1. Khái quát về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong điều tra hình sự
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại khoản 1 Điều 109, Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Đây là biện pháp ngăn chặn mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong điều tra hình sự, chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn này là Cơ quan điều tra, trong đó, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra là người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong điều tra hình sự gồm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can. Đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng trong trường hợp qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Đối với bị can, Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng trong trường hợp có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn. Do đó, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với đối tượng trên trong quá trình giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự.
Sau khi Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, quyết định này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Sau đó, Cơ quan điều tra gửi quyết định tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh để tổ chức thực hiện; đồng thời, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn này đối với bị can theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Về thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong điều tra hình sự, Cơ quan điều tra không được tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm cũng như không được tạm hoãn xuất cảnh đối với bị can quá thời hạn điều tra. Các đối tượng được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can.
2. Một số vướng mắc, bất cập về áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong điều tra hình sự
Thứ nhất, về căn cứ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh: Điểm a khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về căn cứ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi “có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”. Việc quy định phải có đủ căn cứ xác định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố bị nghi thực hiện tội phạm là không thực sự cần thiết. Bởi lẽ, để trở thành người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì những người tham gia tố tụng này phải có những dấu hiệu nhất định liên quan đến hành vi phạm tội bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Đồng thời, khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định căn cứ chung mà chủ thể điều tra hình sự áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của đối tượng bị áp dụng “có dấu hiệu bỏ trốn” mà không kèm theo điều kiện “tiêu hủy chứng cứ”. Do đó, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh giữa các Cơ quan điều tra hiện nay chưa có sự thống nhất; một số trường hợp Cơ quan điều tra chưa kịp thời áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố do cho rằng chưa có đủ căn cứ xác định họ bị nghi thực hiện tội phạm, dẫn đến những người tham gia tố tụng này đã lợi dụng để bỏ trốn ra nước ngoài.
Thứ hai, về đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh: Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong điều tra hình sự có thể bao gồm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can. Thực tiễn công tác điều tra hình sự cho thấy, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án, Cơ quan điều tra còn phát hiện những đối tượng nghi vấn là đồng phạm với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, với bị can trong vụ án, song Cơ quan điều tra không thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với đối tượng này. Bởi lẽ, hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh với người có nghĩa vụ liên quan đến tố giác, kiến nghị khởi tố, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Điều này chưa phù hợp với quy định tại Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2023 khi quy định bao gồm cả trường hợp người nước ngoài thuộc trường hợp người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Do đó, diện đối tượng này vẫn có điều kiện xuất cảnh ra nước ngoài để bỏ trốn hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, nhất là khi Cơ quan điều tra chưa thu thập đủ căn cứ áp dụng các biện pháp khác như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, tạm giữ.
Thứ ba, về chủ thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh: Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chủ thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong điều tra hình sự chỉ gồm Cơ quan điều tra, trong đó, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra là người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn công tác điều tra hình sự. Bởi lẽ, công tác điều tra hình sự còn do các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong quá trình điều tra hình sự, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Việc quy định các cơ quan này không có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác sẽ gây ra những khó khăn trong quá trình giải quyết tố giác tội phạm cũng như chưa phù hợp với đối tượng bị áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ tư, về thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh: Theo quy định tại khoản 3 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chủ thể điều tra hình sự áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Theo đó, đối với trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tố giác về tội phạm, chủ thể điều tra không được áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Bởi vì, theo quy định tại khoản 3 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong quá trình tạm đình chỉ việc giải quyết đối với tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì chỉ có các hoạt động giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả. Điều này đã tạo điều kiện để người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố lợi dụng thực hiện hành vi xuất cảnh ra nước ngoài để bỏ trốn. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa có quy định cụ thể về thời hạn chấm dứt tư cách tố tụng đối với người bị tố giác về tội phạm, người bị kiến nghị khởi tố. Theo đó, trong quá trình áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những đối tượng này của chủ thể điều tra còn có những quan điểm khác nhau về thời hạn áp dụng, dẫn đến việc áp dụng của các chủ thể điều tra còn chưa thống nhất. Cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, tư cách tố tụng của người bị tố giác về tội phạm, người bị kiến nghị khởi tố bị chấm dứt khi vụ việc được chủ thể điều tra ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Theo quan điểm này, chủ thể điều tra chỉ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác về tội phạm, người bị kiến nghị khởi tố đến khi có các quyết định trên (trừ trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm bị tạm đình chỉ việc giải quyết). Do đó, với trường hợp đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với người đã bị tố giác, đã bị kiến nghị khởi tố, chủ thể điều tra không thể tiếp tục áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với họ.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, thời hạn tồn tại tư cách tố tụng của người bị tố giác về tội phạm, người bị kiến nghị khởi tố kéo dài cho đến khi vụ án được đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra. Theo quan điểm này, chủ thể điều tra chỉ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm, còn đối với người nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa đủ căn cứ khởi tố bị can vẫn là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về việc họ bị nghi vấn đã thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, chủ thể điều tra vẫn kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi họ bị khởi tố bị can hoặc vụ án bị tạm đình chỉ điều tra hoặc vụ án bị đình chỉ điều tra.
Thứ năm, về thủ tục thi hành biện pháp tạm hoãn xuất cảnh: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định về việc Cơ quan điều tra phải giao quyết định tạm hoãn xuất cảnh cho các đối tượng bị áp dụng bao gồm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng này cho thấy, chỉ có bị can là người tham gia tố tụng được nhận quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong đó có quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, hiện nay, Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa đề cập đến việc họ có quyền được nhận các quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, quá trình áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh của Cơ quan điều tra còn có những quan điểm khác nhau về việc thông báo hay không thông báo quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong điều tra hình sự
Một là, sửa đổi về căn cứ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng, bổ sung cụm từ “hoặc tiêu hủy chứng cứ” trong căn cứ áp dụng thành: “Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”. Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định đối tượng bị áp dụng là “người bị tố giác về tội phạm, người bị kiến nghị khởi tố”, không cần thêm các điều kiện khác. Việc sửa đổi theo hướng trên sẽ giúp chủ thể điều tra dễ dàng xác định được căn cứ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, mở rộng diện đối tượng áp dụng, qua đó tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết đối với tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Hai là, bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Để đáp ứng yêu cầu điều tra hình sự, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung “người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự” là đối tượng bị xem xét áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khi thỏa mãn các điều kiện chung của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Việc bổ sung đối tượng này sẽ bảo đảm sự phù hợp với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng như bảo đảm sự liên thông, phù hợp với hệ thống pháp luật về xuất, nhập cảnh, trong đó trực tiếp là Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và năm 2023.
Ba là, bổ sung chủ thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ Đội an ninh Công an cấp huyện). Bởi lẽ, các cơ quan này có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Theo đó, các cơ quan này có thẩm quyền thực hiện các hoạt động, biện pháp điều tra đối với người bị tố giác về tội phạm. Vì vậy, khoản 2 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần sửa đổi theo hướng: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113, điểm b khoản 3 Điều 145 Bộ luật này, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh…”.
Bốn là, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói chung, áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nói riêng. Thời gian tới, liên ngành Tư pháp Trung ương cần tiếp tục tập hợp, nghiên cứu xây dựng, sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác định trường hợp cần thiết mà cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục được áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khi tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự. Đồng thời, văn bản hướng dẫn cần giải thích rõ thời điểm chấm dứt tư cách tố tụng của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Việc ban hành văn bản hướng dẫn giải thích về các vấn đề trên sẽ giúp các chủ thể điều tra hình sự gặp thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tổ chức áp dụng biện pháp ngăn chặn này đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Năm là, sửa đổi quyền, nghĩa vụ của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố quy định tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, bổ sung quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tại khoản 1 Điều 57 theo hướng: “Nhận quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này”, trong đó bao gồm quyết định tạm hoãn xuất cảnh, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đồng thời, bổ sung nghĩa vụ tại khoản 2 Điều 57 theo hướng: “Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”./.
TS. Sái Ngọc Hưng
Học viện An ninh nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 396), tháng 1/2024)