Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (tin báo) là một những hoạt động tố tụng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, là căn cứ để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Thông qua công tác này, nhiều hành vi phạm tội được phát hiện và xử lý, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành đã có nhiều quy định mới, cụ thể hơn, chi tiết hơn về quy trình tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tin báo. Cùng với việc triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan liên ngành Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC) nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tin báo bảo đảm cho hoạt động tố tụng này được giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tuy nhiên, một số quy định về tin báo trong pháp luật hiện hành còn chưa có sự thống nhất, chưa điều chỉnh được hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, gây ra không ít vướng mắc, bất cập cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung.
1. Quy định của pháp luật hiện hành trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Một là, quy định về thủ tục chuyển tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền
Khoản 2 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”. Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định: “Nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết”.
Điểm a khoản 1 mục II Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA ngày 20/8/2008 về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội (Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA) quy định: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội có trách nhiệm tiếp nhận, đăng ký và trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc phải chuyển các tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, kèm theo tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết”.
Hai là, quy định về tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp và trường hợp kiểm tra xác định tại nhiều địa điểm
Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định: “Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng”.
Ba là, quy định về chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính
Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định: “Đối với vụ việc tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan đã ra quyết định phải sao hồ sơ để lưu và chuyển hồ sơ, tài liệu (bản chính), tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính”.
2. Một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã khắc phục được cơ bản những bất cập trong quy định về tiếp nhận, phân loại và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng một số quy định của pháp luật chưa thống nhất, chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến chưa điều chỉnh được hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Thứ nhất, về thủ tục chuyển tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyển được quy định trong nhiều văn bản khác nhau nhưng không có sự thống nhất, một số nội dung chưa được giải thích hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận trong trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định ngoài trường hợp phải chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền. Còn quy định trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết. Cụ thể, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC không quy định trường hợp nào không thể chuyển ngay, cũng không nêu cụ thể thời hạn chuyển tối đa là bao lâu. Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA lại có quy định khác về thời hạn chuyển tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố so với hai 02 văn bản pháp luật trên đó là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi có căn cứ xác định tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền. Như vậy, để có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cần quy định cụ thể các trường hợp không thể chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền, thời hạn tối đa để chuyển trong trường hợp này. Bên cạnh đó, các cơ quan liên ngành Trung ương cần sớm sửa đổi các quy định của Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA để phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC chưa quy định rõ thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp và thế nào là trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm
Việc đánh giá thế nào là phức tạp, phải kiểm tra xác minh tại nhiều địa điểm chủ yếu dựa trên ý thức chủ quan của từng cơ quan có thẩm quyền điều tra khi giải quyết tin báo. Dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan điều tra hoặc xảy ra trường hợp quan điểm không thống nhất giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc xác định thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phức tạp, thế nào là phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm.
Thứ ba, quy định về chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có dấu hiệu vi phạm hành chính chưa được quy định đầy đủ, chưa bao quát được tất cả các trường hợp
Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC chỉ quy định trường tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có dấu hiệu vi phạm hành chính và Cơ quan điều tra phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì mới được chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử lý hành chính. Còn đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc trường hợp đồng phạm trong đó có 01 đối tượng đủ căn cứ để xử lý hình sự Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với đối tượng này, còn các đối tượng khác xác định có dấu hiệu vi phạm hành chính do không đủ định lượng để xử lý hình sự. Trường hợp không ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính thực hiện như thế nào thì Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC lại không đề cập? Tác giả xin dẫn chứng hai vụ việc xảy ra trong thực tiễn:
Vụ thứ nhất: Ngày 08/5/2021, Chi nhánh VT tại tỉnh CB phát hiện có cảnh báo tại Trạm phát sóng di động mặt đất tại xã HV, huyện HA, tỉnh CB, nghi ngờ bị mất trộm nên đã phối hợp với Công an xã tổ chức vây bắt phát hiện được đối tượng PVT và NCV đang có hành vi cắt trộm dây đồng trong nhà trạm BTS. Thiệt hại về qua định giá là: 1.389.600 đồng. Trong đó, PVT có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”. Đối tượng NCV do chưa có tiền án, tiền sự, chỉ đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng do trong vụ án đồng phạm, nên không ra quyết định không khởi tố vụ án.
Vụ thứ hai: Ngày 22/5/2021 PVT và BVD có hành vi trộm cắp tài sản gồm: 7,97m dây đồng tiếp loại M50; 0,3m dây đồng tiếp loại M50; 2,5m dây đồng tiếp địa loại M35; 4,15m dây đồng tiếp địa loại M25; 7,47m dây đồng tiếp địa loại M16 tại trạm phát sóng BTS của Chi nhánh VT tại tỉnh CB đặt tại xã CC, huyện TK, tỉnh CB. Tổng giá trị tài sản trộm cắp là: 1.862.528 đồng. Trong đó, PVT có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”. Đối tượng BVD chưa có tiền án, tiền sự, chỉ đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng do trong vụ án đồng phạm, nên không ra quyết định không khởi tố vụ án
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ngày càng chứng minh tính hiệu quả trong việc phát hiện các hành vi có dấu hiệu phạm tội bảo đảm mọi hành vi phạm tội được xử lý nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc tháo gỡ một số vướng mắc, chưa thống nhất, chưa cụ thể trong các quy định của pháp luật là yêu cầu cần thiết để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng./.
Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1