Tóm tắt: Bài viết phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội gây ô nhiễm môi trường; qua đó, kiến nghị một số vấn đề nhằm hoàn thiện các quy định này.
Abstract: The article analyzes and evaluates the advantages and limitations of the provisions of the Penal Code of 2015 (amended and supplemented in 2017) on the crime of causing environmental pollution; thereby, proposes a number of issues to improve these regulations.
1. Dẫn nhập
Với việc nội luật hóa Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) năm 2001 (Việt Nam tham gia ký kết công ước ngày 23/5/2001 và phê chuẩn Công ước ngày 22/7/2002) và cụ thể hóa các hành vi vi phạm, quy định mức định lượng vi phạm cụ thể để xử lý trách nhiệm hình sự thay cho quy định mang tính chất định tính trước đây… cho thấy, quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội gây ô nhiễm môi trường đã bảo đảm tính khả thi và tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng vào thực tiễn. Song, bên cạnh đó, các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội gây ô nhiễm môi trường vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi, làm rõ và có những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả khi áp dụng.
2. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội gây ô nhiễm môi trường
Thứ nhất, về hành vi khách quan của tội phạm.
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi khách quan của tội gây ô nhiễm môi trường thể hiện ở các dạng hành vi vi phạm liên quan đến việc chôn, lấp, đổ, thải, xả thải, phát tán ra môi trường trái pháp luật các loại chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn có chứa chất phóng xạ, nước thải, khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường… Đây là những hành vi vi phạm diễn ra phổ biến, trực tiếp gây ô nhiễm đất, nước, không khí (những thành phần cơ bản, quan trọng của môi trường). Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định những hành vi vi phạm này là tội phạm là phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có một số hành vi gây ô nhiễm môi trường diễn ra cũng khá phổ biến, đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật, tự nhiên và diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, như: Thải bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; xả nước thải có chứa thông số vi sinh vật (Salmonclla, Shigella, Vibrio cholerae) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế hoặc xả nước thải có nồng độ pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật; gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường… Đây là các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định cụ thể với các chế tài xử lý hành chính theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ), nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý về hình sự. Do đó, để bảo đảm tính dự báo và tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý với chế tài nghiêm khắc hơn, việc bổ sung các hành vi vi phạm này với những điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể vào trong cấu thành tội phạm của tội gây ô nhiễm môi trường là vấn đề cần đặt ra để nghiên cứu.
Thứ hai, về dấu hiệu định tội và định khung của tội phạm.
Định lượng các loại chất thải, nước thải, khí thải đối với từng hành vi vi phạm là dấu hiệu định tội và định khung tăng nặng của tội gây ô nhiễm môi trường. Đây là điểm sửa đổi, bổ sung đáng lưu ý nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất của quy định, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm. Mức định lượng cụ thể được quy định tại cấu thành cơ bản và cấu thành tăng nặng của tội phạm là phù hợp.
Dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về tội gây ô nhiễm môi trường, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm được quy định là dấu hiệu định tội trong một số trường hợp cụ thể. Đây là điểm mới trong đường lối xử lý đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Với quy định này, việc xử lý các hành vi vi phạm sẽ nghiêm khắc, mang tính răn đe hơn, tránh trường hợp các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường liên tục, nhiều lần nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do mỗi lần vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Bên cạnh các dấu hiệu mang tính định lượng khác, điểm e khoản 2 và khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn quy định dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” và “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là dấu hiệu độc lập để định khung hình phạt cho người phạm tội. Rõ ràng, để thống nhất trong nhận thức và cả thực tiễn áp dụng, đòi hỏi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Thứ ba, về hình phạt.
Phạt tiền được quy định là hình phạt chính trong cấu thành cơ bản và tất cả cấu thành tăng nặng của tội phạm; mức phạt tiền được quy định cao hơn (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) so với quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 1999, trong khi hình phạt tù có thời hạn được quy định ít nghiêm khắc hơn. Quy định về hình phạt đối với tội gây ô nhiễm môi trường hiện hành phù hợp với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã đặt ra, đó là “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền… đối với một số loại tội phạm”[1], trong đó có các tội phạm về môi trường. Việc mở rộng áp dụng phạt tiền đối với các tội phạm về môi trường, trong đó có tội gây ô nhiễm môi trường sẽ là xu hướng tất yếu trong chính sách hình sự đối với loại tội phạm này thời gian tới.
Tuy nhiên, việc quy định mức phạt tù có thời hạn đối với tội gây ô nhiễm môi trường theo hướng ít nghiêm khắc hơn lại là vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu. Mức phạt tù có thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cao nhất là đến 07 năm tù (trước đây là đến 10 năm). Theo cách phân loại tội phạm quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cấu thành tội phạm nặng nhất của tội gây ô nhiễm môi trường chỉ là tội phạm nghiêm trọng. Với việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao nhất của tội phạm chỉ là loại tội phạm nghiêm trọng, tác giả cho rằng chưa phù hợp với hậu quả thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường đã, đang và sẽ gây ra cho con người và môi trường sinh thái tự nhiên. Trên phương diện quốc tế, một số quốc gia đã có những hoạt động pháp lý để các thành viên của Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) chấp nhận hành vi hủy diệt môi trường là tội phạm hình sự quốc tế (bên cạnh tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược) để có thể xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc hơn. Dưới góc độ phòng ngừa tội phạm, mức hình phạt 07 năm tù là chưa đủ sức răn đe các đối tượng đang có ý định phạm tội. Ngoài ra, thời hạn điều tra (xác định theo loại tội phạm) sẽ ngắn hơn, trong khi phương thức, thủ đoạn phạm tội, che giấu tội phạm của các đối tượng, nhất là pháp nhân thương mại ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, điều này sẽ gây khó khăn nhất định cho quá trình điều tra các vụ án gây ô nhiễm môi trường xảy ra. Từ những lý do trên, việc nghiên cứu, nâng mức hình phạt tù có thời hạn đối với tội gây ô nhiễm môi trường là vấn đề cần được đặt ra.
Thứ tư, trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.
Tội gây ô nhiễm môi trường là một trong 09 tội danh thuộc các tội phạm về môi trường mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự[2]. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cần xác định có hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và phải bảo đảm đủ các điều kiện cụ thể, như: Hành vi gây ô nhiễm môi trường được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi gây ô nhiễm môi trường được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi gây ô nhiễm môi trường được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại nói chung để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm cụ thể, trong đó có tội gây ô nhiễm môi trường cũng chưa có sự thống nhất về mặt nhận thức. Có quan điểm cho rằng, căn cứ vào Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và quy định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại thì chỉ có thể phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng. Tác giả cho rằng, quan điểm này chưa phù hợp. Theo quy định, việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại chỉ căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà không căn cứ vào mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội như trường hợp đối với người phạm tội, bởi lẽ: Trong các hình phạt chính được áp dụng đối với pháp nhân thương mại có các hình phạt đặc thù như đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và được quy định là hình phạt cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại ở một số tội phạm, nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không có quy định về việc phân loại tội phạm dựa trên các hình phạt này; mặt khác, một số tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại là phạt tiền, nếu xác định đây chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng thì không hợp lý, bởi vì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong trường hợp này có thể tương ứng với loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với người phạm tội. Do đó, việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội cần được xác định như sau: Nếu pháp nhân thương mại phạm tội theo điểm, khoản nào của điều luật và được viện dẫn tương ứng với khoản nào của cùng tội danh áp dụng cho người phạm tội, thì xác định loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại tương ứng với loại tội phạm đối với người phạm tội.
Với nhận thức đó và theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội theo điểm a khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tương ứng với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm, vì khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là tội phạm ít nghiêm trọng, nên tương ứng với pháp nhân thương mại phạm tội theo điểm a khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng là tội phạm ít nghiêm trọng. Tương tự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo điểm b, c khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là 10 năm (cả hai trường hợp này đều là tội phạm nghiêm trọng).
Bên cạnh các trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội theo các khoản tương ứng đối với người phạm tội, tại điểm d khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn quy định pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Đây là trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra (ví dụ: Xả nước thải có chứa chất phóng xạ nguy hiểm trực tiếp ra biển, dẫn đến các sinh vật biển chết hàng loạt, môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, phá hủy toàn bộ hệ sinh thái vùng biển đó mà không thể khắc phục được)[3] hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm. Các vấn đề cụ thể này cần có sự hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Mặt khác, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội theo điểm d khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì sẽ thuộc loại tội phạm nào để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được chính xác, bởi vì, pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này không tương ứng với khoản cụ thể nào của Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với người phạm tội như các trường hợp phạm tội theo điểm a, b và c khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội gây ô nhiễm môi trường
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các vấn đề còn hạn chế trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội gây ô nhiễm môi trường, để hoàn thiện các quy định này đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tác gải có một số kiến nghị sau:
Một là, khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cần nghiên cứu, bổ sung một số dạng hành vi gây ô nhiễm môi trường vào trong cấu thành của tội phạm để xử lý về hình sự, như: Thải bụi có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; xả nước thải có chứa thông số vi sinh vật (Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế hoặc xả nước thải có nồng độ pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật; gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường… Đồng thời, cần nâng mức hình phạt tù đối với tội gây ô nhiễm môi trường với mức hình phạt cao nhất thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng để phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; phù hợp với tính chất, mức độ của nhóm tội phạm[4] và bảo đảm xử lý nghiêm khắc tội phạm xảy ra.
Hai là, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn một số vấn đề sau: Xác định như thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” trong cấu thành tăng nặng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); thống nhất về mặt nhận thức đối với trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); thống nhất về mặt nhận thức việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại để làm cơ sở xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội nói chung và phạm tội gây ô nhiễm môi trường nói riêng, đặc biệt là trường hợp phạm tội theo điểm d khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Xem Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27/4/2015 về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
[2]. Xem Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[3]. Nguyễn Ngọc Hòa (2018), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
[4]. Theo thống kê, trong 12 tội danh thuộc các tội phạm về môi trường, có 04 tội danh có mức cao nhất của khung hình phạt thuộc loại tội phạm nghiêm trọng và 08 tội danh có mức cao nhất của khung hình phạt thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.