Phiếu lý lịch tư pháp bao gồm: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và phiếu lý lịch tư pháp số 2. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Án tích đã được xóa thì không ghi vào phiếu lý lịch tư pháp số 1. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp một người đã bị kết án thì phiếu lý lịch tư pháp số 2 ghi tất cả các án tích (bao gồm án tích chưa được xóa và án tích đã được xóa). Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cũng bao gồm thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Tuy nhiên, sau 05 năm triển khai thực hiện, đến nay đã nảy sinh những bất cập, vướng mắc trên thực tiễn. Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, trân trọng kính mời Quý bạn đọc đón đọc bài viết "Hoàn thiện pháp luật về cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Việt Nam hiện nay" của tác giả Hoàng Quốc Hùng đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 8 (281) năm 2015.
Nguyễn Mộc Miên