Tóm tắt: Bài viết đề cập một số vấn đề lý luận chung và phân tích quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về hợp đồng theo mẫu, để chỉ ra những bất cập và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Abstract: The article mentions some general theoretical issues and analyzes the current Vietnamese legal provisions on model contracts, to point out inadequacies and proposes some recommendations to improve the law.
1. Nhận diện hợp đồng theo mẫu
Dưới góc độ pháp lý, pháp luật của các quốc gia khác nhau sử dụng nhiều tên gọi để nhận dạng hợp đồng theo mẫu như: Hợp đồng tiêu chuẩn, hợp đồng hàng loạt, hợp đồng gia nhập… Các tên gọi trên phần nào đã thể hiện các đặc điểm cơ bản, quan trọng của loại hợp đồng này. Theo Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp - Việt thì hợp đồng theo mẫu (Contrat-type) là một dạng của hợp đồng trong đó loại trừ mọi sự đàm phán[1].
Ở Việt Nam, hợp đồng theo mẫu được ghi nhận là “hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”[2]. Cũng theo cách tiếp cận này, ngoài những đặc điểm chung của hợp đồng thì hợp đồng theo mẫu còn có thể được nhận diện bởi một số dấu hiệu đặc trưng sau:
Thứ nhất, tất cả các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu đều do một bên đưa ra. Thông thường, các bên sẽ cùng nhau thỏa thuận về việc xây dựng, sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng nhưng toàn bộ nội dung của hợp đồng theo mẫu đều do người cung cấp hàng hoá, dịch vụ soạn sẵn.
Thứ hai, người tiêu dùng hay bên được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu tham gia vào loại hợp đồng này theo nguyên tắc chọn hoặc bỏ (take it or leave it). Họ không có quyền thỏa thuận hay sửa đổi các nội dung trong hợp đồng theo mẫu mà chỉ có thể chọn đồng ý với tất cả nội dung của hợp đồng và tiến hành giao kết hoặc từ chối giao kết hợp đồng đó.
Thứ ba, hợp đồng theo mẫu thường có tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa cao. Do nhu cầu sử dụng lâu dài và rộng rãi với nhiều khách hàng, đối tác nên khi xây dựng hợp đồng theo mẫu, bên đưa ra hợp đồng cần nghiên cứu cẩn thận, tỉ mỉ nội dung, tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia để có một hợp đồng tốt nhất. Ngoài ra, để có thể đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nội dung của hợp đồng cũng phải được chuẩn hóa. Hình thức của hợp đồng theo mẫu cũng được bên đưa ra hợp đồng đặc biệt quan tâm, bởi hình thức đẹp, chuyên nghiệp sẽ tạo niềm tin cho khách hàng trong quá trình giao kết.
Thứ tư, do đã được chuẩn hóa cả về nội dung và hình thức, nên hợp đồng theo mẫu ít bị thay đổi và được sử dụng trong thời gian dài dẫn đến chúng có tính ổn định cao. Mặt khác, hợp đồng theo mẫu chỉ được sử dụng khi bên đưa ra hợp đồng đã công khai hợp đồng thông qua việc đăng ký[3] với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các hình thức công khai khác. Để có thể thay đổi nội dung của hợp đồng đã được đăng ký, bên đưa ra hợp đồng phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được áp dụng với hợp đồng theo mẫu một cách tương đối. Việc xác lập, sửa đổi, thực hiện hay chấm dứt hợp đồng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản là mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng; các bên thiện chí, trung thực trong giao kết, thực hiện hợp đồng; tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng; việc xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; đặc biệt là nguyên tắc tự do ý chí, tự nguyên cam kết, thoả thuận[4]. Với hợp đồng theo mẫu, bên đưa ra hợp đồng và bên được đề nghị giao kết hợp đồng không bình đẳng do chỉ có bên đưa ra hợp đồng được quyết định nội dung của hợp đồng. Sự tự do ý chí, tự nguyện cam kết, thỏa thuận cũng chỉ thể hiện một cách hạn chế. Theo đó, bên được đề nghị giao kết hợp đồng không được tự do bày tỏ ý kiến liên quan đến việc thay đổi bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng trước và sau khi giao kết mà chỉ tự do ý chí trong việc quyết định mình có tham gia hay không tham gia giao kết hợp đồng này.
2. Một số bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng theo mẫu
Thứ nhất, mâu thuẫn trong việc nhận diện hợp đồng theo mẫu.
Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận hợp đồng theo mẫu là “hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 lại tiếp cận hợp đồng theo mẫu là “hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng” (khoản 5 Điều 3). Cách tiếp cận của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là chưa phù hợp, bởi vì, không phải bất cứ hợp đồng nào do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn thảo đều là hợp đồng theo mẫu. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh soạn thảo trước hợp đồng nhưng khách hàng vẫn có quyền đàm phán, sửa đổi nội dung thì hợp đồng này là hợp đồng soạn sẵn, không phải là hợp đồng theo mẫu. Định nghĩa hợp đồng theo mẫu khác nhau tại các văn bản pháp luật dẫn đến hệ quả là các chủ thể khó tiếp cận và có cách nhận diện hợp đồng theo mẫu không thống nhất. Đặc biệt, định nghĩa hợp đồng theo mẫu tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sẽ không giới hạn được phạm vi các hợp đồng được coi là hợp đồng theo mẫu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Việc vi phạm các quy định về soạn thảo, thực hiện hợp đồng theo mẫu có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý bất lợi như hợp đồng bị hủy bỏ, không đăng ký hợp đồng theo mẫu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính[5]…
Thứ hai, bất cập trong quy định công khai, đăng ký hợp đồng theo mẫu.
Hiện nay, quy định về công khai hợp đồng theo mẫu còn mơ hồ, thiếu cụ thể. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng[6]. Quy định bắt buộc công khai hợp đồng theo mẫu là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung cần công khai và những hình thức công khai nào là đúng quy định pháp luật. Đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những cách công khai hiệu quả nhất và có căn cứ pháp lý rõ ràng. Hiện nay, pháp luật quy định tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi áp dụng hợp đồng[7]. Theo Điều 9 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 29/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu trong trường hợp hợp đồng theo mẫu áp dụng trên phạm vi cả nước hoặc áp dụng trên phạm vi từ hai tỉnh trở lên, Sở Công Thương chịu trách nhiệm tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu trong trường hợp hợp đồng theo mẫu áp dụng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký, hợp đồng theo mẫu được công bố công khai và lưu trữ trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký. Theo cách quy định trên thì hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục thiết yếu phải công khai nhưng không cần đăng ký với cơ quan nhà nước thì cần có hình thức công khai như thế nào? Theo tác giả, có một số hình thức tự công khai như: Đăng trên website của doanh nghiệp, đặt bản hợp đồng mẫu công khai tại trụ sở doanh nghiệp, công khai qua một bên thứ ba… Tuy nhiên, các cách thức này đều phát sinh rủi ro vì bên đưa ra hợp đồng trực tiếp quản lý nên vẫn có cơ hội để chỉnh sửa, thay đổi hợp đồng. Mặt khác, dù hợp đồng đã được công khai nhưng không có cơ chế bảo đảm các bên không thể thay đổi nội dung của hợp đồng. Nếu các bên vẫn có thể sửa đổi hợp đồng thì một trong những đặc tính cơ bản của hợp đồng theo mẫu không được bảo đảm.
Thứ ba, danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu còn chưa hợp lý.
Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg), Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg (Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg), Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg ngày 05/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg (Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg) và Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg ngày 13/8/2019 sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg (Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg), có 09 loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Cụ thể đó là: Cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sinh hoạt; truyền hình trả tiền; dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán trả sau); dịch vụ truy nhập internet; vận chuyển hành khách đường hàng không; vận chuyển hành khách đường sắt; mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp. Hai dịch vụ là phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) và bảo hiểm nhân thọ được thêm vào danh mục theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg nhưng sau đó lần lượt Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg bãi bỏ cho thấy việc đánh giá hàng hoá, danh mục cần thêm vào danh mục chưa có tính dự báo.
Quy định danh mục như trên còn có một số hạn chế như sau:
(i) Không phải hàng hóa, dịch vụ nào trong Danh mục trên cũng là thiết yếu. Luật Giá năm 2012 quy định, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Nếu đối chiếu với Danh mục hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu ở trên thì có thể thấy có những nhu cầu thực sự thiết yếu với con người như sử dụng điện, nước; nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó, những hàng hóa, dịch vụ như internet, dịch vụ di động, mua chung cư, vay vốn, mua bảo hiểm nhân thọ là những nhu cầu không thể thiếu mà chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Trong lĩnh vực vận tải hành khách, Việt Nam có dịch vụ vận tải bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Trong đó, nhu cầu đi lại bằng đường bộ là lớn hơn so với đường hàng không. Vậy chỉ quy định vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là chưa phù hợp.
(ii) Theo tác giả, đặc điểm chung lớn nhất của các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục kể trên là tính phổ biến, có số lượng người dùng lớn trên phạm vi cả nước. Vì vậy, cần phải lấy tính phổ biến và số lượng người sử dụng lớn để nói về những hàng hoá, dịch vụ trên mà không phải là tính thiết yếu.
Thứ tư, giải thích hợp đồng theo mẫu.
Khoản 2 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng ghi nhận trường hợp có cách hiểu khác nhau về nội dung của hợp đồng thì giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Quy định trên là cần thiết, bởi lẽ bên tạo ra hợp đồng theo mẫu thường tìm cách lược bỏ những điều khoản có lợi cho bên kia và thay vào đó là những điều khoản có lợi cho mình hoặc những điều khoản “lập lờ” nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý làm người tiêu dùng hiểu sai nội dung hợp đồng. Mặt khác, bên được đề nghị giao kết hợp đồng không có quyền đàm phán sửa đổi nội dung hợp đồng nên cũng ít nghiên cứu sâu, nhiều người không đọc nội dung hợp đồng vẫn ký kết. Các quy định trên đều hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đưa phần bất lợi về bên đưa ra hợp đồng khi giải thích hợp đồng để buộc họ phải xây dựng hợp đồng theo mẫu theo hướng rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu.
Thứ năm, điều khoản vô hiệu trong hợp đồng theo mẫu.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 405 thì: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Đây cũng là một quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng, người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định này tồn tại hai bấp cập cụ thể sau:
- Không xét đến mức độ, phạm vi, giới hạn của các điều khoản miễn trách nhiệm, tăng trách nhiệm mà quy định bất cứ điều khoản nào có nội dung như vậy đều bị vô hiệu. Thực tế, trong nhiều trường hợp việc miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng và hạn chế quyền của bên giao kết là hoàn toàn chính đáng và hợp lý, ví dụ như điều khoản miễn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ trong trường hợp khách quan như gặp sự cố về thiên tai, dịch bệnh… Vì vậy, việc phủ nhận tuyệt đối quyền đưa ra các điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên chấp nhận hợp đồng là chưa phù hợp.
- Bất cập thứ hai của quy định này là thêm “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” ở phía cuối. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng được soạn sẵn, bên được đề nghị giao kết hợp đồng chỉ có thể thể hiện ý chí của mình trong việc có giao kết hay không giao kết mà không được sửa đổi nội dung, thêm các ý kiến khác. Thực tế, các bên cũng không xác lập phụ lục hợp đồng hay các văn bản khác với nội dung như: “Bên mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ đồng ý với những điều khoản bất lợi về miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của mình”. Vì vậy, các bên không thể đưa ra thỏa thuận khác và cũng không có cơ sở để xác định các bên có thỏa thuận. Do đó, quy định về thỏa thuận khác trong trường hợp này là không cần thiết và không có tính khả thi.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo mẫu
Thứ nhất, cần thống nhất định nghĩa hợp đồng theo mẫu trong các văn bản pháp luật. Theo đó, nên áp dụng thống nhất về hợp đồng theo mẫu theo quy định tại Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015, vì định nghĩa này là đầy đủ, phù hợp pháp luật Việt Nam hiện hành. Cần sửa đổi định nghĩa về hợp đồng theo mẫu tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ hai, sửa đổi nội dung về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Theo tác giả, nên sửa tên danh mục thành “Danh mục hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu”, bỏ cụm từ “thiết yếu” đang được sử dụng. Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi danh mục hàng hóa, dịch vụ theo hướng hợp lý hơn, thêm những hàng hóa, dịch vụ phổ biến khác như dịch vụ vận tải hành khách đường bộ vào danh mục này.
Thứ ba, cần sửa đổi quy định về công khai và đăng ký hợp đồng theo mẫu. Cụ thể, cần quy định tất cả các hợp đồng theo mẫu đều phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và áp dụng chung một trình tự, thủ tục đăng ký dù đó là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hay không bởi chỉ có việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới bảo đảm tính công khai của hợp đồng theo mẫu. Ngoài ra, vẫn phải áp dụng đồng bộ những biện pháp công khai khác như doanh nghiệp có sử dụng website thì phải đăng tải trên website của doanh nghiệp mình.
Thứ tư, sửa đổi quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu, cụ thể là khoản 6 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 về giải thích hợp đồng. Theo đó, sửa quy định “trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia” thành “trường hợp bên đưa ra hợp đồng theo mẫu có điều khoản vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích chính đáng của bên chấp nhận hợp đồng thì phải giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên chấp nhận hợp đồng”. Sửa đổi như vậy sẽ tránh được trường hợp bên soạn thảo không phải một trong hai bên trực tiếp giao kết hợp đồng và tránh được việc nhìn nhận những “nội dung bất lợi” một cách phiến diện mà phải đặt chúng trong mối tương quan với toàn bộ nội dung khác của hợp đồng để xem điều khoản đó có vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích chính đáng của bên chấp nhận giao kết hay chưa.
Thứ năm, sửa đổi quy định về điều khoản vô hiệu trong hợp đồng theo mẫu. Cụ thể sửa quy định về điều khoản vô hiệu thành: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm của bên chấp nhận hợp đồng một cách không hợp lý, làm ảnh hưởng hoặc mất quyền và lợi ích chính đáng của bên chấp nhận hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực”. Cách quy định này vừa có thể xem xét mức độ, phạm vi và giới hạn của các điều khoản miễn trách nhiệm, cho phép sử dụng điều khoản đó một cách hợp lý vừa bỏ quy định “trừ trường hợp có thoả thuận khác” chưa phù hợp.
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp - Việt (2009), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 192.
[2]. Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[4]. Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 49 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[6]. Khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7]. Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 29/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.