Tóm tắt: Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia và đang tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do, yêu cầu sửa đổi các quy định về hợp đồng thương mại nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và các cam kết quốc tế đang trở nên cấp bách. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích thực trạng pháp luật về hợp đồng thương mại, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Abstract: In the context that Vietnam has joined and is negotiating free trade agreements, it is required to amend regulations on commercial contracts to be consistent with the 2015 Civil Code and international commitments becoming urgent. Within the scope of this article, the author focuses on analyzing the legal status of commercial contracts, thereby proposing some solutions to improve the law on this issue.
1. Sự cần thiết sửa đổi các quy định về hợp đồng thương mại
Sau gần 20 năm thi hành, Luật Thương mại năm 2005 đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động kinh tế, thương mại và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, mở rộng tự do hóa thương mại, “làn sóng” ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang trở nên mạnh mẽ trên khắp thế giới và trở thành một xu thế tất yếu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực, tích cực tham gia ký kết nhiều hiệp định FTA, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới, có khoảng 300 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các hiệp định này có thể được thực hiện giữa hai nước riêng lẻ hoặc có thể đạt được giữa một khối thương mại và một quốc gia. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết được 15 hiệp định FTA, điển hình như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam; Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc… Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định FTA, góp phần mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đi liền với đó là những thách thức đòi hỏi nước ta sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển, hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Thương mại đáp ứng, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như phát triển kinh tế trong nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm tới.
Hợp đồng thương mại là dạng đặc thù của hợp đồng dân sự nên hợp đồng thương mại mang những đặc điểm cơ bản của hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, do phát sinh trong quan hệ thương mại nên hợp đồng thương mại còn có những đặc thù so với hợp dồng dân sự thuần túy. Những điểm đặc thù này gắn liền với lĩnh vực phát sinh quan hệ hợp đồng, thành phần chủ thể, mục đích của hợp đồng và tính đền bù của hợp đồng trong thương mại. Có thể nói, hợp đồng thương mại là cơ sở pháp lý giúp các bên thực hiện hoạt động thương mại, cam kết thực hiện các thỏa thuận và nghĩa vụ mà các bên đã đặt ra và là cơ sở bảo vệ lợi ích cho các bên khi có tranh chấp xảy ra. Hiện nay, Luật Thương mại năm 2005 là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định về vấn đề liên quan đến việc thực hiện hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các quy định về hợp đồng thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế nhất định: Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành làm cho một số quy định về hợp đồng thương mại chưa thống nhất, đồng bộ với quy định về hợp đồng dân sự, chưa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc của pháp luật dân sự, trong đó nguyên tắc tôn trọng tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận được xác định là nền tảng của hợp đồng thương mại; bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập và pháp luật, tập quán thương mại quốc tế; bảo đảm tính minh bạch nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhưng không làm cản trở cho hoạt động thương mại hợp pháp. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực có liên quan, trong đó có Luật Thương mại năm 2005. Trong bối cảnh đó, dễ dàng nhận thấy một số quy định trong Luật Thương mại năm 2005 trùng lặp hoặc mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 như: Quy định liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa, gia công trong thương mại, cho thuê hàng hóa, đấu giá hàng hóa, xử lý hành vi vi phạm hợp đồng... Do vậy, cần sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình tự do hóa thương mại.
2. Một số vướng mắc, bất cập về hợp đồng thương mại theo quy định pháp luật hiện hành
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 thì chủ thể của hợp đồng thương mại phải có ít nhất một bên là thương nhân, đây là chủ thể bắt buộc trong hợp đồng thương mại. Qua thực tiễn thi hành cho thấy, quy định này không còn phù hợp, khái niệm “thương nhân” hiện chưa bao quát được nhiều hoạt động ở khu vực “phi chính thức” cũng nhằm mục đích sinh lợi nhưng hoạt động thường xuyên như buôn bán ô tô, bất động sản… Bên cạnh đó, với quy định yêu cầu thương nhân phải có đăng ký kinh doanh cũng không còn phù hợp bởi quy định này cũng đang bỏ sót các chủ thể hoạt động thương mại nhưng không đăng ký kinh doanh. Như vậy, vô hình trung sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này như công tác quản lý thuế thu nhập của các thương nhân có phát sinh thu nhập; bảo vệ quyền lợi cho người mua, người bán, trung gian thương mại...
Bên cạnh đó, bất cập trong khái niệm “thương nhân” cũng đã dẫn đến thực tế là Luật Thương mại năm 2005 chỉ điều chỉnh đối với hợp đồng thương mại có ít nhất một bên là thương nhân, những trường hợp còn lại thì theo sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật chuyên ngành khác. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn trong quy định của Luật Thương mại năm 2005 với Bộ luật Dân sự năm 2015 về phạt vi phạm hợp đồng; mâu thuẫn với quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về phạm vi điều chỉnh. Như vậy, pháp luật thương mại đã có sự mâu thuẫn so với các luật khác trong cùng hệ thống pháp luật quốc gia, dẫn đến việc tham chiếu với quy định của các hiệp định FTA thế hệ mới càng trở nên khó khăn hơn khi đàm phán, ký kết, thi hành các hiệp định FTA hay nội luật hóa quy định của các hiệp định FTA trong lĩnh vực thương mại.
Thứ hai, một số quy định của Luật Thương mại năm 2005 về hợp đồng mua bán hàng hóa còn tồn tại một số bất cập đã và đang gây cản trở nhất định tới việc lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam trong thực tiễn hoạt động thương mại như:
- Theo Điều 62 Luật Thương mại năm 2005 quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa thì trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thoả thuận, quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao. Như vậy, có thể hiểu rằng, khi hàng xuống cảng thì đã mặc nhiên được coi là chuyển quyền sở hữu cho người mua hàng, theo tác giả, điều này gây bất lợi cho bên mua và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi, theo thông lệ quốc tế, hàng hóa được chuyển quyền sở hữu cho người mua kể từ khi người này nhận được các chứng từ định đoạt về hàng hóa.
- Theo Điều 61 Luật Thương mại năm 2005 quy định về thời điểm chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng. Quy định này cho phép xác định thời điểm rủi ro được chuyển sang người mua trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn thì quy định này chưa thực sự phù hợp bởi rủi ro có thể phát sinh kể từ thời điểm hàng hóa không còn nằm trong tầm kiểm soát của người bán, tức là thời điểm hàng hóa được người bán giao cho người vận chuyển và rất có thể hàng hóa bị hư hỏng trước thời điểm ký kết hợp đồng. Như vậy, vô hình trung đã bỏ qua vai trò của người vận chuyển hàng hóa khiến bên mua dễ bị nhận rủi ro về hàng hóa.
Thứ ba, hiện nay, đối với hợp đồng dân sự thông thường thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, còn đối với hợp đồng thương mại thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm… Có thể thấy rằng, việc Luật Thương mại năm 2005 vẫn giữ quy định về giới hạn mức phạt vi phạm 8% như trên là chưa thực sự hợp lý bởi hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, quy định trên phần nào hạn chế sự tự do thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng.
Thứ tư, theo Điều 307 Luật Thương mại năm 2005, chế tài phạt vi phạm có thể áp dụng đồng thời với chế tài buộc bồi thường thiệt hại, hay nói cách khác, việc áp dụng chế tài phạt vi phạm không làm mất quyền áp dụng chế tài buộc bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, nội dung này đã được ghi nhận trong Điều 316 Luật Thương mại năm 2005: “Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác”. Do đó, việc đặt ra một điều luật riêng để điều chỉnh mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như trong Điều 307 là không cần thiết. Không những thế, nội dung của Điều 307 lại chưa hoàn chỉnh, không đề cập đến căn cứ áp dụng của chế tài buộc bồi thường thiệt hại nên gây lúng túng khi áp dụng.
Thứ năm, có sự mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 trong quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Vi phạm nghĩa vụ thanh toán là hành vi vi phạm tương đối phổ biến trong các hợp đồng thương mại. Chính vì vậy, các bên chủ thể của hợp đồng rất quan tâm đến thỏa thuận lãi suất trong trường hợp chậm thanh toán. Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại mà không bị giới hạn mức tối đa. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán nhưng không được vượt quá 20%/năm. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 được coi là luật gốc điều chỉnh quan hệ hợp đồng, trong đó có khống chế mức lãi suất các bên được phép thỏa thuận thì việc thỏa thuận vượt quá mức lãi suất này trong hợp đồng thương mại có thực sự phù hợp hay không?
3. Giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại
Để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quy định về hợp đồng thương mại trong Luật Thương mại năm 2005, tác giả kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, nghiên cứu sửa khái niệm “thương nhân” theo hướng, thương nhân là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên; thương nhân bao gồm thương nhân đăng ký kinh doanh và thương nhân thực tế (không đăng ký kinh doanh nhưng thực hiện hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên trên thị trường).
Hai là, đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của người vận chuyển theo các hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia ký kết. Về vấn đề này, cần nghiên cứu sửa đổi để pháp luật thương mại Việt Nam phù hợp với Công ước Viên năm 1980, theo đó, thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm hàng hóa được giao cho người chuyên chở là người đã phát hành chứng từ xác nhận hợp đồng vận chuyển. Trừ trường hợp lúc ký kết hợp đồng mua bán, người bán đã biết hoặc bắt buộc phải biết, không thể không biết rằng hàng hóa đã bị mất mát hay hư hỏng nhưng không thông báo cho người mua. Như vậy, việc phát sinh rủi ro hàng hoá có thể từ người bán, người mua hoặc người chuyên chở chứ không phải chỉ có người mua và người bán.
Ba là, bổ sung quy định để thống nhất cách hiểu về thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm, mức phạt vi phạm trong quy định của Luật Thương mại năm 2005. Theo quan điểm của tác giả, thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và không nhất thiết phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, không nên quy định giới hạn của mức phạt vi phạm mà nên để các bên tự do thỏa thuận. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất trong quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 về mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Bốn là, như đã phân tích ở phần trên, việc đặt ra một điều luật riêng để điều chỉnh mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại như trong Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 là không cần thiết, vì vậy, tác giả đề xuất bãi bỏ Điều 307 của Luật này.
Năm là, bổ sung những quy định cụ thể về giao kết hợp đồng điện tử như khái niệm “đề nghị giao kết hợp đồng điện tử”, thời hạn có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng điện tử; bổ sung quy định về chủ thể hợp đồng mua bán doanh nghiệp, hình thức hợp đồng mua bán doanh nghiệp đối với các thương vụ mua bán doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, không phải là doanh nghiệp trong lĩnh vực đặc thù. Ngoài ra, cần đa dạng nhiều loại hình thức hợp đồng thương mại nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân trong giao kết hợp đồng và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Bên cạnh đó, Luật Thương mại năm 2005 cần bổ sung quy định rõ ràng về hình thức của hợp đồng môi giới thương mại, nên cho phép các bên có quyền tự quyết định hình thức của hợp đồng dưới dạng văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương văn bản. Đối với hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa, cần quy định rõ trường hợp bên nhận ủy thác không làm theo đúng sự chỉ dẫn của bên ủy thác nhưng mang lại lợi ích kinh tế cho bên ủy thác sẽ giải quyết như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên. Đối với hợp đồng đại lý thương mại, cần bổ sung quy định cho phép bên đại lý có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân để phù hợp với thực tiễn thực hiện hoạt động thương mại này.
Sáu là, Luật Thương mại năm 2005 cần bổ sung quy định rõ ràng về việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, theo đó, Luật cần quy định lãi suất chậm thanh toán mà các bên được áp dụng trong hợp đồng thương mại phù hợp với quy định với Bộ luật Dân sự năm 2015.
Có thể nói, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam thì việc tham gia vào các hiệp định FTA tiêu chuẩn cao được xem là cơ hội để rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật tiệm cận hơn với xu hướng thương mại quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải được xem xét kỹ lưỡng cả về nội dung và tầm nhìn, đặc biệt là việc xác định được những rủi ro thương mại có thể phát sinh, đề ra cơ chế, giải pháp đối với các vấn đề pháp lý mới đặt ra trong quan hệ thương mại. Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng tương thích của pháp luật Việt Nam và cơ chế bảo đảm thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại đóng vai trò hết sức quan trọng. Việt Nam phải bảo đảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp để phát triển trong sự ràng buộc bởi các cam kết mở cửa thị trường cũng như các hiệp định đã, đang và sẽ đàm phán. Khi các vấn đề này được hoàn thiện theo hướng giải pháp sẽ là điều kiện cần thiết để giúp hoạt động thương mại được diễn ra hiệu quả, đáp ứng với các yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng thương mại hiện nay ở Việt Nam là cần thiết, nhằm thúc các hoạt động của thương nhân, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, thúc đẩy sự hội nhập kinh tế của các thương gia trong nền kinh tế thế giới.
TS. Lê Minh Thái
Khoa Luật, Đại học Văn Lang
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023