1. Dẫn nhập
Luật Doanh nghiệp năm 2020 được xây dựng và ban hành để hiện thực hóa các mục tiêu: “Tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng cao chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới); nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng cao mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới); nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp”[1], đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy còn những quy định chưa phù hợp, chưa phát huy được hiệu quả trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật lên là những hạn chế trong các quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Do vậy, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là cần thiết.
2. Những bất cập, hạn chế trong quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên của Luật Doanh nghiệp năm 2020
Thứ nhất, về việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp:
Khoản 7 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty”.
Giấy chứng nhận phần vốn góp là loại giấy tờ được cấp cho thành viên của công ty, là bằng chứng chân thực nhất chứng minh việc thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ góp đủ phần vốn góp vào công ty, là cơ sở để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên công ty đối với các hoạt động của công ty. Theo đó, trong trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác thì đương nhiên thành viên sẽ được công ty cấp lại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều lệ công ty. Trong khi đó, Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về những nội dung chủ yếu của Điều lệ công ty thì trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp không phải là nội dung bắt buộc phải có trong Điều lệ công ty[2]. Vậy, trường hợp được đặt ra, nếu Điều lệ công ty không quy định về trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp thì việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp sẽ được thực hiện như thế nào? Đây là điểm bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2020 khi quy định việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp được thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty mà lại không ràng buộc đây là nội dung bắt buộc phải có trong Điều lệ. Quy định này “vô tình” đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thành viên công ty.
Thứ hai, về việc cập nhật thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên:
Khoản 3 Điều 48 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên theo yêu cầu của thành viên có liên quan theo quy định tại Điều lệ công ty”. Trong một số trường hợp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 như: Trường hợp góp vốn thành lập công ty, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty[3]…, thì việc cập nhật thông tin thành viên vào sổ đăng ký thành viên là nội dung quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác lập tư cách thành viên của người góp vốn, người nhận chuyển nhượng. Bởi lẽ, chỉ khi các thông tin theo quy định được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên thì người góp vốn, người nhận chuyển nhượng phần vốn góp mới chính thức trở thành thành viên công ty và có các quyền, nghĩa vụ của thành viên công ty. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên theo quy định tại Điều lệ công ty”. Vậy như, thế nào được hiểu là “cập nhật kịp thời” và việc cập nhật sẽ được thực hiện như thế nào nếu Điều lệ công ty không có quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện việc cập nhật sự thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên? Một lần nữa Luật Doanh nghiệp năm 2020 lại có quy định gây bất lợi cho quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên công ty trong công ty trách nhiệm hữu hạn khi không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện việc cập nhật sự thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định.
Thứ ba, về việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên:
Điểm d khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Ngoài các quyền quy định tại khoản 1 Điều này, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này có các quyền sau đây: “Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty”. Quy định này gây hạn chế quyền của các “thành viên thiểu số” - có tỷ lệ phần vốn góp thấp khi không có quyền được độc lập yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên dù biết rằng cuộc họp Hội đồng thành viên thực hiện theo trình tự, thủ tục không đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật (ví dụ như, không gửi thông báo mời họp cho thành viên công ty). Quy định này ít nhiều cũng đã gây bất lợi cho việc thành viên công ty tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.
Thứ tư, hạn chế trong quy định về thời điểm xác lập tư cách thành viên công ty:
(i) Trường hợp góp vốn thành lập công ty: Trừ trường hợp cam kết góp vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Người góp vốn trở thành thành viên của công ty kể từ thời điểm đã thanh toán phần vốn góp và những thông tin về người góp vốn quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên”. Như vậy, nếu những thông tin: Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức; phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp đã góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn; số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp chưa được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên thì tổ chức, cá nhân đó chưa trở thành thành viên của công ty và cũng không có các quyền của thành viên công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Quy định này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của cá nhân, tổ chức tại công ty và ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người góp vốn.
(ii) Trường hợp nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên”. Quy định này là mâu thuẫn với quy định tại khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh”.
Rõ ràng giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp của người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng đã hoàn thành, người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành chủ sở hữu phần vốn góp của người chuyển nhượng tại công ty và trở thành thành viên công ty theo giải thích, định nghĩa tại khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và không cần thêm bất kỳ điều kiện gì để xác lập tư cách thành viên. Do vậy, quy định về điều kiện những thông tin về người mua được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên là không cần thiết, gây cản trở cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng phần vốn góp.
3. Một số giải pháp hoàn thiện quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Một là, hoàn thiện quy định về việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp, về việc cập nhật thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên.
Nhằm xác định rõ trình tự, thủ tục, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp, việc cập nhật thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên trong công ty. Tác giả đề xuất, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần quy định theo hướng:
(i) Quy định rõ tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về Điều lệ công ty cần quy định rõ: Nội dung cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp, cập nhật thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên là nội dung bắt buộc phải có trong Điều lệ công ty; hoặc
(ii) Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định rõ về trình tự, thủ tục, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp, việc cập nhật thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên.
Hai là, hoàn thiện quy định về việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên
Nhằm bảo vệ quyền của “thành viên thiểu số”, tác giả đề xuất sửa đổi theo hướng bổ sung nội dung: “Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty” trở thành một trong các quyền cơ bản của thành viên công ty được quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Theo đó, điểm d khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 bị bãi bỏ. Bổ sung thêm điểm g’ khoản 1 Điều 49 như sau:
“Điều 49. Quyền của thành viên Hội đồng thành viên
1. Thành viên Hội đồng thành viên có các quyền sau đây:
….
g’) Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.
Ba là, hoàn thiện quy định về thời điểm xác lập tư cách thành viên công ty.
Đề xuất sửa đổi khoản 5 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng bỏ quy định về việc ghi nhận thông tin thành tin thành viên vào sổ đăng ký thành viên là điều kiện bắt buộc để xác lập tư cách thành viên.
Khoản 5 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nên được quy định lại như sau: “Người góp vốn trở thành thành viên của công ty kể từ thời điểm đã thanh toán phần vốn góp”.
Nhằm tạo sự thống nhất với giải thích, định nghĩa về thành viên công ty: “Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh” tại khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và tạo điều kiện thuận lợi cho người nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên công ty. Tác giả đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nên quy định lại như sau: “Người nhận chuyển nhượng trở thành thành viên của công ty kể từ thời điểm thanh toán đầy đủ giá trị phần vốn góp cho thành viên chuyển nhượng theo hợp động chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên chuyển nhượng đương nhiên không còn các quyền và nghĩa vụ đối với công ty”./.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam