1. Luật Quảng cáo năm 2012 và một số tồn tại, hạn chế
Ngày 21/6/2012, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Quảng cáo thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Đây được xem là một trong những bước phát triển quan trọng của ngành Quảng cáo, tạo cơ sở pháp lý để các hoạt động quảng cáo tại Việt Nam hội nhập và bắt kịp với xu thế của quốc tế.
Theo đó, Luật Quảng cáo năm 2012 với 05 chương, 43 điều đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo và có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 như: Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm quảng cáo; hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung quảng cáo; các phương tiện, loại hình quảng cáo; quảng cáo có yếu tố nước ngoài…
Sau hơn 12 năm triển khai thi hành, Luật Quảng cáo năm 2012 đã tạo cơ sở pháp lý cho ngành Quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch. Thông qua Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, quảng cáo đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một trong những ngành, nghề có sức lan tỏa trong xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và những sản vật Việt Nam, cũng như đóng vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng; cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng tự do lựa chọn sản phẩm, hàng hóa phù hợp với nhu cầu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa quảng cáo trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của đất nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trước sự thay đổi mạnh mẽ của ngành công nghiệp quảng cáo và sự ra đời của nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới, Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể như:
Một là, về minh bạch hóa hoạt động quảng cáo.
Quảng cáo là một hoạt động xúc tiến thương mại phổ biến và hợp pháp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số hình thức quảng cáo hiện nay có thể khiến người tiêu dùng khó phân biệt giữa nội dung quảng cáo và nội dung thông thường. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp. Luật Quảng cáo năm 2012 hiện vẫn đang bỏ ngỏ vấn đề này[1].
Hai là, về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo.
Đối với các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường cần quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo năm 2012 chưa có quy định cụ thể mà nội dung này lại nằm trong Nghị định quy định chi tiết và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, gây ra những mâu thuẫn, chồng chéo. Các quy định về điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt chưa cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định.
Ba là, về hoạt động quảng cáo trên báo chí.
Hiện nay, phần lớn các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, vì thế phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tự chủ tài chính khi số lượng độc giả sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư quảng cáo trên các phương tiện này, các cơ quan báo chí phải tận dụng mọi biện pháp để tối ưu hóa lợi nhuận từ quảng cáo. Trong khi đó, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về quảng cáo trên báo in như sau: “Diện tích quảng cáo không vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác” (khoản 1 Điều 21); tỷ lệ thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình: “Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác” (khoản 1 Điều 22); “mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút” (khoản 4 Điều 22). Các quy định này đã gây bó buộc cho các cơ quan báo chí trong việc linh hoạt thay đổi các gói quảng cáo, không thể tối ưu giá quảng cáo để cạnh tranh với các loại hình quảng cáo khác và thu hút doanh nghiệp.
Bốn là, về hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Trong bối cảnh internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, quảng cáo trực tuyến đã trở nên quen thuộc với hầu hết người sử dụng internet và ngày càng khẳng định vị trí dẫn đầu trong các loại hình quảng cáo với các hình thức phổ biến như: Quảng cáo hiển thị, quảng cáo qua công cụ tìm kiếm, quảng cáo trên các trang mạng xã hội… Trong đó, xu hướng quảng cáo trên các trang mạng xã hội có sử dụng người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là những người nổi tiếng đang được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng. Thời gian gần đây đã xuất hiện không ít trường hợp người dùng mạng xã hội có tầm ảnh hưởng (Influencer Advertising hoặc Influencer Marketing), đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng, giới thiệu, mời chào, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng gây bức xúc cho nhiều người tiêu dùng. Trong khi đó, Luật Quảng cáo năm 2012 chưa có quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chỉ tập trung vào quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, trong trường hợp những cá nhân dùng mạng xã hội có tầm ảnh hưởng (như các nghệ sỹ, người nổi tiếng) chưa tìm hiểu, trải nghiệm về sản phẩm mà quảng cáo sản phẩm sai sự thật thì cũng chưa có chế tài xử lý; đồng thời, cũng chưa có quy định nào trong Luật Quảng cáo năm 2012 yêu cầu các đối tượng đó phải chịu trách nhiệm đối với những nội dung mà mình quảng cáo cho sản phẩm[2].
Ngoài ra, Luật Quảng cáo năm 2012 cũng chưa có quy định đặc thù về nội dung quảng cáo thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng trên môi trường mạng; chưa có quy định về thời gian chờ tắt quảng cáo, tần suất xuất hiện quảng cáo trên mạng dẫn đến khó kiểm soát nội dung sản phẩm quảng cáo trên mạng; chưa có quy định về hành vi vi phạm, trách nhiệm của các chủ thể trung gian đối với vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo trên mạng.
Năm là, về quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Luật Quảng cáo năm 2012 quy định quy hoạch quảng cáo ngoài trời, theo đó, các loại hình quảng cáo chuyên ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương. Quá trình triển khai quy định này trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quy định chi tiết về nội dung, trách nhiệm xây dựng và triển khai quy hoạch, đặc biệt là các quy định liên quan đến: Mục đích sử dụng đất thuộc vị trí quy hoạch; quy định về đấu giá vị trí quảng cáo khi thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, việc quảng cáo trên màn hình nơi công cộng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến mất trật tự giao thông, an toàn thông tin mạng. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo năm 2012 lại chưa có quy định về việc quản lý các sản phẩm quảng cáo trên màn hình, điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng rôn, bảng quảng cáo; thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo; đoàn người thực hiện quảng cáo… cũng có một số bất cập, dẫn đến những khó khăn trong việc hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo. Cụ thể: Chưa có cơ sở phân cấp quản lý phương tiện quảng cáo ngoài trời trong trường hợp cần thiết; thời hạn giải quyết một số thủ tục hành chính còn dài; chưa quy định thời hạn đặt bảng quảng cáo; thành phần hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thực tế… Trong bối cảnh mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn lượt hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo ngoài trời thì những bất cập trên làm tăng thời gian, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, người dân cũng như giảm hiệu lực quản lý nhà nước[3].
Sáu là, về thẩm định sản phẩm quảng cáo.
Luật Quảng cáo năm 2012 giao thẩm quyền thực hiện thẩm định sản phẩm quảng cáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng sản phẩm quảng cáo hàng năm là cực kỳ lớn, do đó, nhu cầu được thẩm định các sản phẩm quảng cáo cũng tăng cao, trong khi Hội đồng thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhân lực mỏng rất khó khăn trong việc thẩm định các sản phẩm quảng cáo được yêu cầu[4].
2. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định nhiều nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn
Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo trên cơ sở mục đích và quan điểm xây dựng cụ thể như sau[5]:
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012: (i) Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của Trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo; (ii) Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; (iii) Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.
Quan điểm xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: (i) Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam; (ii) Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo còn tồn tại, vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài; (iii) Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo; (iv) Thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính; bãi bỏ một số “giấy phép con” gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Dự thảo) gồm 02 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 19 điều, khoản; bổ sung 02 điều mới), bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012 và Điều 2 về Điều khoản thi hành. Theo đó, Dự thảo giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình, phương tiện giao thông, loa phòng thanh và các hình thức tương tự, trong chương trình văn hóa, thể thao; biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; quảng cáo có yếu tố nước ngoài…
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo.
Để bảo đảm công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử hiện nay, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và phân định giữa hoạt động quảng cáo với các hoạt động chuyên ngành khác, cụ thể:
- Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nội dung quảng cáo cần được phân biệt rõ ràng với nội dung thông tin khác;
- Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận;
- Nội dung quảng cáo không bao gồm tài liệu, thông tin và hình ảnh mô tả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, trừ quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại.
Bên cạnh đó, đối với những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, không quy định thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo bảo đảm thống nhất, phù hợp với pháp luật chuyên ngành về y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện hành.
Thứ hai, về điều kiện quảng cáo.
Dự thảo sửa đổi quy định về điều kiện quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, phân bón để bảo đảm cập nhật điều chỉnh phù hợp với thủ tục và tên gọi các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định.
Thứ ba, về hoạt động quảng cáo trên báo in, báo hình.
(i) Trên báo in: Diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; cơ quan báo chí được phép ra phụ trương quảng cáo và phải thực hiện các thủ tục về xuất bản phụ trương theo quy định tại Luật Báo chí.
(ii) Trên báo hình: Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo. Trong chương trình phim truyện, mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần, mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút. Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.
Thứ tư, về hoạt động quảng cáo trên mạng.
- Quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận biết bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức phù hợp khác để cho phép người tiếp nhận quảng cáo xác định là quảng cáo và phân biệt với các thông tin không phải là quảng cáo.
- Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, người phát hành quảng cáo, người cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng phải thiết kế tính năng để người sử dụng có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp nhau với tổng thời gian không quá 07 giây; cho phép người sử dụng được từ chối quảng cáo hoặc báo vi phạm với quảng cáo có nội dung không phù hợp.
- Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin điện tử khác, người cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo phải có giải pháp để kiểm tra, giám sát nội dung của trang thông tin điện tử được dẫn đến bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không quảng cáo cho đường dẫn vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ năm, về quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
- Quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải xác định: Kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng, phương tiện quảng cáo theo vùng, khu vực, từng tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; trong nội thành, nội thị; phân bổ, khoanh vùng vị trí hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời tại khu vực trung tâm đô thị; phương hướng phát triển hoạt động quảng cáo ngoài trời.
- Không mâu thuẫn hoặc xung đột với quy hoạch cao hơn; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với quy hoạch xây dựng tại địa phương, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội và mỹ quan đô thị.
- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch; kế thừa các vị trí đang thực hiện quảng cáo phù hợp với quy định hiện hành. Trong trường hợp thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì cơ quan phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm tổ chức đền bù theo quy định của pháp luật.
- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời: Lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương; bảo đảm hoạt động quảng cáo ngoài trời tại địa phương luôn thuộc các thời kỳ quy hoạch; bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện quy hoạch; lập, điều chỉnh quy hoạch quảng cáo theo các giai đoạn phù hợp với sự phát triển của địa phương; phê duyệt bổ sung mục đích sử dụng đất đối với đất tại các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Ngoài ra, Dự thảo còn sửa đổi, bổ sung một số quy định khác như: Quyền và nghĩa vụ chung của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng; về việc sử dụng từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời; phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo…
Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Chính phủ hoàn thiện và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới. Với những sửa đổi, bổ sung đáng kể, hy vọng rằng, Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi và là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực quảng cáo phát triển, mang lại bước tiến cho ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập cùng kỷ nguyên số./.
Quỳnh Vũ
[1] VCCI - Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, https://vibonline.com.vn/bao_cao/vcci_gop-y-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-dieu-cua-luat-quang-cao, truy cập ngày 11/9/2024.
[2] Trương Trọng Kiệt, “Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động quảng cáo trực tuyến”, https://danchuphapluat.vn/sua-doi-bo-sung-luat-quang-cao-nham-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-hoat-dong-quang-cao-truc-tuyen, truy cập ngày 11/9/2024.
[3] Vô vàn bất cập về quảng cáo ngoài trời, https://baovanhoa.vn/van-hoa/vo-van-bat-cap-ve-quang-cao-ngoai-troi-90745.html, truy cập ngày 11/9/2024.
[4] Nguyên Trần, nhiều quy định chưa phù hợp cho hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp, https://lsvn.vn/nhieu-quy-dinh-chua-phu-hop-cho-hoat-dong-quang-cao-cua-doanh-nghiep-1715857970.html, truy cập ngày 11/9/2024.
[5] Hồ sơ thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, https://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=4302, truy cập ngày 11/9/2024.