Hiện nay, xu hướng chung của hệ thống hình phạt của các nước trên thế giới đó là mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền. Cũng nằm trong xu thế đó, ở Việt Nam, hình phạt tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự cũng mở rộng phạm vi áp dụng và được quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015). Hình phạt tiền là hình phạt có tính chất kinh tế nhằm vào tài sản của người phạm tội, được thực hiện bằng việc buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định sung vào công quỹ nhà nước[1].
Hình phạt tiền là hình phạt giữ vai trò quan trọng trong hệ thống các hình phạt chính, nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Việc áp dụng hình phạt tiền trong nhiều trường hợp sẽ giúp cho việc cá thể hóa hình phạt ở mức cao mà khi áp dụng các loại hình phạt khác khó có thể đạt được mục đích của hình phạt. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có một số thay đổi so với Bộ luật Hình sự năm 1999 và một trong những điểm nổi bật đó là việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền. Việc mở rộng phạm vi nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”[2]. Đồng thời, đáp ứng thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà mục đích của người phạm tội hướng tới lợi nhuận, cũng như phù hợp với hình phạt áp dụng đối với người phạm tội của các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định về hình phạt tiền vẫn còn một số hạn chế, bất cập, do đó, yêu cầu đặt ra là cần phải hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về hình phạt tiền nhằm bảo đảm quá trình áp dụng vào thực tiễn được thống nhất và hiệu quả cao. Cụ thể:
Thứ nhất, việc áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội căn cứ theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng; mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc chỉ áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là chưa toàn diện. Bởi vì, tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp như người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Như vậy, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội nghiêm trọng và thậm chí cả đối với người phạm tội rất nghiêm trọng. Đối với trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng thì việc quy định và áp dụng hình phạt tiền không bị giới hạn về nhóm tội phạm. Đối với trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng thì bị giới hạn về nhóm tội phạm, cụ thể là, người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định. Tuy nhiên, tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 điều luật nêu tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong 28 tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì có các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng. Đối chiếu với các quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định đối với lao động chưa thành niên tại mục 1 Chương XI, theo đó, người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019. Do đó, không chỉ người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có thu nhập riêng mà người dưới 15 tuổi cũng có thể tham gia làm việc để có thu nhập và tài sản riêng.
Từ các căn cứ nêu trên, tác giả cho rằng, để bảo đảm thực hiện tốt nhất mục đích áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nên mở rộng đối tượng áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu xét thấy họ có thu nhập hoặc có tài sản riêng thay vì áp dụng nhiều hình phạt tù có thời hạn hoặc cải tạo không giam giữ. Việc quy định này sẽ bảo đảm mục đích áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thứ hai, về mức phạt tiền áp dụng.
Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức thấp nhất của hình phạt tiền là 01 triệu đồng, mức tối đa tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015. Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định về mức khởi điểm của hình phạt tiền như Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 1999 là 01 triệu đồng. Theo tác giả, quy định này chưa thực sự phù hợp với các quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015, bởi vì, trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015 không có bất cứ điều luật cụ thể nào có quy định hình phạt tiền với mức khởi điểm là 01 triệu đồng mà mức khởi điểm thấp nhất (đối với cả hình phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung) là 05 triệu đồng. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tác giả kiến nghị nâng mức thấp nhất của hình phạt tiền lên 05 triệu đồng.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt tiền có thể là hình phạt chính nhưng cũng có thể chỉ là hình phạt bổ sung (đối với người phạm tội trong một số tội phạm cụ thể mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định). Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính với phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung, mức phạt tiền tối thiểu giữa hình phạt chính và hình phạt bổ sung không được quy định riêng, đều quy định chung là 01 triệu đồng. Ví dụ: Đối với Tội đánh bạc (Điều 321) thì mức thấp nhất của khung hình phạt khi áp dụng hình phạt chính là phạt tiền là 20 triệu đồng, trong khi đó, hình phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung đã có mức khởi điểm là 10 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng, tức là hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung có mức phạt tối đa cao hơn cả hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính. Về nguyên tắc, hình phạt chính phải có mức độ nghiêm khắc hơn hình phạt bổ sung nên khi quy định về hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính phải có sự phân định rõ ràng với hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung. Có như vậy mới thực hiện triệt để nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong khi áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội. Do vậy, theo quan điểm của tác giả, cần phải sửa đổi các quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng quy định mức tối thiểu của phạt tiền với tính chất là hình phạt chính phải cao hơn mức tối đa của phạt tiền với tính chất hình phạt bổ sung.
Thứ ba, về khoảng cách giữa mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong một khung hình phạt tại một số điều luật trong phần các tội phạm.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, một số điều luật tại Phần thứ hai “Các tội phạm” có quy định khoảng cách giữa mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong cùng khung hình phạt còn chênh lệch quá lớn. Ví dụ: Tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội trốn thuế có mức phạt tiền khi áp dụng là hình phạt chính tối thiểu là 01 tỷ 500 triệu đồng, trong khi mức tối đa là 04 tỷ 500 triệu đồng (chênh lệch 03 tỷ đồng); tại khoản 3 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường có mức phạt tiền khi áp dụng là hình phạt chính tối thiểu là 01 tỷ đồng, trong khi quy định mức tối đa là 03 tỷ đồng (chênh lệch 02 tỷ đồng). Việc quy định như trên chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời, có thể là cơ sở cho sự tùy tiện trong việc áp dụng hình phạt này. Do đó, theo quan điểm của tác giả, cần thu hẹp khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa trong việc quy định hình phạt tiền hoặc phân hóa hình phạt tiền trong các khung hình phạt khác nhau như đối với hình phạt tù có thời hạn, tạo điều kiện cho việc quyết định một hình phạt nghiêm khắc và công bằng.
Thứ tư, về căn cứ quyết định mức phạt tiền.
Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả. Tuy nhiên, việc chứng minh khả năng tài chính của người phạm tội chỉ mang tính chất tương đối và thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh thu nhập cũng như tài sản riêng của họ, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Người phạm tội có tâm lý che giấu thu nhập, tài sản của mình gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng; quy định của pháp luật còn một số vướng mắc, thiếu sự thống nhất trong quản lý nguồn tài sản, các biến động về tài sản của công dân. Trên thực tế, trong quá trình giải quyết vụ án, việc xác minh về khả năng tài chính của người phạm tội chủ yếu dựa trên các nguồn như: Lời khai của người phạm tội, các giấy tờ chứng minh được tài sản hợp pháp của người phạm tội, lời khai của những người thân thích trong gia đình người phạm tội... Đặc biệt là, đối với người phạm tội không có nghề nghiệp ổn định, lao động tự do thì càng khó xác định được chính xác tình hình tài sản của họ. Do vậy, việc xác định tình hình tài sản của người phạm tội mang tính chất tương đối. Bên cạnh đó, biến động giá cả cũng là một trong các căn cứ để quyết định mức phạt tiền, tuy nhiên, căn cứ này cũng thường không được thể hiện trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, Tòa án khó có thể đưa ra một mức phạt tiền phù hợp với tình hình tài sản của người phạm tội và sự biến động giá cả. Nếu như mức phạt tiền cao so với tình hình tài sản của người phạm tội sẽ dẫn đến việc khó thi hành trên thực tế, ngược lại, trường hợp mức phạt tiền thấp thì không bảo đảm được tính nghiêm minh, răn đe của hình phạt.
Do đó, để phù hợp với tình hình quản lý tài sản ở nước ta hiện nay, cũng như để bảo đảm công tác thi hành án đối với những người bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, tác giả đề xuất, cần yêu cầu người phạm tội cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến tình hình tài sản, thu nhập của bản thân..., nếu họ không có thu nhập, không có tài sản thì không nên áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, vì như vậy sẽ dẫn đến công tác thi hành án hình sự gặp nhiều khó khăn. Trong những trường hợp này, có thể lựa chọn các loại hình phạt chính khác phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn...
Thứ năm, về việc khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam khi áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, các hình phạt chính như tù có thời hạn, cải tạo không giam giữ đều quy định việc khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành án, trong khi đó, hình phạt tiền lại không quy định về việc khấu trừ này. Về vấn đề này, tác giả cho rằng, cần quy định về việc khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam đối với cả hình phạt tiền. Bởi lẽ, trên thực tế, có một số trường hợp người phạm tội bị tạm giữ, tạm giam nhưng khi xét xử, nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền đối với họ sẽ không thể khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam bởi vì không có quy định về vấn đề này. Do vậy, việc không khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tiền là chưa bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người phạm tội. Về vấn đề này, theo tác giả, Tòa án có thẩm quyền xác định mức thu nhập bình quân của người bị kết án phạt tiền, trên cơ sở đó, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam sẽ được khấu trừ một khoản tiền tương ứng với một ngày công lao động của người đó. Trong trường hợp người bị kết án không có thu nhập hoặc thu nhập không ổn định thì việc xác định mức khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam theo ngày cần dựa vào mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Thứ sáu, về đối tượng áp dụng hình phạt tiền.
Bên cạnh chủ thể của tội phạm là người phạm tội thì Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, hình phạt tiền (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) cũng được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định áp dụng đối với chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại. Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt tiền có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại phạm một trong 33 tội danh thuộc các nhóm tội phạm kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh kế; nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng và thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại, điều này gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng pháp luật.
Vì vậy, theo tác giả, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định về trình tự, thủ tục áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội để thực hiện áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân.
ThS. Nguyễn Đình Văn
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Cục Đào tạo, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần những quy định chung), Nxb. Lao Động, Hà Nội, năm 2021, tr. 196.
[2]. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)