1. Quy định của pháp luật về xử lý hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa đưa ra khái niệm chính thức về “tin giả”. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 (Nghị định số 15/2020/NĐ-CP) chỉ nhắc tới thuật ngữ “thông tin giả mạo”. Ngoài ra, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018... cũng không có khái niệm về “tin giả”.
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra định nghĩa về “tin giả trên không gian mạng” như sau: “Tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội”[1].
Như vậy, có thể hiểu, hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng được xem là hành vi cố ý xâm hại các khách thể nhất định được pháp luật bảo vệ, gây ra những hậu quả tiêu cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật quy định về vấn đề xử lý tin giả trên mạng xã hội với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau làm cơ sở pháp lý để xử lý hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng nhằm kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, xấu độc, vi phạm pháp luật[2], cụ thể:
Thứ nhất, về xử lý hành chính: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt tương ứng đối với từng từng nhóm hành vi vi phạm thông tin trên mạng sau đây:
- Hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân của các trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 99).
- Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 100).
- Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (điểm a khoản 1 Điều 101); cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân (điểm d khoản 1 Điều 101) sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
- Hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điểm n khoản 3 Điều 102).
Thứ hai, về xử lý hình sự:
- Hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015); người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
- Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội có thể đến 07 năm tù và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Nếu có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015).
2. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về xử lý hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng
Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa chính thức về “tin giả” dẫn đến khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP khi liệt kê các vi phạm liên quan đến cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có đề cập tới các thuật ngữ như “thông tin giả mạo”, “thông tin xuyên tạc”, “thông tin vu khống” và “thông tin bịa đặt”. Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung của Nghị định này không hoàn toàn giải thích rõ thế nào là “thông tin giả mạo”, “thông tin xuyên tạc”, “thông tin vu khống”, “thông tin bịa đặt”[3]. Ngoài ra, điểm b khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 cũng có quy định, thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: “Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Có thể thấy, việc sử dụng những thuật ngữ mang nghĩa “bao trùm lẫn nhau” để diễn đạt về cùng một nội dung nhưng thiếu những hướng dẫn cụ thể dẫn đến những khó khăn, vướng mắc nhất định khi áp dụng Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Thứ hai, pháp luật hiện hành chưa có những quy định mang tính định lượng để phân định giữa vi phạm hành chính và vi phạm hình sự đối với hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng.
Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định: “Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự”. Tuy nhiên, đối với hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng thì việc phân định giữa vi phạm hành chính và vi phạm hình sự còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vu khống, người thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm; nếu chủ thể thực hiện hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Trong xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội, khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã liệt kê 02 nhóm hành vi có liên quan đến phát tán tin giả như sau: (i) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; (ii) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định mang tính định lượng cụ thể, chẳng hạn như, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào được coi là nghiêm trọng, trong khi đó, chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà không cần xem xét đến hậu quả xảy ra. Chính vì pháp luật hiện hành còn thiếu những quy định mang tính định lượng nên việc xác định ranh giới để xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự chưa thực sự rõ ràng.
Thứ ba, quy định về xử lý hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng có sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
- Khoản 9 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định: “Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP không quy định chế tài đối với hành vi đăng tải tin giả trên không gian mạng.
- Hành vi lưu trữ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội lại không phải hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng năm 2018 nhưng lại bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 100 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội thì: “Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
- Hành vi làm tin giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều này quy định: “Người nào có một trong những hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm”. Tuy nhiên, đối chiếu với Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì không có bất kỳ quy định nào để xử phạt vi hành chính đối với hành vi làm tin giả.
Ngoài những quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, một số nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác cũng điều chỉnh hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, như như điểm b khoản 4 Điều 20 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định hành vi “cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng… Quy định này không nêu rõ phát tán thông tin giả qua phương tiện nào, do đó, các chủ thể có thẩm quyền vẫn có thể áp dụng quy định này để xử phạt trong trường hợp vi phạm được thực hiện trên không gian mạng.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, cần ghi nhận khái niệm “tin giả” để thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật.
Như đã phân tích ở phần trên, hiện nay, các quy định trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018... chưa đưa ra khái niệm về tin giả. Mặc dù, Luật An ninh mạng năm 2018 có đề cập tới thuật ngữ “thông tin sai sự thật” nhưng cũng không có khái niệm rõ ràng về “tin giả”. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất bổ sung khái niệm “tin giả” vào văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đưa ra cách hiểu và áp dụng thống nhất trên thực tế.
Thứ hai, cần quy định thống nhất về hành vi bị xử lý trong pháp luật về xử lý tin giả trên mạng xã hội.
- Cần bổ sung hành vi đăng tải, làm tin giả lên mạng xã hội trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP để thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018.
- Luật An ninh mạng năm 2018 không quy định về việc xử lý hành vi “lưu trữ” tin giả đối với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nhưng hành vi này trên thực tế lại bị xử lý hành chính, xử lý hình sự. Như vậy, cần bổ sung quy định để kịp thời điều chỉnh nhóm đối tượng này trong Luật An ninh mạng năm 2018.
- Cần quy định các tội danh mà chủ thể là tổ chức trong lĩnh vực mạng xã hội phải chịu. Bởi lẽ, cùng là hành vi lưu trữ, phát tán tin giả nhưng với chế tài hành chính thì tổ chức bị xử lý còn chế tài hình sự thì không bị xử lý. Do đó, theo nhóm tác giả, cần nghiên cứu sửa đổi Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng tổ chức cũng là một chủ thể của tội phạm.
Lê Bá Đức
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Lê Nhật Hạ
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, Nxb. Thông tin và Truyền thông, tr. 27.
[2]. Cổng thông tin điện tử Chính phủ (2022), “Tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật đang diễn biến rất phức tạp”, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tinh-trang-tan-phat-tin-gia-tin-sai-su-that-dang-dien-bien-rat-phuc-tap-119220809093329549.htm, truy cập ngày 30/8/2023.
[3]. Trương Tư Phước, Bùi Thị Như Hằng (2021), “Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số, 4, tr. 4 - 5.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)