1. Khái quát pháp luật về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm
Nguồn tin về tội phạm là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tiếp nhận, kiểm tra, xác minh thực tế có hay không dấu hiệu của tội phạm, từ đó kịp thời ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Điểm d khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định: “Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”. Theo đó, ngoài tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nguồn tin về tội phạm còn bao gồm lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện. Để ra được quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự trên cơ sở nguồn tin về tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trình tự, thủ tục tiến hành.
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có 01 chương riêng quy định về giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, trong đó tại Điều 143 về căn cứ khởi tố vụ án hình sự quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”. Đồng thời, Điều 143 đã quy định việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa vào một trong sáu căn cứ: “1. Tố giác của cá nhân; 2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; 4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; 5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; 6. Người phạm tội tự thú”. Về bản chất, các căn cứ được quy định tại Điều 143 chính là nguồn tin về tội phạm.
Chương IX Bộ luật Tố tụng hình sự cũng đưa ra những quy định về tiếp nhận, giải quyết đối với các loại nguồn tin về tội phạm, cụ thể: Quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn tiếp nhận, giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố từ Điều 144 đến Điều 151; quy định về tiếp nhận, giải quyết đối với trường hợp người phạm tội tự thú tại Điều 152; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đối với việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC), Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (Thông tư số 28/2020/TT-BCA), Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA.
Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã quy định về chủ thể tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; trình tự, thủ tục và các hoạt động mà các cơ quan có thẩm quyền giải quyết được thực hiện trong kiểm tra, xác minh đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; hình thức xử lý đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thủ tục tiếp nhận, xử lý đối với trường hợp người phạm tội tự thú… Các quy định của pháp luật về vấn đề này chính là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng trong thực tiễn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.
2. Hạn chế, bất cập về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm
Mặc dù, hệ thống pháp luật tố tụng hình sự đã có chế định quy định cụ thể về nguồn tin về tội phạm; quy định về việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định. Cụ thể:
Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết nguồn tin về tội phạm là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện, do người phạm tội tự thú.
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ tập trung quy định về hoạt động tiếp nhận, giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đối với nguồn tin về tội phạm là lời khai người phạm tội tự thú cũng mới chỉ quy định về thủ tục tiếp nhận nguồn tin khi người phạm tội đến tự thú tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với nguồn tin về tội phạm là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện hoặc do người phạm tội tự thú chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành. Điều này dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gặp lúng túng trong việc xác định trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết, nhất là khi có nhiều thông tin về tội phạm do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ, mang tính bí mật.
Thứ hai, khái niệm về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa cụ thể.
Các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự đã giải thích về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, “dấu hiệu tội phạm” được đề cập trong khái niệm về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố còn chưa được giải thích cụ thể, chưa có tiêu chí, căn cứ để xác định là trường hợp nào là tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; trường hợp nào là vi phạm pháp luật hành chính, dân sự. Điều này dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền gặp lúng túng trong quyết định có thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hay là giải quyết theo quy định của pháp luật hành chính hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự sau khi thực hiện việc phân loại đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…
Thứ ba, thời hạn giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố còn chưa phù hợp với trường hợp phức tạp.
Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là 20 ngày; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng, có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng. Quy định này chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thực tiễn cho thấy, đối với các vụ việc phức tạp, có nhiều đối tượng, các đối tượng và những người tham gia tố tụng có liên quan cư trú ở nhiều địa phương khác nhau nên cần có nhiều thời gian để triển khai việc thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh, giải quyết triệt để. Tuy nhiên, với thời hạn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự đã gây ra những khó khăn đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong việc đưa ra kết luận xử lý khi chưa có đủ thời gian để thực hiện các biện pháp xác minh.
Thứ tư, phạm vi áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm còn hạn chế.
Khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các biện pháp điều tra, xác minh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm là tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thể áp dụng, bao gồm: “a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; b) Khám nghiệm hiện trường; c) Khám nghiệm tử thi; d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản”. Theo đó, phạm vi các biện pháp điều tra mà cơ quan có thẩm quyền áp dụng để kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn tin về tội phạm còn hẹp. Thực tiễn cho thấy, để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền phải triển khai đồng bộ các hoạt động điều tra khác như khám xét, thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng… Tuy nhiên, việc Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định đối với các hoạt động điều tra này trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm đã ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của kết quả điều tra thu thập.
Bên cạnh đó, việc quy định về trường hợp dẫn giải đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan tại điểm c khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả triển khai các hoạt động điều tra đối với những người này. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền chỉ dẫn giải đối với họ khi có đủ căn cứ xác định họ liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án. Với quy định này, cơ quan có thẩm quyền phải xác định chắc chắn vụ việc được khởi tố vụ án hình sự mới ra quyết định dẫn giải đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Thứ năm, căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định 03 trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm: “a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả; c) Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đối với các trường hợp khi hết thời hạn giải quyết, cơ quan có thẩm quyền đã triệu tập nhưng người tố giác, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và những người tham gia tố tụng khác vắng mặt tại địa phương, không rõ nơi cư trú hoặc rõ nơi cư trú nhưng có lý do chính đáng, cơ quan có thẩm quyền đã buộc phải tạm đình chỉ việc giải quyết. Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm trong các trường hợp này là chưa đúng quy định.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Một số hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới, hệ thống pháp luật tố tụng hình sự cần hoàn thiện theo hướng:
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong tiếp nhận, giải quyết đối với trường hợp người phạm tội tự thú; trình tự, thủ tục trong giải quyết đối với thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện: Đối với nguồn tin tội phạm là lời khai người phạm tội tự thú, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cần bổ sung các quy định về thủ tục phân công phó thủ trưởng, điều tra viên, cán bộ điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm cũng như thủ tục phân công phó viện trưởng, kiểm sát viên kiểm tra, giám sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; phạm vi các biện pháp điều tra cần thực hiện để giải quyết nguồn tin về tội phạm như lấy lời khai, khám xét, thực nghiệm điều tra…
Đối với nguồn tin là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, các biện pháp tiến hành kiểm tra, xác minh trong Bộ luật Tố tụng hình sự tương tự như đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự cần bổ sung cụm từ “thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện” sau các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bởi lẽ, thông tin về tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện được cũng chưa thể xác định được ngay căn cứ khởi tố vụ án hình sự, nên cần phải có quá trình tiến hành kiểm tra, xác minh; đồng thời, việc kiểm tra, xác minh đối với nguồn tin này cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự .
Hai là, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm: Để việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng tràn lan, gây lãng phí thời gian, công sức của cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong thời gian tới, cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn xác định rõ “dấu hiệu tội phạm” ban đầu được phản ánh trong nguồn tin về tội phạm. Nội dung văn bản hướng dẫn cần đưa ra được các tiêu chí cụ thể để cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm xác định được nguồn tin đó có dấu hiệu tội phạm hay nguồn tin có dấu hiệu của vi phạm hành chính, vụ việc dân sự…, từ đó đi đến quyết định giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự hay chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính, vụ việc dân sự…
Ba là, sửa đổi, bổ sung đối với quy định về gia hạn thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có tính chất phức tạp: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kiểm tra, xác minh một cách triệt để đối với các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có tính chất phức tạp cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời gian giải quyết. Theo đó, với trường hợp vụ việc phức tạp, có nhiều đối tượng, các đối tượng và những người tham gia tố tụng có liên quan cư trú ở nhiều địa phương khác nhau, đã gia hạn thời hạn giải quyết nhưng vẫn chưa thực hiện xong các yêu cầu xác minh, cần kéo dài thời gian giải quyết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
Bốn là, mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh đối với nguồn tin về tội phạm: Trong thời gian tới, cần nghiên cứu sửa đổi khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm tra xác minh đối với các nguồn tin về tội phạm, không chỉ dừng lại đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đồng thời, bổ sung các biện pháp kiểm tra, xác minh mà cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng trong quá trình này như khám xét, thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói.
Ngoài ra, nghiên cứu sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bỏ cụm từ “mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án” nhằm đáp ứng yêu cầu triệu tập, khai thác đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Năm là, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp người tố giác, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và những người tham gia tố tụng khác vắng mặt, chưa thể triệu tập, lấy lời khai: Theo đó, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự cần nghiên cứu bổ sung trường hợp tạm đình chỉ vì lý do khách quan chưa thể triệu tập, lấy lời khai đối với người tố giác, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và những người tham gia tố tụng khác có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
ThS. Hoàng Minh Trung
Cục An ninh điều tra, Bộ Công an
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)