Tóm tắt: Bài viết bàn về quy định pháp luật hiện hành và đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành biện pháp tạm giam trong pháp luật tố tụng hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
Abstract: The article discusses the current legal regulations and proposes solutions to improve the legal provisions and enhance the efficiency of the enforcement of detention measures in the criminal procedure law and the 2015 Law on enforcement of temporary custody and detention.
1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp tạm giam
Theo Báo cáo số 397/BC-CP ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (Báo cáo số 397/BC-CP), về tổng thể, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội trong năm 2022 giảm, tuy nhiên, một số loại tội phạm gia tăng như: Giết người, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật, tội phạm tham nhũng... Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, một số vụ án tham nhũng có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có sự tham gia của một số cán bộ cấp cao lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi.
Chỉ riêng trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19; tổ chức các đợt cao điểm ra quân đấu tranh, trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng gây án...; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Do vậy, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong đó có tạm giam là hết sức cần thiết.
Theo Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự), các biện pháp ngăn chặn, bao gồm biện pháp tạm giam được áp dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án.
Theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: (i) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; (ii) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; (iii) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; (iv) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; (v) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: (i) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; (ii) Tiếp tục phạm tội; (iii) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; (iv) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất và cũng được áp dụng phổ biến trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn, ngay cả đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi. Các biện pháp không mang tính giam giữ như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm chiếm tỷ lệ áp dụng thấp. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất nên thời hạn áp dụng cũng được quy định chặt chẽ và tương ứng trong từng giai đoạn tố tụng. Nếu ở giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử sơ thẩm, việc quy định thời hạn tạm giam tùy thuộc vào từng loại tội phạm thì ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và thời hạn tạm giam để bảo đảm thi hành án căn cứ vào cấp Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.
2. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành biện pháp tạm giam
Báo cáo số 08/BC-V8 ngày 05/12/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổng kết công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 nhận định: Công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2022 được các cơ quan, tổ chức cơ bản thực hiện nghiêm túc. Sau thời gian dài thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay, các hoạt động của cơ sở giam giữ đã trở lại bình thường. Về thủ tục pháp luật trong việc bắt, giữ được thực hiện chặt chẽ, chất lượng bắt, giữ hình sự được nâng lên, tỷ lệ bắt giữ hình sự sau đó xử lý hành chính chiếm tỷ lệ 0,21%; công tác quản lý giam, giữ nhìn chung được chấp hành nghiêm chỉnh; việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam phạm nhân cơ bản theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cho thấy, còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tạm giam, cần được nghiêm cứu sửa đổi, bổ sung. Trên thực tế, còn xảy ra một số trường hợp quá hạn tạm giam; văn bản hạn chế người bị tạm giữ, người bị tạm giam thăm gặp thân nhân không đúng quy định; chậm gửi quyết định tạm giam đến cơ sở giam giữ; nội dung lệnh trích xuất chưa đúng quy định; chậm thực hiện thủ tục tiếp nhận bị cam sau khi hủy án; lệnh, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng ghi không chính xác, thiếu thông tin.
Về vi phạm của cơ sở giam giữ, có hiện tượng sở quản lý cập nhật chưa đầy đủ thông tin, hồ sơ thiếu; thủ tục, tài liệu không bảo đảm theo quy định; chậm thông báo sắp hết thời hạn giam giữ cho cơ quan thụ lý; giải quyết đơn khiếu nại không đúng thời hạn, thẩm quyền; không lập biên bản giao nhận người bị tạm giam khi trích xuất; không thông báo cho cơ quan thụ lý vụ án; thân nhân của họ biết việc đưa người bị tạm gia đi điều trị bệnh; chậm hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đưa người bị kết án đi chấp hành án.
Về công tác quản lý, có hiện tượng phân loại, bố trí giam giữ không đúng quy định; công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, lục soát còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, dẫn đến đối tượng cất giấu, tàng trữ, sử dụng vật cấm tại buồng giam thực hiện hành vi trốn, tự sát; chưa bố trí cán bộ quản giáo nữ để quản lý, kiểm tra, lục soát người bị tạm giam là nữ...
Báo cáo số 397/BC-CP cũng nhận định: Các cơ sở giam, giữ đã quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm sát, giám sát, kiểm tra trong công tác tạm giữ, tạm giam. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện nhiệm vụ; kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc nảy sinh trong quản lý tạm giam, tạm giữ. Tăng cường công tác vũ trang bảo vệ; bảo đảm thực hiện các quyền và chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật. Các cơ sở giam giữ được bảo đảm an ninh, an toàn, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, các vụ việc gây rối, chống phá tập thể… qua đó, góp phần phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tuy nhiên, công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhất là người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn và áp lực rất lớn, chưa được giải quyết; vẫn còn tình trạng các đối tượng bị tạm giam, tạm giữ trốn, vi phạm pháp luật trong thời gian giam giữ...
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên là do đối tượng bị bắt đưa vào cơ sở giam, giữ thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ sự trừng phạt của pháp luật, quanh co chối tội, luôn tìm cách chống đối, trốn; một số đối tượng bi quan, mặc cảm, ân hận với tội lỗi do bản thân gây ra nên tìm mọi cách để tự sát; kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam còn hạn chế... Bên cạnh đó, do biên chế cán bộ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ còn thiếu; chế độ, chính sách đối với một số vị trí công tác chưa tương xứng trong khi môi trường làm việc rất độc hại, căng thẳng áp lực; chưa bố trí được cán bộ quản giáo nữ, cán bộ y tế ở nhiều nhà tạm giữ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Ngoài ra, thời gian qua, tại một số cơ sở giam giữ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cán bộ quản giáo, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và cả chiến sỹ nghĩa vụ thực hiện hành vi giúp sức, tạo điều kiện đưa vật cấm (như điện thoại di động, thuốc lá) vào khu giam, buồng giam cho người bị giam giữ sử dụng trái phép để trục lợi; có tình trạng chủ động liên hệ, tiếp xúc trái phép với thân nhân của người bị giam giữ để nhận lợi ích vật chất... Đối với một số cơ sở giam giữ, hạng mục công trình đã xuống cấp, chưa được đầu tư đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý giam giữ.
Do đó, theo tác giả, cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bị can, bị cáo trong các trại tạm giam, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác quản lý bị can, bị cáo trong các trại tạm giam.
Công tác quản lý bị can, bị cáo trong các trại tạm giam là hoạt động thực thi pháp luật về tạm giam nhằm tổ chức thi hành các quyết định của cơ quan và người tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền. Để thực hiện tốt công tác quản lý bị can, bị cáo đồng thời bảo đảm các quyền, lợi ích hợp của bị can, bị cáo, trước hết cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với thực tiễn và những chuẩn mực về quyền con người.
Hiện nay, công tác quản lý người bị tạm giam nói chung, quản lý bị can, bị cáo trong các trại tạm giam nói riêng được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, Bộ Công an còn ban hành một số văn bản điều chỉnh một số lĩnh vực trong tổ chức công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam nói chung, trong đó có bị can, bị cáo - là những người bị tạm giam. Những văn bản pháp luật này đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tổ chức quản lý bị can, bị cáo trong trại tạm giam. Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn hoặc chưa cụ thể, rõ ràng nên quá trình áp dụng còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý bị can, bị cáo trong các trại tạm giam, cụ thể là:
- Đối với việc khám sức khỏe cho bị can, bị cáo: Theo khoản 2 Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm “tổ chức khám sức khỏe”. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam nói chung, cho bị can, bị cáo nói riêng đòi hỏi cán bộ y tế phải có chuyên môn cùng với các phương tiện y tế cần thiết. Vì vậy, nếu quy định phải tổ chức khám sức khỏe cho bị can, bị cáo sẽ vô hình trung gây khó khăn cho các trại tạm giam. Vì vậy, cần quy định rõ hơn nội dung này để phù hợp với tình hình thực tế của các trại tạm giam.
- Đối với việc lập danh, chỉ bản của bị can, bị cáo: Theo khoản 3 Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm “chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam”. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về thời hạn lập danh bản, chỉ bản. Do vậy, có những trường hợp người bị can, bị cáo ở trong trại tạm giam trong thời gian dài nhưng chưa tiến hành lập danh bản, chỉ bản. Vì chưa có quy định cụ thể thời hạn nên có thể dẫn đến việc thực hiện không thống nhất. Do vậy, cần có hướng dẫn quy định rõ về thời hạn lập danh bản, chỉ bản để thống nhất trong việc thực hiện hoạt động này.
- Đối với việc xây dựng hồ sơ tạm giam đối với bị can, bị cáo: Điều 17 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam gồm “tài liệu khác có liên quan”. Tuy nhiên, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể đó là những tài liệu gì. Do đó, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất giữa các cơ quan hoạt động tố tụng hình sự; đôi lúc gây khó khăn trong quá trình áp dụng để làm căn cứ yêu cầu cơ sở giam giữ thực hiện. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về “tài liệu khác có liên quan” bao gồm những tài liệu nào.
- Đối với việc trích xuất và bàn giao bị can, bị cáo trong thời gian trích xuất: Khoản 4 Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: “Cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải. Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm bàn giao người được trích xuất cho người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất. Việc giao nhận phải được lập biên bản”. Theo đó, việc trích xuất bị cáo đang bị tạm giam đi xét xử phải có ít nhất bốn biên bản bàn giao: Biên bản cơ sở giam giữ giao người bị tạm giam cho lực lượng áp giải khi trích xuất ra khỏi cơ sở giam giữ; biên bản bàn giao giữa lực lượng áp giải với thẩm phán chủ tọa phiên tòa (người có thẩm quyền trích xuất); biên bản giữa người có thẩm quyền trích xuất với lực lượng áp giải sau khi kết thúc phiên tòa; biên bản giữa lực lượng áp giải với cơ sở giam giữ sau khi kết thúc việc áp giải. Theo quy định hiện hành, cơ quan có nhiệm vụ áp giải phối hợp với cơ sở giam giữ và người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất quản lý người bị trích xuất. Đồng thời, đề cập việc trích xuất bị can, bị cáo ra ngoài trại tạm giam, cơ quan áp giải phải có kế hoạch áp giải, quản lý; trường hợp trích xuất nhiều người, tội phạm rất nghiêm trọng... thì cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải phải có kế hoạch để bảo đảm tuyệt đối an toàn. Như vậy, việc quản lý, bảo đảm an toàn cho bị can, bị cáo ra khỏi trại tạm giam đều do lực lượng áp giải thực hiện và chịu trách nhiệm và trên thực tế thì chỉ lực lượng đó mới có đủ khả năng để quản lý và bảo đảm an toàn cho bị can, bị cáo. Do đó, việc lập biên bản bàn giao người cho người có thẩm quyền trích xuất là không cần thiết và người có thẩm quyền trích xuất (trong trường hợp là thẩm phán) cũng không đủ khả năng để quản lý, bảo đảm an toàn cho bị can, bị cáo trong suốt thời gian trích xuất.
- Đối với trả tự do cho bị can, bị cáo: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 theo hướng: Giám thị trại tạm giam có quyền từ chối việc thi hành lệnh, quyết định tạm giam, trả tự do khi có căn cứ xác định là trái pháp luật. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng vi phạm quy định pháp luật về tạm giam, bảo đảm quyền của công dân. Mặt khác, việc trao quyền cho giám thị trại tạm giam từ chối việc thi hành lệnh, quyết định tạm giam, trả tự do khi biết là trái pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc ra lệnh, phê chuẩn lệnh, quyết định tạm giam, trả tự do cũng như trách nhiệm của trại tạm giam trong thi hành quyết định tạm giam hoặc trả tự do cho bị can, bị cáo. Thực tế có trường hợp giám thị trại tạm giam đã thông báo việc hết hạn tạm giam đối với đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án nhưng đến ngày hết thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án vẫn không ra quyết định (gia hạn, hủy bỏ hoặc thay thế). Trong khi đó, việc kiến nghị lên Viện kiểm sát chưa có kết quả. Đối với trường hợp này, tiếp tục giam giữ là tạm giam quá hạn, vi phạm các quyền của công dân. Do vậy, việc quy định theo hướng trên sẽ khắc phục tình trạng tạm giam quá hạn, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án và trách nhiệm của giám thị trại tạm giam trong việc giam giữ bị can, bị cáo.
Hai là, nâng cao công tác giáo dục, bồi dưỡng, sử dụng và chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh sát quản lý tạm giam.
Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ ở trại tạm giam, đặt lên ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng lực lượng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ ở trại tạm giam phải được tiến hành bằng nhiều hình thức, biện pháp có tính thiết thực, gắn liền với việc duy trì chế độ giao ban, sinh hoạt đơn vị, kiểm tra điều lệnh, trong việc tổ chức hoạt động đoàn thể, giao lưu, trao đổi, tọa đàm, giáo dục truyền thống để tăng cường tính kỷ luật, củng cố lập trường tư tưởng cán bộ, chiến sỹ, nhất là cán bộ, chiến sỹ trẻ, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.
Ba là, thực hiện nghiêm chỉnh, có hiệu quả các nội dung, biện pháp quản lý bị can, bị cáo.
Thực hiện đúng quy định và bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ của hoạt động tiếp nhận bị can, bị cáo. Quá trình tiến hành, cán bộ, chiến sỹ phải thực hiện đúng quy trình, kiểm tra, đối chiếu cẩn thận, tỉ mỉ giữa hồ sơ với đối tượng để phát hiện các sai sót. Tuyệt đối không được tiếp nhận bị can, bị cáo khi hồ sơ còn sai sót hoặc thiếu các giấy tờ, tài liệu. Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ ở trại tạm giam cần trao đổi thông tin với cán bộ bàn giao để nắm bắt được các vấn đề cần chú ý của bị can, bị cáo để phục vụ công tác quản lý đối tượng bảo đảm an toàn, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đồng thời bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ (trong trường hợp giam giữ đối tượng theo yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ các hoạt động tố tụng).
Bốn là, tiếp tục đầu tư, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý bị can, bị cáo trong trại tạm giam.
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả các dự án, đề án đã được phê duyệt như “Dự án đầu tư xây dựng cơ sở giam giữ”; dự án “Tổng thể về cải tạo, nâng cấp; trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ Công an các đơn vị, địa phương”. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại hệ thống các trại tạm giam; thực hiện hoàn chỉnh xây dựng, bổ sung về mẫu thiết kế công trình giam giữ và tiêu chuẩn hóa công trình quản lý giam giữ cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng đối tượng quản lý, giam giữ và điều kiện tự nhiên theo các vùng miền.
- Chủ động huy động, khai thác các nguồn vốn để đầu tư phát triển, nguồn vốn về an ninh, nguồn vốn của các dự án chuyên ngành, nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm bảo đảm đầy đủ, kịp thời và tiến hành sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí thường xuyên cũng như kinh phí đột xuất và nguồn kinh phí từ các nguồn khác để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, giam giữ bị can, bị cáo trong các trại tạm giam thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an) cần xây dựng kế hoạch và tổ chức tiến hành kiểm tra, khảo sát toàn diện thực trạng nhu cầu về cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của các trại tạm giam thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ đó, báo cáo, đề xuất Bộ Công an thiết kế tổng thể và xây dựng, sửa chữa hệ thống trại tạm giam trên phạm vi cả nước bảo đảm đầy đủ về số lượng buồng quản lý, giam giữ bị can, bị cáo và các công trình phụ trợ khác như phòng hỏi cung, phòng thăm gặp, bếp ăn, kho lưu ký... bảo đảm phòng, chống vi phạm của bị can, bị cáo; khu tạm giam tách biệt với khu tạm giữ, các buồng giam giữ phải bảo đảm về khoảng cách, có hệ thống tường ngăn cách và cách âm tốt giữa các buồng giam, khu giam; vọng gác, chòi gác, tường rào bảo vệ của trại tạm giam và các buồng giam, nhà kỷ luật kết cấu phải bảo đảm vững chắc, kiên cố, đúng mẫu thiết kế, không để bị can, bị cáo cũng như các đối tượng khác lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm như trốn, chống phá, cất giấu vật cấm...
- Trang bị, lắp đặt, từng bước hiện đại hóa và khai thác, sử dụng đồng bộ, có hiệu quả hệ thống các phương tiện kỹ thuật, như: Hệ thống camera giám sát, ghi âm, hệ thống báo động, hệ thống báo trốn, valy test nhanh ma túy, máy phá sóng điện thoại, máy dò kim loại, cổng từ và các phương tiện để giám sát, theo dõi, kiểm tra khác (cả công khai và bí mật); trang bị đầy đủ, có chất lượng, phù hợp với từng lĩnh vực công tác chuyên môn của cán bộ ở trại tạm giam các thiết bị văn phòng, công nghệ thông tin, phần mềm quản lý thông tin bị can, bị cáo... để phục vụ công tác nắm tình hình, thu thập các thông tin sử dụng cho hoạt động lấy lời khai, hỏi cung, đối chất, nhận dạng.
Trong điều kiện khó khăn về vấn đề kinh phí hiện nay, trước mắt, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình dự án về xây dựng, cải tạo nâng cấp các trại tạm giam đã được phê duyệt, qua đó góp phần giảm bớt sự quá tải, chật chội trong công tác quản lý bị can, bị cáo; cải thiện về điều kiện giam giữ bị can, bị cáo cũng như các điều kiện làm việc, sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ ở trại tạm giam. Đối với công trình giam giữ, các trại tạm giam phải khẩn trương thực hiện kiểm tra, đánh giá lại tất cả các hạng mục công trình giam giữ nhằm phát hiện, khắc phục những chỗ không hợp lý trong thiết kế ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, chiến đấu, bảo đảm an ninh, an toàn trại tạm giam.
Năm là, sử dụng linh hoạt biện pháp giáo dục, thuyết phục cảm hóa, kết hợp với thực hiện nghiêm chỉnh chế độ, chính sách đối với bị can, bị cáo nhằm tạo tâm lý, tư tưởng ổn định, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trại tạm giam.
Tâm lý học đã khẳng định rằng, trong sự hình thành, phát triển nhân cách con người, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng, thậm chí có tính quyết định đến sự hình thành, phát triển nhân cách cá nhân. Thông qua các hoạt động giáo dục, các chủ thể giáo dục có thể hình thành cho đối tượng được giáo dục những phẩm chất tâm lý tích cực, đồng thời cũng có thể uốn nắn, sửa chữa những phẩm chất tâm lý tiêu cực theo hướng đòi hỏi, mong muốn của xã hội và phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Trong công tác quản lý bị can, bị cáo, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, biện pháp để quản lý giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ bị can, bị cáo, góp phần quan trọng, thậm chí quyết định đến tiến độ, hiệu quả quá trình giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ. Thông qua giáo dục, thuyết phục, cảm hóa bị can, bị cáo, sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, tâm tư, tình cảm của bị can, bị cáo, từ đó có thể làm thay đổi hành vi của bị can, bị cáo và hình thành trạng thái tâm lý tích cực, hành vi chuẩn mực; không những giúp bị can, bị cáo yên tâm, tin tưởng, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, mà còn tạo động cơ khai báo, tố giác thành khẩn, chủ động, tích cực của bị can, bị cáo.
Công tác quản lý bị can, bị cáo trong các trại tạm giam là hoạt động thực thi pháp luật, đồng thời là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng chức năng, có vai trò quan trọng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án phạt tù hoặc tử hình. Quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ bị can, bị cáo trong các trại tạm giam vừa có tác dụng ngăn chặn tội phạm, vừa bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thời gian, điều kiện thuận lợi để tiến hành các hoạt động tố tụng nhằm chứng minh tội phạm và xử người phạm tội trước pháp luật. Do đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về tạm giam, đồng thời, nâng cao chất lượng thực thi các quy định của pháp luật về tạm giam là vấn đề cần thiết và ý nghĩa.
ThS. Phạm Đức Huyên
Học viện Cảnh sát nhân dân
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023