1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác thi hành án dân sự
Thi hành án dân sự là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.
Từ những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn trong công tác thi hành án dân sự. Đặc biệt phải kể đến Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW). Liên quan trực tiếp đến công tác thi hành án, Nghị quyết số 49-NQ/TW yêu cầu: (i) Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án; (ii) Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án; (iii) Nghiên cứu chế định thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt, có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo.
Đồng thời, Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm: (i) Hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, thúc đẩy các quan hệ dân sự phát triển lành mạnh; hoàn thiện chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn…; xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành; (ii) Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án; nghiên cứu mô hình tổ chức để phù hợp với định hướng tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; (iii) Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh; (iv) Tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc[1].
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thi hành án dân sự, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009. Đến nay, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã trải qua 05 lần sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sự), để phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình của từng giai đoạn phát triển của đất nước, cụ thể: (i) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015; (ii) Luật Cạnh tranh năm 2018, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019 (tại Điều 116 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định trong một số luật khác trong đó có Luật Thi hành án dân sự) ; (iii) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 (tại Điều 2 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 Luật Thi hành án dân sự); (iv) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022; (v) Luật Đất đại năm 2024 (nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự được quy định tại Điều 246).
Cùng với đó, các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động thi hành án dân sự cũng từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất như Luật Giá năm 2012, Luật Phá sản năm 2014, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng... Có thể nói, hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự đã tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ[2].
Đến nay, sau gần 15 năm triển khai thực hiện Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan, công tác thi hành án dân sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội của đất nước[3].
2. Một số khó khăn, bất cập
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) và các văn bản quy định chi tiết còn chưa đạt kết quả như mong muốn do Luật Thi hành án dân sự đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được đánh giá, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo cho quyền lợi của cá nhân, tổ chức, đồng thời, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
2.1. Về thỏa thuận thi hành án
Khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận”. Khi một bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực được thi hành sẽ không chỉ có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án mà còn ảnh hưởng, tác động đến cả người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong nhiều trường hợp, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng là thành phần quan trọng tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 thì quyền thỏa thuận mới chỉ dành cho đương sự mà pháp luật chưa ghi nhận quyền thỏa thuận cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, điều này là chưa thực sự phù hợp vì trong nhiều trường hợp thỏa thuận thi hành án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
2.2. Tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án
Tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự. Khoản 1 Điều 31 quy định: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện”. Như vậy, đơn yêu cầu thi hành án được nộp trực tiếp, trình bày bằng lời nói hoặc gửi qua đường bưu điện. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số, bên cạnh các hình thức đến trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện, pháp luật thi hành án cũng nên ghi nhận một phương thức mới, đó là đương sự có thể áp dụng hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến (online) để tạo thuận lợi cho đương sự cũng như cơ quan thi hành án. Pháp luật hiện hành chưa quy định về hình thức này.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 31 về nội dung đơn yêu cầu thi hành án, thì người yêu cầu chỉ cần cung cấp tên và địa chỉ. Có thể thấy, thông tin về người yêu cầu hiện nay thể hiện trong đơn yêu cầu tương đối đơn giản, đôi khi thiếu thông tin liên hệ, làm cho các cơ quan thi hành án gặp khó khăn khi liên hệ với đương sự, trong khi hiện nay trên thực tế đã có nhiều phương thức khác để liên hệ với người yêu cầu như điện thoại, email... giúp việc liên hệ với đương sự nhanh chóng và tiện lợi hơn.
2.3. Về thẩm quyền thi hành án
Tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án” thì thuộc thẩm quyền thi hành án cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và theo điểm a khoản 1 Điều 56 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh ủy thác thi hành các bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài. Theo quy định này, bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và chỉ được ủy thác đến cơ quan ngang cấp (cấp tỉnh). Trên thực tế, có những vụ việc tại giai đoạn xét xử và tuyên án của Tòa án đương sự đang ở nước ngoài nhưng đến giai đoạn thi hành án dân sự thì đương sự đã về nước và sinh sống ổn định tại một địa phương (huyện, quận) cụ thể trong tỉnh. Trong trường hợp này, thực hiện theo quy định tại i khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 56 là chưa phù hợp vì đương sự đã trở về sinh sống ổn định tại địa phương, yếu tố nước ngoài trong vụ việc dân sự cũng đã chấm dứt.
2.4. Về bảo quản tài sản thi hành án
Bảo quản tài sản thi hành án là rất quan trọng, vì bảo quản tài sản thi hành án tốt sẽ giữ được giá trị tài sản, tránh việc mất mát, hư hỏng tài sản, từ đó bảo đảm được quyền lợi của người được thi hành án và người phải thi hành án. Vấn đề này được quy định tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, người được giao bảo quản tài sản vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 5 Điều 58 Luật Thi hành án dân sự). Trên thực tiễn thi hành, có trường hợp, để bảo đảm tài sản thi hành án, tài sản đó phải được duy trì, vận hành (như máy móc không vận hành có thể dẫn đến hỏng theo thời gian, không sử dụng được…), nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Về vấn đề này, có thể kể đến vụ việc trên thực tiễn tại tỉnh Quảng Nam, từ nhà máy Sô đa bị tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh. Một phần tài sản thế chấp cho hợp đồng tín dụng vay hơn 200 tỷ đồng để bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng và là tài sản đã bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam kê biên, vậy nhưng nguyên liệu này hiện vẫn để ngoài trời, mặc cho mưa nắng, điều này đã làm cho nhà đầu tư và hợp tác lo lắng về việc nếu kéo dài như hiện tại, nhà máy thành “đống sắt vụn” do bị oxy hóa, cũng như các nguy cơ về ô nhiễm môi trường[4].
3. Đề xuất hoàn thiện pháp luật
Từ thực trạng trên, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự như sau:
Một là, bổ sung quyền thỏa thuận của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự”. Trong quá trình thi hành án, bên cạnh các đương sự là người được thi hành án, người phải thi hành án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chủ thể quan trọng trong quá trình thi hành án. Vì vậy, theo tác giả cần bổ sung quyền thỏa thuận của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào Điều 6 của Luật.
Hai là, bổ sung hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến (online). Hiện nay, theo tinh thần của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Trên các phương tiện truyền thông, báo chí cũng liên tục nhắc tới “Chính phủ điện tử”, “Chính phủ số”... Chính phủ số là chính phủ thông qua quá trình tin học hóa các hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, các cơ quan chức năng nên cân nhắc, bổ sung hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến (online) vào khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự để phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn yêu cầu thi hành án.
Ba là, bổ sung thông tin của người yêu cầu trong đơn yêu cầu thi hành án. Theo tác giả, để thuận lợi trong việc liên lạc với đương sự, cần bổ sung vào Điều 31 Luật Thi hành án dân sự mục “Thông tin khác”. Theo đó, thông tin cần bổ sung có thể là: Số điện thoại, địa chỉ email (nếu có) và số điện thoại, địa chỉ 01 người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con...) để cơ quan thi hành án liên hệ trong trường hợp đương sự vì lý do chính đáng không thể nhận thông báo mà người thân thích của họ có thể nhận thay… tạo thuận lợi trong quá trình thông báo, xác minh thi hành án.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự theo hướng nếu quá trình tổ chức thi hành án đối với bản án có yếu tố nước ngoài mà có căn cứ xác định đương sự, người có qyền lợi nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thi hành án đã sinh sống ổn định ở Việt Nam thì cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện ủy thác nơi họ có địa chỉ để thi hành án như các vụ việc bình thường.
Năm là, bổ sung Điều 58 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 theo hướng: Trong trường hợp tài sản bảo đảm là máy móc, trang thiết bị… cần được vận hành, sử dụng để tránh hư hỏng, tiêu hao thì đơn vị được giao tài sản bảo đảm phải có phương án vận hành phù hợp, dưới sự giám sát, theo dõi của cơ quan thi hành án, trong trường hợp đơn vị được giao không có phương án hoặc không vận hành, để tài sản thất thoát, hư hại thì có thể giao cho đơn vị khác đủ điều kiện (nhà đầu tư, đơn vị liên doanh, liên kết…) bảo quản tài sản thi hành án./.
Trương Trọng Kiệt
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. https://moj.gov.vn/ddt/tintuc/Pages/dua-nghi-quyet-cua-dang.aspx?ItemID=68.
[2]. https://danchuphapluat.vn/cong-tac-thi-hanh-an-dan-su-dat-ket-qua-dang-ghi-nhan.
[3]. https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/thongtinchung/view_detail.aspx?itemid=1358.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)