Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn là trách nhiệm dân sự, phát sinh giữa các chủ thể với nhau trong đời sống xã hội. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, có tác động tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng thì phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi và có trách nhiệm phải bồi thường cho những thiệt hại phát sinh. Có thể hiểu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn là trách nhiệm pháp lý bất lợi đặt ra cho chủ thể là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, theo đó, chủ thể là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm, gây ra hậu quả tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra với người bị thiệt hại.
1. Quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn
Thứ nhất, về nguyên tắc thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn mà gây ra thiệt hại cho các chủ thể khác thì sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên chịu thiệt hại. Khoản 1 Điều 59 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định: “Thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp được quy định tại Điều 24 của Luật này”. Việc bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, khi cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường, chứ không nhất thiết phải phát sinh từ quan hệ hợp đồng hay ngoài hợp đồng.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo nguyên tắc chung của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ hai, về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Khi thực phẩm đến tay người tiêu dùng thì thường có sự tham gia của nhiều chủ thể và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ khâu sản xuất đến khâu cung cấp, phân phối. Chính vì vậy, khi thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường có thể là một hoặc nhiều chủ thể khác nhau. Theo Điều 3 và Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể thấy, Luật này đã quy định rõ rằng, chủ thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng nghĩa với việc, các chủ thể này đều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như thực phẩm của mình gây thiệt hại cho những chủ thể khác. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định cho hai chủ thể là nhà sản xuất và nhà kinh doanh thực phẩm ở hai điều khoản khác nhau là điểm l khoản 2 Điều 7 và điểm l khoản 2 Điều 8.
Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường và giải thích thêm về khái niệm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” tại khoản 2 Điều 3. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng công nhận các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và không đăng ký kinh doanh cũng có thể là các chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra.
Theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Thứ ba, về mức bồi thường thiệt hại:
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 không có quy định về những thiệt hại được bồi thường mà chỉ quy định chung chung việc bồi thường sẽ được thực hiện theo pháp luật. Về nguyên tắc, khi luật chuyên ngành không có quy định cụ thể về vấn đề này thì sẽ áp dụng quy định của Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, đối với những thiệt hại phát sinh ngoài hợp đồng, Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Khi đó, những thiệt hại phải bồi thường sẽ là những thiệt hại khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín bị xâm hại. Việc xác định thiệt hại về sức khỏe được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 590 và thiệt hại về tính mạng được quy định tại Điều 591.
Thứ tư, về thời hạn được bồi thường thiệt hại:
Khoản 1 Điều 59 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định bồi thường thiệt hại cần phải “toàn bộ và kịp thời”. Tương tự, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Điều 593 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về thời hạn được bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm như người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động; người bị thiệt hại chết mà còn có người cần được cấp dưỡng.
2. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về thời hạn thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Có thể thấy, pháp luật đã có các quy định cụ thể về thời hạn được bồi thường, tuy nhiên, các quy định này đang hướng đến giải quyết bồi thường với những thiệt hại đã xảy ra. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, những tác động của thực phẩm không an toàn có thể sẽ không làm cho người tiêu dùng tức thời phát bệnh mà sẽ từ từ tấn công, hủy hoại sức khỏe của người tiêu dùng. Để được bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật, người tiêu dùng phải chứng minh được mình có bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng… Điều này thực sự là vấn đề không đơn giản và tốn rất nhiều thời gian. Người tiêu dùng có quyền khởi kiện, có quyền đòi bồi thường, tuy nhiên họ phải chứng minh được thiệt hại thì Tòa án mới thụ lý. Trên thực tế, rất khó để người bị thiệt hại có thể chứng minh được thiệt hại cụ thể khi thực phẩm không an toàn âm thầm tấn công họ trong khoảng thời gian dài[1]. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp, nhiều bên có trách nhiềm bồi thường cố tình kéo dài thời gian, làm khó nạn nhân để né tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Tòa án cần giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trường hợp cần thiết, có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự[2].
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết khiếu nại của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dẫn đến có một số trường hợp khách hàng phản ánh về chất lượng sản phẩm và hậu quả tiêu cực đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng bị “lờ đi”, mất nhiều thời gian để giải quyết.
Trên thực tế, có nhiều vụ việc ở Việt Nam, khi xảy ra thiệt hại về sức khỏe sau khi sử dụng thực phẩm tại cửa hàng và có khiếu nại của khách hàng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm luôn “cố tình” trì hoãn việc thực hiện bồi thường thiệt hại, hoặc tự thỏa thuận, “ra giá” bồi thường với người bị thiệt hại nhưng mức bồi thường không tương xứng với các chi phí mà người tiêu dùng bị thiệt hại phải gánh chịu. Điều này vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc bồi thường thiệt hại là “toàn bộ và kịp thời”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Vì vậy, theo tác giả, cần có các điều khoản quy định rõ ràng về thời hạn trả lời khiếu nại của người tiêu dùng và quy định về mức bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Nếu bên có trách nhiệm bồi thường không phản hồi kịp thời và bồi thường đầy đủ cho bên bị thiệt hại mà không có lý do rõ ràng thì cần có chế tài xử lý nghiêm minh, ví dụ như yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng cửa, ngừng hoạt động ít nhất 03 tháng, yêu cầu truyền thông vào cuộc, đưa tin về vụ việc này, yêu cầu mức bồi thường cho người bị hại gấp 03 lần so với thực tế… Có như vậy, sẽ nâng cao ý thức chấp hành an toàn thực phẩm của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngay từ đầu, tránh trường hợp để đến khi có thiệt hại về sức khỏe và tính mạng từ phía người tiêu dùng mới khắc phục, từ đó, chất lượng an toàn thực phẩm sẽ được bảo đảm hơn.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Hiện nay, khái niệm về chủ thể sản xuất kinh doanh thực phẩm giữa các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như: Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (Điều 3, Điều 6), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (khoản 2 Điều 3, Điều 23), Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (khoản 6 Điều 3), Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 608) đang có sự khác nhau. Trong đó, Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường và giải thích thêm về khái niệm “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” tại khoản 2 Điều 3. Có thể thấy, khái niệm tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa nằm trong khái niệm chủ thể kinh doanh hàng hóa chứ không có sự tách biệt rõ ràng. Trong khi đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh là hai khâu tách biệt trong quy trình tạo ra sản phẩm và đưa đến người tiêu dùng. Việc không phân loại rõ chủ thể từ đầu sẽ dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu áp dụng Luật này. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng công nhận các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và không đăng ký kinh doanh cũng có thể là các chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra. Việc không đăng ký kinh doanh, không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ đầu có thể khiến các chủ thể này không có ý thức đầy đủ về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, trách nhiệm với khách hàng, cũng như gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý an toàn thực phẩm, điều tra, xác định nguyên nhân khi có thiệt hại về an toàn thực phẩm xảy ra.
Có thể thấy, pháp luật hiện hành vẫn chưa có sự thống nhất với nhau về cách sử dụng thuật ngữ mô tả chủ thể trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa có quy định dự liệu tình huống nếu cả ba chủ thể là sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm đều có lỗi, dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng thì ai phải chịu trách nhiệm.
Ngoài các chủ thể trên, theo quan điểm của tác giả, trong một số tình huống cụ thể, các chủ thể kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm có trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nhìn chung, các quy định về phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm đều rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đang bị dàn trải ở nhiều bộ, ngành, chưa tạo thành hệ thống kiểm soát toàn diện theo các mối nguy theo chuỗi, dẫn đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do cả 03 Bộ ban hành độc lập và việc thực thi khác nhau dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong xây dựng, triển khai các quy định pháp luật, hậu quả là sự thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện[3]. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, ví dụ như trường hợp vẫn còn nhiều thực phẩm, phụ gia chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, trong khi chúng có tác động xấu đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; hoặc, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam đang thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế, dẫn đến các thực phẩm dù được sản xuất, kinh doanh đúng theo tiêu chuẩn pháp luật Việt Nam nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Rõ ràng, lúc này, trách nhiệm không còn thuộc về bên sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì họ đã làm đúng theo quy định pháp luật, mà thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, cần có sự thống nhất về khái niệm chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì khi thiệt hại xảy ra mới có thể xác định chính xác chủ thể nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại cụ thể là bao nhiêu. Theo đó, chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm là các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện các công việc về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần có quy định pháp luật cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong các trường hợp nêu trên.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về mức bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Về mức bồi thường, hiện nay pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế chứng minh được. Thực tế, việc xác định mức bồi thường dựa trên mức độ thiệt hại và mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi nạn nhân điều trị, nhằm bảo đảm được quyền và lợi ích của cả bên bị thiệt hại và bên chịu trách nhiệm bồi thường. Tác giả cho rằng, mức bồi thường dựa trên mức độ thiệt hại này chưa đủ sức răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vì trong nhiều trường hợp, mức tiền phạt và tiền bồi thường là quá nhỏ so với khoản tiền lời thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tái phạm hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, có thể kể đến là các vụ ngộ độc thực phẩm tràn lan ở các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước, đối tượng bị thiệt hại thường là những người công nhân - thuộc nhóm người tiêu dùng yếu thế. Trong khi đó, Điều 51 Luật Tiêu dùng Đài Loan năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) có thể thấy, Luật này đã mở ra một cơ chế đòi bồi thường ưu tiên cho người tiêu dùng khi mức yêu cầu đòi bồi thường có thể lên tới gấp 03 lần mức thiệt hại thực tế nếu như liên quan tới yếu kém của doanh nghiệp hoặc một hành vi cố ý[4]. Những kinh nghiệm lập pháp và kết quả thực thi quy định của Đài Loan cũng có thể là bài học tham khảo cho Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật về tiêu dùng. Vì vậy, theo tác giả, mức bồi thường cho nạn nhân cần được quy định là gấp từ 03 đến 05 lần so với thực tế, như vậy sẽ giúp các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm và trách nhiệm xã hội của họ ngay từ ban đầu. Đồng thời, bù đắp cho những tổn thất về sức khỏe, tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của các chủ thể bị thiệt hại.
Thứ tư, bổ sung một số quy định liên quan trong Luật An toàn thực phẩm.
Hiện nay, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 chưa có quy định cụ thể về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn gây ra đối với người tiêu dùng. Theo tác giả, cần bổ sung các quy định giải quyết bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng thay vì phải dẫn chiếu đến quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo đó, bổ sung một số nội dung như định nghĩa về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, thứ tự chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn…
Thứ năm, xây dựng hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng thực phẩm chặt chẽ.
Trước tiên, xây dựng hệ thống quản lý và kiểm tra chất lượng chặt chẽ góp phần tạo ra thực phẩm an toàn, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có. Đồng thời, cần tăng cường hoàn thiện quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến an toàn thực phẩm hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố nền tảng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, thực phẩm trên điện thoại để người dân dễ dàng theo dõi thông tin thực phẩm hàng ngày. Trên mỗi bao bì sản phẩm sẽ có mã QR (mã phản hồi nhanh), tích hợp đầy đủ thông tin nguồn gốc thực phẩm. Chỉ cần tải app (ứng dụng) vào điện thoại, truy cập app và quét mã thì các thông tin, thông số của sản phẩm (ngày đóng gói, nguồn gốc, thành phần, cơ sở sản xuất, kinh doanh…) sẽ ngay lập tức hiện lên trên màn hình điện thoại. Ngoài ra, app sẽ có phần báo cáo sản phẩm không an toàn. Người tiêu dùng có thể chụp ảnh làm bằng chứng và đăng tải bình luận công khai, sau đó Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ xác nhận thông tin. Có mục chấm điểm, đánh giá cho sản phẩm để tăng độ uy tín cho các sản phẩm. Khi xảy ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm không an toàn, các thông tin, thông số và đánh giá của khách hàng trên app sẽ là một trong các căn cứ quan trọng trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Để tạo nền tảng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, trong đó, Bộ Tư pháp đóng vai trò thẩm định các quy định và điều khoản được tích hợp trong app này.
Hà Trọng Bắc
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
Đinh Minh Châu
Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp
[1]. Vov.vn (2016), “Vi phạm an toàn thực phẩm: Khởi kiện, tại sao không?”, http://vov.vn/an-sach-song-khoe/vi-pham-an-toan-thuc-pham-khoi-kien-tai-sao-khong-495869.vov, truy cập ngày 15/8/2023.
[2]. ThS. Luật sư Lê Văn Sua (2017), “Bàn về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015”, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2205, truy cập ngày 15/8/2023.
[3]. Nguyễn Thị Vi Bình, (2020) Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và thực tiễn tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Luận văn Thạc sĩ Luật học Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 38.
[4]. Nguyễn Trọng Điệp, Nguyễn Tiến Đạt (2019), “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dù̀ng yếu thế trong pháp luật Việt Nam và Đài Loan”, VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 2 tr. 23 - 30.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)