1. Khái niệm, bản chất pháp lý và đặc điểm của góp vốn bằng tài sản vô hình
Góp vốn là vấn đề then chốt trong kinh doanh. Xét về mặt pháp lý, góp vốn là hành vi pháp lý mà theo đó người góp vốn chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người kinh doanh (thương nhân) để đổi lại những lợi ích từ việc góp vốn đó[1]. Còn ở khía cạnh kinh tế, việc góp vốn hay hùn vốn cũng là việc nhiều người cùng góp nguồn lực của mình để tạo nên một nguồn lực chung lớn hơn nhằm thực hiện ý tưởng kinh doanh mang lại mục đích sau cùng là lợi nhuận.
“Tài sản là một phạm trù động mà phạm vi của nó có thể thay đổi theo các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nhất định”[2]. Tài sản vô hình là một nhánh thuộc khái niệm tài sản nên cũng có chung tính chất như vậy, cũng sẽ xuất hiện nhiều dạng thức tài sản vô hình mới hình thành trong tương lai. Ở thời kỳ chiếm hữu nô lệ, xã hội chưa xuất hiện khái niệm sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp hay giá trị thương hiệu thì ngày nay, tần suất xuất hiện của nó ngày một dày đặc. Những thương vụ mà đối tượng chuyển giao là tri thức, danh tiếng, quyền lợi… không những phát triển mà còn đem lại rất nhiều lợi nhuận, đặc biệt là các sáng chế ứng dụng trong khoa học, y tế, kỹ thuật. Trong khoa học pháp lý hiện đại, những đối tượng đó tuy xuất hiện với dạng thức mới nhưng bản chất lại chính là quyền tài sản hay nói cách khác, chúng là tài sản vô hình. Về cơ bản, tài sản vô hình là tài sản không có đặc tính vật lý, có thể chuyển giao, khai thác giá trị sử dụng và trị giá được bằng tiền. Tài sản vô hình bao gồm: Quyền đối vật (vật quyền); quyền đối nhân (trái quyền) và quyền sở hữu trí tuệ. Ngày nay, pháp luật dân sự một số quốc gia còn xem lợi ích, thông tin là tài sản[3].
Từ các khái niệm trên, có thể thấy, bản chất của góp vốn bằng tài sản vô hình là việc người góp vốn chuyển giao những quyền tài sản (tài sản vô hình) của mình cho người kinh doanh (thương nhân) để đổi lại những lợi ích từ việc góp vốn đó. Thông qua hành vi góp vốn, mối quan hệ pháp lý được tạo lập, người góp vốn có nghĩa vụ phải chuyển giao những quyền tài sản của mình sang cho thương nhân. Việc dịch chuyển quyền sở hữu này có thể được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng thành lập công ty của các cổ đông, thành viên góp vốn. Bằng hành vi góp vốn các thành viên, các cổ đông sáng lập đã tạo ra sản nghiệp ban đầu cho công ty để đổi lại quyền lợi của mình trong công ty[4]. Đặc điểm của góp vốn bằng tài sản vô hình cũng dựa trên đặc tính phi vật lý của tài sản. Đó là việc chuyển giao sẽ không thể xảy ra nếu không tạo lập một hình thức vật chất nhằm chứa đựng giá trị tài sản đem góp vốn.
2. Thực trạng pháp luật về góp vốn bằng tài sản vô hình ở Việt Nam
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam quy định về góp vốn kinh doanh bằng tài sản vô hình hiện nay đã có nhiều bước phát triển so với trước đây. Với sự ra đời của Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015, được coi là nền tảng trực tiếp chứa đựng những quy phạm pháp lý cơ bản nhất về vấn đề này. Tuy nhiên, để có thể tìm hiểu sâu hơn, chúng ta cần phải đi vào các quy định cụ thể của chế định này.
Thứ nhất, sự thiếu sót về khái niệm tài sản vô hình và những lỗi lập pháp về chế định tài sản
Khái niệm tài sản vô hình không được xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nền tảng của hệ thống luật tư - như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có rất nhiều sự thay đổi về phần “tài sản” so với Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng dường như các nhà lập pháp vẫn trung thành với sự đơn giản hóa từ ngữ của luật chứ không chú trọng vào tính học thuật hay sự yêu cầu chính xác về mặt ngữ nghĩa của ngôn từ. Ở phần định nghĩa về tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Cách định nghĩa này không nêu lên ý nghĩa của từ và cụm từ cần định nghĩa mà nó giống với cách liệt kê các sự vật mà khái niệm đó ám chỉ. Tuy nhiên, với kiểu liệt kê như trên, các nhà làm luật Việt Nam lại “giẫm chân lên nhau” bởi trong khoa học pháp lý, giấy tờ có giá là chứng thư xác nhận một trái quyền (hay một nghĩa vụ trả nợ) có mệnh giá được ghi trên đó. Vì vậy, giấy tờ có giá bản chất là một trái quyền. Còn tiền, trong kinh tế được hiểu là vật ngang giá dùng để trao đổi thì trong luật học lại có bản chất pháp lý là vật.
Đến phần phân loại tài sản, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã chia tài sản ra làm hai loại như sau: “Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Cách phân loại này kế thừa kỹ thuật phân loại của Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804. Tuy nhiên, ở nhánh thứ hai, các nhà làm luật không sử dụng yếu tố “đặc tính vật lý” để chia tài sản thành vô hình và hữu hình (như Bộ luật Dân sự Quebec Canada) mà họ lại sử dụng yếu tố “thời điểm tồn tại” để chia thành “tài sản hiện có” và “tài sản hình thành trong tương lai”. Cách phân loại này về logic thì thiếu một nhánh nữa đó là “tài sản biến mất trong tương lai”. Ví dụ: Lâu đài cát mà những người thợ chụp ảnh tạo ra ven bờ biển, kiến thức của Anhxtanh, hoa tươi… Đó là những ví dụ vui về các tài sản dễ bị bào mòn bởi thời gian do các tác nhân khách quan khiến chúng mất đi toàn bộ giá trị sử dụng hoặc các tài sản vô hình gắn liền với một cá nhân cụ thể sẽ bị mất đi khi người đó chết…
Thứ hai, các quy định của pháp luật về định giá tài sản vô hình khi góp vốn
Trong thực tế hoạt động định giá tài sản góp vốn, đặc biệt là tài sản vô hình để tìm được sự nhất trí cho việc xác định giá trị tài sản không hề đơn giản. Do đó, nhằm bảo đảm được việc hạn chế các ảnh hưởng có thể xảy đến với người thứ ba trong các hành vi giữa hai bên, thì việc định giá tài sản cần có sự phối hợp giữa những người có thẩm quyền định giá để đi đến một mức giá cụ thể. Pháp luật quy định rằng, việc định giá tài sản cần phải phản ánh xác thực về hiện trạng tài sản mà nhà đầu tư thấy rõ là hợp lý, đảm bảo không gây ra tranh chấp. Nguyên tắc định giá tài sản góp vốn này mà Luật Doanh nghiệp đề ra suy cho cùng cũng là trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, cho công ty tiếp nhận vốn và cả bên thứ ba. Tất cả thành viên là người định giá tài sản vốn góp. Một tổ chức định giá chuyên nghiệp có thể có thẩm quyền định giá theo yêu cầu của các thành viên, tuy nhiên, làm thế nào để đạt được đúng theo nguyên tắc nhằm không gây ra tranh chấp thì chưa có quy định cụ thể.
Theo quy định của pháp luật, việc định giá tài sản góp vốn ở hai thời điểm thành lập công ty và khi công ty đang hoạt động chỉ khác nhau ở thẩm quyền định giá còn trách nhiệm và chu trình định giá là hoàn toàn giống nhau. Những người có thẩm quyền có thể sẽ trực tiếp tiến hành hoặc thuê những công ty kiểm toán hay các tổ chức kinh tế có chức năng định giá tài sản. Nếu những người có thẩm quyền trực tiếp định giá tài sản góp vốn thì họ phải thành lập Hội đồng định giá. Tùy thuộc vào thời điểm tài sản được đem góp vào công ty, thành phần Hội đồng định giá sẽ khác nhau. Trong quá trình hoạt động, Hội đồng định giá được áp dụng cho ba loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm, công ty hợp danh lần lượt là Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và tất cả các thành viên hợp danh. Quyết định giá trị tài sản góp vốn sẽ được Hội đồng quản trị công ty cổ phần, Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, tất cả các thành viên hợp danh công ty hợp danh bàn bạc trong cuộc họp. Việc định giá tài sản để tiếp nhận thành viên đồng nghĩa với sửa đổi Điều lệ chỉ được thông qua khi đáp ứng được tỉ lệ luật định. Luật cũng quy định công ty có thể thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp để định giá tài sản góp vốn. Quy định của Luật Doanh nghiệp về thẩm quyền định giá đã tạo điều kiện thuận lợi cho công ty định giá tài sản góp vốn.
Đối với trường hợp công ty tự tiến hành định giá tài sản góp vốn, tất cả thành viên liên đới chịu trách nhiệm về giá trị tài sản. Họ phải cùng thỏa thuận để định đoạt giá trị của tài sản góp vốn. Khi xảy ra việc tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của nó tại thời điểm góp vốn, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cả người góp vốn và người định giá phải góp đủ số vốn như đã được định giá. Đây là một quy định cần được xem xét trên cả hai phương diện: (i) Các bên đã không ý thức được giá trị thực của tài sản; (ii) Các bên đã cố tình định giá cao hơn giá trị thực tế. Dù ở trường hợp nào, khi gây thiệt hại cho người khác thì vẫn phải đặt ra trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp chưa xác định rõ tỉ lệ trách nhiệm bồi thường giữa bên góp vốn và người định giá trong vấn đề này, vì điều đó mà tranh chấp có thể xảy ra.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này
Một là, cần đưa ra quy định nhằm làm rõ khái niệm tài sản vô hình
Việc định nghĩa tài sản như Điều 105 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tạo ra sự cứng nhắc trong khái niệm về tài sản. Không chỉ vậy, quy định của Điều 115 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền tài sản lại càng làm cho bản chất pháp lý của những tài sản vô hình dễ bị nhầm lẫn. Trên thực tế, quyền tài sản có thể được coi là vật quyền, trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ, vì vậy, việc giải nghĩa như Bộ luật Dân sự hiện hành hoàn toàn không dựa trên nền tảng học thuyết pháp lý nào cả. Bên cạnh đó, tài sản là một khái niệm động và nó không đơn thuần có ý nghĩa pháp lý, mà còn có cả ý nghĩa lớn về kinh tế. Nó luôn thay đổi bởi giá trị kinh tế của mình, vì vậy, việc ấn định cho quyền tài sản (mà ở đây là tài sản vô hình) một định nghĩa cứng nhắc là một thiếu sót và không đầy đủ. Do đó, cần thiết phải xây dựng lại quy định về tài sản vô hình cho phù hợp với khoa học pháp lý và thực tiễn trong cuộc sống.
Hai là, cần bổ sung quy định về phần định giá vốn góp là các quyền tài sản
Trong pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định về vấn đề khi doanh nghiệp phá sản, nếu tài sản định giá sai thì quyền lợi của các chủ nợ sẽ giải quyết như thế nào và đồng nghĩa với việc này, thì ai sẽ là người đứng ra chịu về phần định giá sai này? Vì vậy, Luật Doanh nghiệp cần phải dự liệu thêm trường hợp này để cho các cổ đông, thành viên, tổ chức định giá và cả chủ nợ biết được quyền và lợi ích của mình sẽ được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, về phần định giá tài sản đối với những tài sản vô hình cũng cần được pháp luật quy định cụ thể những đối tượng nào có thể định giá được đối với loại tài sản này. Vì loại tài sản này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao để có thể định giá một cách chính xác, tránh tình trạng làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên.
Ba là, cần bổ sung quy định về chuyển nhượng sản nghiệp thương mại
Việc định giá sản nghiệp thương mại khá phức tạp, nên cần sử dụng cả cách thưc định nghĩa mô tả các đặc trưng chủ yếu và cả cách thức liệt kê. Điều 5 Luật Thương mại năm 1997 định nghĩa: “Sản nghiệp thương mại là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của thương nhân, phục vụ cho hoạt động thương mại như trụ sở, cửa hàng, kho tàng, trang thiết bị, hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, mạng lưới tiêu thụ hàng hóa và cung ứng dịch vụ”, (tuy nhiên, vấn đề này đã bị lược bỏ trong Luật Thương mại năm 2005).
Mặc dù định nghĩa về sản nghiệp thương mại đã từng được quy định, nhưng các quy tắc về chuyển nhượng, cho thuê hay cầm cố, thế chấp và góp vốn bằng sản nghiệp thương mại chưa được pháp luật thiết lập. Bên cạnh đó, định nghĩa trên chưa làm rõ được các yếu tố quan trọng nhất của sản nghiệp thương mại. Các yếu tố đó không phải là các yếu tố hữu hình, mà là các yếu tố vô hình trong sản nghiệp thương mại. Chỉ khi xác định được rõ sản nghiệp thương mại, người ta mới có thể thiết lập các quy tắc cụ thể về thuê hay chuyển nhượng sản nghiệp thương mại. Là một tài sản hết sức nhiều đặc thù, cho nên, việc cho thuê hay bán sản nghiệp thương mại cần có một hệ thống các quy tắc riêng khác với hệ thống quy tắc áp dụng đối với thuê mướn hay các tài sản khác. Việc không quy định hay quy định không đầy đủ về vấn đề này gây ảnh hưởng rất lớn tới chuyển nhượng sản nghiệp thương mại nói chung và hình thức góp vốn bằng sản nghiệp thương mại nói riêng.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội