Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu một số vấn đề lý luận và pháp luật về an ninh y tế để đề xuất hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay.
Abstract: The article studies a number of theoretical and legal issues on health security to propose the improvement of the law on this field in Vietnam today.
1. Một số vấn đề lý luận về an ninh y tế
1.1. Khái niệm an ninh y tế
Với tư cách là một trong bảy thành tố của an ninh con người, an ninh y tế được đề cập ngày càng thường xuyên trong các nghiên cứu cũng như chính sách về mối đe dọa sức khỏe xuyên biên giới. Tuy nhiên, khái niệm “an ninh y tế” vẫn chưa đạt được sự thống nhất trên toàn cầu. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có sự đồng thuận rộng rãi về các đặc điểm cốt lõi của an ninh y tế, cụ thể là các loại vấn đề sức khỏe tạo thành mối đe dọa cho con người; các loại hành vi cần thiết của chủ thể có thẩm quyền; đối tượng cần được bảo vệ[1]. Trên cơ sở đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa bao gồm các đặc điểm trên và được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế công nhận, cụ thể: “An ninh y tế là các hoạt động cần thiết, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm giảm thiểu nguy cơ và tác động của các biến cố y tế cộng đồng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân trên một khu vực lãnh thổ nhất định và trên phạm vi toàn cầu”[2]. Khái niệm này trái ngược với những nhận thức trước đây là chỉ tập trung vào các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm. Do đó, trong bài viết này, an ninh y tế được xem xét theo nghĩa rộng nhất, bao gồm đầy đủ các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm cũng như thể hiện liên kết rõ ràng sức khỏe với nghèo đói và bất bình đẳng. Đây chính là nền tảng để khuyến khích việc tiếp thu có hệ thống hơn các hành động pháp lý trong lĩnh vực y tế nhằm tăng cường an ninh cho các cá nhân hiện nay.
1.2. Yêu cầu đối với an ninh y tế trong giai đoạn hiện nay
An ninh y tế là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu của chế độ quản trị y tế toàn dân (UHC). Bản thân quá trình phát triển nhận thức về an ninh y tế không chỉ bắt đầu từ thời điểm đại dịch Covid-19 trở thành vấn đề toàn cầu mà trên thực tế đã xuất hiện bốn loại virus làm ảnh hưởng đến con người nhiều nhất trong thế kỷ qua (HIV, SARS, H5N1, H1N1), từ đó, đặt ra vấn đề về bệnh truyền nhiễm đối với chương trình nghị sự an ninh quốc tế. Kết quả của những căn bệnh truyền nhiễm này không chỉ đơn thuần là các vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn được coi là mối đe dọa sâu sắc đối với an ninh quốc gia và quốc tế. Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ hiện đã thừa nhận rằng, “những thách thức về sức khỏe cộng đồng như đại dịch (HIV/AIDS, cúm gia cầm,…) là không có ranh giới”[3]. Vì vậy, một trong những bài học lớn nhất từ đại dịch là tầm quan trọng của an ninh y tế với những hành động kịp thời, đáng tin cậy của các chủ thể có thẩm quyền.
Sự gia tăng của yêu cầu an ninh y tế toàn cầu đang làm thay đổi các phương thức quản lý sức khỏe cộng đồng của các quốc gia cũng như tổ chức quốc tế. An ninh được theo đuổi không chỉ thông qua các thể chế truyền thống của quân đội và cảnh sát mà còn thông qua việc tăng cường triển khai các biện pháp đối phó y tế mới. Có thể thấy rằng, những quan điểm mới về vị trí an ninh y tế đã cho thấy những hạn chế vốn có trong các phương thức quản lý nhà nước về y tế, trong đó có hệ thống pháp lý. Đây chính là nguy cơ có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, bảo đảm an ninh y tế không chỉ là đối phó với đại dịch hoặc các căn bệnh trong cộng đồng mà còn là phòng ngừa nó thông qua việc nâng cao sức khỏe toàn dân cũng như thực hiện các biện pháp hỗ trợ cá nhân trong xã hội. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe có nghĩa là nuôi dưỡng một thế hệ khỏe mạnh, năng động và hiệu quả để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đây chính là điều kiện tiên quyết để không những duy trì thế hệ hiện tại mà còn phát triển thế hệ tương lai. Do vậy, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật sẽ có vai trò nòng cốt nhằm củng cố hệ thống y tế, tạo dựng môi trường sống khỏe mạnh, ngăn ngừa và phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, góp phần bảo đảm đời sống người dân và thúc đẩy phúc lợi cho mỗi cá nhân không kể vị trí địa lý, giới tính, độ tuổi, trình độ văn hóa…
2. Thực trạng pháp luật về an ninh y tế ở Việt Nam
Sức khỏe là tiêu chuẩn cơ bản để mỗi cá nhân có được cuộc sống thoải mái về cả thể chất cũng như tinh thần trong một xã hội văn minh. Ở góc độ pháp luật quốc tế, các quy định về chăm sóc sức khỏe và hướng tới bảo đảm an ninh y tế đã được đề cập trong những văn kiện quan trọng như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước về chống các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước về quyền trẻ em năm 1989… Các văn bản này đã ràng buộc cũng như khuyến nghị các quốc gia thành viên ghi nhận vị trí của an ninh y tế ở hai khía cạnh: (i) Chất lượng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe và hàng hóa, dịch vụ y tế; (ii) Khả năng các cá nhân có thể tiếp cận đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe và hàng hóa, dịch vụ y tế.
Là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam chủ trương bảo đảm an ninh y tế bằng hệ thống pháp luật trên cơ sở những giá trị cốt lõi và phẩm giá của con người. Cụ thể, Nhà nước ta đã từng bước thể chế hóa những quy định trên cơ sở các văn kiện của Đảng, điều ước quốc tế nhằm đáp ứng các dịch vụ y tế, nâng cao hệ thống an sinh xã hội. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật về an ninh y tế là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm các quy định trong Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Hiến pháp là văn bản quan trọng nhất, ghi nhận, xác lập một cách đầy đủ nhất ý chí và nguyện vọng của người dân, trách nhiệm của các chủ thể trong bảo đảm an ninh y tế. Trên cơ sở đó, Điều 38 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. 2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định mối liên hệ biện chứng giữa quyền con người và sức khỏe. Bởi lẽ, hai yếu tố này nếu không được ghi nhận hoặc thiếu sự quan tâm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe như hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử trong tiếp cận các dịch vụ y tế hoặc cung cấp thông tin thiếu minh bạch, kịp thời trong lĩnh vực y tế công cộng.
Vì vậy, để bảo vệ tối đa cho cộng đồng, những nội dung về an ninh y tế không ngừng được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008… Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý nhằm bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phát triển y tế cộng đồng, xây dựng tiêu chuẩn những người làm nghề y, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc, thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương trước những nguy cơ về sức khỏe[4]… Có thể thấy rằng, các yêu cầu về an ninh y tế quốc gia từng bước được ghi nhận, phát huy giá trị trong thực tiễn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân còn nhiều bất cập: Các nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn còn thường trực, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, chế độ của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo đảm đầy đủ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội... Những tồn tại này có thể được lý giải từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong bối cảnh hiện nay, những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành về an ninh y tế đã và đang là nguyên nhân chủ yếu. Cụ thể:
Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 chưa có tính phổ quát, Luật chỉ quy định về bảo vệ sức khỏe công dân mà không phải là chủ thể chung nhất là con người như trong Hiến pháp năm 2013 cũng như tại các công ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Thứ hai, y tế cộng đồng vẫn còn các quy định chưa phù hợp ở hai khía cạnh là phòng, chống bệnh truyền nhiễm và phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá như: (i) Khoản 1 Điều 10 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các chủ thể đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, văn bản này lại không đưa ra quy định cụ thể về những loại thông tin được tiếp cận trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dẫn đến các hành vi xâm phạm trong thực tiễn, ảnh hưởng đến quyền lợi của các cá nhân. (ii) Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 không có quy định về quỹ hoạt động, dẫn đến văn bản này khó thực thi khi thiếu nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.
Thứ ba, sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe vẫn xảy ra do những “khoảng trống” trong quy định pháp luật về bảo hiểm y tế và hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương, cụ thể: (i) Lĩnh vực được thanh toán bảo hiểm y tế chỉ tập trung vào khám, chữa bệnh mà chưa áp dụng cho các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, khám sàng lọc và chẩn đoán sớm, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, chưa bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 2013; (ii) Chưa có quy định về tần suất người dân tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong thời gian nhất định nên có nhiều trường hợp đi khám để “lấy” thuốc tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt quỹ bảo hiểm; (iii) Chưa có cơ quan chuyên trách về bảo hiểm y tế làm cho các hoạt động quản lý chuyên môn đều tập trung vào Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dẫn đến sự quá tải trong điều hành; (iv) Việt Nam hiện vẫn đang áp dụng những quy định mang tính chất “một vừa cho tất cả” trong hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương nên không đem lại hiệu quả tối ưu cho các chủ thể với những điều kiện sống khác nhau.
Thứ tư, quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe, kinh tế như: (i) Chưa có quy định về tiêu chuẩn, chất lượng nguyên vật liệu bào chế thuốc, dược liệu thông qua hình thức đấu thầu; (ii) Các loại thuốc đông y chưa có quy định cụ thể về quy cách sản phẩm dẫn đến tình trạng không bảo đảm chất lượng sử dụng khi đến tay người tiêu dùng; (iii) Một số loại thuốc chưa có mức giá trần dẫn đến tình trạng không quản lý giá khi đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là đối với cơ chế đấu thầu tập trung của các cơ quan cung ứng thuốc hiện nay.
Thứ năm, điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh vẫn còn hạn chế nhất định. Theo khoản 2 Điều 25 Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 thì chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nếu chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được cấp vĩnh viễn sẽ không bảo đảm yêu cầu nâng cao năng lực chuyên môn thường xuyên, định kỳ của y, bác sỹ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ y tế ở nước ta. Bản thân quy định này cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nên gây khó khăn trong quá trình hội nhập về y tế với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ sáu, cơ sở pháp lý để nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh thông qua thúc đẩy sự tự chủ của bệnh viện công vẫn chưa đầy đủ. Cụ thể, theo quy định hiện hành, bệnh viện được quyết định giá các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành. Mặc dù vậy, cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành các quy định về nội dung này, dẫn đến nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ gặp khó khăn trong bảo đảm chế độ cho cán bộ, viên chức. Mặt khác, danh mục thuốc cấp cứu cho các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được quy định đã dẫn đến những sai phạm trong quản lý dược phẩm cũng như gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra khi không có quy định để dẫn chiếu.
Thứ bảy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh y tế chỉ tập trung quy định thẩm quyền của Bộ Y tế mà chưa quy định trách nhiệm của chủ thể khác. Đơn cử như khoản 1 Điều 56 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định hợp tác quốc tế về trao đổi mẫu bệnh phẩm, thông tin dịch, chuyên môn, kỹ thuật, chuyên gia, thiết bị, kinh phí trong hoạt động chống dịch, tuy nhiên, cách thức thực hiện như thế nào, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác thì chưa được đề cập cụ thể. Việc quy định chung chung sẽ khó phân định được thẩm quyền cụ thể của các cơ quan khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, dẫn đến những trở ngại nhất định đối với bảo đảm an ninh y tế ở Việt Nam.
3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về an ninh y tế ở Việt Nam
Là một trong mười bảy mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, vấn đề bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y tế. Từ đó, những mục tiêu an ninh y tế ở nước ta mới có thể được ghi nhận và phát huy tối đa quyền con người. Để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng một đạo luật thống nhất quản lý các nội dung liên quan đến an ninh y tế. Trong giai đoạn hiện nay, an ninh y tế được coi là điều kiện tiên quyết để củng cố nền tảng sức khỏe toàn dân. Trong khi đó, những quy định pháp luật hiện tại vẫn còn mang tính chất riêng lẻ, chồng chéo, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm tối đa vấn đề này. Do vậy, yêu cầu cấp thiết là ban hành đạo luật về an ninh y tế với các nội dung cụ thể: (i) Thống nhất nhận thức về an ninh y tế, trong đó nhấn mạnh vai trò bảo đảm quyền con người như trong Hiến pháp năm 2013; (ii) Quy định các yêu cầu và hoạt động bảo đảm an ninh y tế; (iii) Trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân; (iv) Quy định về nguồn lực và nguyên tắc sử dụng nguồn lực bảo đảm an ninh y tế… Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý quan trọng, là cơ sở cho việc thực hiện thống nhất pháp luật về an ninh y tế một cách ổn định và lâu dài.
Thứ hai, bảo đảm pháp lý đối với y tế cộng đồng. Marx và Engels đã từng viết: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[5], do đó, để bảo đảm tốt công tác bảo vệ sức khỏe cần chú trọng các giải pháp sau: Một là, quy định cụ thể về các loại thông tin phải được công khai và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện trong lĩnh vực y tế để tương thích với Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; hai là, bổ sung quy định về quỹ phòng, chống tác hại của rượu bia để bố trí nguồn lực tài chính thường xuyên cho công tác này.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Mở rộng phạm vi lĩnh vực thanh toán bảo hiểm y tế; bổ sung chế tài đối với các hành vi lạm dụng bảo hiểm y tế để trục lợi; thành lập Hội đồng Bảo hiểm y tế quốc gia với tư cách là cơ quan tư vấn chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các chủ thể trong lĩnh vực này; bổ sung quy định gói bảo hiểm y tế cơ bản, giảm dịch vụ y tế, hỗ trợ chi phí đi lại khi khám, chữa bệnh… cho nhóm dễ bị tổn thương; tham khảo các khuyến nghị của WHO như “tiêu chuẩn nâng cao chất lượng các chính sách y tế cho chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh”, “chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của người khuyết tật”… để điều chỉnh các chính sách đặc thù liên quan đến chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật trong quản lý thuốc. Quy định cụ thể chất lượng thuốc, dược liệu trong hồ sơ lựa chọn nhà thầu; quy định về tiêu chuẩn sản phẩm đối với thuốc đông y về quy cách đóng gói, thành phần dược liệu, hạn sử dụng…; xây dựng khung mức giá trần đối với một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược để bảo đảm ổn định thị trường thuốc.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực y tế thông qua các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề. Cụ thể là cần quy định về chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Điều này không những đặt ra yêu cầu thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ y, bác sỹ mà còn nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thanh, kiểm tra các cơ sở y tế. Đồng thời, cần bổ sung quy định về giáo dục y tế thường xuyên nhằm duy trì, phát triển kiến thức, kỹ năng của bác sỹ như tại Điều 36 Luật Đăng ký y tế Singapore năm 1997. Cụ thể, những người hành nghề y trước khi gia hạn chứng chỉ hành nghề phải tham gia đầy đủ các chương trình liên quan đến giáo dục y tế thường xuyên. Từ đó, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Thứ sáu, quy định cụ thể mô hình tự chủ bệnh viện công. Nhằm thực hiện mục tiêu “đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính”[6] thì giải pháp trước mắt là kịp thời ban hành các văn bản quy định về khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cũng như danh mục thuốc cấp cứu phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai mô hình tổ chức và quản trị bệnh viện tự chủ theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới theo ba phương án: (i) Cơ sở khám, chữa bệnh phi lợi nhuận hoặc quỹ tín thác; (ii) Doanh nghiệp nhà nước; (iii) Sáp nhập các bệnh viện thành mạng lưới tự quản[7]. Yêu cầu đặt ra chính là các bệnh viện vừa phải cung ứng kỹ thuật y tế chất lượng cao, vừa phải bảo đảm các gói chăm sóc y tế cơ bản với những cơ chế phù hợp. Tuy nhiên, dù quản lý theo phương thức nào thì các chức năng xã hội của bệnh viện (như chi phí chăm sóc miễn phí hoặc trợ cấp cho người nghèo, đáp ứng các ưu tiên sức khỏe cộng đồng, giảng dạy và nghiên cứu) cần được quy định đầy đủ, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác y tế.
Thứ bảy, bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh y tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, an ninh y tế không chỉ là công việc của một quốc gia hay tổ chức quốc tế mà cần sự chung tay của các chủ thể pháp luật quốc tế để ngăn chặn các nguy cơ đối với sức khỏe con người. Do đó, để làm tốt công tác này, cần mở rộng trách nhiệm đến cả các chủ thể khác ngoài Bộ Y tế nhằm làm tốt bốn nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Điều lệ Y tế Quốc tế năm 2005: (i) Phát hiện, đánh giá và phản ứng với các sự kiện y tế cộng đồng; (ii) Cung cấp hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ hậu cần, đặc biệt là trong phát triển, củng cố và duy trì các năng lực y tế theo yêu cầu; (iii) Huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ hợp tác trong lĩnh vực y tế; (iv) Xây dựng các quy định pháp lý về y tế bảo đảm hợp tác quốc tế.
Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I
[1]. Simon Rushton (2011), Global Health Security: Security for Whom? Security from What?, Political Studies: Vol 59, pg. 782.
[2]. World Health Organization, Health Secutity (https://www.who.int/health-topics/health-security), truy cập ngày 30/8/2021.
[3]. National Security Strategy (2006), The National Security Strategy of the United States, Washington DC: The White House.
[4]. Chu Mạnh Hùng (2012), Vấn đề an ninh con người trong pháp luật quốc tế hiện đại, Luận án Tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 79.
[5]. K. Marx, F. Engels (1995) Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 628.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
[7]. World Bank (2011), Lessons for Hospital Autonomy Implementation in Vietnam from International Experience, pg. 8.