và mức xử phạt cụ thể, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
+ Sửa đổi, bổ sung chế tài hình sự đối với tội xâm phạm quyền bình đẳng giới. Chế tài hình sự áp dụng cho những người có hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự xâm hại tới quyền bình đẳng, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Trong xu thế toàn cầu hóa, một loạt hành vi phạm tội mới đã phát sinh như: Rửa tiền; lợi dụng các dịch vụ lao động thực hiện hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em thực hiện nhằm mục đích vô nhân đạo; dụ dỗ, lôi kéo, xúi dục, cưỡng ép người khác ra nước ngoài mua bán bộ phận cơ thể…, vì vậy, việc sửa đổi bổ sung một số chế tài hình sự là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cần coi trọng việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về quyền bình đẳng của phụ nữ nói riêng, không chỉ cho phụ nữ, mà còn cho mọi công dân, các công chức nhà nước, nhất là những người có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật. Nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, mặc dù có quy định tỷ lệ phần trăm phụ nữ trong các cơ quan dân cử và có hỗ trợ kỹ năng tranh cử, nhưng tỷ lệ phụ nữ đắc cử vẫn không cao, có nơi thậm chí còn rất thấp. Có những nữ ứng cử viên có trình độ cao, có năng lực kinh nghiệm công tác, đạt yêu cầu luật định nhưng vẫn không đắc cử. Chính vì lẽ đó, pháp luật về quyền bình đẳng giới không chỉ cần hoàn thiện, mà còn đòi hỏi phải được các chủ thể trong xã hội, gia đình nhất là các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận thức, quán triệt và thực hiện đầy đủ trong thực tế.
Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp mà trung tâm là Tòa án để xét xử nghiêm minh, kịp thời các tranh chấp, các hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới; đào tạo lại và cập nhật đối với các công chức tư pháp các quan điểm về bình đẳng giới trong pháp luật và trong các hoạt động tư pháp; phát triển các tổ chức nghề nghiệp tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ, nhằm tăng cường ở họ khả năng, năng lực chọn, tiếp cận và khả năng sử dụng có hiệu quả các phương thức, cũng như các cơ quan, tổ chức để bảo vệ tốt nhất quyền và tự do cơ bản của mình. Trước tình hình các xâm phạm về quyền bình đẳng giới diễn ngày càng gia tăng và tính chất ngày càng tinh vi hơn, hoạt động thực thi pháp luật bình đẳng giới đang gặp những khó khăn nhất định. Yêu cầu đặt ra là, cần có một lực lượng chuyên trách đủ khả năng giúp đỡ phụ nữ trong những trường hợp quyền bình đẳng giới bị xâm hại. Lực lượng chuyên trách này cần có mô hình cụ thể, được trang bị quyền lực nhà nước đủ mạnh để trừng trị những hành vi vi xâm phạm quyền bình đẳng giới đồng thời đủ thuyết phục để phụ nữ có thể tự tin tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc dựa vào cơ quan bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ.
Học viện Phụ nữ Việt Nam