Quản trị công ty lần đầu tiên được luật hóa tại Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng (Nghị định số 71/2017/NĐ-CP), sau đó tiếp tục được hoàn thiện tại Mục 2 Chương III Luật Chứng khoán năm 2019. Theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 thì QTCT được hiểu là hệ thống các nguyên tắc, bao gồm: (i) Cơ cấu quản trị hợp lý, hiệu quả; (ii) Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát, nâng cao trách nhiệm của HĐQT đối với công ty và cổ đông; (iii) Bảo đảm quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông; (iv) Bảo đảm vai trò của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và các tổ chức trung gian trong việc hỗ trợ hoạt động QTCT; (v) Tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; (vi) Công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và minh bạch hoạt động của công ty, bảo đảm cổ đông được tiếp cận thông tin công bằng. Như vậy, có thể hiểu, QTCT là hệ thống các thiết chế, chính sách, quy định và quy trình được xây dựng nhằm định hướng, điều hành và kiểm soát công ty với mục đích bảo đảm và cân bằng quyền, lợi ích của công ty, người quản lý công ty với cổ đông, người lao động và khách hàng, đối tác. QTCT nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của công ty vì lợi ích tốt nhất của cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác.
Theo “Bộ nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD” ban hành năm 2015, trong khuôn khổ QTCT ở cấp độ doanh nghiệp có bốn nguyên tắc QTCT tốt bao gồm: (i) Quyền của cổ đông, đối xử công bằng với cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; (ii) Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; (iii) Công bố thông tin và tính minh bạch; và (iv) Trách nhiệm của HĐQT. Trong đó, vai trò và trách nhiệm của HĐQT trong khuôn khổ QTCT là rất quan trọng, giữ vị trí trung tâm. Trong phạm vi bài viết, các tác giả tập trung phân tích những tiến bộ và hạn chế của khung pháp lý Việt Nam điều chỉnh vai trò trách nhiệm của HĐQT trong khuôn khổ QTCT, từ đó, đưa ra những kiến nghị cụ thể trên cơ sở đề xuất áp dụng những thông lệ tốt nhất nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành.
1. Quy định pháp luật hiện hành về vai trò trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong khuôn khổ quản trị công ty
Theo các tác giả, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có các quy định QTCT nói chung và vai trò trách nhiệm của HĐQT trong khuôn khổ QTCT nói riêng tương đối đầy đủ. Ngoài các quy định mang tính định khung tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Chứng khoán năm 2019, vai trò trách nhiệm của HĐQT trong khuôn khổ QTCT chủ yếu được điều chỉnh bằng Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP) thay thế cho Nghị định số 71/2017/NĐ-CP trước đó.
1.1. Những điểm tiến bộ
Một là, các quy định về thẩm quyền của HĐQT với ba nhóm thẩm quyền chính: (i) Nhóm thẩm quyền về xây dựng định hướng và quyết định chiến lược (quyết định kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty, thẩm quyền liên quan đến huy động vốn, thẩm quyền liên quan đến việc mua lại cổ phần…); (ii) Nhóm thẩm quyền về giám sát và kiểm soát (bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng lao động với Giám đốc/Tổng giám đốc và những người quản lý quan trọng khác; giám sát rủi ro và giải quyết xung đột lợi ích khi xem xét thông qua các giao dịch, hợp đồng…); (iii) Nhóm thẩm quyền về bảo đảm khuôn khổ QTCT (bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT; cử người đại diện quản lý phần vốn góp tại tổ chức khác…) được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 là tương đối toàn diện, các quy định về thẩm quyền của HĐQT đã bao quát được những vai trò cốt lõi cần phải có của HĐQT. Đặc biệt, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP trao cho HĐQT mở rộng phạm vi thẩm quyền thông qua việc xây dựng các quy chế nội bộ về QTCT, quy chế hoạt động của HĐQT.
Hai là, pháp luật không áp đặt số lượng mà chỉ đặt ra những giới hạn cần thiết để công ty tự chủ động trong việc quyết định số lượng thành viên HĐQT thông qua ý chí của Đại hội đồng cổ đông là khá hợp lý. Giới hạn từ 03 đến 11 thành viên HĐQT theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 là phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô không quá lớn của các công ty cổ phần tại Việt Nam.
Ba là, việc quy định phải có ít nhất 01 thành viên độc lập HĐQT của công ty đại chúng chưa niêm yết có ít hơn 05 người; tỷ lệ tối thiểu 1/5 (một phần năm) thành viên độc lập HĐQT đối với công ty đại chúng chưa niêm yết; đặc biệt, tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định cụ thể số lượng thành viên HĐQT độc lập so với số lượng thành viên HĐQT của công ty niêm yết, cụ thể là: (i) Tối thiểu 01 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 03 đến 05; (ii) Tối thiểu 02 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 06 đến 08; (iii) Tối thiểu 03 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 09 đến 11, đây là điểm mới khá tiến bộ, định khung rõ ràng hơn so với Nghị định số 71/2017/NĐ-CP.
Bốn là, kế thừa Luật Doanh nghiệp năm 2014, để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xác định tiêu chuẩn của thành viên độc lập HĐQT, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định rõ hơn, tránh việc hiểu sai bản chất và đánh đồng giữa thành viên độc lập HĐQT với thành viên HĐQT không điều hành trong các quy định trước đây. Theo đó, thành viên độc lập HĐQT phải đáp ứng những điều kiện như sau: (i) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó; (ii) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên HĐQT được hưởng theo quy định; (iii) Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty; (iv) Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty; (v) Không phải là người đã từng làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ. Quy định này có sự tương thích nhất định với các thông lệ tốt về QTCT trên thế giới hiện nay.
Năm là, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định, đối với công ty đại chúng và công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch HĐQT không được kiêm Giám đốc/Tổng Giám đốc điều hành. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 275 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP cũng quy định Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc/Tổng giám đốc của cùng 01 công ty đại chúng. Các quy định kể trên đã góp phần tách biệt vai trò của Chủ tịch HĐQT với Giám đốc/Tổng giám đốc điều hành, các tác giả nhận định đây là điểm tiến bộ vì tương đồng và đáp ứng tiêu chuẩn về các nguyên tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Việc tách biệt hai vị trí này là thông lệ tốt giúp cân bằng được quyền lực, tăng cường vai trò trách nhiệm và nâng cao tính độc lập khi ra quyết định của HĐQT với Ban điều hành.
1.2. Những hạn chế, bất cập
Bên cạnh những điểm tiến bộ và tích cực nêu trên, các quy định về vai trò trách nhiệm của HĐQT trong khuôn khổ QTCT tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được trao đổi, thảo luận và phân tích, đánh giá dưới góc độ thực tiễn cũng như lý luận, cụ thể:
1.2.1. Quy định về bầu chọn và miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị
Một là, Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 274 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn ghi nhận tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào HĐQT nhằm tiếp tục tạo khung pháp lý bảo vệ cổ đông nhỏ khi chỉ đặt ra một tiêu chuẩn để cổ đông thực hiện quyền đề cử ứng viên HĐQT là tỷ lệ sở hữu nắm giữ, bãi bỏ tiêu chí về thời hạn nắm giữ liên tục ít nhất 06 tháng trở lên như quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay, không có bất kỳ quy định nào hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quyền đề cử trong trường hợp này. Hơn nữa, việc thực hiện trên thực tế là điều hết sức khó khăn, nhất là đối với các công ty đại chúng và công ty niêm yết có số lượng cổ đông nhiều, vốn điều lệ lớn nên dẫn đến sự phân tán quyền sở hữu trong bộ phận cổ đông thiểu số, khiến các cổ đông này không thể liên kết được với nhau để đủ điều kiện về tỷ lệ sở hữu tối thiểu. Do đó, theo Báo cáo đánh giá quản trị công ty doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2020 ban hành bởi Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh thì thực tế, số công ty niêm yết có cơ chế cho cổ đông/nhóm cổ đông nhỏ (từ 5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở xuống) có cơ hội đề xuất ứng cử viên HĐQT là 0%.
Hai là, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có hướng mở khi ghi nhận phương thức bầu dồn phiếu áp dụng khi Điều lệ công ty không có quy định khác. Tuy nhiên, quy định về bầu dồn phiếu chỉ tính tổng số phiếu biểu quyết của mỗi cổ đông tương ứng với “tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu”, cách hiểu này đã bỏ qua vai trò của các cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết với số phiếu biểu quyết luôn cao hơn số cổ phần sở hữu.
1.2.2. Quy định về cơ cấu và tính độc lập của Hội đồng quản trị
Một là, theo pháp luật hiện hành thì công ty đại chúng cần bảo đảm sự cân đối giữa các thành viên HĐQT có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, tài chính và xét yếu tố về giới. Đây là quy định có tham khảo và áp dụng các thông lệ tốt về QTCT nhưng lại chưa triệt để vì định nghĩa về sự “cân đối” lại không được hướng dẫn cụ thể, dẫn tới sự mơ hồ và khó áp dụng trên thực tế. Cũng theo Báo cáo đánh giá quản trị công ty doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2020 thì chỉ có 44,7% công ty niêm yết đáp ứng tiêu chí về sự đa dạng giữa các thành viên HĐQT và 38,5% công ty niêm yết đáp ứng cơ cấu HĐQT có sự cân đối về giới.
Hai là, việc quy định Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty là sự cải cách chưa toàn diện, triệt để, cụ thể, Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận rằng: (i) Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty; (ii) Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch HĐQT và Giám đốc/Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Quy định này đã gắn liền vai trò của Chủ tịch HĐQT với các hoạt động quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày. Trong khi theo thông lệ quốc tế và bản chất nội hàm của pháp luật QTCT thì Chủ tịch HĐQT là chức danh đại diện cho HĐQT thực hiện chỉ đạo, giám sát và định hướng cho Ban điều hành; đồng thời, tại các công ty có số lượng thành viên độc lập HĐQT thấp hoặc doanh nghiệp có thành viên HĐQT đại diện cho các cổ đông lớn thì Chủ tịch HĐQT được quy định nên là thành viên độc lập HĐQT, nhưng pháp luật Việt Nam lại chưa ghi nhận vấn đề này.
Ba là, mặc dù Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định phải bổ sung chức danh người phụ trách QTCT tại các công ty niêm yết nhưng điều này chỉ mới ghi nhận chung chung, chưa thực sự cụ thể về quyền hạn và nhiệm vụ cũng như cách thức lựa chọn và bổ nhiệm. Hơn nữa, Nghị định này lại ghi nhận việc người phụ trách QTCT có thể kiêm nhiệm làm Thư ký công ty dẫn đến sự không triệt để trong khuôn khổ QTCT, bởi lẽ, Thư ký công ty là nhân viên trực thuộc và thực hiện theo chỉ đạo của HĐQT, Ban điều hành; do đó, việc kiêm nhiệm chức danh này dẫn đến không minh bạch khi thực hiện vai trò phụ trách QTCT. Vì vậy, không nhiều công ty có công bố nhân sự đảm nhiệm vị trí này, theo thống kê năm 2020 thì mới chỉ 33,3% công ty niêm yết mà HĐQT có bổ nhiệm ít nhất một người làm người phụ trách QTCT.
2. Một số kiến nghị
Việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP về nâng cao vai trò trách nhiệm của HĐQT trong khuôn khổ QTCT cần tập trung vào các định hướng sau đây:
Thứ nhất, cần thiết phải có quy định hướng dẫn việc thực hiện quyền đề cử thành viên HĐQT của nhóm cổ đông nhỏ và cơ chế tạo điều kiện cho các cổ đông thiểu số này liên kết lại để thực thi những biện pháp bảo vệ và cân bằng quyền lợi trước những cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền chi phối công ty. Tại Mỹ, từ năm 1950, đã có hoạt động bảo vệ quyền cổ đông do các quỹ hoán đổi rủi ro đứng đầu tổ chức; Hàn Quốc có tổ chức phi Chính phủ People’s Solidarity for Participatory Democracy dẫn dắt hoạt động quyền cổ đông từ năm 1997. Áp dụng tương tự với Việt Nam, các tác giả đề xuất thiết lập khung pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của các tổ chức tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận như Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán, Hiệp hội bảo vệ cổ đông nhỏ… hoạt động nhằm bảo vệ cổ đông thiểu sổ của công ty cổ phần, đặc biệt là các công ty đại chúng quy mô lớn, công ty niêm yết.
Thứ hai, cần có quy định hướng dẫn cụ thể để thống nhất cách hiểu về vai trò của các cổ đông nắm giữ cổ phần có quyền ưu đãi biểu quyết trong việc tính số phiếu biểu quyết khi áp dụng phương thức bầu dồn phiếu để bầu thành viên HĐQT và cách xác định kết quả. Các tác giả đề xuất thực hiện theo hướng: Người trúng cử thành viên HĐQT được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu tính từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Bởi lẽ, bản chất của bầu dồn phiếu là không đặt ra giới hạn tỷ lệ biểu quyết tối thiểu của Đại hội đồng cổ đông để xác định danh sách thành viên HĐQT trúng cử như những quyết định khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Thứ ba, cần thiết phải định khung mức tối thiểu để xác định “sự cân đối” trong cơ cấu thành viên HĐQT. Theo thông lệ tốt về QTCT hiện nay, các tác giả kiến nghị HĐQT của mỗi công ty nên có tối thiểu 02 thành viên nữ hoặc 30% thành viên HĐQT là nữ để tối ưu hóa lợi ích của sự đa dạng về giới trong HĐQT. Hơn nữa, cần định khung HĐQT của mỗi công ty nên có tối thiểu 01 thành viên chuyên môn về tài chính, kế toán và kiểm toán; tối thiểu 01 thành viên chuyên môn quản lý rủi ro; tối thiểu 01 thành viên chuyên môn pháp lý và quản trị kinh doanh; tối thiểu 01 thành viên HĐQT có 15 đến 20 năm kinh nghiệm chuyên môn liên quan trong lĩnh vực hoạt động của công ty.
Thứ tư, từng bước tiến tới quy định mỗi công ty cổ phần, đặc biệt là công ty đại chúng và công ty niêm yết nên có tối thiểu 2/3 (hai phần ba) hoặc 1/2 (một phần hai) là thành viên độc lập HĐQT để giúp HĐQT luôn có nhận định khách quan, độc lập và ngăn ngừa xung đột lợi ích, cân bằng các nhu cầu có tính cạnh tranh lẫn nhau của công ty. Bên cạnh đó, pháp luật cũng nên giới hạn tối đa số năm liên tục mà một cá nhân tham gia với tư cách thành viên độc lập HĐQT để hạn chế ảnh hưởng đến khả năng hành động độc lập, khách quan của thành viên HĐQT đó.
Thứ năm, thiết nghĩ nên quy định bắt buộc Chủ tịch HĐQT phải là thành viên độc lập HĐQT, trường hợp công ty có Chủ tịch HĐQT không độc lập thì HĐQT cần bổ nhiệm một thành viên độc lập HĐQT đứng đầu dẫn dắt các thành viên độc lập. Cần thiết sửa đổi quy định hiện hành về người đại diện theo pháp luật của công ty theo hướng nếu công ty có một người đại diện theo pháp luật thì người đại diện theo pháp luật đương nhiên là Giám đốc/Tổng giám đốc điều hành nhằm góp phần tách bạch vai trò điều hành của Giám đốc/Tổng Giám đốc với vai trò chỉ đạo, giám sát, định hướng của Chủ tịch HĐQT.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chi tiết về vai trò, quyền và nghĩa vụ, cách thức bổ nhiệm, miễn nhiệm, các điều kiện về kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của người phụ trách QTCT. Hơn thế, phải tách bạch vai trò của người phụ trách QTCT với Thư ký công ty để bảo đảm tính độc lập nhằm đáp ứng vai trò tư vấn và thực thi công tác QTCT.
Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt
ThS. Trịnh Thị Thu Hiền
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
Tài liệu tham khảo
1. Lê Vũ Nam (chủ biên), Pháp luật về quản trị công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 37 - 237.
2. Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo đánh giá quản trị công ty doanh nghiệp niêm yết Việt Nam 2020, Việt Nam, tr. 23 - 44.
3. Tổ chức Tài chính quốc tế IFC (2015), Bộ nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD, Pa-ri, tr. 48 - 58.
4. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2019), Bộ Nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho công ty đại chúng tại Việt Nam, Việt Nam, tr. 22 - 46.