Tóm tắt: Bài viết phân tích khái quát các quy định của Luật Phá sản năm 2014 và thực tiễn áp dụng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện Luật Phá sản hiện hành.
Abstract: The article provides an overview of the provisions of the 2014 Bankruptcy Law and practical application. On that basis, the author proposes some solutions to improve the current Law on Bankruptcy.
1. Thực trạng phá sản doanh nghiệp và hiệu quả của Luật Phá sản năm 2014
Tình trạng phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã giai đoạn nào của nền kinh tế thị trường cũng có. Tuy nhiên, những năm gần đây đặc biệt là từ cuối năm 2019 đến nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc dừng hoạt động. Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đối với hơn 21.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế khác nhau vào tháng 8/2020 đã cho thấy: Có tới 69% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh sản xuất do dịch bệnh, 15% doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh, chờ giải thể và chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù lỗ hoặc hoạt động không hết công suất; để cầm cự trước đại dịch, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ là nhóm thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Với khối doanh nghiệp FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động sản xuất, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch bệnh và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, từ quý III năm 2022, dưới tác động của thị trường bất động sản, với các chính sách của Nhà nước điều chỉnh nguồn vốn điều chỉnh hướng tăng của thị trường bất động sản như: Hạn chế chỉ tiêu tín dụng với đối tượng vay kinh doanh bất động sản; tăng lãi xuất tiền gửi; tăng lãi xuất tiền vay... cũng đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tìm hướng đi và phát triển cho doanh nghiệp mình. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các chính sách kinh tế và tiền tệ đã tác động rất lớn đến sự hưng thịnh của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý IV năm 2022 số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so cùng kỳ năm trước. Như vậy những năm gần đây, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề lâm vào tình trạng phá sản doanh nghiệp. Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong bài toán đối với các quy định của pháp luật nhằm giải quyết phá sản các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Tình hình khó khăn trong kinh doanh và rơi vào phá sản không chỉ xuất hiện trong một vài lĩnh vực mà là tình trạng chung của nền kinh tế. Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 12/2022, có hơn 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó là 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung cả năm 2022, cả nước có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, trung bình có mỗi ngày có khoảng 400 doanh nghiệp đóng cửa. Trong 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2022 gồm có: 73.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 34,3% so với năm 2021), 50.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 5,5%), 18.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 11,2%)[1].
Những con số trên đây phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế hiện nay, nếu chúng ta không có những tính toán cẩn trọng thì doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng sẽ khó thoát khỏi tình trạng lạm phát, suy thoái. Với vai trò là cơ sở pháp lý cho hoạt động cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, Luật Phá sản là công cụ pháp lý của Nhà nước giúp các chủ thể có liên quan đến doanh nghiệp được bảo đảm về quyền và lợi ích khi thông qua thủ tục phá sản các chủ nợ thu được các khoản nợ, các nhà đầu tư giảm bớt thiệt hại trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp cẩn trọng hơn trong các quyết định khi cơ cấu lại, Nhà nước thanh lọc được nền kinh tế bằng cách giúp doanh nghiệp hồi phục hoặc loại bỏ bớt các doanh nghiệp yếu kém.
Ở Việt Nam, pháp luật về phá sản đã được áp dụng hơn 20 năm nay với thời kỳ đầu là Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 và Luật Phá sản năm 2004, tuy nhiên, hiệu quả áp dụng không cao do số lượng vụ việc phá sản do Tòa án giải quyết là tương đối thấp, thể hiện tình trạng số lượng doanh nghiệp tự rút lui khỏi nền kinh tế thông qua các quy định của pháp luật phá sản là một con số rất nhỏ. Luật Phá sản năm 2014 được ban hành với nhiều cải cách đáng kể, khắc phục được nhiều vướng mắc, bất cập của Luật Phá sản trước đó, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc phá sản, nhiều vụ việc phá sản trước đây do vướng mắc quy định pháp luật đã được đưa ra giải quyết, số lượng vụ việc phá sản được thụ lý mới và ra quyết định tuyên bố phá sản tăng hàng năm. Theo kết quả tổng hợp báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao[2] từ các Tòa án cấp dưới thì tính đến ngày 31/3/2020, việc áp dụng Luật Phá sản năm 2014 đã tiếp tục giải quyết 229 vụ việc đã thụ lý từ những năm trước, Tòa án có thẩm quyền đã thụ lý mới 587 vụ việc phá sản. Trong đó, đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 287 vụ việc, ra quyết định không mở thủ tục phá sản 97 vụ việc, ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản 139 vụ việc, ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản 67 vụ việc, áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh 6 vụ việc). Qua số liệu trên có thể thấy hiệu quả áp dụng cũng như tác động của Luật đến việc đẩy nhanh thủ tục tuyên bố phá sản tại Tòa án.
Luật cũng mở ra quy chế cho hoạt động quản tài viên, nhóm đối tượng tham gia quản lý tài sản doanh nghiệp, giúp kiểm soát hoạt động phá sản, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có liên quan. Theo đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tạo điều kiện pháp lý để cấp phép, quản lý hoạt động đối với nhóm chủ thể này. Theo số liệu thông kê của Bộ Tư pháp, tính đến tháng 4/2020, cả nước có 270 quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân; hơn 40 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động. Danh sách quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đều được Bộ Tư pháp đăng tải trên Công thông tin điện tử của Bộ Tư pháp giúp quản lý cũng như liên hệ một cách dễ dàng.
2. Một số tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật về phá sản
Từ thực trạng khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng như số liệu báo cáo trên có thể cho thấy, dù hiệu quả áp dụng pháp luật đã có những thay đổi tích cực nhưng đây vẫn chưa phải là phương thức phổ biến được áp dụng để chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và giúp các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan tìm đến để giải quyết khó khăn trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân đó là trong quy định pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, làm giảm vai trò, hiệu quả áp dụng, cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến quy định về xác định điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Luật Phá sản năm 2014 quy định điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đây là điều kiện phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong điều kiện, tình hình các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, do hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra, việc mất khả năng thanh toán và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là điều đã xảy ra nhiều trên thực tế.
Luật Phá sản năm 2014 chưa dự liệu được các quan hệ xã hội phát sinh có liên quan đến hoạt động và khả năng tài chính của chủ thể kinh doanh khi gặp các tình huống đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố… Thực tế cho thấy, trong khoảng thời gian không dài kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ. Với tinh thần quy định của Luật Phá sản năm 2014, nếu người có quyền nộp đơn không nộp đơn thì người có nghĩa vụ vẫn phải nộp đơn. Vì thế, khả năng các doanh nghiệp phải chịu thêm áp lực, chấp nhận để doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là rất cao. Việc nộp đơn yêu cầu giải quyết phá sản hàng loạt sẽ khiến Tòa án nhân dân khó tránh khỏi tình trạng quá tải, bởi vì ngoài giải quyết các vụ việc phá sản, các cơ quan tư pháp còn phải thực hiện giải quyết các vụ án, vụ việc bị tồn đọng do phải thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế hậu quả lây lan của dịch bệnh. Rõ ràng, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong hoàn cảnh này về mặt pháp lý không sai nhưng nó đã không thể hiện mục đích và tính nhân văn, hợp lý của pháp luật, không phản ánh đúng bản chất của pháp luật về phá sản.
Về thời hạn để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cũng là một vấn đề khiến giảm hiệu quả của Luật. Tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán là một điều kiện cần phải nghiên cứu lại vì thực tế hoạt động của doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng này và quy định thời hạn như hiện nay nếu không có hướng dẫn áp dụng cụ thể trường hợp nào kiện đòi nợ trong dân sự, trường hợp nào nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp khi bị lợi dụng bởi chính các đối thủ cạnh tranh mà gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp bằng thủ tục phá sản.
Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết phá sản.
Luật Phá sản năm 2014 quy định thẩm quyền giải quyết phá sản cấp tỉnh trong 04 trường hợp và được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền giải quyết phá sản trong trường hợp “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau” vẫn còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay không kinh doanh bất động sản đều có thể có tài sản là các bất động sản ở những địa phương khác nhau. Theo đó, việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp này trên thực tế gặp khó khăn. Thêm vào đó, khoản 4 Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/8/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản có quy định về giải quyết hậu quả pháp lý trong trường hợp có sự thay đổi thẩm quyền Tòa án nhân dân do phát sinh các điều kiện làm cho vụ việc phá sản từ cấp huyện thuộc cấp tỉnh. Tuy nhiên, Nghị quyết vẫn còn bỏ ngỏ trường hợp thay đổi từ cấp tỉnh xuống cấp huyện thì trước đó Tòa án ban đầu ra quyết định mở thủ tục phá sản có chuyển về lại cho cấp huyện hay không.
Thứ ba, bất cập trong quy định về quyền và nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản năm 2014.
So với cổ đông chiếm cổ phần lớn công ty cổ phần và thành viên hợp tác xã thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên không có quyền này. Như vậy, nếu thành viên chiếm vốn chi phối của công ty nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì cũng không có quyền nộp đơn mà chỉ trông chờ vào người đại diện theo pháp luật hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên nộp đơn với tư cách là người có nghĩa vụ. Điều này phần nào gây bất lợi cho thành viên, bởi nếu tình hình kéo dài có thể gây ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của thành viên đó.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phá sản
Phá sản là một trong những hoạt động của kinh doanh thương mại, nó có một vai trò vô cùng quan trong trong việc tái cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh đó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích không chỉ chủ nợ mà còn bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán (con nợ). Để hoàn thiện pháp luật về vấn đề này tác giả có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, liên quan đến quy định về xác định điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Cần nhanh chóng ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung điều khoản quy định về điều kiện mất khả năng thanh toán. Theo đó, ngoài quy định về trường hợp được xem là mất khả năng thanh toán như trong Luật Phá sản năm 2014 hiện nay, cần quy định thêm về mất khả năng thanh toán trong trường hợp đặc biệt, thời gian 03 tháng sẽ được tính từ ngày đầu tiên sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tuyên bố kết thúc tình huống đặc biệt đó. Bên cạnh đó, quy định rõ các trường hợp mất khả năng thanh toán để làm căn cứ cho Tòa án thụ lý đơn và hướng dẫn kiện đòi nợ bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan.
Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết phá sản.
Cần ban hành các văn bản hướng dẫn các điều khoản về quy định thẩm quyền giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đối với các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay không kinh doanh bất động sản đều có thể có tài sản là các bất động sản ở những địa phương khác nhau. Thêm vào đó là các quy định hướng dẫn việc các vụ việc đổi từ cấp tỉnh xuống cấp huyện thì trước đó Tòa án ban đầu ra quyết định mở thủ tục phá sản phải làm các thủ tục gì? Có chuyển về lại cho cấp huyện giải quyết hay không?
Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản năm 2014. Nên bổ sung thêm quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của thành viên có số vốn điều lệ chiếm từ 65% trên tổng vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trong doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Nga
Đại học Công nghiệp Hà Nội
[1]. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM261156.
[2]. https://tapchitoaan.vn/hoi-thao-tong-ket-thuc-tien-thi-hanh-luat-pha-san-nam-2014.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)