Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghiệp đã khiến việc bảo vệ môi trường trở thành một vấn đề được quan tâm đặc biệt trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã dùng đến luật hình sự trong việc bảo vệ môi trường vì các biện pháp khác như xử phạt hành chính… đã tỏ ra không thỏa đáng hoặc không hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cũng đã sử dụng nhiều phương pháp để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như xử phạt hành chính, truy tố hình sự... Trong những biện pháp này, luật hình sự dường như là biện pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ môi trường với tính chất nghiêm khắc của mình.
1. Một số vấn đề về quản lý chất thải
Hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người luôn làm phát sinh các loại chất thải. Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì “Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Căn cứ vào tính chất của chất thải, chất thải được chia thành chất thải lỏng, chất thải khí, chất thải rắn, chất thải ở dạng mùi, chất phóng xạ và các dạng hỗn hợp khác. Căn cứ vào nguồn phát sinh chất thải, chất thải được chia thành chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế. Căn cứ vào mức độ tác động của chất thải tới môi trường xung quanh, chất thải được chia thành chất thải thông thường và chất thải nguy hại[1]. Như vậy, chất thải là những chất không sử dụng được nữa và bị loại bỏ trong hoạt động của con người (chủ yếu là hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt…). Tuy nhiên, việc xác định loại vật chất nào là chất thải không phải giống nhau ở tất cả các hoạt động mà việc xác định chất thải phụ thuộc lớn nhất vào ý chí chủ quan của chủ sở hữu. Chất thải có thể chỉ là vật bỏ đi, không có giá trị sử dụng hoặc tái sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các chất thải phát sinh từ các quá trình tiêu dùng hay sản xuất đều có thể tái sử dụng, tái chế được. Do đó, chất thải của quy trình sản xuất này có thể là nguồn nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất khác. Vì vậy, khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 còn quy định một khái niệm khác: “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”.
Chất thải là nguồn chính gây ô nhiễm môi trường, do vậy, đòi hỏi chủ thể phát tán chất thải hoặc chủ thể quản lý phải có những nghĩa vụ nhất định nhằm bảo đảm tính an toàn. Theo khoản 15 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì “Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải”.
Trên thế giới, có 02 cách tiếp cận phổ biến được áp dụng trong quản lý chất thải là quản lý chất thải ở cuối đường ống sản xuất (còn gọi là quản lý chất thải ở cuối công đoạn sản xuất) và quản lý chất thải theo đường ống sản xuất (quản lý chất thải trong suốt quá trình sản xuất, dọc theo đường ống sản xuất). Ngoài ra, một số nước phát triển đã có cách tiếp cận mới trong quản lý chất thải, đó là quản lý chất thải nhấn mạnh vào khâu tiêu dùng. Cách này tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (bao gồm cả các nhà sản xuất) để họ lựa chọn và đòi hỏi các sản phẩm được sản xuất ra phải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, phải thân thiện với môi trường và bản thân người tiêu dùng cùng hành động thân thiện với môi trường trong tiêu dùng sản phẩm[2]. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định mới, toàn diện về quản lý chất thải, theo đó, “chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy” (Điều 85). Đối với mỗi loại chất thải khác nhau, căn cứ vào sự tác động của chất thải đó đối với môi trường xung quanh, pháp luật có các quy định khác nhau. Đặc biệt, đối với quản lý chất thải nguy hại, pháp luật có các quy định rất chặt chẽ và chi tiết về điều kiện để quản lý chất thải nguy hại, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với mỗi công đoạn của quá trình quản lý chất thải. Việc xử lý chất thải nguy hại phải được tiến hành bằng phương pháp, công nghệ, thiết bị phù hợp với đặc tính hóa học, lý học và sinh học của từng loại chất thải nguy hại để đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường.
2. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 239 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tội phạm này được hiểu là hành vi đưa chất thải hoặc chất thải nguy hại vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật.
Về khách thể của tội phạm: Hành vi phạm tội này xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về việc quản lý chất thải. Những hành vi xâm phạm các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, qua đó có thể gây ô nhiễm môi trường cũng như gây ra nhiều thiệt hại khác cho Nhà nước.
Về chủ thể của tội phạm: Đây là tội có chủ thể thường. Chủ thể của tội phạm này chỉ cần đáp ứng những điều kiện thông thường của mọi chủ thể của tội phạm là năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài cá nhân thì pháp nhân thương mại cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam là hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam trái phép đối với các dạng chất thải sau:
Một là, hành vi đưa vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc chất thải nguy hại có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (những dạng chất thải nguy hại này giống với dạng chất thải nguy hại được quy định trong Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Hai là, hành vi đưa vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật các chất thải khác.
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.
Thủ đoạn phạm tội có sự khác biệt trong cách quy định của cấu thành tội phạm tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam trong Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Trước đây, Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định rõ thủ đoạn phạm tội này là lợi dụng việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế liệu hoặc hóa chất, phế phẩm sinh học hoặc bằng thủ đoạn khác thì hiện nay, Điều 239 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định ngắn gọn hơn và không mô tả thủ đoạn phạm tội. Chủ thể thực hiện hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật bằng bất kỳ thủ đoạn gì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.
Về mặt chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan của tội phạm là diễn biến tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Lỗi của người phạm tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi đưa các loại chất thải vào lãnh thổ Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện.
3. Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam và hướng hoàn thiện
Trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật về môi trường đã đặt ra nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Quá trình công gnhiệp hóa đất nước dẫn đến nhu cầu lớn về nguyên liệu sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất, từ đó cũng nảy sinh những vấn đề vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nhập khẩu phế liệu từ các nước phát triển vào nước ta. Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cả nước có khoảng 160 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất, tái chế trực tiếp nhập khẩu phế liệu chiếm khoảng 75%; nhập khẩu để phân phối chiếm khoảng 18%; còn lại là doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác. Theo thống kê, tổng số phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất năm 2011 vào khoảng hơn 2,9 triệu tấn, chủ yếu là phế liệu sắt, nhựa, giấy, xỉ cát, xỉ slay, thạch cao với nguồn gốc chủ yếu từ Mỹ, Nam Phi, Úc, EU. Hàng năm, có hàng trăm triệu tấn hàng các loại nhập khẩu vào Việt Nam theo con đường chính ngạch. Trong đó, có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như máy móc, thiết bị lạc hậu, cũ, hỏng, hết niên hạn sử dụng; linh kiện điện tử có chứa chất nguy hại vượt ngưỡng[3].
Tuy nhiên, hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam hầu như không bị xử lý hình sự mặc dù cũng có những trường hợp có vi phạm nghiêm trọng. Nguyên nhân xảy ra tình trạng nhập khẩu chất thải công nghiệp là việc vận chuyển, nhập khẩu “rác” của các nước tiên tiến thải ra mang lại lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong nước tìm mọi cách ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau với danh nghĩa hợp pháp để thu lợi bất chính. Chủ thể thường sử dụng thủ đoạn vận chuyển hàng hóa vi phạm vào Việt Nam dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3. Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong container là chất thải. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên người nhận lại. Bằng nhiều thủ đoạn tạm nhập, tái xuất, các doanh nghiệp trên đã lén lút vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật vào lãnh thổ Việt Nam. Như một phản ứng dây chuyền, khi lực lượng chức năng phát hiện, các đơn vị tiếp nhận lô hàng lập tức có công văn từ chối nhận hàng. Việc xử lý các đơn vị xuất khẩu chất thải công nghiệp ở nước ngoài khó có thể thực hiện được vì hầu hết là những doanh nghiệp “ma”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ “xuất khẩu” rác thải công nghiệp sang Việt Nam hoặc sang nước thứ 3, chúng xóa mọi dấu vết khiến lực lượng chức năng (kể cả Interpol) khó lần ra địa chỉ để xử lý[4]. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 8/2014, tại các cảng container lớn trên cả nước có khoảng 5.450 container lưu bãi nhiều ngày. Thời gian ngắn là khoảng 03 tháng, dài lên đến gần 10 năm. Trong đó, tại cảng Hải Phòng, số container ở dạng này lên tới hơn 5.060 chiếm 95% của cả nước, sau nữa là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh[5].
Theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì hành vi nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, hành vi nhập khẩu phế liệu (là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác) lại được pháp luật cho phép thực hiện. Do đó, nhiều người cho rằng, hành vi nhập khẩu phế liệu có thể được coi là hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam hợp pháp. Hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật chủ yếu được thực hiện thông qua thủ đoạn lợi dụng hành vi hợp pháp này nên việc xác định vi phạm cũng như xử lý là rất khó khăn. Ví dụ, vụ việc bỗng dưng ôm hơn 06 tấn quặng kẽm ở Cảng Hải Phòng: Vào tháng 5/2014, một lô hàng tạm nhập tái xuất được tàu Xinhairong đưa vào cập cảng Hải Phòng và được khai báo là hơn 6.458 tấn quặng kẽm có xuất xứ từ Hàn Quốc để tái xuất sang Trung Quốc. Doanh nghiệp đứng tên nhận lô hàng quặng kẽm trên là Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ STC (thành phố Hải Phòng). Ngay lập tức, Công ty STC ký hợp đồng với cảng Hải Phòng để bốc xếp 6.458 tấn quặng xuống tàu và gửi vào bãi chứa cảng Hải Phòng. Thế nhưng sau đó, lô quặng trên không được đưa ra khỏi cảng Hải Phòng, cứ nằm chình ình giữa khu vực xếp dỡ. Tới ngày 14/8, Cảng Hải Phòng bất ngờ nhận được công văn của Công ty STC với thông báo xin từ bỏ lô hàng quặng kẽm vì lý do không thể liên lạc được với chủ hàng thật ở Trung Quốc cũng như chưa nhận được chứng từ về hàng hóa và các chi phí đã phát sinh cho lô hàng. Hơn 6.458 tấn quặng vô chủ này đã nằm ở cảng gần 06 tháng. Theo tính toán, mỗi tháng Cảng Hải Phòng chịu thất thu khoảng 195 triệu đồng phí lưu bãi vì không thể giải phóng lượng quặng trên để đưa hàng hóa khác vào. Tệ hơn là quặng vô chủ còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau mỗi lần mưa, Cảng đều phải tổ chức cho hàng chục công nhân đi xúc dọn, bảo vệ số quặng khỏi trôi ra ngoài, gây ách tắc hệ thống thoát nước và làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Theo nhiều chuyên gia, đống quặng trên chỉ là một dạng chất thải công nghiệp nặng có tính nguy hại[6].
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, hành vi này được quy định tại điểm c khoản 5 Điều 25 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường: “Không tái xuất, chuyển khẩu toàn bộ phế liệu đã được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, với số tiền phạt từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng là chưa đủ nghiêm khắc để xử lý cũng như ngăn ngừa những hành vi vi phạm này vì những tác hại của nó gây ra cho môi trường cũng như cho Nhà nước là rất nghiêm trọng.
Như đã phân tích ở trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những thay đổi trong cấu thành tội phạm của tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, còn một số vấn đề trong quy định của cấu thành tội phạm của tội phạm này cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế, đặc biệt là phù hợp với pháp luật chuyên ngành:
Thứ nhất, trong cấu thành tội phạm của tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 239 Bộ luật Hình sự năm 2015 có dấu hiệu “…đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật…”. Với quy định này sẽ dẫn đến cách hiểu có trường hợp đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam nhưng phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi “nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức”. Điều đó có nghĩa là, mọi hành vi đưa chất thải từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam đều bị nghiêm cấm nên không có hành vi nào đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam lại không trái pháp luật. Mặc dù pháp luật cho phép nhập khẩu phế liệu và theo nhiều quan điểm cho rằng, việc cho phép nhập khẩu phế liệu chính là trường hợp Nhà nước cho phép nhập khẩu chất thải vì phế liệu bản chất chính là chất thải[7]. Tuy nhiên, tác giả không ủng hộ quan điểm này. Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 khi giải thích từ ngữ đã xác định “Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác” còn “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”. Như vậy, một vật chất có phải là chất thải hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ sở hữu (trừ những trường hợp do đặc thù trong hoạt động của mình, chủ sở hữu phải thải bỏ vật chất và hoạt động thải bỏ này mang tính chất bị động đối với chủ sở hữu cũng như đối với đối tượng khác). Một vật chất sẽ được tồn tại dưới dạng chất thải từ khi chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp thải ra cho đến khi nó được đưa vào sử dụng ở một chu trình sản xuất hoặc chu trình sử dụng khác[8]. Pháp luật Việt Nam cũng đưa ra hai thuật ngữ khác nhau để xác định giá trị sử dụng khác nhau là chất thải và phế liệu. Mặc dù phế liệu cũng là vật chất được thải ra từ những hoạt động nhất định nhưng nó lại được sử dụng để làm nguyên liệu cho một hoạt động khác nên hành vi nhập khẩu phế liệu không thể nói đó là hành vi nhập khẩu chất thải. Vì vậy, tác giả cho rằng, không cần quy định dấu hiệu “trái pháp luật” trong hành vi khách quan của tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, cần bổ sung hành vi đưa phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam nhưng sau đó không tái xuất, chuyển khẩu toàn bộ phế liệu đã được đưa vào lãnh thổ Việt Nam là một dạng hành vi của tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Như đã phân tích ở trên, phế liệu chỉ khác chất thải ở đặc điểm phế liệu được sử dụng làm nguyên liệu cho một hoạt động sản xuất khác. Vì vậy, những phế liệu được đưa vào lãnh thổ Việt Nam nhưng sau đó không chuyển đến được những người chủ sử dụng phế liệu đó thì lúc này phế liệu sẽ là chất thải. Thực tế đã chứng minh trong thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp sau khi phế liệu đã được đưa vào lãnh thổ Việt Nam thì việc tái xuất là không thể thực hiện được dẫn đến hậu quả là môi trường và sức khỏe của con người bị ảnh hưởng, Nhà nước phải mất thời gian, tiền bạc cho việc xử lý.
Thứ ba, để đảm bảo tính răn đe cũng như ngăn ngừa, hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật trong việc đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, tác giả cho rằng, nên bổ sung trường hợp đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam với số lượng dưới mức quy định tại Điều 239 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội phạm này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Môi trường, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 84 - 85.
[2]. Đại học Luật Hà Nội, Sđd, 2015, tr. 85 - 86.
[3]. Ngô Ngọc Diễm (2014), Bàn về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam quy định trong Bộ luật Hình sự, Tạp chí Kiểm sát, số 17 (tháng 9/2014), Hà Nội, tr. 37.
[4]. http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4905/201007/Cang-bien-Hai-Phong-truoc-nguy-co-thanh-bai-chat-thai-cong-nghiep-Can-thuoc-tot-de-tri-benh-nang-1975670/.
[5]. http://www.baomoi.com/hang-nghin-container-phe-lieu-tai-cang-hai-phong-luan-quan-chuyen-xu-ly/c/16328016.epi.
[6]. https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/rac-nhap-bua-vay-cang-hai-phong-3815.htm.
[7]. Nguyễn Đức Việt (2011), Quản lý chất thải nguy hại được đưa vào Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8, Hà Nội, tr. 72.
[8]. Dương Minh Tiến (2015), Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại trong luật hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sỹ luật học, Hà Nội, tr. 12.