1. Khái quát về hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu
Theo quy định pháp luật hiện hành, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực theo quy định pháp luật. Hay nói cách khác, đây là loại hợp đồng không có giá trị pháp lý và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết hợp đồng.
Do hợp đồng dân sự cũng là một dạng giao dịch dân sự nên khi giao kết, các bên phải đáp ứng các điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực. Theo Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”.
Hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu là hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Khi đó, các chủ thể tham gia không phải thực hiện điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường do không thực hiện hợp đồng. Theo đó, bên bán không phải giao hàng, chuyển quyền sở hữu cho bên mua, đồng thời bên mua sẽ không phải thanh toán, nhận hàng và nhận quyền sở hữu hàng hóa từ bên bán. Khi một hợp đồng vô hiệu, thì xem như hợp đồng đó chưa tồn tại, hiệu lực của nó sẽ không phát sinh ở hiện tại, kể cả tương lai hay quá khứ cũng không có hiệu lực.
Có thể xem xét các đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa trong mối liên hệ với hợp đồng mua bán tài sản theo nguyên lý của mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Hợp đồng mua bán hàng hóa cũng có những đặc điểm chung của hợp đồng mua bán tài sản trong dân sự[2]:
- Là hợp đồng ưng thuận, tức là hợp đồng được coi là giao kết tại thời điểm các bên thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào thời điểm bàn giao hàng hóa, việc bàn giao hàng hóa chỉ được coi là hành động của bên bán nhằm thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng mua bán đã có hiệu lực.
- Có tính đền bù, bên bán khi thực hiện nghĩa vụ giao hàng hóa cho bên mua thì sẽ nhận từ bên mua một lợi ích tương đương với giá trị hàng hóa theo thỏa thuận dưới dạng khoản tiền thanh toán.
- Là hợp đồng song vụ, mỗi bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đối với bên kia, đồng thời cũng là bên có quyền đòi hỏi bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa tồn tại hai nghĩa vụ chính mang tính chất qua lại và liên quan mật thiết với nhau: Nghĩa vụ của bên bán là phải bàn giao hàng hóa cho bên mua và nghĩa vụ của bên mua là phải thanh toán cho bên bán.
Ngoài ra, với tư cách là hình thức pháp lý của quan hệ mua bán hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa có một số điểm đặc thù xuất phát từ bản chất thương mại của hành vi mua bán hàng hóa[3]:
- Về chủ thể, hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân. Luật Thương mại năm 2005 quy định, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại năm 2005, hoạt động của bên chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ mua bán hàng hóa phải tuân theo Luật Thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật Thương mại.
- Về hình thức, hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật quy định bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản, ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như điện báo, telex, fax hay thông điệp dữ liệu.
- Về đối tượng, hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa. Theo nghĩa thông thường, có thể hiểu, hàng hóa là sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội, hàng hóa càng trở nên phong phú. Khái niệm hàng hóa được quy định trong luật pháp các nước hiện nay dù có những khác biệt nhất định song đều có xu hướng mở rộng các đối tượng là hàng hóa được phép lưu thông.
Theo Luật Thương mại năm 2005, hàng hóa là đối tượng của quan hệ mua bán có thể là tất cả các loại động sản kể cả các loại động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai[4]. Những loại hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện và điều kiện để kinh doanh hàng hóa đó được Chính phủ quy định cụ thể[5].
2. Thực trạng quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu
Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về thuật ngữ “hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu và các vấn đề pháp lý liên quan”. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, “giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”[6]. Hợp đồng là một trong những loại giao dịch dân sự bên cạnh hành vi pháp lý đơn phương nên có thể áp dụng điều luật này để diễn giải về hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu. Theo đó, một hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là vô hiệu nếu không đáp ứng một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng[7], cụ thể: (i) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng; (ii) Chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện; (iii) Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; (iv) Hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, các trường hợp mua bán hàng hóa vô hiệu được áp dụng theo quy định về giao dịch dân sự vô hiệu nói chung được quy định từ Điều 123 đến Điều 129. Việc quy định cụ thể các trường hợp hợp đồng vô hiệu giúp xử lý một cách phù hợp và hiệu quả các hợp đồng vô hiệu có sự khác nhau về tính chất và mức độ ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của các bên trong hợp đồng cũng như các chủ thể liên quan. Theo đó, các trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu được quy định như sau:
Thứ nhất, do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội: Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định, còn đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này không bị hạn chế.
Thứ hai, hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu do giả tạo: Khi các bên giao kết hợp đồng một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng khác thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng bị che dấu cũng vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
Thứ tư, do bị nhầm lẫn: Một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng mà giao kết thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của hợp đồng đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Thứ năm, do bị lừa dối đe dọa, cưỡng ép: Đe dọa là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải giao kết và thực hiện hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Khi một bên giao kết hợp đồng do bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu.
Thứ sáu, do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi: Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã giao kết hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu.
Thứ bảy, do không tuân thủ quy định về hình thức: Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, vấn đề tranh chấp trong thương mại có xu hướng gia tăng theo từng năm, trong đó, năm 2022, mua bán hàng hóa tiếp tục là lĩnh vực có số vụ tranh chấp thụ lý và giải quyết cao nhất tại VIAC với tỷ lệ 37,5%[8]/tổng số vụ. Theo tổng kết công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động mà Tòa án thụ lý có 444.402 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 386.944 vụ việc[9], trong lĩnh vực kinh doanh thương mại có 4.704 bản án, quyết định được công bố[10].
Có thể nói, hợp đồng vô hiệu nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu nói riêng là hợp đồng không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 mới chỉ quy định chung về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu mà chưa có quy định rõ ràng, cụ thể cho từng trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu. Điều này gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn, dẫn đến tình trạng xử lý chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước. Trong một số trường hợp, hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu có dấu hiệu tương tự như hợp đồng có hiệu lực, dẫn đến khó khăn trong việc phân biệt. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa quy định chế tài xử lý đối với hành vi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu, dẫn đến việc có thể tạo kẽ hở cho hành vi gian lận, lừa đảo.
Hiện nay, các quy định về hợp đồng thương mại vô hiệu được các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa vận dụng hết sức linh hoạt vào thực tiễn giao kết các hợp đồng, hay nói cách khác, các chủ thể giao kết hợp đồng đã chú trọng hơn đến việc nghiên cứu pháp luật có liên quan, tham khảo sự tư vấn của các luật sư, các trung tâm luật sư, các chuyên gia pháp lý và các luật gia… nên cũng đã phần nào hạn chế các trường hợp hợp đồng thương mại nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng vô hiệu do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các bên chủ thể.
Các trường hợp hợp đồng vô hiệu thường gặp là do không đáp ứng điều kiện kinh doanh và nếu trong thương mại quốc tế có thể thường là đồng tiền thanh toán không phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các quốc gia trên thế giới luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, sự tự do thỏa thuận hợp đồng và tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự do kinh doanh. Do đó, bất cập này đã được các chủ thể trong quá trình kinh doanh khắc phục bằng việc xin và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bổ sung và thỏa thuận lại việc thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thỏa thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá nhưng việc thanh toán vẫn là đồng tiền Việt Nam. Vì vậy, các vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu cũng phần nào được hạn chế.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, cần bổ sung điều khoản định nghĩa hoàn chỉnh về “hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu” và một quy định riêng về điều kiện có hiệu lực hợp đồng mua bán hàng hóa. Hiện nay, các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ căn cứ vào cả quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các quy định chung trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong đó, các quy định về hợp đồng trong lĩnh vực dân sự có tính chất chung, khái quát, chưa thực sự phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa mang tính đặc thù, chuyên biệt. Mặt khác, Luật Thương mại năm 2005 cũng có nhiều quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa trùng với quy định liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, theo tác giả, cần quy định riêng các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu, không nên đưa vào quy định chung trong Bộ luật Dân sự năm 2015 để tránh việc trùng lặp, chồng chéo các quy định pháp luật, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật của các chủ thể của hợp đồng cũng như các cơ quan nhà nước có thầm quyền trong việc áp dụng luật để giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu.
Thứ hai, cần sửa đổi khái niệm “thương nhân” trong Luật Thương mại năm 2005 cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và quy định pháp luật hiện hành theo hướng thương nhân là chủ thể hoạt động thương mại hợp pháp, thường xuyên, độc lập nhằm mục đích sinh lợi[11]. Theo Điều 6 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân phải đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, Điều 7 Luật Thương mại năm 2005 lại quy định, trong trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật là có sự mâu thuẫn, chưa phù hợp. Bởi lẽ, khi chưa đăng ký kinh doanh thì tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại chưa được coi là thương nhân. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp năm 2020[12] định nghĩa thương nhân là các cá nhân, tổ chức kinh doanh những ngành, nghề chưa đăng ký kinh doanh thì chỉ cần thông báo về ngành, nghề kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh thì vẫn xác định là thương nhân. Quy định pháp luật như vậy là chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho các bên chủ thể của hợp đồng và việc áp dụng pháp luật của cơ quan có thầm quyền khi xem xét các hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu.
Thứ ba, cần tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các chủ thể của hợp đồng hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật khi ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, tránh rơi vào trường hợp hợp đồng vô hiệu gây tổn thất cho các bên chủ thể của hợp đồng, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thông qua việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, khóa học và cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật dễ hiểu, dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức pháp luật mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ thuộc cơ quan có thẩm quyền khi xem xét, giải quyết các vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi lợi dụng hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu để trục lợi./.
TS. Bùi Thị Long & nhóm sinh viên
Đại học Quy Nhơn
[1]. Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường Đại học Quy Nhơn với mã số S202387937, nhóm sinh viên thực hiện: Lê Thị Hồng Nhung (Lớp Luật 44B) và Trần Thị Kim Liền (Lớp Luật 44A).
[2]. https://luatduonggia.vn/khai-niem-dac-diem-va-noi-dung-cua-hop-dong-mua-ban-hang-hoa/, truy cập ngày 01/3/2024.
[3]. Đinh Ngọc Thương (2016), Hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh thương mại vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Luật học.
[4]. Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005.
[5]. Phụ lục IA, phụ lục IIA và phụ lục IIIA ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
[6]. Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7]. Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[8]. Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), “Thống kế hoạt động giải quyết tranh chấp năm 2022”, https://www.viac.vn/thong-ke/thong-ke-hoat-dong-giai-quyet-tranh-chap-nam-2022-s40.html, truy cập ngày 06/3/2024.
[9]. Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, https://capcaodanang.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-chi-dao-dieu-hanh?dDocName=TAND284234, truy cập ngày 06/3/2024.
[10]. Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, Thống kê công bố bản án các Tòa án năm 2022, https://congbobanan.toaan.gov.vn/6tatcvn/Thong-ke, truy cập ngày 07/3/2024.
[11]. Trần Văn Biên (2023), Hợp đồng thương mại vô hiệu theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hòa Bình, Số 07, Tháng 3/2023.
[12]. Điều 31 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 401), tháng 3/2024)