1. Quy định của pháp luật Việt Nam về quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa: “Kết hôn là sự kết hợp hai người khác giới, để lập gia đình, sinh con đẻ cái, thực hiện chức năng sinh học và các chức năng khác của gia đình”[1]. Tại Việt Nam, để giải thích quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định tại khoản 25 Điều 3 như sau: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.
Các yếu tổ để xác định được quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài bao gồm: (i) Chủ thể tham gia quan hệ ít nhất một bên là người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; (ii) Sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân gia đình xảy ra ở nước ngoài; (iii) Tài sản ở nước ngoài.
Quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, hay quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài là một trong những quan hệ cơ bản của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một khái niệm cụ thể về quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Tuy nhiên, từ những khái niệm cơ bản về kết hôn, về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, có thể hiểu: Quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với nước ngoài là việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ở nước ngoài khi thỏa mãn các điều kiện kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong đó, người nước ngoài bao gồm người có quốc tịch và người không có quốc tịch.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kết hôn có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng rõ rệt, đây là kết quả của quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội. Với sự phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế cũng như sự giao lưu giữa các quốc gia thì vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài đã tạo điều kiện cho việc hòa nhập kinh tế quốc tế, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia với nhau trở nên dễ dàng và gần gũi hơn. Quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài không chỉ thuộc lĩnh vực dân sự như quan hệ kết hôn thông thường, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, chính trị, xã hội giữa các quốc gia khác nhau.
Kết hôn có yếu tố nước ngoài là một trong những quan hệ cơ bản của quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, bên cạnh những đặc điểm chung thì quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài còn có như đặc điểm riêng như sau:
Thứ nhất, chủ thể tham gia quan hệ kết hôn bắt buộc một bên phải là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài.
Đây là một trong những đặc điểm cơ bản của quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Yếu tố chủ thể giúp phân biệt quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài với quan hệ kết hôn giữa hai bên là công dân Việt Nam. Vì vậy, điều kiện và các trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn của quan hệ này khác với quan hệ kết hôn trong nước. Đồng thời, đây còn là đặc điểm để phân biệt kết hôn có yếu tố nước ngoài với kết hôn không có yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, pháp luật điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài về cơ bản là pháp luật Việt Nam và pháp luật nước mà người nước ngoài là công dân.
Pháp luật điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chủ yếu là pháp luật quốc gia của mà hai bên chủ thể là công dân. Việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài theo quy định pháp luật về hôn nhân gia đình được tiến hành thông qua hai cách, cụ thể: Đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài. Tuy nhiên, để việc kết hôn được thừa nhận tại Việt Nam, người Việt Nam và người mang quốc tịch nước ngoài tham gia quan hệ kết hôn trước tiên cần phải thỏa mãn các điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà mình mang quốc tịch. Khoản 1 Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn”.
Theo quy định trên, các bên chủ thể là công dân Việt Nam và người nước ngoài đều phải đáp ứng các quy định về điều kiện kết hôn theo pháp luật về nhân thân của các bên chủ thể. Người nước ngoài khi đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải tuân theo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn.
2. Những tiêu cực, hạn chế trong quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tại Việt Nam
Thực trạng kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài thời gian vừa qua góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa của các quốc gia, quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đến bạn bè trên thế giới, song cũng có những biểu hiện tiêu cực, có ảnh hưởng không tích cực đến đời sống, an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc công dân Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng kết hôn với người nước ngoài có xu hướng tăng, tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế, không vì mục đích hôn nhân và không xuất phát từ tình yêu nam nữ trên cơ sở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (mà ở đây tập trung chủ yếu là kết hôn với nam giới Đài Loan, hiện nay có xu hướng mở rộng với cả nam giới Hàn Quốc), điều này đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy[2].
Thứ hai, vẫn còn không ít trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thông qua hoạt động môi giới bất hợp pháp. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên nam, nữ trước khi kết hôn hết sức hạn chế, khiến nhiều phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn lâm vào hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Theo khảo sát của Bộ Tư pháp, việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài mang tính chất phong trào và tập trung vào một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Hoạt động kinh doanh, môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi, bất hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân cũng ngày càng mở rộng và phát triển, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ.
Thứ ba, tình trạng lợi dụng kết hôn với người nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế, có rất nhiều phụ nữ đã bị lừa bán, trở thành nạn nhân của nạn buôn người thông qua con đường kết hôn với người nước ngoài và đây chính là mặt trái của vấn đề kết hôn với người nước ngoài.
Thứ tư, pháp luật điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài vẫn còn một số vướng mắc. Có thể nói, đây là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Việc khắc phục được vướng mắc này có ý nghĩa quyết định trong việc lành mạnh hóa quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài trong thời gian tới.
Thứ năm, hoạt động hỗ trợ kết hôn của các Trung tâm hỗ trợ kết hôn còn chưa tương xứng với vai trò và đòi hỏi của xã hội. Trên thực tế, tổ chức của các trung tâm này còn lỏng lẻo, hoạt động rất cầm chừng, hình thức. Một số trung tâm từ khi thành lập đến nay chưa tư vấn được cho một trường hợp nào. Điều này cũng làm giảm sự lành mạnh hóa của các quan hệ kết hôn với người nước ngoài của công dân Việt Nam.
Việc xác định những vướng mắc nêu trên sẽ là cơ sở cho việc định hướng và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế trong việc điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật về quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài
Thứ nhất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kết hôn có yếu tố nước ngoài: Đối với hoạt động môi giới kết hôn, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và không cho phép đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này. Thực tế hiện nay, các trung tâm môi giới kết hôn chỉ cần tìm một người có đủ các điều kiện theo yêu cầu của những người có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài để kiếm lợi nhuận mà không cần quan tâm xem khách hàng của mình có tương xứng nhau về tuổi tác, hợp nhau về tính cách, văn hóa… hay không. Chính điều này đã làm cho nhiều cuộc hôn nhân chớp nhoáng đổ vỡ nhanh chóng, thậm chí nhiều trường hợp để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do vậy, cần quy định chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh các đối tượng, tổ chức môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài trái pháp luật.
Theo xu thế chung của thế giới, pháp luật nhiều nước đã thừa nhận hoạt động này. Do đó, chúng ta cần phải có chính sách cụ thể, dài hạn để nghiên cứu và đưa hoạt động môi giới kết hôn quốc tế vào khuôn khổ pháp luật để quản lý. Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý triệt để các tổ chức cá nhân hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp, các đường dây môi giới hôn nhân trá hình, lợi dụng phụ nữ để thực hiện hành vi buôn bán người.
Ngoài việc hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh pháp luật về kết hôn giữa công dân Việt Nam với người người nước ngoài, chúng ta cũng cần chú trọng nâng cao vai trò và đảm bảo hoạt động có hiệu quả của các thiết chế trong việc thực hiện pháp luật về giải quyết quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.
Thứ hai, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Để thực hiện tốt được việc này, các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách, có nhiều kinh nghiệm thực tế trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo các văn bản đó. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nắm rõ được tình hình thực tế, các dự báo xu hướng phát triển của quan hệ nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài để có sự điều chỉnh pháp luật phù hợp, hoàn thiện và bổ sung những quy định cụ thể, cần thiết để điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài hay quan hệ kết hôn với người nước ngoài. Ngoài ra, vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là rất quan trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài nói riêng. Vì vậy, cần phát huy vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng soạn thảo các văn bản pháp luật trong vấn đề này nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người phụ nữ khi làm dâu xứ người.
Thứ ba, mở rộng việc ký kết các điều ước quốc tế điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Dựa trên tình hình thực tế quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, rất nhiều công dân Việt Nam kết hôn với công dân của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong các trường hợp kết hôn này đôi khi xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, đồng thời thực hiện đúng đường lối, chính sách hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực, Việt Nam nên ký kết thêm hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia chiếm tỷ lệ lớn trong các quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Thứ tư, tăng cường và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Trung tâm hỗ trợ kết hôn trong việc tư vấn, hỗ trợ các chị em phụ nữ khi họ muốn kết hôn với người nước ngoài. Trên thực tế, các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng, nhất là Hội Phụ nữ là tổ chức tham gia tích cực vào việc phòng ngừa tình trạng buôn bán người thông qua kết hôn với người nước ngoài. Do vậy, để đảm bảo cho hoạt động của Hội đạt hiệu quả cao thì rất cần có một cơ sở pháp lý vững chắc, cùng các điều kiện vật chất đầy đủ. Bên cạnh việc xóa bỏ các trung tâm môi giới kết hôn bất hợp pháp, cần đẩy mạnh việc thành lập các Trung tâm hỗ trợ kết hôn đặt dưới sự quản lý của Hội liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phố, hoạt động theo nguyên tắc nhân đạo, phi lợi nhuận.
Thứ năm, nâng cao năng lực công tác của cán bộ chuyên môn. Việc nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ trong các cơ quan hữu quan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Nếu chủ thể này có trình độ chuyên môn hạn chế thì hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật về các vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ không đạt được. Do vậy, nâng cao năng lực công tác của các cán bộ chuyên môn là điều cần thiết. Để làm được việc này, Nhà nước cần:
- Cần bố trí cán bộ làm công tác giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài phù hợp, tránh việc cán bộ lợi dụng những quy định của pháp luật để gây phiền hà, sách nhiễu cho công dân. Đội ngũ này phải vững về chuyên môn, có tinh thần, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức, trách nhiệm với công việc được giao.
- Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch tại địa phương.
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật của người dân đối với việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Đây là biện pháp có tầm ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng, tác động vào các chủ thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Để bảo vệ có hiệu quả quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, loại trừ những tiêu cực, Nhà nước cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đối với vấn đề này, phải tiến hành đổi mới những quy định pháp luật không phù hợp, ban hành thêm những quy định còn thiếu sót, đẩy mạnh phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, thực hiện việc giáo dục tuyên truyền cho người dân nông thôn về những hệ lụy của việc lấy chồng nước ngoài. Có như vậy, môi trường kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài mới trở nên lành mạnh, hạn chế tình trạng môi giới kết hôn bất hợp pháp, bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia vào quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài./.
TS. Hà Việt Hưng
Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội
[1]. Viện Từ điển và Bách khoa toàn thư Việt Nam, Từ điển Bách khoa toàn thư, bachkhoatoanthu.vass.gov.vn.
[2]. https://tuoitre.vn/lay-chong-dai-loan-va-han-quoc-theo-phong-trao-434699.htm, truy cập ngày 25/02/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 406), tháng 6/2024)