Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng pháp luật về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam và một số quốc gia, từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam.
Abstract: The article focuses on studying the current legal status of commercial franchising in Vietnam and some countries, thereby proposing solutions to improve the Commercial Law of 2005 and legal documents related to franchise operations in Vietnam.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, hình thức sơ khai của lối kinh doanh nhượng quyền thương mại (NQTM) đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17 - 18 tại châu Âu và được chính thức thừa nhận khởi nguồn, phát triển là tại Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19. NQTM có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ kinh tế, NQTM là một hoạt động thương mại nhằm mở rộng hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ của các thương nhân thông qua việc chia sẻ quyền kinh doanh trên một thương hiệu, bí quyết kinh doanh cho một thương nhân khác[1]. Dưới góc độ pháp lý, NQTM là một hoạt động thương mại, theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện theo luật định[2].
1. Thực trạng pháp luật về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
1.1. Quy định về hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra một định nghĩa chính thức nào về hợp đồng NQTM. Tuy nhiên, về cơ bản, định nghĩa hợp đồng NQTM đã được phản ánh thông qua khái niệm về hoạt động NQTM được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005[3].
Mặc dù vậy, hợp đồng NQTM là một loại hợp đồng có nhiều nét tương đồng, dễ gây nhầm lẫn với nhiều loại hợp đồng khác như li-xăng, chuyển giao công nghệ, đại lý… Việc không có một khái niệm chính thức, rõ ràng về hợp đồng NQTM theo pháp luật sẽ khiến cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn, thiếu minh bạch. Ví dụ, khi bị từ chối đăng ký NQTM, có tình trạng các doanh nghiệp lách luật bằng cách ký kết “hợp đồng đại lý” với đối tác, theo đó, trong hợp đồng sẽ có thỏa thuận cho phép đối tác sử dụng phương thức kinh doanh và thương hiệu của mình[4].
Về vấn đề khái niệm hợp đồng NQTM, trong Quy chế số 4087/88 của Hội đồng Kinh tế châu Âu hướng dẫn áp dụng Điều 85 (3) về ngoại lệ của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong quan hệ NQTM, Điều 3 (1) (b) quy định: “Hợp đồng NQTM là một thỏa thuận, trong đó, một bên là bên nhượng quyền cấp phép cho một bên khác là bên nhận quyền khả năng khai thác một “quyền thương mại” nhằm mục đích xúc tiến thương mại đối với một loại sản phẩm hoặc dịch vụ đặc thù để đổi lại một khoản thu tài chính. Hợp đồng này phải quy định những nghĩa vụ tối thiểu của các bên, liên quan tới: (i) Việc sử dụng tên thông thường hoặc dấu hiệu của cửa hàng hoặc một cách thức chung; (ii) Việc trao đổi công nghệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền; (iii) Việc tiếp tục thực hiện của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền trong việc trợ giúp, hỗ trợ thương mại cũng như kỹ thuật trong suốt thời gian hợp đồng nhượng quyền thương mại còn hiệu lực”. Có thể thấy, pháp luật Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một khái niệm về NQTM khá chi tiết và đầy đủ.
1.2. Quy định về đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Đối tượng của NQTM hay đối tượng được chuyển giao trong hợp đồng NQTM là quyền thương mại thuộc sở hữu của bên nhượng quyền, bao gồm một tập hợp các yếu tố sở hữu trí tuệ và các yếu tố khác tích hợp lại thành một chỉnh thể thống nhất không thể tách rời nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh dưới một hệ thống nhận diện thương mại độc đáo, riêng biệt[5].
Trong hệ thống pháp luật về NQTM, các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ đóng vai trò như một bộ phận có chức năng giúp xác định rõ ràng các yếu tố cấu thành quyền thương mại với tư cách là đối tượng của hợp đồng NQTM, cũng như là ranh giới, phạm vi của các yếu tố đó. Phù hợp với định hướng của cơ sở lý luận này, các nhà làm luật tại Việt Nam đã sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là nhãn hiệu, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh và một số yếu tố khác thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ để làm rõ khái niệm quyền thương mại trong quan hệ NQTM. Cụ thể, trước hết, khái niệm về quyền thương mại trong hoạt động NQTM được giải thích một cách khái quát tại khoản 1 Điều 285 Luật Thương mại năm 2005, không định nghĩa trực tiếp quyền thương mại là gì mà định nghĩa một cách gián tiếp bằng việc mô tả hoạt động cung ứng sản phẩm của bên nhượng quyền. Sau đó, khái niệm quyền thương mại được gọi tên và định nghĩa một cách cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP). Dù đã sử dụng những khái niệm của pháp luật về sở hữu trí tuệ để làm rõ khái niệm nhượng quyền thương mại, tuy nhiên, hai cách định nghĩa về quyền thương mại tại Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP nói trên vẫn chưa thể xác định một cách chính xác khái niệm về quyền thương mại với tư cách là đối tượng của quan hệ NQTM, cụ thể:
Thứ nhất, nội dung của đối tượng chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chưa bao hàm đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và các yếu tố sở hữu trí tuệ khác[6] cấu thành nên quyền thương mại mà các thương nhân trong hệ thống nhượng quyền chuyển giao cho nhau[7].
Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP đều thống nhất bộ phận cấu thành của quyền thương mại bao gồm: (i) Nhãn hiệu; (ii) Tên thương mại; (iii) Khẩu hiệu kinh doanh; (iv) Biểu tượng kinh doanh và quảng cáo của bên nhượng quyền. Trong khi đó, trên thực tế, các bộ phận cấu thành quyền thương mại còn có thể bao gồm các đối tượng khác của các quyền sở hữu trí tuệ như kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm, vật liệu nhân giống, vật liệu thu hoạch.
Khác với Việt Nam, pháp luật EU về nhượng quyền thương mại có ghi nhận quyền tác giả và kiểu dáng công nghiệp trong định nghĩa về đối tượng của NQTM. Cụ thể, trong Quy chế số 4087/88 của Hội đồng Kinh tế châu Âu hướng dẫn áp dụng Điều 85 (3) về ngoại lệ của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong quan hệ NQTM, Điều 3 (1) (a) quy định: “Franchise[8] là một gói quyền công nghiệp và sở hữu trí tuệ có mối quan hệ với nhãn hiệu, tên thương mại, biển hiệu, mô hình hữu ích, kiểu dáng, quyền tác giả, bí quyết, sáng chế, sẽ được khai thác để bán lại hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng”.
Trong thực tiễn, tồn tại những quan hệ NQTM trong những lĩnh vực mà ở đó, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong quyền thương mại chưa được nhắc đến tại Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP. Cụ thể:
- Trên thực tế, có ghi nhận sự tồn tại của các hệ thống NQTM thời trang như: Hệ thống nhượng quyền thời trang Witch[9], hệ thống nhượng quyền thời trang Thocahouse[10], hệ thống nhượng quyền thời trang OnOff[11]. Trong lĩnh vực thời trang, các thiết kế của sản phẩm, với tư cách là các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố trên, chúng sẽ tồn tại dưới hình thức tác phẩm hoặc kiểu dáng công nghiệp và được bảo hộ bởi quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, kiểu dáng công nghiệp hay tác phẩm vẫn chưa phải là một bộ phận cấu thành của quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam. Điều này có thể dẫn tới thực trạng, các quan hệ NQTM trong lĩnh vực thời trang luôn luôn đứng trước rủi ro vi phạm pháp luật và các tài sản trí tuệ của bên nhượng quyền sẽ không được bảo vệ. Ngoài ra, trong mọi quan hệ NQTM, việc bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền các tác phẩm trong tài liệu, văn bản vốn là đối tượng quyền tác giả để hướng dẫn bên nhận quyền kinh doanh, khai thác quyền thương mại của mình là không thể không có và vô cùng quan trọng[12].
- Trong những năm gần đây, thế giới có ghi nhận thị trường nông nghiệp đã bắt đầu sử dụng phương thức NQTM, trong đó, bên nhượng quyền là doanh nghiệp và bên nhận quyền là người nông dân được đánh giá là một đột phá của lĩnh vực nhượng quyền và có thể giải quyết được các vấn đề nông nghiệp của các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam)[13]. Các vấn đề đó bao gồm: Người nông dân không được tiếp cận những phương pháp quản lý, chế biến hiện đại, không được tiếp cận đến những nguyên liệu đầu vào chất lượng cho quá trình canh tác. Doanh nghiệp có thể cho phép người nông dân sử dụng những giống cây trồng tân tiến, có hiệu quả kinh tế cao, đào tạo cho người nông dân về nghiệp vụ quản lý trang trại, cung cấp phương pháp chế biến, chăm sóc nông sản để bảo đảm chất lượng cao và cung cấp cho họ những nguyên liệu bảo đảm chất lượng để sản xuất nông nghiệp[14]. Trong lĩnh vực nông nghiệp, dễ thấy vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch - đối tượng của quyền đối với giống cây trồng - là những yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của một thương vụ kinh doanh nông nghiệp. Tuy nhiên, vật liệu nhân giống hay vật liệu thu hoạch vẫn chưa được ghi nhận là một trong những yếu tố cấu thành quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam. Thực trạng này có thể là một rào cản lớn cho việc hình thành và phát triển những quan hệ NQTM nông nghiệp ở Việt Nam trong tương lai. Nếu vật liệu thu hoạch hoặc vật liệu nhân giống được ghi nhận là một trong những yếu tố cấu thành quyền thương mại thì các nông sản danh tiếng ở Việt Nam như Gạo ST 25 hay giống Ca cao Việt Nam đã góp phần tạo ra Sô-cô-la Marou “ngon nhất thế giới” sẽ được khai thác và phân phối rộng rãi bằng phương pháp NQTM.
Dựa vào pháp luật của EU và thực tiễn, có thể thấy, pháp luật Việt Nam hiện nay đã bỏ sót một số đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ có thể cấu thành quyền thương mại với tư cách là đối tượng của quan hệ NQTM.
Thứ hai, cách định nghĩa quyền thương mại trong Nghị định số 35/2006/NĐ-CP đã có sự nhầm lẫn giữa các yếu tố sở hữu trí tuệ được chuyển giao cấu thành quyền thương mại với việc phân loại các hình thức nhượng quyền thương mại.
Cụ thể, điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP định nghĩa quyền thương mại bằng cách nêu ra quyền của bên nhận quyền được kinh doanh bằng một hệ thống gắn liền với các yếu tố sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu của bên nhượng quyền. Trong khi đó, điểm b, c, d khoản 6 lại quy định về các hình thức nhượng quyền thương mại.
Về vấn đề này, Luật Nhượng quyền thương mại Malaysia năm 1998, khi xây dựng định nghĩa về hợp đồng NQTM và các đối tượng của hợp đồng NQTM đã không quy định hình thức nhượng quyền trong định nghĩa về hợp đồng NQTM và về đối tượng của hợp đồng NQTM[15]. Pháp luật Hà Lan cũng không quy định các hình thức NQTM trong định nghĩa về NQTM[16].
Theo quan điểm của chúng tôi, khái niệm quyền thương mại với tư cách là đối tượng của hợp đồng NQTM không đồng nhất với hình thức NQTM. Bởi lẽ, quyền thương mại là một gói quyền thuộc sở hữu của bên nhượng quyền mà bên này cho bên nhận quyền sử dụng để kinh doanh. Còn hình thức NQTM chỉ đề cập tới cách thức mà các bên trong quan hệ NQTM chuyển quyền thương mại và tìm kiếm lợi nhuận từ nó. Vì vậy, không nên đưa các cách xác định hình thức NQTM vào khái niệm quyền thương mại tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.
Thứ ba, khái niệm bí quyết kinh doanh chưa được giải thích rõ ràng tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào và chưa được sử dụng thống nhất trong các định nghĩa về quyền thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.
Định nghĩa về quyền thương mại tại khoản 1 Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 có sử dụng khái niệm bí quyết kinh doanh nhưng định nghĩa về quyền thương mại tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP không sử dụng khái niệm này. Việc bí quyết kinh doanh không được giải thích và không được sử dụng thống nhất trong các cách định nghĩa của pháp luật về quyền thương mại như vậy có thể khiến cho quyền thương mại - với tư cách là đối tượng của hoạt động NQTM không được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ, dễ bị xâm phạm và gây ảnh hưởng xấu đến sự tồn tại và phát triển của hoạt động thương mại đặc biệt này[17].
Tham khảo Bộ Quy tắc đạo đức về kinh doanh nhượng quyền của châu Âu (Bộ Quy tắc Nhượng quyền châu Âu) do Hiệp hội Nhượng quyền châu Âu ban hành, có thể hiểu, bí quyết (know-how) là tập hợp những thông tin hành nghề, được đúc kết từ kinh nghiệm và sự thử nghiệm của bên nhượng quyền và không được cấp bằng sáng chế. Đây là những thông tin bí mật, quan trọng và xác thực[18].
Bộ Quy tắc Nhượng quyền châu Âu tiếp tục làm rõ những yếu tố nhận diện bí quyết như sau: (i) Bí mật (secret) có nghĩa là bí quyết đó không được biết đến rộng rãi hay dễ dàng tiếp cận, nhưng không nghiêm ngặt đến mức trừ bên nhượng quyền, những doanh nghiệp khác hoàn toàn không biết đến hoặc đạt được từng thành phần riêng lẻ của bí quyết đó. (ii) Quan trọng (substantial) có nghĩa là bí quyết đó có ý nghĩa và hữu ích đối với người mua (bên nhận nhượng quyền), để họ có thể sử dụng, bán hoặc bán lại hàng hóa hoặc dịch vụ theo thoả thuận. (iii) Xác thực (identified) có nghĩa là bí quyết đó phải được mô tả một cách đầy đủ, toàn diện để có thể chứng minh rằng nó đáp ứng các tiêu chí về tính bí mật và quan trọng[19].
Bộ Quy tắc Nhượng quyền châu Âu đã thể hiện những ưu điểm trong mối tương quan với pháp luật Việt Nam trong việc đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh về bí quyết. Đây là một kinh nghiệm có thể tham khảo khi hoàn thiện định nghĩa về bí quyết trong pháp luật NQTM Việt Nam trong tương lai.
2. Một số kiến nghị
Thứ nhất, về khái niệm hợp đồng NQTM:
Pháp luật Việt Nam về NQTM đang thiếu quy định về khái niệm hợp đồng NQTM. Về vấn đề này, các quy định về khái niệm hợp đồng NQTM trong pháp luật EU là có thể là một nguồn kinh nghiệm lập pháp mà Việt Nam có thể tiếp thu để xây dựng một giải pháp hoàn thiện quy định về khái niệm hợp đồng NQTM. EU là một khu vực có truyền thống dân luật như Việt Nam. Pháp luật về NQTM ở khu vực này đã được chứng minh là phù hợp với tình hình thực tiễn vì đã được sử dụng ổn định, lâu dài từ năm 1988. Vì vậy, pháp luật về NQTM ở EU sẽ phù hợp để tham khảo đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về khái niệm hợp đồng NQTM nói riêng và pháp luật NQTM nói chung cho Việt Nam. Vì vậy, nếu như cần một khái niệm hợp đồng NQTM ở thời điểm hiện tại, Việt Nam sẽ không cần phải xây dựng một quy phạm nêu khái niệm hợp đồng quá chi tiết mà thay vào đó, giải pháp phù hợp sẽ là một quy phạm nêu khái niệm có tính chất “dẫn chiếu”. Cụ thể, tác giả đề xuất giải pháp bổ sung Điều 285 về hợp đồng NQTM trong Luật Thương mại năm 2005 như sau: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại là hợp đồng mà theo đó các bên thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại theo Điều 284. Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Theo chúng tôi, bổ sung quy định khái niệm về NQTM như trên sẽ phản ánh được bản chất hoạt động NQTM và tránh được tình trạng trùng lặp khi có một quy phạm nêu khái niệm hợp đồng NQTM chi tiết, mô tả lại về hoạt động NQTM.
Thứ hai, về đối tượng của hợp đồng NQTM:
- Như đã phân tích ở trên, nội dung của đối tượng chuyển giao trong quan hệ NQTM theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chưa bao hàm đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và các yếu tố sở hữu trí tuệ khác cấu thành nên quyền thương mại mà các thương nhân trong hệ thống nhượng quyền chuyển giao cho nhau. Ngược lại, pháp luật EU quy định rất đầy đủ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong vấn đề đối tượng của hợp đồng NQTM. Vì vậy, cần bổ sung đầy đủ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam vào định nghĩa về quyền thương mại trên cơ sở tham chiếu pháp luật EU.
Sự bổ sung này là hợp lý, bởi lẽ, NQTM trong tương lai sẽ còn phát triển, thâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác mà không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng. Ở Việt Nam, trên thực tiễn đã xuất hiện hoạt động NQTM trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ 20, NQTM trong kinh doanh thời trang21 và còn có thể xuất hiện NQTM trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đối tượng của những quan hệ NQTM này, bao gồm tất cả những loại quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam như: Quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thời trang, công nghệ; quyền đối với giống cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Do đó, nhóm tác giả đề xuất bổ sung tất cả những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam vào quy định về hoạt động NQTM tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 và quy định về định nghĩa quyền thương mại tại điểm a khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP theo hướng như sau: Quyền thương mại bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây: Quyền được bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Như đã phân tích ở trên, cách định nghĩa quyền thương mại trong Nghị định số 35/2006/NĐ-CP đã có sự nhầm lẫn giữa các yếu tố sở hữu trí tuệ được chuyển giao cấu thành quyền thương mại với việc phân loại các hình thức nhượng quyền thương mại. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất định nghĩa về quyền thương mại tại khoản 6 Điều 3 của Nghị định này căn cứ vào điểm a và bỏ các quyền khác tại điểm b, c, d khoản này.
- Khái niệm bí quyết kinh doanh chưa được sử dụng thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động NQTM và chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản nào. Trên cơ sở kinh nghiệm lập pháp của EU và công nhận sự thỏa thuận của các bên về bí quyết kinh doanh, nhóm tác giả đề xuất bổ sung mới khái niệm bí quyết kinh doanh vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong Nghị định số 35/2006/NĐ-CP để thống nhất với khái niệm bí quyết kinh doanh được sử dụng trong quy định về hoạt động NQTM tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005, cụ thể như sau: “Bí quyết kinh doanh là tập hợp những thông tin hành nghề có tính chất bí mật, quan trọng và xác thực, được đúc kết từ kinh nghiệm và sự thử nghiệm của bên nhượng quyền và không phải là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bí quyết kinh doanh có thể được xác định theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng NQTM”.
Trần Nghĩa Hưng - Lê Thái Minh & Phạm Đức Minh
Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), Giáo trình Luật Thương mại - tập II, Nxb. Tư Pháp, tr. 214.
[2]. Điều 284 Luật Thương mại năm 2005.
[3]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2020), tlđd, tr. 224.
[4]. Phạm Phương Thảo (2019), Pháp luật về nhượng quyền thương mại trong xu thế hội nhập và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr. 50 - 51.
[5]. Đỗ Phương Thảo (2020), Hoàn thiện pháp luật về đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, Luận án Tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr. 54.
[6]. Các yếu tố thuộc sự điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ nhưng không phải là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ: Khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh.
[7]. Đỗ Phương Thảo (2020), tlđd, tr. 105.
[8]. Đối tượng của hợp đồng NQTM.
[9]. NQTM thời trang Twitch, https://nqtm.vn/thuong-hieu/nhuong-quyen-thoi-trang-nu-witch/.
[10]. NQTM thời trang Thoca House, https://nqtm.vn/thuong-hieu/nhuong-quyen-thoi-trang-thoca-house/.
[11]. NQTM thời trang OnOff, https://nqtm.vn/thuong-hieu/nhuong-quyen-thoi-trang-onoff/.
[12]. Allan Poulter and Robert Williams (2022), The Franchise Law Review: Intellectual Property, The Law Reviews, https://thelawreviews.co.uk/title/the-franchise-law-review/intellectual-property.
[13]. Milica Stankovic (2014), Agricultural Franchising and contribution to achieving objectives of the EU common agricultural policy, Journal of Economic Literature, EP 2014 (61) 4, tr. 1021.
[14]. Milica Stankovic (2014), tlđd, tr. 1023.
[15]. Điều 4 Luật Nhượng quyền thương mại Malaysia năm 1998.
[16]. Điều 911 Luật Nhượng quyền thương mại Hà Lan năm 2020.
[17]. Đỗ Phương Thảo (2020), tlđd, tr. 106 - 107.
[18]. European Franchise Federation (2016), Article 1 of The European Code of Ethics for Franchising (bản dịch tham khảo: Đỗ Phương Thảo (2020), tlđd, tr. 105, 106, 107).
[19]. European Franchise Federation (2016), Article 1 of The European Code of Ethics for Franchising (Bản dịch tham khảo: Đỗ Phương Thảo (2020), tlđd, tr. 106, 107).
[20]. VTV 2022, Nhượng quyền kinh doanh công nghệ tạo ứng dụng di động: Xu hướng mới? https://vtv.vn/cong-nghe/nhuong-quyen-kinh-doanh-cong-nghe-tao-ung-dung-di-dong-xu-huong-moi-20220718174439185.htm.
[21]. https://nqtm.vn/thuong-hieu-nhuong-quyen/, (Mục Nhượng quyền thời trang).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)